Home Sống Vui & Vui Sống

Sống Vui & Vui Sống

by Ban Biên Tập
30 đọc

 

Trường hợp A-đam

Sách Sáng thế ký kể chuyện Đức Chúa Trời tạo đựng trời và đất trong năm ngày, và ngày thứ sáu Ngài tạo ra loài người. Ngài giao cho họ trách nhiệm

– Quản trị các loài cá biển, chim trời, súc vật trên cả trái đất và các loài vật bò trên đất

– Sinh sản gia tăng đầy dẫy mặt đất và

– Thống trị đất.

Bù lại họ được cung cấp mọi thứ thực phẩm, được phép ăn mọi trái cây trong vườn, trừ ra cây biết điều thiện và điều ác. Họ vui sống trong vườn Ê-đen mà chính tay Ngài trồng cho họ. Họ vui hưởng cuộc sống tốt lành mà Chúa dành cho họ. Nhưng họ lại muốn sống vui theo ý riêng. Cho nên, họ không vâng lời Đấng tạo dựng họ, nhưng nghe lời một con vật, một loài không được hà hơi như họ.

Trường hợp Nô-Ê

Sáng thế ký đoạn 5 liệt kê danh sách con cháu A-đam cho đến Nô-ê. Câu 8, đoạn 6 nói: ―Nô-ê được ơn trước mặt CHÚA.Câu kế tiếp mô tả Nô-ê trong đời mình là một người công bình và trọn vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời. Ông được ơn trước mặt Chúa bởi vì:

1. Ông là người công bình, nghĩa là ông trả lại mọi người cái gì ông thiếu họ.

2. Ông trọn vẹn, hay là có tâm tính nhất quán trong mọi sự, không đi xa sự thật trong nguyên tắc hay trong hành động.

3. Ông đồng hành cùng Đức Chúa Trời, hay là chẳng những công chính mà còn tin kính, lúc nào cũng thông công với Chúa.

Vì Nô-ê đồng hành với Chúa, nên Ngài không dấu kế hoạch Ngài với ông: ―Sự cuối cùng của mọi người đã đến, vì chúng làm cho quả đất đầy dẫy sự hung bạo. Này, Ta sẽ hủy diệt chúng luôn với cả trái đất nữa (câu 13).

Rồi Chúa chỉ Nô-ê con đường sự sống (câu 14). Nếu ông chọn lựa không đồng hành với Chúa, nhưng đi theo thế gian, ông không thể nghe Chúa chia sẻ cảm nghĩ của Ngài về thế gian bại hoại, và không nghe lời Chúa kêu gọi đóng tàu. Và nếu không đóng tàu thì ông và gia đình ông sẽ bị hủy diệt với mọi tạo vật khác.

Đó là ý nghĩa của lời dạy của Chúa Giê-Su: ―Chiên Ta nghe tiếng Ta. Người đồng hành với Đức Chúa Trời biết ý Ngài, và nghe lời Ngài hướng dẫn, và vui hưởng đời sống.

Chúa Giê-Su cảnh báo chúng ta về chủ nghĩa duy vật, chỉ chăm về sự thỏa mãn xác thịt, mà quên tìm kiếm nước thiên đàng và sự công chính của Đức Chúa Trời, là điều quan trọng hơn. Ngài phán, ―Như thời Nô-ê thể nào thì sự quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. Vì như những ngày trước cơn nước lụt, người ta vẫn ăn uống, cưới gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu. Người ta không biết gì hết cho tới khi nước lụt

đến, cuốn đi tất cả. Sự quang lâm của Con Người cũng sẽ như thế (Ma-thi-ơ 24:37-39).

Vấn đề cầu nguyện: ―Có phải những tai vạ xảy ra khắp mọi nơi là dấu chỉ của ―thời kỳ Nô-ê không?

Nô-ê tượng trưng cho hạng người được cứu bởi đức tin nơi Đức Chúa Trời. Nô-ê sống vui trước nạn lụt và thật sự vui sống sau nạn lụt khi ông kinh nghiệm sự đáng kinh của Đức Chúa Trời và dâng của lễ thiêu lên Ngài. Trước nạn lụt, Nô-ê đồng hành với Đức Chúa Trời; sau nạn lụt có thể ông và gia đình ông càng gần Chúa hơn.

Câu 5:13 mô tả Nô-ê là người trọn vẹn. Tuy nhiên, sau nạn lụt, đoạn 9 trình bày bản tính bất toàn của con người của vị anh hùng đức tin. Ông trồng nho, làm rượu, và uống say, và lõa lồ trước mắt các con.

