Home Giáo Lý Tin Lành Bài 33: Sự Tha Tội

Bài 33: Sự Tha Tội

by Ban Biên Tập
30 đọc
I. ĐƯỢC THA TỘI NHƯ THẾ NÀO ?

Đức Chúa Trời đã dùng nhiều cách để chứng minh sự tha tội, hầu cho chúng ta không còn nghi ngờ gì hết, mà vui mừng cảm tạ, ca ngợi, vì biết chắc mình đã được tha thứ.

1-Tha hết mọi tội.

a Xoá sạch. Xoá sạch một vết dơ như vết phấn trên bảng rồi xoá đi, muốn tìm thấy lại cũng không được. Vì sự tha tội cũng vậy.

Êsai 44:22: “Ta đã xóa sự phạm tội ngươi như mây đậm, và tội lỗi ngươi như đám mây”. Đã thấy những đám mây đen kịt trên trời, rồi một lát chúng ta không còn thấy nó nữa, không biết nó đi đâu. Tội lỗi của chúng ta cũng được bôi xoá như vậy.

b Rửa sạch. Là làm cho sạch hết mọi vết tích tội lỗi.

IGiăng 1:7-9: “Nhưng nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau, và Huyết Đức Chúa Giêxu, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta …Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác”.

c Phiếu trắng như tuyết.

Êsai 1:18: “Đức Giêhôva phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết, dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên”. Thiết tưởng trong trần gian nầy không có gì trắng và sạch bằng tuyết.

Thi thiên 51:7: “Xin hãy lấy chùm kinh giới tẩy sạch tội lỗi tôi, thì tôi sẽ được tinh sạch. Cầu Chúa hãy rửa tôi, thì tôi sẽ nên trắng như tuyết”, nghĩa là không còn một vết tích tội lỗi nào.

2-Không còn tìm thấy tội lỗi nữa

a Chúa ném tội lỗi ta ra sau lưng Ngài.

Giêrêmi 50:20: “Đức Giêhôva phán: Trong những ngày đó, bấy giờ, người ta sẽ tìm sự gian ác của Ysơraên, mà không có nữa, tìm tội lỗi của Giuđa, mà chẳng thấy nữa đâu; vì ta sẽ tha tội cho những kẻ trong vòng chúng nó mà ta đã chừa lại”.

Êsai 38:17: “Vì Chúa đã ném mọi tội lỗi tôi ra sau lưng Ngài”.

b/ Chúa ném tội lỗi ta xuống biển.

Michê 7:19: “Ngài sẽ còn thương xót chúng tôi, dập sự gian ác chúng tôi dưới chân Ngài, và ném hết thảy tội lỗi chúng nó xuống đáy biển”, như ném một khối chì, mà ta muốn tìm lại cũng không được.

c Chúa đem tội lỗi chúng ta đi xa.

Thi thiên 103:12: “Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài đã đem sự vi phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu”. Phương đông phương tây không bao giờ gặp nhau, thì chúng ta không bao giờ gặp lại tội lỗi của chúng ta sau khi được Chúa tha thứ.

3-Ngài không nhớ lại tội lỗi của chúng ta nữa.

Sau khi đã tha thứ, Ngài không nhớ đến tội chúng ta nữa.

Giêrêmi 31:34: “Đức Giêhôva phán: Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó và chẳng nhớ tội chúng nó nữa”.

Êsai 43:25: “Ấy chính ta, là Đấng vì mình ta mà xóa sự phạm tội ngươi; ta sẽ không nhớ đến tội lỗi ngươi nữa”.

Sự tha thứ của Chúa kỳ diệu đến nỗi chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến, vượt qua điều chúng ta cầu xin và ao ước.

4-Chúa tha thứ ngay.

IICôrinhtô 6:2: “Vì Ngài phán rằng: Ta đã nhậm lời ngươi trong thì thuận tiện. Ta đã phù hộ ngươi trong ngày cứu rỗi. Kìa hiện nay là thì thuận tiện, kìa hiện nay là ngày cứu rỗi”.

Không có ngày mai nhưng nói hiện nay là ngày cứu rỗi. Khi Chúa đang giảng trong một nhà, người kia dòng người bại xuống, thì Chúa phán: “Hỡi con Ta, tội lỗi con đã được tha”. Ngài tha ngay khi thấy đức tin của họ được bày tỏ. Khi Xachê tiếp Chúa vào nhà, thì Ngài phán: “Hôm nay, sự cứu rỗi đã vào trong nhà này”, không phải là ngày mai, năm tới, nhưng giờ nầy. Tôi nhơn không phải chờ đợi một giờ, một phút, ngược lại, Chúa đang chờ đợi để tha thứ cho tội nhân ăn năn.

Êsai 1:18: “Đức Giêhôva phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết, dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên”. Nếu ai chưa được tha tội, thì bây giờ hãy đến, Ngài tha thứ ngay và phiếu trắng lòng chúng ta như tuyết và hơn tuyết nữa. Khi tên trộm cướp bị đóng đinh trên Thập tự giá bên cạnh Chúa Giêxu hết lòng ăn năn, kêu cầu Ngài nhớ đến mình, thì Ngài phán: “Quả thật, Ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với Ta trong Thiên đàng”. Thế là không có lửa luyện tội.

5-Ngài tha thứ mỗi ngày và liên tục.

Mỗi ngày chúng ta đọc “Bài cầu nguyện chung”: “Xin tha tội lỗi cho con, cũng như con tha kẻ phạm tội cùng con”.

IGiăng 1:7: “Nhưng nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau, và Huyết Đức Chúa Giêxu Christ, Con Ngài làm sạch mọi tội chúng ta”. Động từ “làm sạch” đó là làm sạch liên tục mỗi ngày. Nếu chúng ta ở trong Chúa, thì vô luận lúc nào Huyết của Chúa cũng sẵn sàng tha thứ cho chúng ta hết thảy để bất cứ lúc nào Đức Chúa Trời cũng thấy chúng ta là Thánh Khiết, và bất cứ lúc nào chúng ta qua đời cũng không lo sợ gì hết. Hằng ngày lòng chúng ta bình an và vui vẻ, vì biết mình đã được tha tội. Xin Chúa Thánh Linh mở mắt, mở tai, mở trí, mở lòng, để ai nấy nghe được, nhận được ơn tha thứ trọn vẹn của Chúa (Thi 32:1-2).

su tha toi

II. DẤU HIỆU CỦA MỘT NGƯỜI ĐƯỢC THA THỨ:

Điều nầy giúp đỡ cho nhiều người xác nhận niềm tin và dám chia xẻ niềm tin cho kẻ khác, vì biết mình đã được tha thứ, mới dám kêu gọi mọi người tin Chúa để được tha thứ như mình.

Dấu hiệu để biết mình đã được tha thứ tội lỗi:

-Ghê gớm tội lỗi. Một người được tha thứ tội lỗi thì ghê gớm tội lỗi cũng như một người bị té trong vũng lầy, đã được đem lên, được rửa sạch, bây giờ nhìn vào vũng bùn lầy đó lấy làm gớm ghê. Trước kia chúng ta vốn sanh ra trong tội lỗi, nhưng từ khi tin Chúa, đã được tha thứ thì lấy làm gớm ghê tội lỗi, nếp sống cũ, nếp sống bại hoại.

Công vụ 19:18-19 có nói một số phù thủy nổi tiếng, nhưng khi ăn năn, thì đem hết sách vở của mình ra đốt trước mặt mọi người, tính tiền sách đó khoảng 30 ngàn miếng bạc. Họ gớm ghê cuộc sống cũ.

ITimôthê1:13 Phaolô thú nhận: “Ta ngày trước vốn là người phạm thượng, hay bắt bớ, hung bạo, nhưng ta đã đội ơn thương xót, vì ta đã làm những sự đó đương lúc ta ngu muội chưa tin”. Phaolô rất gớm ghê tội lỗi của mình.

2-Có lòng yêu Chúa.

Thi thiên 116:1,12: “Tôi yêu mến Đức Giêhôva, vì Ngài nghe tiếng tôi, và lời nài xin của tôi …Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giêhôva, về các ơn lành mà Ngài đã làm cho tôi”. Đavít đã hết lòng yêu Chúa về các ơn lành của Ngài, trong đó có ơn tha tội.

Luca 7:37-38: “Vả, có một người đàn bà xấu nết ở thành đó, nghe nói Đức Chúa Giêxu đương ngồi bàn tại nhà người Pharisi, bèn đem đến một bình ngọc trắng đựng đầy dầu thơm. Người đứng đằng sau, nơi chân Đức Chúa Giêxu, khóc, sa nước mắt trên chân Ngài, rồi lấy tóc mình mà chùi, lại hôn chân Ngài và xức dầu thơm cho”. Bà là ai mà đã hành động như vậy? – Bà là một tội nhân khốn nạn đã được Chúa tha thứ, nên bà hết lòng yêu Chúa, không biết làm gì để cảm tạ ơn Ngài.

