Home Truyện Bài Học Về Người Samari Nhân Lành

Bài Học Về Người Samari Nhân Lành

by Ban Biên Tập
30 đọc

Có những khung cửa thật gần và có cái thật xa; có cái được che bằng những tấm rèm và có những cái có thể nhìn suốt từ bên ngoài. Có cái sáng rực đèn và bày ra một khung cảnh êm ấm bên trong, cũng có cái trống rỗng, lặng thinh và vàng vọt bởi ánh điện câu. Và đôi khi có tiếng thánh thót của đàn piano vang lên từ đó; những chuỗi cười rộn rã của một buổi họp mặt bạn bè hay tiếng khóc trẻ thơ. Và tôi cũng muốn tìm đâu đó trong những khung cửa sổ ấy khung cửa nào là của  tôi để tôi có thể nhìn xuyên thấu cả cuộc đời mình?

Dừng lại ở ngọn đồi bên này tôi nhìn lại khung cửa sổ nhà thờ còn sáng đèn. Khung cửa thật đẹp có mái nhọn hình tam giác với nhưng ô kính hình thoi thật đặc biệt. Và đặc biệt hơn nữa là chính nơi đó, bên trong khung cửa đó một buổi tối lễ Giáng Sinh, nhà thờ tụ tập đầy những người anh em sắc tộc trở về từ những vùng xa xôi. Tuy đã cố gắng ăn mặc thật tề chỉnh vẫn không giấu được vẻ lôi thôi; nhưng tấm lòng họ được thể hiện qua những ánh mắt sáng lên niềm khao khát thành kính hướng về Thượng Đế làm dấy lên trong tôi một điều gì  thiêng liêng vô cùng. Tôi đến dự lễ ngồi giữa họ mà nước mắt chảy quanh với tâm trạng như  một người con đi lạc từ lâu lắm nay trở về nhà cha mình với những anh chị em lạc mất từ trẻ thơ vậy.

Mãi nghĩ ngợi và bước đi, bước chân đã dẫn tôi về đến khu phố quen thuộc. Vừa bước vào bóng tối của một khúc quanh, chân tôi như đụng phải một vật gì âm ấm, tôi cúi xuống nhìn sâu vào bóng tối và nhận ra màu trắng đục từ một đôi mắt mở to thất thần cùng mùi bia bốc lên nồng nặc của một người đang nằm ngửa trên mặt đất. Một phản ứng quen thuộc khiến tay tôi co lại và chân dợm bước lui, cùng một lúc ấy những ý tưởng của bài học Kinh thánh chiều nay về người Samari nhân lành  chợt đến  trong tâm trí. Tôi cảm thấy mình không thể bỏ qua việc này nhưng cũng không đủ can đảm để cúi xuống để giúp đỡ người này, tâm trí tôi lại tiếp tục nảy sinh những ý tưởng tiêu cực : con người này có đáng để giúp không ? hắn ta là ngưòi như thế nào ? liệu mình sẽ gặp rắc rối gì khi liên hệ đến con người này? Chúa ơi ! có phải Ngài đang thử thách con không?

Lấy hết sức can đảm tôi gọi : Anh ơi ? Anh làm sao vậy ? Tôi vừa nói vừa cố lắng nghe xem mình nói gì ?

Người đàn ông ú ớ gì không rõ trong miệng.

Tôi lóng cóng run rẫy cầm lấy bàn tay to bè của ông ta quàng lên vai mình và xốc thân hình bê bết bụi đất của ông ta đứng dậy, ông ta thật sự to lớn đến  thật là khó cho tôi một kẻ thấp bé để dìu ông ta đi. Tôi cố gắng đỡ ông ta bước đi, miệng đắng nghét và trong lòng tràn ngập một cảm giác thật là khó tả chẳng giống chút nào với cảm xúc hồi chiều khi ngồi trong nhà thờ khi nghe mục sư giảng. Mọi chuyện sao có vẻ giản dị và thật cảm động với người Samari trong sách Luca còn sao quá rắc rối với tôi khi giúp đỡ một người như vậy. Chúng tôi đi ngược lại đoạn đường đến nhà thờ, đêm đã gần khuya; những người đi đường ngược chiều nhìn chúng tôi, xầm xì  điều gì không rõ làm tôi bối rối và cố gắng đi thật nhanh. Đến dốc chùa , bỗng nhiên người đàn ông dừng lại, tôi cũng quá mệt cần nghỉ ngơi một chút. Người đàn ông buông tôi ra và ngồi xuống trên một cột đá thấp, ông ta có vẻ tỉnh táo được một chút. Từ trong chùa đi xuống một đám thanh niên cầm đuốc và nói chuyện lớn tiếng, có vẻ như một đoàn tuần hành bảo vệ ban đêm. Thấy chúng tôi một người lớn tiếng hỏi:

