Home 100 Năm Tin Lành VN Cố MS Lê Hoàng Phu – Người Tận Hiến Trọn Đời Cho Chúa Và Cho Dân Việt

Cố MS Lê Hoàng Phu – Người Tận Hiến Trọn Đời Cho Chúa Và Cho Dân Việt

by Ban Biên Tập
30 đọc

Ngoài nhiều tài liệu quý báu khác, MS Lê Hoàng Phu đã biên soạn quyển “Lịch Sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam 1911-1965)”. Nhân kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam, Hoithanh.com xin giới thiệu bài viết “Đời sống và chức cụ của MS Lê Hoàng Phu (1926-2003)” do MS Lê Văn Sanh (em trai MS Phu) gởi đến từ Hoa Kỳ. Bài viết được sử dụng trong tang lễ của MS Phu năm 2003. Mong rằng qua tiểu sử của MS Phu, tôi con Chúa khắp nơi sẽ hiểu thêm về tấm lòng và công khó của vị tôi trung của Chúa này và hết lòng noi gương tiền nhân để Hội Thánh Việt Nam có thêm nhiều MS Lê Hoàng Phu khác nữa.


Mục sư Lê Hoàng Phu sinh ngày 17 tháng 6 năm 1926 tại Đà nẵng, Trung Phần Việt Nam, trưởng nam của hai cụ Mục sư Lê văn Long, lúc bấy giờ hầu việc Chúa tại Nam Phần, vừa trở về Trường Kinh Thánh Đà nẵng học năm tốt nghiệp(1926-1927).

Năm 1938, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam được Chúa ban một cơn Phấn hưng lớn: Chúa đưa Tấn sĩ Tống Thượng Tiết, một đầy tớ trung thành của Ngài, đầy dẫy quyền năng Thánh Linh, từ Trung Hoa sang Việt Nam giảng cho Hội Đồng Tổng Liên Hội tại Vĩnh Long, Hội Đồng Phục Hưng tại Đà Nẵng và Hà Nội. Lúc ấy, hai cụ Mục sư Lê văn Long đã về hầu việc Chúa tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng.

Cậu Lê Hoàng Phu lên 12 tuổi, đi nghe giảng suốt mấy ngày Hội đồng. Vào một buổi tối, Tấn sĩ Tống Thượng Tiết đặc biệt kêu gọi và cầu nguyện cho các thiếu niên thiếu nhi. Cậu Phu được Tấn sĩ Tống đặt tay cầu nguyện. Lúc đó cậu được Chúa tái sinh, rồi vui mừng nhận lá cờ thập tự, biểu hiệu về việc làm chứng cho Chúa Jesus. Từ đó cậu ưa thích lời Chúa, siêng năng cầu nguyện. Những ngày nghỉ học, cậu thường ở trong phòng cầu nguyện cho đến trưa, bỏ cả ăn sáng.

Ms_Le_Van_Long

MS Lê Văn Long và gia đình (cậu bé Lê Hoàng Phu mặc áo dài đên bên phải)

Năm 1946, cậu Phu tốt nghiệp Trung học tại Huế.  Nhưng vào cuối năm ấy, chiến tranh Pháp Việt đã lan đến Bắc và Trung Việt, gia quyến cụ Mục sư Lê văn Long phải đi lánh nạn tại Tam Kỳ. Tại đây, một biến động lớn đã xảy ra trên đời sống cậu Lê Hoàng Phu: Khi đọc sách giải nghiã về sự hy sinh của Chúa Jesus và khổ nạn Ngài đã chịu theo tiên tri Ê-sai 53:4-5 “Người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta…. Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương; bởi sự sửa phạt Người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi Người chúng ta được lành bệnh….” cậu Lê Hoàng Phu bị Chúa cáo trách, nhiều đêm  ngày nằm trong nhà thờ Tam Kỳ cầu nguyện khóc lóc ăn năn. Sau đó cậu đến với những người xung quanh, xin tha thứ những lỗi mình đã phạm và viết nhiều thư tạ lỗi, gửi đến những người ở nơi xa… Mọi người đều nhận thấy cậu Phu đã được Chúa biến đổi: tính tình hiền hoà, khiêm tốn, sẵn lòng chịu khổ để giúp đỡ anh em, bạn hữu, tha nhân, siêng năng đi truyền bá Phúc Âm, dắt đưa đồng bào đến với Chúa.