3-Có lòng khiêm nhường.

Khi hoạn quan Êthiôbi biết Chúa Giêxu là Đấng Cứu Thế, thì ông nói với Philíp: “Đây có nước sẵn, tôi muốn chịu Báptêm có được không?”. Philíp đồng ý. Hoạn quan liền xuống xe để Philíp làm Báptêm cho. Một quan lớn của triều đình Êthiôbi, nhưng sẵn sàng chịu một chấp sự làm Báptêm cho. Lòng khiêm nhường đó nói lên ông đã được tha tội. (Công 8:36).

Khi bà Lyđi đã tin Chúa qua lời giảng của Phaolô, thì bà nói một cách hết sức khiêm nhường: “Nếu các ông đã đoán tôi là trung thành với Cha, thì hãy vào nhà tôi mà ở lại đó”, và bà ép mời vào. Chính nhờ đó mà Phaolô đã giảng cho nhân dân thành Philíp và có kết quả Hội Thánh Philíp như chúng ta đã biết (Công 16:15).

Phaolô thú nhận trong ICôrinhtô 15:9: “Vì tôi là rất hèn mọn trong các Sứ đồ, không đáng gọi là Sứ đồ, bởi tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Đức Chúa Trời”. Phaolô là vị Sứ đồ cuối cùng, nhưng cũng là vị Sứ đồ đầu tiên, vì ông nổi tiếng hơn hết trong các Sứ đồ. Tuy nhiên, ông nói rất khiêm nhường. Dầu Chúa đã tha thứ cho ông, phiếu như tuyết, và hơn tuyết nữa, nhưng cảm xúc về tội lỗi của mình mà luôn luôn khiêm nhường trước mặt Chúa, và trước mặt Hội thánh. Theo Chúa thì khiêm nhường, chỉ có theo ma quỷ mới kiêu ngạo.

4-Có lòng vui mừng.

Một người được tha thứ tội lỗi có lòng vui mừng. Hoạn quan Êthiôbi rất vui mừng khi trở về xứ. Ông đã đem Tin Lành về lục địa Phichâu, và cho tới ngày nay vẫn tồn tại (Công 8:39).

Khi người Đề lao thành Philíp tin Chúa và cả nhà đều tin, thì cả nhà đều vui mừng vì đã được tha tội (Công 16:31-34).

Khi Xachê được Chúa vào nhà, thì ông nói rằng: Tôi lấy nửa gia tài mình mà chia cho kẻ nghèo, nếu có hại ai, tôi sẽ đền gấp tư”. Niềm vui thiên thượng tràn ngập tâm hồn, thì ông xem tiền bạc, của cải không còn có giá trị bao nhiêu (Luca 19:6-8).

Khi con trai hoang đàng ở tại xứ người thì buồn khổ lắm, vì phải chăn heo, muốn ăn vỏ đậu của heo cũng không được. Khi trở về nhà. Cha ra đón, ôm vào lòng, hôn đáo để, mặc áo tốt nhất, đeo nhẫn vào tay, mang giày vào chân, và bắt bò mập làm thịt. Cả nhà vui vẻ với nhau.

Người được tha thứ tội cũng có lòng như vậy.

5-Tha thứ cho kẻ khác.

Người nào được Chúa tha thứ, thì sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác. Tại sao? – Vì biết rằng tội lỗi của mình lớn lao vô cùng mà Chúa đã tha, thì lỗi lầm của anh em trong Đấng Chrsit có nghĩa lý gì đâu (Mat 6:12). Phaolô bảo: “Hãy tha thứ nhau, như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy”. Đức Chúa Trời đã tha thứ cho chúng ta, thì chúng ta cũng tha thứ cho nhau. Mà tha thứ cho nhau là dấu hiệu của người được tha thứ (Êphêsô4:32).

III. ĐỨC CHÚA TRỜI CĂN CỨ VÀO ĐÂU ĐỂ THA TỘI ?

Không phải Đức Chúa Trời cao cả muốn tha cho ai thì tha đâu, Đức Chúa Trời Yêu thương, sẵn sàng tha thứ, nhưng đồng thời Ngài là Công bình. Vì vậy Ngài tha thứ theo luật chuộc tội.

Lêviký 4:20: “Thầy Tế Lễ sẽ chuộc tội cho hội chúng và tội hội chúng sẽ được tha”.

Lêviký 4:26: “Đoạn xông hết mỡ trên bàn thờ như cách xông mỡ về Của Lễ Thù Ân. Ấy vậy, Thầy Tế Lễ sẽ chuộc tội cho người và tội người sẽ được tha”.