Điều này dạy chúng ta một sự thật. Ấy là một người chìu theo tính xác thịt có thể sống vui, nhưng muốn vui sống, cần phải phục tùng Thánh Linh. Phao-Lô nhắc nhở con dân Chúa sống theo Thánh Linh, nếu muốn thuộc về Ngài: ―Nếu Thánh Linh của Đức Chúa Trời thật sự ngự trong anh chị em thì anh chị em không sống theo xác thịt nhưng theo Thánh Linh, nếu ai không có Thánh Linh của Chúa Cứu Thế thì người đó không thuộc về Ngài (Rô-ma 8: 9).

Trường Hợp Sam-sôn

Sau khi Giô-Suê thành công trong việc đưa dân Chúa vào Đất hứa và giúp họ định cư, dân Chúa chưa được tổ chức như một quốc gia. Trước khi có vua, dân Chúa theo chế độ thần trị–Đức Chúa Trời là Đấng Cai Trị tối cao của họ. Chính mối liên hệ giao ước với Ngài liên kết họ với nhau và khiến họ thành một dân tộc thánh, hay là được biệt riêng cho Ngài.

Dân Y-sơ-ra-ên phụng thờ CHÚA trọn đời của Giô-suê, và trọn đời của các trưởng lão sống lâu hơn Giô-suê. Sau thế hệ này, một thế hệ khác lớn lên kế tiếp họ; thế hệ mới nầy chẳng biết CHÚA và cũng không biết những việc Ngài đã làm cho Y-sơ-ra-ên. Cho nên, dân Y-sơ-ra-ên làm điều ác trước mặt CHÚA và thờ phượng các thần Ba-anh. Hệ quả là Chúa phó họ vào tay kẻ thù. Họ bị cướp bóc, không thể chống cự nổi những kẻ thù, gặp chuyện rủi ro, sống trong cảnh thật vô cùng bi đát.

Bài học cho con cái Chúa ngày nay là khi gặp khó khăn trong cuộc sống, chúng ta nên tìm kiếm mặt Chúa, tự xét xem mình còn đồng hành với Ngài không. Đương nhiên, không phải mọi khó khăn đều đến từ tội lỗi của chúng ta—Gióp là một thí dụ. Nhưng, khó khăn vật chất có thể đến từ tình trạng sa sút tâm linh.

Trở lại với dân Chúa trong thời Các Quan Xét; khi cuộc sống họ vô cùng bi đát, lúc ấy họ mới nhớ đến Đức Chúa Trời tốt lành đối với tổ phụ họ, và khóc than cùng Ngài. Con cái Chúa ngày nay cũng không hơn gì. Khi cuộc sống bình lặng thì họ thỏa hiệp với thế gian, sống vui theo xác thịt. Đến khi gặp vấn đề mới tìm đến Chúa, và Hội thánh.

Dù vậy Chúa là Đức Chúa Trời nhân từ và giàu lòng thương xót. Ngài không bỏ dân Ngài dù họ thường quên Ngài. Khi họ than khóc, Chúa dấy lên một Quan xét, một vị giải cứu họ. Nhưng sau một thời gian bình an, dân Chúa lại bội đạo, lại bị quân thù hãm hại, lại khóc than, và được giải cứu.

Sam-sôn là một trong những Quan xét rất đặc biệt, một người có sức mạnh vô địch, và là một tay ăn chơi không kém ai.

Sam-sôn không ra đời nếu Chúa không dùng ông để cứu dân Ngài khỏi tay dân Phi-li-tin. Từ khi còn là bào thai, ông là người Na-xi-rê, được biệt riêng để hầu việc Đức Chúa Trời. Là người Na-xi-rê ông không được cắt tóc. Bà mẹ khi mang thai không được uống rượu hay uống bất cứ thức gì có men, và cũng không được ăn những vật không thanh sạch. Nhưng Sam-sôn dường như không quan tâm đến những qui tắc dành cho người Na-xi-rê. Ông luôn vi phạm những qui tắc này.

– Ông muốn cưới một người ngoại Phi-li-tin làm vợ,

– Đụng đến xác chết của con sư tử, và ăn mật ong lấy từ xác chết,

– Đụng đến xác lừa khi lấy xương hàm làm vũ khí,

– Liên hệ vời Đa-li-la, người nữ xấu nết Phi-li-tin,

– Tiết lộ bí mật về sức mạnh siêu nhiên Chúa ban cho ông.