Năm 1947, gia quyến cụ Mục sư Lê văn Long hồi cư về Đà nẵng. Qua năm 1948, Trường Kinh Thánh được mở lại sau ba năm đóng cửa vì chiến tranh. Bấy giờ cậu Lê Hoàng Phu đã 22 tuổi, không bàn tính thiệt hơn, liền nộp đơn xin học, vì đã quyết tâm dâng mình cho Chúa. Trong những năm học tại Trường Kinh Thánh, Lê Hoàng Phu thường để riêng thì giờ dịch các sách hữu ích như sách “Bởi Thần Ta” (By My Spirit) của Tấn sĩ Jonathan Goforth, và soạn dịch “Thánh Kinh Tự Điển” v.v.

Sau khi tốt nghiệp Trường Kinh Thánh năm 1951, thầy Lê Hoàng Phu được bổ nhiệm làm Truyền Đạo tại Hội Thánh Huế. Với chiếc xe đạp cũ kỹ, người Truyền Đạo trẻ tuổi đã đạp đi khắp thành phố Huế và các vùng ngoại ô, như An Cựu, Bao Vinh, Bến Ngự, Kim Luông, Thiên Mụ …. phát sách và làm chứng về Tin Lành cứu rỗi.  Năm 1954, Truyền Đạo Lê Hoàng Phu được tấn phong Mục sư. Trong lời cám ơn đăng trên Thánh Kinh Báo tháng ấy, ông viết : “Xin Qúy vị cùng các Hội Thánh cứ cầu thay cho chức vụ tôi, để tôi có thể dắt đưa nhiều tội nhân đến với Chúa Jesus…”  “Dắt đưa nhiều tội nhân đến với Chúa Jesus” là mục đích chính của Mục sư Lê Hoàng Phu. Trong những năm hầu việc Chúa ở Huế, Mục sư Phu còn viết nhiều sách Truyền bá Phúc Âm cho đến khi đi du học.

Năm 1957, Mục sư Lê Hoàng Phu được Hội Thánh cử đi du học tại Nyack College, New York, Hoa Kỳ là trường chính của Hội Truyền Giáo C&MA, đào tạo các giáo sĩ để gửi đi nhiều nước trên thế giới, kể cả Việt Nam. Năm 1959, Mục sư Phu tốt nghiệp, trở về Việt Nam và được Tổng Liên Hội bổ nhiệm làm giáo sư Trường Kinh Thánh Đà nẵng. (Qua năm sau, Trường dời vào Nha Trang và trở thành Thần Học Viện).

Sau khi tốt nghiệp ở Nyack Missionary College, Mục sư Phu về Việt nam bằng đường thủy, đi qua Âu Châu và Biển Đỏ. Trên chuyến đi này, Chúa đã dùng Mục sư Phu làm vinh hiển danh Ngài.

Về đến Việt Nam, Mục sư Phu đi thăm viếng nhiều Hội Thánh trước khi về dạy Thần Học Viện. Trên những chuyến đi từ Trung vào Nam Việt, dọc đường, Mục sư Phu truyền giảng Tin Lành, giảng bồi linh phấn hưng ở nhiều nơi. Đức Thánh Linh đã dùng Ông rất mạnh mẽ. Nhiều người được Chúa cứu, được Chúa thay đổi. Cũng có nhiều người quyết định dấn thân hầu việc Chúa.

Ví dụ như khi đến Hội Thánh Cần Thơ, có một thiếu nữ được Chúa Thánh Linh tác động, nên sau khi  qua Hoa kỳ, đi hầu việc Cha rất có ơn. Chồng Cô này cũng là một người được Mục sư Phu dắt dẫn, dâng mình hầu việc Cha,  về sau Mục sư này đã đứng trong hàng lãnh đạo của Giáo hạt Tin-Lành Hoa Kỳ.