Lêviký 4:31: “Rồi gỡ hết mỡ như cách gỡ mỡ về Của Lễ Thù Ân, đem xông trên bàn thờ, làm của lễ có mùi thơm dâng lên cho Đức Giêhôva. Ấy vậy, Thầy Tế Lễ sẽ chuộc tội cho người đó, thì tội người đó sẽ được tha. “

Lêviký 5:10:”Còn chim kia, người phải tùy theo lệ đã định, dùng làm một của lễ thiêu. Ấy vậy, Thầy Tế Lễ sẽ vì người đó làm lễ chuộc tội người đã phạm, thì tội người sẽ được tha”.

Lêviký 5:16: “Thầy Tế Lễ sẽ dùng chiên con đực về của Lễ chuộc sự mắc lỗi mà làm lễ chuộc tội cho người ấy, và tội người sẽ được tha”.

Lêviký 5:18: “Rồi Thầy Tế Lễ sẽ làm lễ chuộc tội cho người đã lầm lỡ phạm tội và không tự biết, thì lỗi người sẽ được tha”.

Nhưng câu nầy đều nhấn mạnh về sự tha tội bằng của lễ con bò, hay con chiên, hoặc con bồ câu, mà bà con sinh tế đó đều chỉ về Chúa Giêxu. Huyết của Chúa Giêxu được coi là Huyết của chiên con không lỗi, không vít từ buổi sáng thế để chuộc tội cho chúng ta. Chúng ta thấy sự tha thứ của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta không nằm trên sự bất công, nhưng nằm trên luật Chí công của Ngài.

Giăng 3:16: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài,(chịu chết đền tội cho chúng ta trên Thập tự giá), hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời”.

Rôma 3:23-24: “Mọi người đều đã phạm tội…Và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giêxu Christ”.

Rôma 5:8: “Khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”.

Chúa vì chúng ta chịu chết, nên chúng ta nhờ Ngài được tha thứ (Êphêsô1:7; 4:32; Côl1:14; Công 10:43).

Suốt dòng lịch sử nhân loại từ sáng thể cho đến tận thế, không ai biết là bao nhiêu năm, song giữa dòng lịch sử đó có Thập tự giá của Chúa Giêxu. Thập tự giá chia đôi dòng lịch sử. Cựu ước và Tân ước. Nhân loại trong thờ Cựu ước hướng về Thập tự giá, tin rằng Đấng Cứu Thế sẽ chịu chết vì mình tại đó. Khi họ dâng tế lễ bằng con bò, con chiên hay chim bồ câu, thì lòng họ hướng về Đấng Cứu Thế sẽ chịu chết đền tội cho họ mà sinh tế đó làm tượng trưng cho. Từ khi Chúa Giêxu chịu chết trên Thập tự giá, thì mỗi chúng ta tin Ngài sẽ chịu chết vì tôi. Thập tự giá là trung tâm điểm của công cuộc cứu rỗi mà toàn thể nhân loại thuộc bất cứ thời đại nào cũng phải hướng về đó để được cứu. Dẫu ở thời Cựu ước hay Tân ước thì đều có một niềm tin như nhau, chỉ khác nhau ở chỗ “sẽ” và “đã”.

Đavít viết Thi thiên 32:1-2: “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình, được khỏa lấp tội lỗi mình. Phước thay cho người nào Đức Giêhôva không kể gian ác cho, và trong lòng không có sự giả dối”. Muốn hiểu chúng ta nên đọc như thế nầy: “Hỡi Đavít, khá ngợi khen Đức Giêhôva ! Mọi điều gì ở trong ngươi, hãy ca tụng danh Thánh của Ngài ! Hỡi Đavít, hãy ngợi khen Đức Giêhôva, chớ quên các ân huệ của Ngài. Ấy là Ngài tha thứ các tội các ngươi…”. Chính Đavít nói với Đavít, mỗi chúng ta phải đọc như thế. Tôi phải đọc: “Hỡi Đoàn Văn Miêng, khá ngợi khen Đức Giêhôva ! Mọi điều gì ở trong mầy, hãy ca tụng danh Thánh của Ngài ! Hỡi Đoàn Văn Miêng, hãy ngợi khen Đức Giêhôva, chớ quên các ân huệ của Ngài. Vì Ngài tha thứ các tội ác mầy”. Mỗi chúng ta phải đặt tên mình vào đó. Xin Chúa cho chúng ta thật biết mình đã được tha thứ.

Mục sư Đoàn Văn Miêng

Mọi thắc mắc cùng ý kiến đóng góp xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like