Home Văn Nghệ Mùa Xuân Trong Thơ Nguyễn Bính

Mùa Xuân Trong Thơ Nguyễn Bính

by Ban Biên Tập
30 đọc

 


Nguyễn Bính(NB) là thi sĩ của làng quê Việt Nam. Nguyễn Bính cũng là thi sĩ của các loài hoa làng quê Việt Nam. Và Nguyễn Bính còn là thi sĩ của mùa xuân làng quê Việt Nam nữa.

Nguyễn Bính thi sĩ sinh năm 1919(*), ở làng Thiện Vịnh, Xã Cộng Hoà, Huyện Vụ Bản, Tỉnh Nam Định. Ông làm thơ từ năm 13 tuổi và đã làm gần một nghìn bài thơ. Đã từng được giải Khuyến khích về thơ  của nhóm Tự Lực Văn Đoàn năm 1937. Nguyễn Bính qua đời vào ngày 30 tết , tức ngày 20. 01. 1966.

Nguyễn Bính yêu làng quê hơn bất cứ ai, và cũng vì thế mà ông yêu hoa của làng quê cũng số một. Hầu hết các loài hoa của miền quê Việt Nam đều xuất hiện khá đầy đủ trong thơ thi sĩ. Không chỉ yêu làng quê, yêu hoa của làng quê, mà ông còn rất yêu mùa xuân của miền quê, của làng quê nữa.

Mùa xuân của làng quê Việt Nam hiện lên trong thơ NB khá dung dị, nhưng đầy sức sống.

Nói đến mùa xuân của làng quê, nhất là làng quê miền Bắc của thi sĩ, thì không thể không nói đến mưa xuân nhè nhẹ đủ để làm rộn rã con tim yêu đương của những chàng trai, cô gái khi xuân về:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ/ Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay.” (Mưa xuân).

Tình yêu của cô lái đò dành cho một chàng trai khi làm khách đi đò, một đi không trở lại khiến lòng cô mang một nỗi nhớ, niềm thương khi mùa xuân đến. Phải chăng mùa xuân là mùa của thương yêu và nhung nhớ:

Xuân đã đem mong nhớ trở về/ Lòng cô gái ở bến sông kia/ Cô hồi tưởng lại ba xuân trước/ Trên bến cùng ai đã nặng thề. (Cô lái đò)

“Nhận diện” mùa xuân về không khó, khi thấy cây cối đâm chồi nẩy lộc, khi thấy thời tiết “chuyển mình” ấm dần lên là ta biết mùa xuân đang về. NB có cách “nhận diện” xuân về rất “chân quê” mà rất …ấn tượng khó phai:

Đã thấy xuân về với gió đông/ Với trên màu má gái chưa chồng/ Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm/ Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong. (Xuân về)

Nhìn màu má của cô gái chưa chồng, nhìn đôi mắt trong trẻo của cô hàng xóm ở cạnh nhà mình(“nhà nàng ở cạnh nhà tôi” mà lị) là thi sĩ “nhận diện” ra ngay là mùa xuân đã về. Tôi nghĩ chỉ có NB, một thi sĩ của chân quê, làng quê Việt Nam mới có cách “nhận diện” mùa xuân về một cách “đặc quê” mà độc đáo như thế được.

Cũng với cách “nhận diện” mùa xuân như thế, nhưng ở đây, với những cô bé “má hồng”, “áo mới”đang sẵn sàng đón xuân, thi sĩ cho ta thấy được một mùa xuân nồng ấm hơn, rạo rực hơn:

Đây cả mùa xuân đã đến rồi/ Từng nhà mở cửa đón vui tươi/ Từng cô em bé so màu áo/ Đôi má hồng lên nhí nhảnh cười. (Thơ xuân)

Còn ở đây, thi sĩ nhận diện mùa xuân một cách khác và rất “chân quê”. Nhìn trời xanh thiên thanh, nhìn những cành lá xanh mơn mởn, nhìn những đồng lúa xanh non, nhìn những bãi cỏ, những luỹ tre làng xanh biêng biếc, và nhất là nhìn thấy cái thắt lưng xanh yêu kiều của người mình yêu đang dần đến bên mình để tự tình, thi sĩ đã đưa đến cho chúng ta cả một … “mùa xuân xanh” không còn gì xanh hơn thế:

Mùa xuân là cả một mùa xanh/ Giời ở trên cao, lá ở cành/ Lúa ở đồng tôi và lúa ở/ Đồng nàng và lúa ở đồng quanh/ Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh/ Tôi đợi người yêu đến tự tình/ Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy/ Bắt đầu là cái thắt lưng xanh. (Mùa xuân xanh)