– Khuya rồi hai người làm gì ở đây vậy ?

– Tôi thấy ông này say rượu nằm ngã giữa đường nên đưa ổng về đến đây ngồi nghỉ, không biết nhà ông ay ở đâu ? Tôi trả lời, cố giữ giọng bình tĩnh.

Đám thanh niên có vẻ ngạc nhiên, xúm lại chung quanh người đàn ông, hình như có người nhận ra ông ta. Tôi mừng quá như trút được gánh nặng vội vàng bỏ đi mà không nói thêm một câu nào.

Về đến nhà, tôi leo vội vào giường quấn chăn ngẫm nghĩ lại mọi chuyện đã qua. Lúc đó tôi không hề tự hỏi tại sao tôi lại quá bối rối khi gặp phải một chuyện như vậy ? Có phải vì tôi không hề có một chút cảm thương nào đối với người đàn ông say rượu đó mà tôi phải làm việc đó dưới áp lực của ý thức về lương tâm, giống như việc thi hành luật pháp vậy. Lúc đó tôi chỉ bị dằn vặt bởi ý nghĩ thay vì đem người ta đến với Chúa tôi lại đem người đàn ông say rượu đến đến cổng chùa rồi bỏ mặc ông ta ở đó trong khi người Samari nhân lành đã bỏ việc riêng chạy đến băng bó vết thương rồi đem người bị hại đến gởi trong nhà quán sau khi thanh toán hết tất cả chi phí điều trị cho người ấy. Mãi nghĩ tôi rơi vào một giấc ngủ mê mệt.

Mấy ngày sau tâm trạng của tôi cũng không tốt hơn một chút nào. Một  hôm khi đang bước nhanh qua chợ để tránh cái nắng nóng của buổi xế trưa thì một khuôn mặt quen quen đập vào mắt tôi : chính người đàn ông say rượu hôm nào ! Vẫn cặp mắt to không hồn nhưng lần này không phải nằm mà đang ngồi bên vệ đường. Lúc này trông ông ta có vẻ mạnh khỏe như đang đi làm công việc khuân vác  trong chợ. Tôi bước lại gần nhưng cặp mắt ông ta vẫn vô hồn như cũ. Tôi thấy mình như đang đòi hỏi một sự biết ơn từ người đàn ông nọ. Ông ta vẫn không nhận ra tôi và tôi vội vã bước nhanh để tránh cái nắng trưa đang oi ả trên đầu và như che đậy sự tổn thương đang nhen nhóm trong lòng.

Và những ý tưởng về bài học về người Samari nhân lành cùng hình ảnh người đàn ông say rượu hôm nào vẫn cứ mãi lẩn quẩn trong tâm trí tôi, một bài học mà tôi cho là quan trọng nhất của Chúa Giêxu.

Một hôm, trên đường đi làm tôi lại thấy một người nằm bên vệ đường dưới nắng trưa oi ả. Tôi không thể lái xe qua vì không thể làm ngơ một sự nhắc nhở trong lòng. Tôi dừng xe lại và xuống xem tình trạng của người đang nằm, cũng đang say rượu. Một số người đi đường cũng dừng lại với tôi. Vì sợ trễ giờ làm, tôi nhờ mọi người đỡ anh ta lên ngồi đằng sau xe tôi để tôi chở thẳng xuống cơ quan nơi tôi đang làm việc. Tôi cảm thấy đỡ căng thẳng hơn khi mọi người nhìn tôi với con mắt có đôi chút cảm tình.

Đến cơ quan tôi đỡ anh ta vào nằm trong hành lang vào văn phòng, và điều đó đã làm chấn động cả cơ quan tôi buổi chiều hôm ấy.

