Home Lạy Chúa, Chúa Muốn Con Làm Gì?

Lạy Chúa, Chúa Muốn Con Làm Gì?

by Ban Biên Tập
30 đọc

Đối với Ápram Chúa bảo “ Ngươi hãy ra khỏi quê hương…” ( STK 12:1); đối với Môise, Chúa phán “ Vậy bây giờ hãy lại đây, đặng Ta sai ngươi đến Pharaôn….” ( Xuất 3:10) ; với Êsai “ Ta sẽ sai ai đi ?” ( Êsai 6:8 ) vv…., nhưng với Phaolô, khi đọc trong sách Công Vụ đoạn 9 câu 6, bản dịch New King James Version, tôi vô cùng kích thích vì Lời Chúa ghi “ Lord, what do You want me to do?” ( Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?) và Đức Thánh Linh đã chuẩn bị để có sứ đuệp hôm nay.

Hai đoạn văn chúng ta vừa đọc  được coi như là lời đầu tiên của Phaolô vừa biết Chúa và một trong những lời sau cùng của Phaolo gửi cho Timôthê cũng là 1 lá thư chiến thắng, kết quả trực tiếp từ những gì ông đã nói đầu tiên bằng tấm lòng thành tâm của mình. Câu hỏi “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Không phải là lời bày tỏ theo cảm xúc trong giây lát mà là thái độ ăn năn thay đổi theo Chúa suốt cuộc đời ông.

Câu hỏi của Phaolo rất thích hợp cho mỗi chúng ta trong mọi không gian và thời gian ngày nay.

I. Câu hỏi “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” nói lên ông đã nhận ra được Đấng tể trị tuyệt đối , Chúa Jesus Christ.

Từ “Chúa” ngày nay không có ý nghĩa như nó có trong những thời kỳ của Phaolo. Đối với 1 người, được gọi là Chúa có nghĩa là mọi thứ. Người đó được kính trọng và có uy quyền phân biệt giữa người chủ và nô lệ.

“Chúa” cũng được dùng để mô tả sự sở hữu hoặc làm chủ tuyệt đối. Có thể đó là làm chủ 1 ngôi nhà, 1 tài sản, thú vật hay 1 nô lệ. Từ này cũng là 1 tước hiệu của hoàng đế La Mã. Sự sử dụng cao nhất của từ này được tìm thấy trong bản dịch Hy Lạp của Kinh Thánh tiếng Hêbơrơ. Từ Hy Lạp là Kanos được dịch sang là Chúa được sử dụng như là tên gọi của Đức Chúa Trời của Israel. Trong đoạn văn này Phaolô ám chỉ 1 Chúa Jesus sống lại đang đối diện với ông trong khi ông đang đi bắt bớ những người theo Chúa Jesus.

Khi Chúa Jesus còn thi hành chức vụ trên đất, thiên nhiên cũng phải qui phục trước Chúa Jesus Christ. Gió và sóng phải vâng theo mệnh lệnh của Chúa.

Thế giới thú vật cũng nhận ra và vâng theo Chúa. Trong Phúc Âm Mác, có kể lại câu chuyện lúc Chúa Jesus Christ bị cám dỗ. Mác ghi “Ngài ở nơi đồng vắng chịu quỉ Satan cám dỗ 40 ngày, ở chung với thú rừng và có thiên sứ hầu việc Ngài” (Mac 1: 13). Tại sao Mac lưu ý đến sự việc Chúa Jesus “ở chung với thú rừng”? Nó cho thấy rằng chính thú rừng cũng nhận ra quyền tể trị của Chúa Jesus. Khi Chúa Jesus vào thành Jerusalem một cách khải hoàn. Chúa cũng cưỡi trên lưng 1 con lừa con mà chưa ai cưỡi nó trước đây (Luca 19: 30 – 37). Điều này cũng có ý nghĩa khác thường. Có phải ngay cả chính con lừa con cũng nhận ra quyền làm Chúa của Chúa Jesus?

Ma quỉ nhận ra quyền làm Chúa của Chúa Jesus. Tân Ước ghi lại nhiều câu chuyện Chúa Jesus ra lệnh tà ma phải xuất ra khỏi những người bị chúng nhập vào. Chính ma quỉ nhận ra Chúa và phải nghe lời Chúa. (Mác 5: 7 – 13).

Chúa Jesus chấp nhận các môn đồ gọi Ngài là Chúa. Chúa nói “Các ngươi gọi ta bằng Thầy bằng Chúa, các ngươi nói phải, vì ta thật vậy” (Giăng 13: 13). Có lần Chúa Jesus quở trách các môn đồ “Sao các ngươi gọi ta Chúa, Chúa, mà không làm theo lời ta phán” (Luca 6: 46).