Nói đến mùa xuân mà không nói đến rượu, với nhiều người, và nhất là với các văn nhân thi sĩ thì đó là một thiếu sót lớn. NB thi sĩ cũng vậy, xuân đến cũng “nâng chén rượu hồng” với người yêu, nhưng không phải để say với men tình bên nhau mà bèn là để quên đi một hiện thực đang đến gần với mình, đó là người yêu sắp đi lấy chồng mà người đó không phải là mình. Uống là để quên đời, uống là để chấm dứt một cuộc tình, uống là để bớt đi cái lẻ loi của mình nơi một góc trời thương nhớ:

Cao tay nâng chén rượu hồng/ Mừng em: Em sắp lấy chồng xuân nay/ Uống đi! Em uống cho say/ Để trong mơ sống những ngày xuân qua/ Đây tình duyên của đôi ta/ Đến đây là… đến đây là… là… thôi/ Em đi dệt mộng cùng người/ Lẻ loi chỉ một góc trời riêng anh. (Rượu xuân)

Mùa xuân về mà không được đoàn tụ với gia đình, đó là một nỗi buồn não nùng trong tâm hồn. Thi sĩ đã từng có những mùa xuân tha hương như thế và bày tỏ nỗi lòng với người chị yêu thương bằng những vần thơ thật thắm đượm tình người:

Tết này chưa chắc em về được/ Em gởi về đây một tấm lòng/ Ôi! Chị một em, em một chị/ Trời làm xa cách mấy con sông! …Tết này chưa chắc em về được/ Em gởi về đây cả tấm lòng/ Cầu mong cho chị vui như tết/ Tóc chị bền xanh, má dậy hồng.(Xuân tha hương)

Xuân về Tết đến làm con người ta thường gợi nhớ lại những kỷ niệm đã qua với những người mình yêu mình thương. Khi nhìn mưa xuân bay, khi nhìn cánh đào rơi, khi cạn chén rượu nồng là những lúc nhớ “cố nhân” hơn bao giờ hết trong lòng thi sĩ:

Hôm nay là xuân, mai còn xuân/ Phơi phới mưa xa nhớ cố nhân/ Phận gái ví theo lề ép uổng/ Đã về Chiêm Quốc như Huyền Trân?…Hôm nay là xuân, mai còn xuân/ Một cánh đào rơi nhớ cố nhân/ Cung nữ như hoa vườn Thượng uyển/ Ai về Chiêm Quốc với Huyền Trân?/ Hôm nay là xuân, mai còn xuân/ Rượu uống say rồi nhớ cố nhân/ Đã có yêu nhau là đến thế/ Đừng về Chiêm Quốc nhé Huyền Trân! (Nhạc xuân).

Nhiều khi quá bon chen nơi chốn thị thành xô bồ để vật lộn với cuộc sống, nên không còn biết gì là xuân sang, Tết đến. Sực tỉnh ra điều đó, thi sĩ đã vội vàng về cái xóm Dừa yêu dấu của mình để đón xuân, thưởng thức một mùa xuân đượm chất quê hương với đầy những hình ảnh vô cùng yêu thương của làng quê như dòng sông hiền hòa, mái nhà tranh đơn sơ, luống hoa đồng nội, bướm vàng gần gũi:

Ở đây vô số những trời xanh/ Và một con sông chảy rất lành/ Và những tâm hồn nghe rất đẹp/ Từng chung sống dưới mái nhà tranh/ Sao chẳng về đây múc nước sông/ Tưới cho những luống có hoa trồng/ Xuân sang hoa nụ rồi hoa nở/ Phô nhụy vàng hây với cánh nhung?/ Sao chẳng về đây bắt bướm vàng/ Nhốt vào tay áo đợi xuân sang/ Thả ra cho bướm xem hoa nở/ Cánh bướm vờn hoa loạn phấn hương? (Sao chẳng về đây?)

Và đây là một bức tranh mùa xuân thôn quê thật đủ đầy, thật thanh bình như một cảnh tiên thật sự:

Sao chẳng về đây, có bạn hiền/ Có hương, có sắc, có thiên nhiên/ Sống vào giản dị, ra tươi sáng/ Tìm thấy cho lòng một cảnh tiên? (Sao chẳng về đây?)

Thì ra là vậy, chốn kinh kỳ, phồn hoa, đô hội chưa chắc đã làm thoả mãn lòng của con người; chưa chắc đã là nơi “ưng ý” của con người, chưa chắc đã là “cảnh tiên” cho con người, nhất là đối với các  tao nhân mặc khách, các văn nhân thi sĩ.