Năm 1960, một Giáo sĩ CMA người Mỹ đã viết: “During the past year, Phu has ministered in many churches with a typical full speaking schedule of over fifty meetings in three weeks. Through his simple exaltation of Christ from the Word, hundreds has been into a new and vital contact with the Lord Jesus.”

Trước đó Giáo sĩ này đã từng hãnh diện về chức vụ của mình, nhưng sau khi nghe Mục sư Phu giảng, Ông ta đã ăn năn và trở thành một người khiêm nhường hầu việc Cha.

Một Giáo sĩ khác, trong một lần viếng thăm Hội đồng thường niên thứ 30 của Giáo hạt Tin Lành Hoa kỳ, cũng làm chứng: “Trước kia, tôi có cái nhìn sai lầm về việc làm Giáo sĩ. Nhưng khi nghe Mục sư Phu giảng, tôi đã thay đổi thái độ.”

Một Mục sư Việt Nam đang hầu việc Chúa tại Hoa Kỳ cũng nói: “Đức Thánh Linh đã dùng Mục sư Phu rất mạnh mẽ ở Việt Nam, đưa nhiều người vào con đường phục vụ Cha”. Theo Mục sư này, hầu hết những thanh niên đã nghe Mục sư Phu giảng đều được cảm động và dâng mình hầu việc Cha.

Ngoài trách nhiệm ở Thần Học Viện, Mục sư Phu còn giữ chức vụ tổng Thư ký Ban Trị sự Tổng Liên Hội, từ năm 1960 đến năm 1965.

Năm 1965, ông được Hội Thánh cử đi du học lần thứ hai, tại Wheaton College, Illinois, và tốt nghiệp MA vào năm 1967. Ngay sau đó, Mục sư Phu đến học chương trình Ph.D. tại New York University, NY cho đến đầu năm 1968 thì trở về nước và tiếp tục dạy Thần Học Viện Nha Trang.

Mục sư Phu trở lại New York University, trình luận án và nhận văn bằng Ph.D. vào năm 1972, rồi trở về Nha Trang, làm Giám đốc Học vụ (Academic Dean) của Viện Thần Học cho đến tháng Tư năm 1975.

Trong những năm hầu việc Chúa tại Thần Học Viện Nha Trang, Mục sư  Phu có soạn các sách :

–          Thần Học Lịch sử,

–          Thần Học Thánh Kinh

–          Thần Học Thực hành

–          Thần học Hệ thống

–          Lịch sử Phấn Hưng (Mục sư Phu luôn luôn tha thiết cầu xin Chúa Thánh Linh phấn hưng Hội Thánh của Ngài);

–          Các sách Giải Kinh, như Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-líp, Công vụ v.v.

Từ tháng Năm năm 1975, Mục sư Lê Hoàng Phu định cư tại Whittier, California và thực hiện các công việc :

–          Truyền giảng Phúc Âm về Việt Nam, qua đài FEBC,

–          Điều khiển Chương trình Huấn luyện thành phần Lãnh đạo tại Việt Nam (Leadership Training Program),

–          Cộng tác trong việc truyền giảng cho đồng bào tại các nước Đông Âu,

–          Điều khiển Chương trình Điện thoại Phúc Âm, dùng điện thoại truyền giảng tại Bắc Mỹ và Âu châu,

–          Thăm viếng các Hội Thánh, Truyền giảng Lời Chúa tại Bắc Mỹ, Âu châu và Úc châu,

–          Cộng tác với một số Mục sư Việt và Mỹ, mở Thần Học Viện tại Garden Grove, CA.

–          Cộng tác với một số anh em thành lập World Evangelistic Association.

–          Cộng tác với một số anh em, dịch toàn bộ Kinh Thánh theo phương pháp của Living Bible International. Tân ước xuất bản năm 1982, Cựu ước và Tân ước xuất bản năm 1994.

–          Cộng tác với một số anh em trong việc dịch Kinh Thánh theo đường lối của Unitied Bible Societies,

–          Từ năm 1995 đền gần đây, tiếp tục cộng tác duyệt lại các bản dịch Kinh Thánh.