Kết quả là thần của Chúa lìa khỏi ông. Sam-sôn bị kẻ thù bắt, móc hai mắt ông, và đem ông xuống Ga-xa. Chúng xiềng ông bằng những sợi xích đồng, và bắt ông xay cối trong ngục. Cuối cùng Sam-sôn xin Chúa ban cho ông thần lực lần cuối, không phải để phụng sự Ngài, nhưng để báo thù dân Phi-li-tin vì đôi mắt của ông.

Câu chuyện Sam-sôn dạy chúng ta một bài học. Con cái Chúa ngày nay, nếu không sử dụng sự ban cho của Đức Thánh Linh để hầu việc Ngài thì cũng sẽ bị kẻ thù cướp, giết và hủy diệt. Ngược lại, khi chúng ta tận dụng ơn Chúa ban cho mình để phục vụ Ngài và phục vụ người lân cận, chúng ta sẽ hưởng đời sống có chất lượng cao. Phao-Lô kêu gọi Hội thánh Ê-phê-sô, ―Hãy tận dụng thì giờ, vì thời buổi hiện tại là thời xấu xa” (Ê-phê-sô 5:16). Con cái Chúa không những học tận dụng thì giờ, nhưng cón phải học tận dụng ơn Chúa ban.

Trường Hợp Đa-Vít

Ngày nay nhiều nước, nhiều dân trên thế giới, kể cả người không đọc Kinh thánh, biết tên Đa-Vít hơn bất kỳ vị tổng thống danh tiếng nào của Mỹ. Đa-Vít yêu mến Chúa, thường xuyên liên hệ với Ngài, đặc biệt trong lúc khốn cùng, khi bị kẻ thù nghịch săn đuổi, tìm cách cất mạng sống ông. Đa-vít từng trải thăng trầm của cuộc đời. Những lúc đi qua trũng bóng chết ông không sợ tai vạ nào vì biết Chúa ở cùng ông, và cây trượng Ngài an ủi ông. Ông biết Ngài dọn bàn cho ông trước mặt kẻ thù của ông. Dù gặp khó khăn, ông vui sống vì biết chắc ông sẽ ở trong nhà Chúa mãi mãi.

Người Việt Nam có câu: ―Nhân bất thập toàn. Nô-ê được Kinh thánh mô tả là người dồng hành cùng Đức Chúa Trời, nhưng có lúc say sưa và trần truồng. Sách 2 Sa-mu-ên ký thuật câu chuyện vấp phạm của một người mà Đức Chúa Trời chứng nhận: ―Ta đã tìm thấy Đa-vít con trai của Gie-sê, là người Ta hài lòng, người sẽ thi hành mọi ý muốn Ta (Công –vụ 13:22). Ngoài ra, Đa-vít cũng còn được Kinh thánh xem như kiểu mẫu của những vua ―tốt. Như vậy, lý do nào khiến Đa-vít vấp phạm? Chúng ta có thể tóm tắc như sau. Đa-vít muốn sống vui, muốn đáp ứng nhu cầu xác thịt của ông, mà không tôn trọng những điều răn của Chúa mà ông biết rất rõ.

Chúng ta có thể sống vui, nhưng không vui sống. Chúng ta chỉ vui sống khi hài hòa với Đức Chúa Trời, vâng giữ điều răn và mệnh lệnh của Ngài.

Trường Hợp Sa-lô-môn

Sa-lô-môn bắt đầu tốt sự nghiệp của ông khi cầu xin Đức Chúa Trời của cha mình ban cho ông sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan mà ông xin không phải ―sự kính sợ Đức Chúa Trời‖ như ông định nghĩa trong sách Châm ngôn, nhưng ông muốn xin sự khôn ngoan của tâm trí để cai trị. Cho nên, khi đã nắm quyền và đất nước đã ổn định, vua không còn sự khôn ngoan tâm linh nữa: ―Vua có bảy trăm vợ là các công chúa và ba trăm cung phi. Các vợ của vua đã làm cho lòng vua chuyển hướng sai lạc(I Sử 11:3). Những bà vợ ngoại bang này củng cố vị thế chính trị của vua, nhưng lại làm băng hoại tâm linh và liên hệ của ông đối với Đức Chúa Trời. Họ làm mất truyền thống độc thần của dân Y-sơ-ra-ên, với việc thờ cúng thần tượng nhập từ quê hương họ.