Đầu tiên là cô nhân viên trực, cô tất tả chạy ra tưởng người bị nạn là nhân viên trong cơ quan. Khi phát hiện ra không phải, sau khi nghe  kể cô nhìn tôi như thể xem tôi bị “hâm” tới mức độ nào. Kế đến là hai cô nhân viên khác, một cô tỏ ra thông cảm còn cô kia thì dè dặt sợ bà thủ trưởng. Và khi bà thủ trưởng đến thì mọi sự bùng nổ. Đầu tiên bà xem xét nạn nhân đã được đắp chăn cẩn thận chưa, sau đó cho đưa anh ta vào một nơi kín gió. Sau đó bà bắt đầu la toáng lên :

…. đây là cơ quan nhà nước chứ không phải chỗ để mấy người làm từ thiện, muốn làm từ thiện sao không đem về nhà mình mà lại đem đến đây nhỡ cấp trên xuống thình lình thì biết trả lời làm sao, rồi để người ta nằm đó không biết chừng nào họ mới tỉnh dậy, nhỡ ra gặp người không đàng hoàng thì đồ đạc trong cơ quan ai bảo đảm cho ? khi không đem rước cái của nợ vào thân !….

Lúc đó tôi mới thật sự choáng vì mình quá liều lĩnh làm những điều mà không liệu trước thái độ của những người chung quanh. Tôi vội vã rút vào bàn làm việc mở đống sổ sách đang làm dở buổi sáng để tránh tình trạng căng thẳng trong cơ quan cùng che dấu sự bối rối của mình.

Và thật sự cho đến bây giờ tôi cũng chẳng biết chính xác sự việc sau đó diễn ra như thế nào nữa. Tôi chỉ nhớ khoảng giữa buổi làm việc, lúc tôi đến bàn uống nước và định tìm cô nhân viên trực để hỏi xem tình trạng của người thanh niên say rượu lúc trưa thì gặp bà thủ trưởng. Bà cho tôi biết đã gọi người bảo vệ đêm của cơ quan đến và đưa người thanh niên ấy về nhà sau khi anh ta tỉnh dậy; và bà muốn rằng từ lúc đó về sau này sẽ không còn xảy ra những việc như vậy nữa. Bà ta nói mà không nhìn thẳng vào mặt tôi như mọi khi và thái độ cũng không căng thẳng như lúc trưa nữa.

Và cũng từ hôm ấy, không khí trong cơ quan tôi và cái nhìn của những đồng nghiệp đối với tôi cũng khác đi. Đôi khi có người ác khẩu gán cho tôi những danh hiệu này nọ nhưng tôi không bận tâm. Điều duy nhất khiến tôi bận tâm là liệu tôi có còn gặp phải những trường hợp như vậy nữa hay không?

Cho đến nay thì những điều đó chỉ còn là những ký ức của những ngày đầu gặp gỡ Chúa và bài học vỡ lòng của Ngài dành cho tôi nhưng không bao giờ tôi học xong được. Bởi vì mỗi ngày qua đi trong cuộc đời tôi lại càng cảm biết rằng những nỗi đau  trong tâm hồn cùng những đổ vỡ nội tâm là những vết thương khó có thể chữa lành nhất; chúng không thể thấy được bằng mắt thường mà chỉ được cảm nhận bằng một trái tim biết thương cảm, một tấm lòng đã từng trãi qua những cảnh ngộ đau thương. Và như thế, cho dù tôi không bỏ qua một người bị bỏ mặc trên đường nhưng có thể tôi đã bỏ mặc biết bao nhiêu người qua lại trong cuộc đời tôi với những vẻ ngoài bình thản thậm chí có người với nụ cười vui vẻ trên môi nhưng trong lòng lại mang nặng những trái tim tan nát, những nỗi lòng tan vỡ vì hệ lụy của nhân gian.

Và Chúa Giê xu ơi ! làm sao để con trở thành một người Samari nhân lành để giúp đỡ họ như Ngài đã từng bước vào cuộc đời con để chữa lành cho con ?

Đà lạt, ngày 19/04/2010

Nguyễn Đức Huy

Bình Luận:

You may also like