Home 100 Năm Tin Lành VN Mưa Nước Trời – Khải Tượng 100 Năm

Mưa Nước Trời – Khải Tượng 100 Năm

by Ban Biên Tập
30 đọc


Vào dịp Trung Thu năm 2007, tôi có cơ hội đến truyền giảng và bồi linh cho các công nhân  trẻ và một số Hội Thánh Việt Nam tại Hàn Quốc. Tiếp thu từ đời sống siêng năng cầu nguyện của người Cơ Đốc Hàn, các mục sư và các sinh viên thần học Việt Nam thường tổ chức những chương trình truyền giảng, bồi linh và đêm cầu nguyện cho quê hương Việt Nam đượm đầy tình yêu non sông đất nước. Diễn giả cho những chương trình này thường là những mục sư đến từ Mỹ Quốc hoăc đến từ Việt Nam. Ngày cuối cùng của kỳ trại năm ấy cũng là đêm cầu nguyện cho Việt Nam. Sau hai suất thờ phượng trong cùng một ngày vừa chấm dứt, các trại sinh và tôi con Chúa bước ngay vào đêm cầu nguyện. Chương trình cầu nguyện bắt đầu lúc 21:00h.

Lời hát từ bài Thánh nhạc “Giọt Nước Mắt Cho Những Linh Hồn” vang lên như hồi chuông dấy lên tinh thần sống đạo và cùng hướng về quê cha đất mẹ.

“Đêm nguyện cầu với bao giọt lệ

Với bao nghẹn ngào vỡ tan

Ngài thấu những nỗi khát khao

Ngài biết trái tim mong chờ

Lạy Chúa xin hãy đến mau – Thần Linh Thánh!

Ngài thấy những nước mắt rơi

Ngài cất chúng trong ve Ngài

Phục hưng chúng con hỡi Cha (để) cứu tội nhân.

Lạy Chúa Cha rủ lòng xót thương

Người Việt lầm than cô đơn trong chốn ô tội

Và, Cha hỡi xin thứ tha cho dân tộc con

Xin phá tan bao xích xiềng mang và bóng tối…

Sau những phần chia sẻ và tường trình về những thông tin về các nhu cầu công việc nhà Chúa tại Việt Nam, mọi người cùng quỳ gối cầu nguyện, thiết tha kêu cầu Chúa rồi cùng nhau ăn năn về những sai phạm của mình trong đời sống thuộc linh. Đã có rất nhiều những tiếng khóc thầm chen lẫn những lời ăn năng lớn tiếng hòa chung với những tâm tình ngợi khen cảm tạ cứ thế mà tiếp tục vang lên từ một ngôi nhà nguyện tại một ngọn đồi được bao phủ bởi rừng cây xanh.

Một tiếng đồng hồ trôi qua, khi tiếng cầu nguyện nhỏ dần, người dẫn chương trình được sự cảm động đã lớn tiếng mời gọi các trại sinh hãy cùng chia sẻ những gì họ vừa cảm nhận được trong khi tương giao và cầu nguyện trước Chúa. Một số trại sinh đã mạnh dạn bày tỏ lời Chúa đã phán cùng họ qua những câu Kinh Thánh như nghe rõ bên tai khi hướng về Nước Chúa và quê hương Việt Nam. Một số trại sinh khác đứng lên chia sẻ khải tượng cùng với những hình ảnh mà Thánh Linh Chúa bày tỏ trong lòng. Dường như tất cả những điều mà các tôi tớ Chúa cùng các trại sinh đón nhận được trong đêm đó quay quanh một hình ảnh chung: “Cánh đồng đã vàng cho mùa gặt. Vậy hãy cầu xin Chúa của mùa gặt sai nhiều con gặt đến để kịp thời gặt lúa cánh đồng vàng”.

Tôi nhìn đồng hồ lúc ấy đã là 12:30 sáng. Thể xác tôi tuy có mệt nhưng tinh thần và tâm linh đang được đong đầy bởi những khao khát cho một khải tượng lớn trên quê hương Việt Nam. Bất chợt tôi thiếp đi lúc nào không hay đến khi tỉnh lại nhìn đồng hồ thì nhận biết rằng mình vừa ngất đi khoảng đôi ba phút. Trong đôi ba phút ấy, Đức Chúa Trời đã cho tôi nhìn thấy một hình ảnh rất cụ thể với những chi tiết và màu sắc sống động hiện ra trước mắt tôi như ban ngày. Tuy chưa hiểu rõ nội dung của những chi tiết trong khải tượng mang ý nghĩa gì, nhưng tôi cũng đã đứng lên và chia sẻ với mọi người điều mình vừa nhìn thấy trong một khải tượng thiêng liêng. Tôi đã thấy một tòa nhà hội thánh to lớn, cao và đẹp. Tòa nhà ấy có hai phần: Một phần được xây dựng bởi những viên gạch xám xanh cùng với những viên đá quý mang màu sắc thanh cao và tươi nhã. Còn phần kia là những chiếc ghế sắt màu nâu được sắp xếp như thể của những buổi nhóm thờ phượng nho nhỏ tại tư gia. Cũng trong  hình ảnh đó, tôi đã tận mắt nhìn thấy những hạt mưa to lớn từ trời rơi xuống làm ướt hết những chiếc ghế sắt. Điều khó hiểu là không nhìn thấy một ai trong khải tượng đó.