Kết quả của lối sống hướng về duy vật chủ nghĩa của vua đưa đến kết quả là sự chia đôi Vương quốc thống nhứt mà vua cha Đa-vít phải tốn nhiều công sức để xây dựng.

Người Con Hoang Đàng

Tuy người con trai này là một nhân vật tưởng tượng, được dựng lên để trình bày một tư tưởng, nhưng trên đời chắc cũng có nhiều người con trai bỏ nhà đi hoang vì muốn được tự do sống theo bản tính xác thịt của mình. Trong nhà cha anh có mọi thứ. Anh có thể sử dụng bất kỳ cái gì trong nhà vì cái gì của cha là của anh. Nhưng vườn nhà người lân cận thì có vẻ xanh hơn. Anh không ý thức được rằng anh sống vui và vui sống trong căn nhà của cha. Anh nghĩ rằng phải xài tiền để thỏa đáp nhu cầu của xác thịt thì mới là vui sống. Sau khi tiêu hoang, xài phí hết phần gia tài, anh mới nhận thức được rằng vui sống không nhất thiết phải là làm theo xác thịt yêu cầu, nhưng sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Lu-ca không kể lại đời sống của người con từng bỏ nhà đi hoang này ra sao sau khi trở về nhà cha. Nhưng chúng ta có thể đoán ra rằng anh hoàn toàn hạnh phúc sau khi từng trải kinh nghiệm sồng trong ―chuồn heo.

Người con cả không đi hoang, nhưng chưa ý thức sự vui sống thực là được ở bên cạnh cha. Anh nghĩ là phải có tự do làm mọi điều mình muốn mới thật sự hạnh phúc.

Trường Hợp Phao-Lô

Sau cùng chúng ta cùng nhau tìm hiểu Phao-Lô vui sống như thế nào. Trong thư II Cô-rinh-tô Phao-Lô tâm tình với những tín hữu: ―Tôi đã lao khổ nhiều hơn, bị tù nhiều hơn, bị đánh đập quá nhiều, suýt chết nhiều lần. Năm lần tôi bị người Do Thái đánh đòn, mỗi lần chỉ thiếu một roi đầy bốn chục. Ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần chìm tàu, một ngày một đêm lênh đênh trên biển cả. Trong nhiều cuộc hành trình, tôi bị nguy hiểm trên sông ngòi, nguy hiểm vì trộm cướp, nguy hiểm vì chính dân mình, nguy hiểm nơi dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, nơi sa mạc, ngoài biển, nguy hiểm vì các anh chị em giả, lao lực, khó nhọc, nhiều lúc thức đêm, chịu đói chịu khát, nhiều khi bị đói khát, rét buốt và trần truồng, chưa kể những việc khác, mỗi ngày tôi băn khoăn lo lắng cho tất cả các Hội Thánh‖ (11:23-28). Một người hoạn nạn nhiều trong cuộc sống như Phao-Lô làm thế nào vui sống được. Nhưng đọc các thư tín của ông chúng ta không thấy ông trầm cảm. Phao-Lô nắm được bí quyết vui sống vì :

– Ông vui mừng trong Chúa: ―Tôi rất vui mừng trong Chúa vì cuối cùng anh chị em lại quan tâm đến tôi” (Phi-líp 4:10).

– Ông sống như Chúa sẽ trở lại nay mai: ―Hãy cho mọi người biết đức hòa nhã của anh chị em, Chúa gần đến rồi” (Phi-líp 4:5).

– Chúa Giê-Su sống trong ông: ―Tôi bị đóng đinh vào thập tự giá với Chúa Cứu Thế. Nay tôi sống, không còn là tôi nữa nhưng Chúa Cứu Thế sống trong tôi. Hiện nay, tôi sống trong thân xác, tức là sống trong đức tin nơi Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và hiến chính mình Ngài vì tôi‖ (Ga-la-ti 2:20).

– Ông tập trung vào việc hiểu biết Cứu Chúa: ―Hơn thế nữa, tôi coi mọi sự như là lỗ vì sự hiểu biết Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa tôi, là điều tối trọng đại. Vì Ngài, tôi chịu lỗ tất cả, tôi coi những điều đó như rơm rác để được Chúa Cứu Thế 9 và được ở trong Ngài‖ (Phi-líp 3:8-9).