Tôi giật mình khi đọc khổ thơ cuối trong bài thơ “Sao chẳng về đây?” của thi sĩ, và tôi chắc bất cứ ai khi đọc khổ thơ ấy cũng … giật mình như tôi thôi:

Xuân đã sang rồi em có hay/Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy/ Kinh kỳ bụi quá xuân không đến/ Sao chẳng về đây? Chẳng ở đây? (Sao chẳng về đây?)

Không giật mình sao được khi thi sĩ viết: “Kinh kỳ bụi quá xuân không đến”. Xuân đến là đến ở tất cả mọi nơi, chứ có nơi nào xuân … chê không đến đâu? Tại sao nơi …bụi quá thì xuân lại không đến? Thì ra, khi con người sống với nhau xô bồ quá, hờ hững quá, vô tâm quá, chỉ quan tâm đến tiền bạc, buôn bán, đổi chác, không quan tâm đến nhau, thì mùa xuân tự nhiên không còn ý nghĩa gì nữa cả, dù xuân của đất trời vẫn đến đó, nhưng xuân của tâm hồn, của tấm lòng con người thì không đến thật. Vì mùa xuân là mùa của yêu thương, mùa của tình bằng hữu, mùa của sự giao thoa, gặp gỡ giữa tình người với người, giữa tình trời với đất, nên nơi nào thiếu đi sự yêu thương, sự quan tâm đến nhau, vướng đi bụi trần nhiều quá thì mùa xuân không đến thật vậy.

Tôi thật sự phục tài thơ của người thi sĩ làng quê độc đáo nầy, và càng phục hơn nữa khi đọc bài thơ “Sao chẳng về đây?”, mà phục nhất là khi đọc câu thơ “Kinh kỳ bụi quá xuân không đến.” Đây quả là một câu thơ xuân có ý nghĩa thật thâm thuý, sâu xa và đầy chất triết lý cho cuộc sống của chúng ta.

Xuân trong thơ NB hiện lên không ồn ào, náo nhiệt, không khoa trương, ầm ĩ, nhưng rất nhẹ nhàng, thanh thoát. Mùa xuân trong thơ thi sĩ thật dung dị, thật đằm thắm, và đẹp một cách mặn mà. Mùa xuân trong thơ của thi sĩ đầy tình người và đầy sắc màu của thiên nhiên làng quê. Mùa xuân trong thơ thi sĩ, nói một cách chung nhất, thật đầy chất chân quê mà không hề  “thô kệch” vậy. Hay nói như thi sĩ đã nói về mùa xuân trong thơ của mình: “Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy”.

Cảm ơn Tạo Hóa đã ban cho ta mùa xuân tươi đẹp với cảnh trời thơ mộng, với chồi non lộc biếc, với hoa thơm quả ngọt muôn hồng nghìn tía không chê vào đâu được để cho ta thưởng thức. Mùa xuân đã về rồi, “Xuân đã sang rồi em có hay”. Xin được hầu chuyện bạn đọc gần xa vài nét chấm phá về những vần thơ xuân của nhà thơ của tình quê, chân quê, và hồn quê Việt Nam cho vui trong những ngày xuân. Và cũng để nhớ về nhà thơ đáng yêu kính nầy của chúng ta đã đi xa chúng ta đến nay đã bốn mươi lăm mùa xuân nguyên vẹn rồi. Vào sáng 30 Tết năm Ất Tỵ(tức ngày 20. 01. 1966), thi sĩ ra vườn chơi, có lẽ để ngắm cảnh xuân chăng, không may gặp luồng gió độc, thi sĩ bị thổ huyết, rồi qua đời, để lại nguyên vẹn cả một mùa xuân mới đang đứng trước cửa nhà thi sĩ như thi sĩ đã … tiên đoán trước:

Năm mới tháng giêng mồng một tết

Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân.

(Nhạc xuân)

Thật tiếc thay!

Mỗi khi mùa xuân về, ai trong chúng ta mà lòng không nôn nao, náo nức đợi chờ để đón hưởng một mùa xuân đầy vui tươi và hạnh phúc bên những người thân yêu dưới mái ấm gia đình phải không bạn? Tôi cũng vậy thôi. Và mỗi lần đón xuân về, khi nhìn trời mây, non nước cây cối bao la xanh biếc đầy sức sống, khi ngắm những con chim bay lượn tự do trên bầu trời mênh mông, khi nhìn xem những rừng hoa tuyệt đẹp với muôn hồng nghìn tía, tôi thường suy nghĩ và tự đặt câu hỏi: “Ai đã cho ta mùa xuân đẹp đẽ như thế nầy?” Và câu trả lời mà tôi tìm được một cách chính xác, không ở đâu khác hơn là ở trong Kinh Thánh như thế nầy.

