Home Dưỡng Linh Nỗi Đau Của Sự Tha Thứ

Nỗi Đau Của Sự Tha Thứ

by Ban Biên Tập
30 đọc

 

 

Đã bao lần niềm tin của bạn vào tình bằng hữu bị đổ vỡ? Bao lần bạn cảm thấy mình bị coi thường, bị xúc phạm, bị lợi dụng, bị lừa dối… và rồi bạn tự hứa với lòng sẽ không bao giờ tha thứ cho một ai đó?

Hôm nay tôi chia sẻ với bạn về tình yêu thương. Bởi, tình yêu thương luôn song hành với sự tha thứ.

Có một câu chuyện kể rằng:

Người đầy tớ nọ mắc một món nợ khá lớn với chủ mình. Đến kỳ hẹn, ông chủ gặp người để tính sổ. Nhưng người vốn khó khăn, không có tiền để hoàn cho chủ. Nhìn thấy hoàn cảnh túng ngặt không lối thoát của người đầy tớ, ông chủ cảm thông và đồng ý tha hết số nợ lên đến cả trăm đồng tiền vàng cho anh ta. Anh ta vui mừng lắm, cảm ơn người chủ rối rít.

Ít ngày sau, đầy tớ này tình cờ gặp lại một người bạn cũ, là người trước đây có vay mượn của anh 5 xu chưa trả. Anh ta liền túm lấy cổ áo bạn và đòi cho bằng được dù bạn mình đang trong cơn túng thiếu. Chuyện này đến tai ông chủ – là người đã từng tha số nợ một trăm đồng tiền vàng. Ông chủ cảm thấy thất vọng về sự hẹp hòi của anh đầy tớ, bèn nói rằng: “Ta đã thương xót anh và tha món nợ lớn cho anh, lẽ nào anh lại không lấy đó làm gương để thương xót bạn mình mà xoá đi số nợ ít ỏi đó? Vậy ta sẽ không xoá nợ cho anh nữa vì anh chẳng xứng đáng được hưởng ân huệ.” Nói rồi, ông chủ sai người tống giam đầy tớ vào ngục cho đến chừng nào trả xong số nợ.

Đây là câu chuyện rất quen thuộc trong Kinh Thánh mà Chúa Jesus đã kể để dẫn chứng cho bài học về sự tha thứ. Chúa Jesus còn nói tiếp, rằng: “Nếu ai không hết lòng tha thứ cho anh em mình, thì Thượng Đế cũng sẽ đối xử với kẻ đó y như vậy.”

Chúng ta cũng giống như đầy tớ kia, đã được Chúa tha thứ mọi tội lỗi trong đời, và chính Ngài thậm chí đã trả giá cho sự tha thứ đó bằng cái chết trên thập tự. Nên nếu có ai đó làm ta thương tổn, khiến ta đau lòng, thất vọng đến nỗi không thể tha thứ, thì xin hãy nhớ rằng, chính Chúa Jesus cũng đã từng đau lòng gấp trăm lần hơn khi ta liên tiếp làm buồn lòng Ngài bởi những thói hư tật xấu của mình. Nhưng Ngài vẫn yêu thương ta vô điều kiện, và đã tha thứ cho ta “bảy mươi lần bảy”, sau đó thì tiếp tục yêu thương, tiếp tục buồn và tiếp tục tha thứ, sửa trị ta ngày một tốt hơn.

Nhưng liệu rằng ta có đủ xứng đáng để nhận lãnh sự tha thứ đó, khi mà lòng ta vẫn còn cố chấp với những sai phạm của anh em, bạn bè? Làm sao ta có thể vừa cầu xin Chúa tha tội cho mình mỗi tối, vừa lấy lòng căm giận mà đoán xét anh em? Làm sao ta có thể hát ca ngợi tình yêu thương của Chúa khi mà chính bản thân ta chưa thực sự bày tỏ yêu thương với người lân cận? Chúa đang phán với lòng ta điều gì? “Sao ta có thể tha tội cho con, khi mà chính con không chịu giảng hoà với anh em của con?” Đúng thế, tình yêu thương trong Chúa Jesus là tình yêu thương thực tiễn chứ không phải bằng lời nói suông. Chúa muốn ta yêu thương và tha thứ trước, sau đó Ngài sẽ yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng, điều kiện để Chúa yêu thương tha thứ chúng ta nằm ở việc làm của chính mình, mà Chúa đã yêu thương ta từ trước bằng lòng nhân từ vô điều kiện; Ngài chỉ muốn chúng ta noi theo Ngài để xứng đáng tiếp tục được nhận lãnh yêu thương từ Ngài và ban phát tình thương đó cho mọi người. Vì tình yêu thương không bao giờ hư mất.

Bạn sẽ nói gì? “Nó không tôn trọng tôi, nên tôi không thể coi nó là bạn nữa.” Hay là: “Không đâu, anh ta / cô ta đã sỉ nhục tôi, làm tôi không còn mặt mũi nào mà nhìn mọi người nữa. Sao tôi có thể làm hoà với một kẻ hồ đồ và có ý muốn hạ nhục tôi như vậy?” Hoặc giả có những lỗi lầm đau đớn và thê thảm: “Chính hắn đã hại chết cả nhà tôi, làm sao tôi có thể tha thứ và bỏ qua cho hắn được?”

Thật là khó phải không? Lý do gì để ta tha thứ khi mà lòng ta vẫn còn đó một hàng rào kẽm gai cay nghiệt của sự hận thù cay đắng đang từng ngày một siết chặt trái tim, làm rít lòng, làm chảy máu và nhắc nhở chúng ta hoài về một nỗi đau? Lý do gì để ta tha thứ khi mà ta đã coi họ như thù nghịch?

Lý do chỉ có một.

Không phải vì chúng ta yêu thương.

Nhưng vì Chúa đã yêu ta trước.

Tôi còn nhớ một triết lý rất sâu sắc trong quyển: Xoa dịu tấm lòng bất an, nói rằng: Tha thứ là một mạng lệnh phải làm, chứ không phải việc ta nên làm hay không.

Đó là một mạng lệnh, mà đã là mạng lệnh thì sẽ có những khó khăn, những đánh đổi, hi sinh và mất mát. Chấp nhận tha thứ, có vẻ như ta đang chấp nhận phản bội lại chính mình. Khi ta tha thứ, cái tôi của ta sẽ phản kháng và lên tiếng: “Sao lại tha thứ dễ dàng như vậy? Sao có thể bỏ qua những gì mà nó đã gây ra? Sao lại tha thứ cho một kẻ đáng ghét và đáng chết như vậy? Sao không trả thù nó, khiến nó phải đau khổ, phải ân hận, phải trả giá cho những gì đã gây ra?…” Nhưng cũng cùng lúc đó, Chúa Jesus sẽ mỉm cười với ta, và chính Ngài là Đấng hiểu rõ hơn ai hết những đau đớn của sự tha thứ trong lòng ta. Làm sao mà không đau cho được, khi chính ta đang tạo ra mâu thuẫn trong lòng. Những mũi giáo của tình cảm liên tục đâm vào cái khiên của lý trí trong ta sẽ tạo ra đau đớn đến chết được, thất vọng đến chết được…; và trong nỗi đau, ta cảm thấy việc tha thứ là một sai lầm bởi chính trái tim ta chưa thực sự bao dung với kẻ đã gây ra lầm lỗi.

Tôi tin rằng, chính Chúa Jesus sẽ thấu hiểu rõ những tranh chiến, giằng xé trong tâm tưởng chúng ta khi quyết định tha thứ. Chính Ngài sẽ có cách để rịt lành và xoa dịu, khiến chúng ta nhẹ nhàng hơn từng ngày qua sự tha thứ đó. Tha thứ không phải là việc của một sớm một chiều, mà là một quá trình nhân nghĩa. Quan trọng là ta có chấp nhận đi đến quyết định tha thứ hay không.

Sự tha thứ chỉ có ý nghĩa khi lòng ta vẫn còn đau, càng có giá trị hơn nữa khi chính sự tha thứ đó khiến ta đau đớn. Bạn đừng đắn đo và hoang man  trước nỗi đau của sự tha thứ, vì chính Chúa Jesus cũng đã để lại một gương cho ta noi dấu, đó là Ngài đã từng đau đớn khôn tả trên thập tự, chỉ để tha thứ cho ta.

La Nguyễn Quốc Vinh

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like