Bản Kinh Thánh Tân Uớc dịch sát nguyên văn Hy lạp được xuất bản và phổ biến ở Việt Nam từ năm 2005, chủ yếu dành cho các cuộc truyền giảng, cũng như cho việc nghiên cứu lời Chúa.

Mục sư Lê Hoàng Phu tự nguyện không lập gia đình, không có con cái, để dâng trọn đời sống, tâm hồn và thì giờ của mình cho Chúa. Tuy nhiên tất cả các cháu của Mục sư, không trừ một cháu nào, đều kính yêu Mục sư như cha ruột của mình.

Đời sống của Mục sư Phu là đời sống thanh bạch, “an bần lạc đạo.” Tính tình Mục sư Phu trang nghiêm, đứng đắn. Nhưng ông cũng rất nhạy cảm, luôn luôn cảm thông, chia sẻ nổi khốn khó, khổ đau của người khác. “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Lo trước cái lo của người, vui sau cái vui của người).

Một đặc điểm của Mục sư Phu là ông chỉ thấy cái tốt nơi người khác và hầu như không hề thấy cái xấu của ai cả. Lời nói ông luôn luôn thân mật, dịu dàng; ông không hề nặng lời với ai, không hề trách mắng ai, dù là người có lỗi mà chỉ bày tỏ tình thương và cầu xin Chúa cảm hóa họ.

Trong thời gian ở Hoa Kỳ, Mục sư Phu đi thăm viếng Bắc Mỹ, Âu Châu, Úc Châu; cùng với anh em đi Truyền giáo Đông Âu, Liên xô, và đi huấn luyện nhiều người trở thành tôi tớ Chúa. Đến nay, họ vẫn đang phục vụ Cha ở nhiều nơi trên khắp thế giới.

Trong khi đau yếu, Mục sư  Lê Hoàng Phu đã giữ chức vụ cầu thay, theo tinh thần của tiên tri Giô-ên 2:17 làm thầy tế lễ “khóc giữa khoảng hiên cửa và bàn thờ để kêu cầu : ‘Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy tiếc dân Ngài”. Ông đã tích cực cầu thay cho các tôi tớ, con cái Chúa, cho các Hội thánh của người Việt Nam và của các đồng bào sắc tộc tại Việt Nam. Mục sư Phu cũng đã chủ trương công cuộc Truyền giảng Phúc Âm khắp thế giới. Đặc biệt ông nhớ tên từng sắc tộc, dân số, nơi sinh hoạt và Hội thánh của họ. Dù thân thể mòn mỏi, nhưng tạ ân Chúa đã ban cho Mục sư Phu một tinh thần sáng suốt, một trí óc minh mẫn để nhớ tên nhiều người ở mọi nơi, cùng với nhiều vấn đề khác nhau để cầu thay.

Chiều Thứ Năm ngày 30 tháng Một năm 2003, Chúa Jesus đã đẹp lòng đón tiếp đầy tớ Ngài về Thiên đàng để ở bên Chúa đời đời.

Sự ra đi của Mục sư Lê Hoàng Phu chẳng những thiệt thòi cho Hội thánh ở hải ngoại, “mà còn là một mất mát lớn cho Hội thánh Việt Nam trong nước” (theo lời một Mục sư từ Viện Thánh Kinh Thần Học Việt Nam). “Mục sư Giáo sư là đầy tớ tận trung, tận hiến trọn đời mình cho Chúa, cho Hội thánh Việt Nam và cho chúng tôi là thế hệ nối tiếp” (theo lời một Mục sư từ Gia-lai, Tây Nguyên).

Với tinh thần của sứ đồ Phao-lô, trong Ga-la-ti 6:14  “Còn như tôi, tôi hẳn chẳng khoe khoang, trừ ra khoe về thập tự giá của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta; bởi thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh và tôi đối với thế gian cũng vậy.” Câu Kinh Thánh này đã cô đọng được “đời sống và chức vụ” của Mục sư Lê Hoàng Phu, là người sống nhờ thập tự giá của Chúa Jesus, sống vì thập tự giá và sống để công bố thập tự giá.

Nguyện xin Chúa dấy lên nhiều Lê Hoàng Phu khác cho Hội Thánh Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam trong thời đại cuối cùng này.

CTV

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like