Sáng hôm sau khi đang ngẫm nghĩ về khải tượng đêm qua, tôi đã dùng thời gian tĩnh nguyện để tìm kiếm ý nghĩa mà mình đã nhìn thấy. Tôi cảm nhận được đôi điều về ý nghĩa của tòa nhà Hội Thánh. Tuy tòa nhà đó được làm bởi hai phần nhưng trước mặt Chúa chúng chỉ hiệp lại là Một Thân trong Chúa. Cơn mưa là sự bày tỏ một cuộc phục hưng lớn sẽ xảy đến. Khi suy ngẫm về câu hỏi tại sao không có ai trong hình ảnh đó thì Thánh Linh Chúa đã phán ngay trong lòng câu trả lời rằng khi việc này xảy ra để mọi người nhận biết rằng “ ấy chẳng phải bởi năng lực hoặc bởi quyền thế, mà là bởi Thần của Đức Giê-hô-va”. Cuộc phục hưng lớn này xảy ra chẳng phải bởi sức người mà là bởi Thần của Chúa để mọi người luôn mặc lấy tinh thần hạ mình nhu mì trước Chúa.

Ngày kế tiếp, trước khi ra phi trường để trở về lại Mỹ, tôi được đưa đến viếng thăm thánh đường Yoido do mục sư Yonggi Cho quản nhiệm. Khi vừa bước chân vào thánh đường, tôi cảm nhận được sự trang nghiêm và thiêng liêng của một hội thánh có số tín hữu đông nhất trên trái đất. Tiếng cầu nguyện vang lên từ một căn phòng cao suốt ngày và đêm. Khi đi qua một số các hành lang của tòa thánh đường được biết đến khắp nơi trên thế giới, tôi ngạc nhiên đến sững sốt khi nhìn thấy những viên gạch cùng với những viên đá quý giống tựa như trong hình ảnh mình đã nhìn thấy trong khải tượng. Khi đưa mắt nhìn qua những hàng ghế ở từng lầu 1 thì tôi lại càng không tin vào mắt mình. Cố nhìn kỹ để không lầm tưởng mình vẫn còn đang trong khải tượng vì ở một góc nhỏ của lầu 1, tôi nhìn thấy có những chiếc ghế sắt màu nâu mà mình đã nhìn thấy trong khải tượng đêm qua. Tôi quay sang hỏi người bạn mục sư về những tâm tình hay bất kỳ khải tượng nào mà các Hội Thánh Hàn Quốc đang cầu nguyện? Người bạn đáp rằng các Hội Thánh Hàn Quốc sau khi trải qua 100 năm Phục Hưng thì họ đang ở trong tình trạng bão hòa. Chính vì vậy mà trong suốt năm 2007, các Hội Thánh tại Hàn Quốc đang miệt mài cầu nguyện cho một cuộc Phục Hưng lớn cho các Hội Thánh Hàn Quốc trong 100 năm kế tiếp.

Ban đầu con số 100 năm chưa có tác động mạnh mẽ trên tư tưởng của tôi nhiều. Nhưng trong những tháng gần đây khi nghiên cứu về lịch sử Hội Thánh Việt Nam và cũng để chuẩn bị cho chuyến tham dự kỳ lễ trọng đại kỷ niệm 100 năm Tin Lành tại Đà Nẵng, con số 100 đã thách thức tôi về khải tượng mà mình đã trông thấy khi đang cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam cùng với các tôi tớ Chúa và các trại sinh trên ngọn núi của xứ Hàn. Tôi bắt đầu cảm nhận được hình ảnh 100 năm cùng với một cơn mưa từ Trời đổ xuống càng trở nên sống động và là một thực tế không còn bao xa cho Hội Thánh Việt Nam.  Những gì Chúa cho thấy thì cũng chính Ngài sẽ hoàn thành nhưng điều ưu tư là Hội Thánh Việt Nam sẽ chuẩn bị để đón nhận cơn mưa thuộc linh này như thế nào? Hình ảnh một tòa nhà tuy hai mà một nói lên tinh thần hợp tác, tương thân tương trợ, hiệp một với nhau từ các tôi tớ đến các tín hữu, rời đến các Hội Thánh và các giáo phái cùng chung gặt lúa cánh đồng vàng. Duyệt lại lịch sử Hội Thánh từ thế kỷ đầu tiên cho đến nay, bất kỳ cuộc Phục Hưng vĩ đại nào cũng luôn đi kèm với tinh thần hợp tác và hiệp một trong Chúa.

Hội Thánh Việt Nam sẽ dâng lên Cha Thiên Thượng điều gì trong kỳ đại lễ 100 Tin Lành trên quê hương? “Ta sẽ đem vật gì chầu trước mặt Đức Giê-hô-va và quỳ lạy trước mặt Đức Chúa Trời rất cao? Ta sẽ đến trước mặt Ngài với những của lễ thiêu và với những bò con giáp niên sao? Đức Giê-hô-va há có thích những hàng ngàn chiên đực hay là hàng vạn sông dầu sao? Ta há nên dâng con đầu lòng của ta về sự phạm pháp ta, và trái của than thể ta vì tội lỗi linh hồn ta sao? Hỡi Người! Ngài đã tỏ cho  ngươi điều gì là thiện; điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhân từ, và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?”

Trải qua 4 ngàn năm văn hiến, dân tộc Việt Nam được biết đến khắp nơi trên thế giới qua những thiên sử chống ngoại xâm bằng những chiến thắng hào hùng đến từ tinh thần đại đoạn kết mà ít có dân tộc nào sánh bằng. Nhưng cũng chính bởi cái bề dầy của dòng lịch sử ấy mà dân tộc Việt đã không tránh khỏi mưu kế của kẻ thù (Satan) muốn chia cắt đất nước nhằm hủy diệt sức mạnh đoàn kết vốn đã có trong tiềm năng con người. Bên cạnh cái màu sắc phong phú của ba miền Nam, Trung, Bắc, người Việt cũng không tránh khỏi những so đo, ganh tị, và phân biệt trong vòng các tôi tớ Chúa ,các Hội Thánh, các hệ phái, người Kinh hay người Thượng (không nhiều thì ít) trong đời sống hằng ngày. Âu có lẽ đây là cái tội chung của chúng ta. Trước thềm của một thế kỷ thuộc linh mới trên quê hương, người Việt không những từ ba miền không thôi mà khắp nơi trên trái đất sẽ hội tụ cùng nhau tại mảnh đất Quảng Nam “ chưa mưa đã thấm” và sâu nặng nghĩa tình. Chúng ta sẽ đứng chung thờ phượng Chúa với nhau như không còn khoảng cách nào phân chia nữa, và không còn sự phán xét nào cho những kẻ thuộc về Chúa Giê-su. Ý nghĩa của tên gọi “Quảng Nam” quả thật bày tỏ được Ý Trời cho quê hương đất nước: vùng Trời mở rộng để mọi người cùng hướng về nước (phía) Nam- Cái Nôi của Tin Lành.

Hội Thánh Việt Nam hãy cùng lắng nghe và làm theo lời Kinh Sử rằng: “Ban đêm Đức Giê-hô-va có hiện đến mà phán rằng: ‘Ta có nghe lời cầu nguyện…, và đã chọn nơi này làm một nhà tế lễ. Nếu ta đóng các tầng trời lại, không cho mưa xuống, khiến cào cào phá hại thổ sản, và giáng ôn dịch giữa dân sự Ta; và nhược bằng dân sự Ta là dân gọi bằng danh Ta, hạ mình xuống cầu nguyện, tìm kiếm mặt Ta, và trở lại, bỏ con đường tà thì Ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ họ khỏi tai vạ. Bây giờ mắt Ta sẽ đoái xem, lỗ tai Ta sẽ lắng nghe lời nào cầu nguyện tại nơi này; và bây giờ Ta đã chọn và khiến cho cái nhà này ra Thánh, hầu cho danh Ta ngự đó đời đời; mắt cùng lòng Ta sẽ ở đó luôn luôn”.

Mưa từ trời sẽ đổ xuống trên quê hương đất Việt. Hội Thánh Việt Nam sẽ cùng hợp tác và sánh vai với các Hội Thánh khắp bốn bể năm châu khi chúng ta đi trước mặt Đức Giê-hô-va và làm theo mọi điều Ngài phán dạy, gìn giữ luật lệ và giới mạng của Ngài rằng: hãy hết lòng yêu kính Chúa là Đức Chúa Trời và yêu kẻ lân cận như yêu chính bản thân mình. Nước Việt sẽ vững bền, dân tộc Việt sẽ không thiếu nhân tài để quản trị quốc gia.

Hỡi anh chị em rất yêu dấu, hãy có đồng một tâm tình như Chúa Giê-su đã có. “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã từ bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự”.


Mục Sư Đặng Phúc Ánh – NorthWood church

Bài vở cộng tác góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like