– Ông không chạy bá vơ, không đánh gió, nhưng biết dồn mọi nổ lực vào điều quan trọng hơn hết: ―Thưa anh chị em, tôi không nghĩ rằng tôi đã chiếm được rồi. Nhưng chỉ chú tâm vào một điều: Quên đi những điều đã qua, phóng mình đuổi theo những điều phía trước, nhắm mục đích đoạt được giải thưởng, là sự kêu gọi thiên thượng của Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu Thế Giê-Su‖ (Phi-lip 3:13-14).

Tóm lại Phao-Lô sống thỏa vui vì ông tận hiến cuộc đời cho Chúa.

Kiểu Mẫu Tối Thượng của Chúng ta

Người Việt Nam có câu: ―Nhân vô thập toàn.‖ Những anh hùng đức tin trong Kinh thánh cũng có khi yếu đuối, cũng có lúc vấp phạm. Duy chỉ có Chúa Giê-Su, dù trong thân xác con người, nhưng không hề phạm tội.

Chúng ta cùng nhau ôn lại một vài phẩm tính của Ngài để bắt chước cách vui sống của Ngài vì Ngài đã nắm được bí quyết sống sung mãn trước khi tuyên bố, ―Còn Ta đến để chiên được sống và sống sung mãn‖ (Giăng 10:10).

Sách Lu-ca kể chuyện Chúa Giê-Su cùng cha mẹ đến Giê-ru-sa-lem để thờ phượng Đức Chúa Trời. Lúc ấy Ngài mới được mười hai năm tuổi. Nhưng, thay vì đi theo các thanh thiếu niên khác chơi đùa ngoài Đền thờ thì Ngài theo các thầy giáo luật để học Kinh thánh. Sau kỳ lễ, cha mẹ Ngài bỏ quên Ngài ở đàng sau, có lẽ vì muốn ra về gắp. Khi nhớ lại con mình không đi theo, họ trở lại Giê-ru-sa-lem tìm Ngài. Khi gặp Ngài họ trách Ngài làm cho họ lo lắng. Chúa đáp lời, ―Cha mẹ không biết con phải ở trong nhà Cha con sao” (Lu-ca 2:49). Dù còn rất trẻ Chúa Giê-Su đã biết sự kêu gọi của Đức Chúa Trời trên đời sống mình. Khoảng mười tám năm sau, Sứ đồ Giăng ghi nhận sự sốt sắng về nhà Chúa của Chúa Giê-Su khi Ngài đẹp Đền thờ nhân dịp Ngài đến Giê-ru-sa-lem.

Sách tin lành Giăng cũng ghi lại câu chuyện Chúa Giê-Su cùng các môn đệ đi từ Ga-li-lê đến Giê-ru-sa-lem, qua ngả Sa-ma-ri. Buổi trưa Ngài dừng lại thị trấn Si-kha và ngồi nghỉ bên giếng Gia-cốp trong khi những môn đệ đi mua thức ăn. Khi trở lại họ mời Ngài dùng bửa trưa, nhưng Ngài trả lời: ―Ta có thức ăn mà các con không biết được…Thức ăn của Ta là tuân theo ý muốn của Đấng đã sai Ta và hoàn thành công việc Ngài‖ (4:32, 34).

Đọc các sách Tin lành chúng ta thấy Chúa Giê-Su theo đuổi một chủ đích rõ rệt. Ngài phải trả giá nhiều cho mục vụ của Ngài:

– Không có chổ gối đầu‖—không gia đình, vợ con, nhà cửa, tài khoản;

– Bị chỉ trích phạm thượng và vi phạm luật Môi-se, những tội đáng bị ném đá

– An ninh cá nhân thường xuyên bị đe dọa;

– Bị xem là dùng chúa quỉ để đuổi quỉ, hay nói cách khác Ngài là chúa quỉ;

– Cuối cùng Ngài bị nộp vào tay kẻ có tội, bị xét xử và bị đóng đinh.

Chúa Giê-su công bố Ngài đến để ban cho người tin Ngài đời sống phước hạnh. Ngài phải sống đời sống sung mãn mới dám bảo đảm cho chúng ta vui sống.

Trước thềm năm mới cầu xin Chúa ban chúng ta khôn ngoan để sống vui và vui sống, và qua sự sống sung mãn của Ngài chúng ta cũng chia sẻ với người lân cận phước hạnh của Ngài.

Ms Huỳnh Ngọc Ẩn – Ngày 20/1/11

Tin tức, bài vở cộng tác xin gởi về tintuc@hoitnah.com

Bình Luận: