Home Dưỡng Linh Truyền Giáo Là Những Việc Chúng Ta Đang Làm

Truyền Giáo Là Những Việc Chúng Ta Đang Làm

by Ban Biên Tập
30 đọc

Francis ở Assisi là một tu sĩ sống ở thế kỷ 13. Ông được phong thánh. Một ngày kia ông dẫn một tu sinh đi đến một làng gần tu viện để truyền giáo. Trên đường đi đến làng, họ gặp một người bị thương. Họ dừng lại giúp băng bó vết thương cho người nầy. Sau đó, họ gặp một người nghèo, đói ăn nhiều ngày. Họ dừng lại giúp đỡ người nầy. Cứ như vậy, suốt ngày hôm đó thầy trò Francis giúp đỡ những người nghèo họ gặp trên đường. Cuối cùng Francis bảo người tu sinh quay về tu viện để kịp giờ cầu nguyện buổi tối. Người tu sinh ngạc nhiên hỏi: “Thưa cha, cha nói chúng ta đến làng đó để giảng đạo mà! Chúng ta chưa nói một lời nào!” Francis cười đáp, “Con ơi, đó là những gì chúng ta đã làm suốt ngày nay.”

Câu chuyện nầy đã được ghi vào sử sách để dạy chúng ta một bài học. Truyền giáo không phải chỉ là những gì chúng ta nói mà là tất cả những gì chúng ta đang làm. Người ta đang nhìn vào những tín hữu của Chúa để quyết định theo Chúa hay khước từ Chúa. Có ba lý do thông thường mà vì đó người khác không muốn tin nhận Chúa và gia nhập Hội Thánh của Chúa.

Thứ nhất là vì họ thiếu thông tin về đạo Chúa. Họ chưa nghe làm chứng về Chúa. Họ không biết Chúa Giê-su là ai, Ngài đã làm gì cho chúng ta và Ngài muốn chúng ta làm gì. Họ nghĩ đạo nào cũng giống nhau. Họ có đạo rồi không cần nghe đạo nào khác. Họ cảm thấy không cần thay đổi con đường đạo của mình.

Thứ hai, họ đã gặp những kinh nghiệm không hay từ những người có đạo Chúa. Họ có thể có vết thương khó phai mờ trong lòng vì một người theo đạo Chúa hoặc vì họ nghe người khác nói xấu về đạo Chúa.

Thứ ba là có những người không muốn theo đạo Chúa, họ cứ cho theo đạo làm người là đủ rồi. Họ chủ trương chết là hết, cần gì theo đạo Chúa để được sống. Sống đời đời sao quá mơ hồ!

Là người theo Chúa chúng ta sẽ làm gì ?

Chúng ta sẽ làm gì với những người hiểu lầm? Những người bị thương tổn vì cớ chúng ta? Chúng ta phải ăn năn, phải xin lỗi, phải đền bồi. Khi Chúa nhắc làm gì chúng ta phải vâng lời làm theo. Chúng ta phải sống làm vinh hiển Chúa. Chúng ta phải thành thật công nhận rằng một số người theo Chúa đã có những lời nói hoặc hành động không phản ánh vinh quang Chúa Cứu Thế Giê-su. Có thể những người theo Chúa đó đã tri hành bất nhất, tham lam, ích kỷ, những người xác thịt, giả hình. Có thể những người tin Chúa đã có đời sống thay đổi rồi mà người khác không quên chuyện quá khứ. Người ta thường trách đời sống những người theo Chúa và họ có những lý do chính đáng để trách móc, nhưng không có người nào có lý do chính đáng để trách bỏ Chúa Giê-su. Tôi biết có một số người đã chối bỏ Chúa Giê-su (ngay cả dân Do Thái) chỉ vì Chúa Giê-su tự xưng Ngài là Đức Chúa Trời, hay chỉ vì Ngài tôn trọng các dân tộc, tôn trọng phụ nữ, nhân quyền. Người ta từ bỏ Chúa có lẽ là vì Chúa dám tuyên bố Ngài là Con Trời, là con đường duy nhất đến với Đức Chúa Cha. Ngoài ra không có lý do chánh đáng nào khác để khước từ Chúa Giê-su.

Nhiều người không biết Chúa Giê-su là Đấng thần nhân. Ngài vừa là Trời vừa là người. Không cách gì Ngài có thể làm một Chúa Cứu Thế hữu hiệu nếu Ngài không phải vừa là Trời vừa là người. Một Cứu Chúa phải chết để đền tội cho nhân loại. Chỉ làm một người mới chết, làm Đức Chúa Trời không thể chết. Vì thế, một Cứu Chúa phải là một người. Nhưng nếu Ngài chỉ là một người thì cái chết của Ngài không thể đền tội. Vì vậy, một Chúa Cứu Thế hiệu quả cũng phải là Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su là Đấng duy nhất tha tội, làm phép lạ, tiếp nhận sự thờ phượng, chết đền tội và sống lại từ cõi chết như một Đức Chúa Trời đã thành người. Ngài là Chúa Cứu Thế duy nhất của tất cả các dân tộc. Ngài là Cứu Chúa của cả thế gian. Tiếp nhận Ngài thì được cứu rỗi, khước từ Ngài thì hư vong.

Tôi đọc được một câu chuyện hay sau đây: Ông Dallas Willard, một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của thế giới triết học ngày nay. Có một sinh viên đang theo học bằng Tiến sĩ của một Đại Học danh tiếng ở Mỹ đã hỏi ông Dallas Willard:

-“Thưa giáo sư, tại sao ông là một nhà giáo dục thông minh, có suy nghĩ, có học thức, lại đi theo Chúa Giê-su?”

Với sự đơn sơ, bình tĩnh, vị Giáo sư đã trả lời bằng một câu hỏi,

-“Anh hãy cho tôi biết, anh suy nghĩ có một người nào khác để tôi có thể chọn theo không?”

Chúng ta sẽ làm gì với những người thiếu thông tin? Chúng ta hãy cố gắng cung cấp đủ thông tin. Hãy ban tặng cho họ thời gian và tình bạn. Hãy giúp phổ biến Kinh Thánh, hoặc tiếp tay phát hành báo Hướng Đi. Nhiều người khi tiếp nhận Chúa đã thú nhận, “Tại sao tôi biết Chúa quá trễ thế nầy? Nếu mà tôi biết được Chúa sớm hơn!” Cách tốt nhất đề giới thiệu Chúa Giê-su cho mọi người là tạo cơ hội đem lời Chúa, đem Phúc Âm đến với họ. Hãy suy nghĩ đến cách truyền giáo qua lớp học Kinh Thánh (giống như Phi-líp đã làm với Hoạn quan Ê-thi-ô-bi). Hướng Đi đang giúp dịch những tài liệu “nghiên cứu Phúc Âm” nầy từ Anh Ngữ sang Việt Ngữ. Chẳng hạn loạt bài học bắt đầu từ sách Những Người Biết Chúa Giê-su (theo sách Giăng). Sau đó là Quyền Năng Của Đức Tin (theo sách Công Vụ Sứ Đồ). Tiếp theo là sách “Những Bước Đầu Trờ Thành Môn Đồ Chúa.” Ai cũng có thể dùng những tài liệu nầy để truyền bá Phúc Âm một cách dễ dàng.

Khi lời Chúa trong Kinh Thánh được giảng ra thì Linh của Chúa sẽ hành động trong lòng người nghe. Đức tin đến bởi sự người ta nghe khi lời Đức Chúa Trời được rao giảng. Nhiều người làm chứng đã tin Chúa chỉ vì đọc Kinh Thánh, có người nói đã tin Chúa tìm đến Hội Thánh nhờ đọc báo Hướng Đi. Có người nói đã nhờ đọc một quyển sách nhỏ gọi là truyền đạo đơn. Chẳng hạn quyển Tin Lành Cho Người Việt hoặc quyển Người Việt Với Khái Niệm Ông Trời…Có người tin Chúa nhờ một câu Kinh Thánh như Giăng 3:16; Ma-thi-ơ 11:28; Công Vụ 4:12; Giăng 14:6; 1 Ti-mô-thê 1:15-17…

Chúng ta sẽ làm gì với những người không muốn tin Chúa? Đây là vấn đề của bản tính, của ý chí, và không ai thay đổi được lòng những người quyết không muốn tin. Đạo Chúa là đạo đức tin. Đức tin cũng là một quà tặng của Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa làm việc trong lòng những người nghe. Chúng ta hy vọng nhiều người sẽ kinh nghiệm Chúa như Phao-lô gặp Chúa. Ông là người chống Chúa đến cùng nhưng cũng là người đã tin Chúa đến cùng. Trên thập giá sát nơi Chúa Giê-su bị giết có hai người cùng bị đóng đinh. Cả hai cùng nghe Chúa Giê-su nói và cùng biết việc Chúa làm. Họ có đủ những thông tin cần thiết về Chúa. Nhưng chỉ có một người thay đổi ý kiến và đã tin nhận Chúa. Người nầy tin Chúa vào giờ chót nhưng được Chúa hứa sẽ ở thiên đàng với Ngài ngay hôm đó. Còn người kia thì gần chết rồi mà vẫn không tin. Kiên quyết không tin cho đến cuối cùng.

Chúng ta sẽ làm gì để truyền giáo? Chúng ta hãy sống giống như Chúa Giê-su, hãy làm những việc lành cho những người đang cần chúng ta, hãy nói ra lời mời của Chúa, hãy cố gắng chiếu ánh sáng của Chúa. Chúa Giê-su đã dạy, “Sự sáng các ngươi hãy soi ra như vậy đặng họ thấy việc lành của các ngươi và ngợi khen Cha các ngươi trên trời.” Hãy nhớ lại mục đích sống của Chúa Giê-su, “Chúng ta hãy đi nơi khác, trong những làng xung quanh đây, để ta cũng giảng đạo ở đó nữa, vì ấy là cốt tại việc đó mà ta đã đến.” Hãy dạn dĩ tuyên bố: “Chúa Giê-su là còn đường duy nhất.” Hãy nghe lời Chúa Giê-su kêu gọi: “Hãy vào cửa hẹp và đường chật với Chúa, vì đường hẹp dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít, còn đường rộng và khoảng khoát dẫn đến diệt vong, kẻ vào đó cũng nhiều.” Truyền giáo là lối sống và việc làm của chúng ta.

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ
Bài vở góp ý và cộng tác xin gởi về tintuc@hoithanh.com
Bình Luận:

You may also like