“Tất cả các ân huệ tốt lành cũng như tất cả các ân tứ toàn hảo đều đến từ trên cao và do Cha sáng láng ban xuống. Ngài chẳng bao giờ thay đổi, cũng không có bóng biến thiên nào nơi Ngài.” (Trích sách Gia-cơ, chương 1, câu 17-BDM).(**)

Chỉ có Đấng toàn hảo, thiện lành thì mới có thể tạo dựng nên được điều tốt lành, đẹp đẽ  thôi phải không bạn? Đức Chúa Trời chính là Đấng thiện lành, toàn hảo duy nhất, nên chỉ chính Ngài mới có thể tạo dựng được một thiên nhiên, vạn vật tươi đẹp như thế nầy để con người chúng ta vui hưởng mà thôi.

Chính Chúa Giê-su cũng đã từng phán:

Ta bảo các con: Đừng lo lắng cho cuộc sống, lo mình sẽ ăn gì, uống gì, hay thân thể mình sẽ mặc gì. Mạng sống chẳng quý hơn đồ ăn và thân thể chẳng quý hơn quần áo sao? Hãy xem loài chim trời, chúng chẳng gieo, chẳng gặt, cũng chẳng tồn kho tích trữ, nhưng Cha các con ở trên trời vẫn nuôi chúng. Các con không quý hơn loài chim sao? Có ai trong các con nhờ lo lắng mà có thể thêm cho đời mình một khoảnh khắc nào không?

Còn việc ăn mặc, sao các con lo lắng mà làm chi? Hãy xem hoa huệ ngoài đồng mọc thế nào. Chúng không phải làm việc khổ nhọc, cũng chẳng kéo chỉ, nhưng Ta phán bảo các con, dầu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không thể mặc đẹp bằng một trong các hoa huệ kia. Một loài hoa dại ngoài đồng, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà Đức Chúa Trời mặc cho chúng như thế, còn các con không quý hơn để Ngài chu cấp quần áo cho sao, hỡi những kẻ ít đức tin?” (Trích Kinh Thánh sách Ma-thi-ơ, chương 6, từ câu 25 đến câu 30-BDM).

Nếu bình tâm mà suy nghĩ khi nhìn bầu trời, cảnh vật, chim chóc, hoa cỏ tuỵêt đẹp mỗi khi mùa xuân về, và đặt câu hỏi “Ai đã cho ta mùa xuân đẹp đẽ nầy?”. Tôi tin chắc rằng bạn cũng sẽ tìm được câu trả lời chính xác như tôi vậy.

Đã biết bao lần bạn vui hưởng mùa xuân rồi, nhưng có bao giờ bạn nói lời tạ ơn Đức Chúa Trời đã ban cho bạn mùa xuân tươi đẹp để bạn vui hưởng chưa? Nếu chưa thì mùa xuân nầy là dịp tiện quý cho bạn bày tỏ lời đáng bày tỏ đó với Ngài và Ngài cũng đang sẵn sàng lắng nghe lời quý bàu đó từ tấm lòng của bạn ngay hôm nay đấy bạn ạ.

Hãy cùng tôi cảm tạ Đức Chúa Trời toàn hảo, thiện lành ngay từ mùa xuân nầy trở đi bạn nhé và hãy cùng tôi vui hưởng mùa xuân tươi đẹp mà Chúa đang ban cho chúng ta.

Đầu xuân 2011, Tân Mão.

Nguyễn Đình Bùi Thị – (Quảng Nam, Việt Nam)

(*): Theo Hoài Thanh-Hoài Chân trong “Thi nhân Việt Nam”, NXB. Văn Học Hà Nội, 1988, p. 343, thì cho biết Nguyễn Bính thi sĩ sinh năm 1919. Còn tác giả Thuần Hoa trong bài viết “Biết thêm về Nguyễn Bính”, đăng trong “Nguyễn Bính-Thơ và đời”, do Hoàng Xuân tuyển chọn, NXB Văn Học, 2008, p. 296, thì lại cho biết Nguyễn Bính sinh năm Mậu Ngọ (1918).

(**): BDM: Nghĩa là Bản Dịch Mới.

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like