  1. Khi viết lá thư gởi cho con cái ở thành Philip, Phaolo tuyên bố rằng mọi người phải nhận ra và nghe theo quyền tể trị của Chúa Jesus “Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jesus mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều qùi xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jesus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Philip 2: 9 – 11).

chua muon con lam gi

II. Câu hỏi “Lạy Chúa, Chúa muốn con phải làm gì?” nói lên tấm lòng đầu phục Chúa hoàn toàn của Phaolo.

  • Khi hỏi câu hỏi này, Phaolo nói lên sự ăn năn từ đáy lòng của ông và bắt đầu đặt đức tin nơi Chúa Jesus là Đấng Cứu Thế của ông. Đây là giây phút quyết định đầu phục Chúa và phục vụ Ngài. Ông chấp nhận quyền tể trị tuyệt đối của Chúa Jesus trên mọi lãnh vực trong đời sống ông. Cuộc sống ông phó thác theo Chúa vì ông biết Jesus là Chúa, Đấng đã sống lại từ cõi chết, đang cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ ( KH 1:18 ), Đấng đầu và cuối của đời sống ông. ( KH 1: 8,17 )

III. Câu hỏi “Lạy Chúa, Chúa muốn con phải làm gì?” nói lên sự bắt đầu cho 1 chức vụ vĩ đại của Phaolô.

  1. Phaolô tích cực phục vụ 1 người vĩ đại nhất và 1 sự nghiệp vĩ đại nhất trên trần gian, Người đó là Jesus Christ và sự nghiệp đó là vương quốc của Đức Chúa Trời. Ông đã thành lập nhiều Hội Thánh ở nhiều thành phố và nhiều quốc gia ngay lúc ông được kêu gọi cho đến giây phút tử vì đạo tại Rôma.

Bạn có tìm thấy 1 con người nào đó mà bạn có thể phục vụ không? Chúng ta không thể sống cuộc đời cô lập với người khác. Đời sống này được tạo thành bằng những mối quan hệ và mối quan hệ được tạo ra bởi sự chọn lựa. Mỗi chúng ta phải khôn ngoan chọn kết nối với những người có thể thách thức chúng ta trở thành những người mà Đức Chúa Trời mong muốn.

Bạn đã chọn 1 sự nghiệp để bạn có thể  đầu tư thời giờ, năng lực và tài chánh ? Cuộc đời không phải chỉ được tạo thành bởi mối quan hệ với con người, nhưng còn với những tập thể trong xã hội nữa. Bạn đã dâng gì cho Hội Thánh? 1 triệu đồng được đầu tư vào Hội Thánh truyền giáo sẽ tăng cao hơn, chìm sâu hơn, lan truyền rộng hơn, đi xa hơn và kéo dài hơn 1 triệu đồng đầu tư vào những sinh hoạt khác ngoài đời.

Nếu điều này đúng đối với tiền bạc, nó cũng đúng với năng lực, nỗ lực và thời giờ. Phaolô đã đáp lại lời kêu gọi của Đấng Cứu Thế. Mối quan tâm và nỗ lực của ông luôn đặt Hội Thánh ưu tiên hàng đầu trước tất cả mọi sinh hoạt khác.

 

IV. Câu hỏi “Lạy Chúa, Chúa muốn con phải làm gì?” mở ra cánh cửa để mọi người biết ý muốn của Chúa.

Ý muốn của Chúa không phải là 1 điều gì sợ hãi. Nó là 1 điều cần khám phá và hiểu biết. Ý muốn của Chúa không phải là 1 định mệnh đau thương, tàn nhẫn áp chế trên chúng ta, nhưng đó là 1 chương trình cao cả thánh khiết của 1 Đức Chúa Trời yêu thương cho con dân của Ngài.

Đời sống chúng ta sẽ tốt đẹp nhất và cao cả nhất khi nó được sống trong ý muốn của Chúa

  1. Phaolô đã mô tả ý muốn của Chúa là tốt lành và trọn vẹn (Rôma 12:2)
  2. Nếu chúng ta sẵn lòng làm theo ý muốn của Chúa, chúng ta có thể biết ý muốn của Chúa.
  3. Ý muốn của Chúa có thể được khám phá ra bởi đọc lời Chúa thường xuyên.
  4. Ý muốn của Chúa có thể được khám phá qua sự cầu nguyện
  5. Ý muốn của Chúa có thể được khám phá qua sự thờ phượng
  6. Ý muốn của Chúa có thể được khám phá bởi sự khải đạo của những Cơ Đốc Nhân trưởng thành và tin kính Chúa.

KẾT LUẬN :

“Lạy Chúa, Chúa muốn con phải làm gì?” là câu hỏi của mỗi người và cũng là câu hỏi dành cho bạn. Câu hỏi này rất cần thiết cho bạn vì bạn cũng cần biết Đức Chúa Trời muốn bạn làm gì ngày nay.

Nếu bạn không biết Chúa Jesus Christ là Chúa Cứu Thế của mình, thì ý muốn của Chúa muốn bạn được cứu rỗi.

Nếu bạn có mặt hôm nay trong Hội Thánh như là 1 tín hữu “Hữu danh vô thực” thì ý muốn của Chúa muốn bạn tái dâng đời sống bạn và trở thành 1 môn đồ và đầy tớ mạnh mẽ của Chúa.

Hãy để “ý muốn của Chúa” trở thành ý muốn của bạn ngày hôm nay.

Hãy để đường lối của Chúa là đường lối của bạn ngày nay và mãi mãi.

Amen!

Mục sư Dương Quang Vinh
Bài vở đóng góp xin gởi về Tintuc@hoithanh.com
Bình Luận: