Home Giáo Lý Tin Lành Bài 16: Sự Chết Của Chúa Giê-Xu

Bài 16: Sự Chết Của Chúa Giê-Xu

by Ban Biên Tập
30 đọc

Chúng ta đang bước vào một vùng Thánh địa, và mỗi người phải cởi giày ra, đi chân trần hoặc đi bằng đầu gối, tức là phải cung kính, run sợ khi suy gẫm về Chúa Giêxu chịu chết. Thật là kỳ diệu, không lời nào mô tả hết, không trí nào thấu đáo được, vì Đấng tạo hoá của vũ trụ lại trởi thành con người như chúng ta và chết trên Thập tự giá, là một sự chết đau đớn sỉ nhục hơn hết. Chắc chắn các thiên sứ phải ngạc nhiên. Nhưng đó là một sự kiện lịch sử không ai chối cải được. Môi miệng nầy, tâm trí nầy không đủ khả năng và ân tứ phổ biến thực sự đó, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.

ISỰ CHẾT CỦA CHÚA GIÊXU RẤT QUAN TRỌNG :

1-Trong Tân ước có 175 lần đề cập đến sự chết của Ngài. Trong Cựu ước có rất nhiều dự ngôn, thí dụ, ẩn ngữ nói về điều đó.

2-Chúa Giêxu đã Giáng sanh làm người để chết, vì Thượng đế vô hình không thể chết. Việc vầy không phải là ngẫu nhiên, nhưng là kế hoạch của Đức Chúa Trời đã định từ khi loài người sa ngã, nên sự chết của Chúa Giêxu là điều phải xảy đến (Hêb 2:14).

3-Chúa Giêxu luôn luôn nói về sự chết của Ngài là mục đích cao cả để cứu mọi người (Mat 20:28). Khi Chúa hóa hình trên núi thì có Môise và Êli hiện ra với Ngài tại đó, cả hai đều nói về sự chết của Ngài (Luca 9:30-31).

4-Các tiên tri đã cố gắng tìm hiểu sự chết của Chúa Giêxu, vì nó mầu nhiệm quá, họ viết nhưng không hiểu. Tiên tri Êsai đã viết đoạn 53, ông than : “Ai tin điều đã rao truyền cho chúng ta? “. Đấng Cứu thế chịu chết một cách đau đớn, sĩ nhục như vậy là một điều quá sức tửơng tượng, thậm chí các Thiên sứ cũng muốn tìm hiểu (Iphi 1:10-12).

5-Sự chết của Chúa Giêxu là đề tài chính yếu của các Thánh ca tên trời (Khải 5:8-14). Trải qua gần hai ngàn năm, sự chết của Chúa Giêxu là đầu đề của vô số bài Thánh ca, bài thơ, bài giảng.

6-Sự chết của Chúa Giêxu là một giáo lý căn bản không có không được. Từ Sáng thế ký đến Khải huyền đều chép về sự chết của Chúa Giêxu. Kinh thánh là một Huyết thư. Nếu Chúa Giêxu không chết trên Thập tự giá, thì không có Kinh thánh và Ngài đã lấy Huyết Ngài chép thành Kinh thánh. Huyết thư nầy của Cha gửi cho các con, của Đấng tạo hóa gửi cho loài thọ tạo. Chúa rất yêu thương nhưng nếu Ngài không chịu chết vì chúng ta trên Thập tự giá, chúng ta cũng hư mất đời đời trong hỏa ngục mà thôi (ICôr 1:22-24; 2:2; 15:3).

II MỤC ĐÍCH VỀ SỰ CHẾT CỦA CHÚA :

Mục đích của Ngài đến trần gian là để chịu chết. Nhân loại sợ chết. Sanh lão bệnh tử là kẻ thù của loài người, mà ai nấy muốn tránh. Nhưng lạ thay Đấng Vinh hiển tối cao, Tối đại từ trời giáng thế để chịu chết, hơn nữa là chịu chết một cách đau đớn, sỉ nhục không một lời nào tả xiết, là chết trên Thập tự giá.

1-Ngài chịu chết vì mọi người.

Êsai 53:4,6: “Thật Người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta ; mà chúng ta lại tưởng rằng Người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập và làm cho khốn khổ. Nhưng Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt Người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi Người chúng ta được lành bệnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy :Đức Giêhôva đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên Người”. Xin lưu ý những túc từ “của chúng ta” và những chủ từ “chúng ta” . Chỉ vì chúng ta mà Ngài phải chịu chết.

2-Ngài chịu chết để chịu chết chuộc tội mọi người.

Hêbêrơ 9:22,28: “Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ Huyết mà được sạch : không đổ Huyết thì không có sự tha thứ”. “Cũng vậy, Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người”. Huyết con sinh để chuộc tội kẻ nào tin nhận là hình ảnh về Huyết của Chúa Giêxu đổ ra vì chúng ta trên Thập tự giá, hầu cho nhờ Ngài chúng ta được tha thứ.

Rôma 3:25: “Là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong Huyết Đấng ấy. Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia”. Mọi người đều đã phạm tội, không trừ ai cả, nhưng mọi người có thể được tha thứ nhờ Huyết của Chúa Giêxu, vì Ngài là con Sinh tế chuộc tội chúng ta trên Thập tự giá.

3-Ngài chịu chết để chuộc mọi người khỏi sự rủa sả.

Galati 3:13: “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã làm nên sự rủa sả vì chúng ta”. Một người phạm tội thì ở dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Nhân loại mong được phước, nhưng không thấy phước đâu cả, mà mỗi ngày ở dưới sự rủa sả. Vì vậy, Chúa Giêxu phải mang lấy sự rủa sả của chúng ta, để nhờ đó chúng ta được chúc phước.

Nếu không tin nhận Chúa Giêxu, tội nhân bị rủa sả cả đời cho đến chết. Nhưng chết chưa phải là hết, lại còn khốn nạn hơn. Đó là cảnh vừa bỏ đống tro tàn, lại bỏ vào lò lửa hực. Sống đã khổ, chết càng thêm khổ. Nều tin Chúa Giêxu, ai nấy có thể nói như Đavít : “Quả thật, trọn đời tôi, phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi”.

4-Chúa Giêxu chịu chết để cứu mọi người khỏi đời ác nầy.

Galati 1:4: “Là Đấng phó mình vì tội lỗi chúng ta, hầu cho cứu chúng ta khỏi đời ác nầy”. Đời nầy là đời ác, tức là bội bạc xấu xa, tối tăm, bại hoại. Dầu có những ngôi nhà chọc trời hơn một trăm tầng, dầu có những kỳ công vĩ đại như lên được Cung trăng hay Hoả tinh cũng vậy thôi. Nhưng Chúa Giêxu chịu chết trên Thập tự giá, để cứu chúng ta khỏi đời nầy, đem chúng ta về với Ngài, hầu chúng ta thuộc về Ngài, ở trong Hội thánh của Ngài, tức là trong nước của Ngài tại trần gian.

5-Chúa Giêxu chịu chết để mọi người được làm con Đức Chúa Trời.

Galati 4:4-7: “Nhưng khi kỳ hạn đã đựơc trọn, Đức Chúa Trời bèn sai con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp và cho chúng ta được làm con nuôi Ngài. Lại vì anh em là con, nên Đức Chúa Trời đã sai con Ngài vào lòng chúng ta, kêu rằng : “Aba! Cha!”. Dường ấy, anh em không phải là tôi mọi nữa, bèn là con ; và nếu anh em là con thì cũng là kẻ kế tự bởi ơn Đức Chúa Trời”. Nhờ sự chết của Chúa trên Thập tự giá, tội lỗi chúng ta hoàn toàn được tha thứ. Hơn nữa Thánh linh ngự vào lòng để biến cải hay cải tạo chúng ta trở nên con trai, con gái của Đức Chúa Trời, đến nỗi chúng ta có thể gọi Đức Chúa Trời là Cha tôi. Hơn nữa chúng ta là con kế tự, tức là kẻ sẽ thừa hưởng cơ nghiệp đời đời trên trời.

Tất cả phước hạnh trên đây dành cho mọi người với điều kiện là TIN. Tôi tin nên tôi đã được. Riêng tôi, mỗi lần nghĩ đến điều nầy thì cảm tạ Chúa. Tôi thưa : Chúa ôi!, tại sao Ngài có thể yêu được một kẻ khốn nạn như con? Một kẻ đáng nghét mà Ngài lại yêu, một kẻ đàng phạt mà Ngài lại cứu, một kẻ đáng bỏ đi mà Ngài lại đem về làm con !. Trên đường theo Chúa mỗi bước mỗi ngạc nhiên, tôi cảm thấy không có lời nào tả xiết. Chỉ biết ca ngợi Ngài qua hàng nước mắt.

su chet cua chua giexu

IIICHÚA GIÊXU CHỊU CHẾT VÌ AI?

1-Ngài chết vì tội nhân.

Gioăng 3:16: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài …”. Chữ “thế gian” nầy không nói về thế giới vật chất, nhưng nói về loài người trong Địa cầu. Bất cứ ai đều phải nói rằng : ” Đức Chúa Trời yêu tôi, đã sai Con Ngài xuống thế gian vì tôi.

2-Ngài chết vì Hội thánh.

Êphêsô 5:25: “Hỡi người làm chồng, hãu yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh”.

3-Ngài chết vì chúng ta.

IICôrinhtô 5:21: ” Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta”.

Rôma 5:8: “Khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”. Vì “chúng ta” nói một cách thân mật giữa con cái Đức Chúa Trời trong Hội thánh, như anh em trong một gia đình.

4-Ngài chịu chết vì cá nhân.

Galati2:20: “Tôi đã bị đónh đinh Trên Thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi ; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi”. Đây ứng dụng cách hẹp hơn, Chúa Giêxu không những chết vì nhân loại, nhưng hẹp hơn Ngài chết vì Hội thánh ; hẹp hơn nữa Ngài chết vì chúng ta ; hẹp hơn nữa, Ngài chết vì mỗi người. Ai nấy hãy nói : “Ngài chết vì tôi”. Đó là tôi ứng dụng và Kinh thánh dạy. Chúng ta biết có thuốc trong bệnh viện, nhưng bệnh nhân cứ nằm nhà mà chết. Chúng ta phải đem sự chết của Chúa Giêxu mà ứng dụng cho toàn thể nhân loại, cho Hội thánh, cho chính mình. Gần hai ngàn năm qua, Tin lành đã giảng khắp mọi nơi, Kinh thánh được dịch ra bằng tiếng mẹ đẻ của mỗi dân tộc, dầu vậy, một số người vẫn thản nhiên xây lưng với Chúa, và cứ miệt mài trong tội lỗi, đi con đường hư mất đời đời. Vì vậy khi Chúa Giêxu từ từ trở lại, vô số người đã đấm ngực mà khóc (Mat 24:30;Kải 1:7), vì vô cùng hối tiếc bời có bao nhiêu cơ hội tin nhận Ngài để được cứu rỗi nhưng lại bỏ qua, bây giờ muốn có một chút để ăn năn, tin nhận Ngài cũng không có.

IV. KẾT QUẢ SỰ CHẾT CỦA CHÚA GIÊXU :

1-Tội lỗi được cất đi.

Giăng 1:29: “Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Giêxu đến cùng mình, thì nói rằng : Kìa chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.”. Chúa Giêxu là chiên con, không phải là Chiên con của Người mà Chiên con của Đức Chúa Trời đã chết trên Thập tự giá, để cất tội lỗi Thế gian. Dầu nhân loại đã dùng bất cứ cách nào, không bao giờ hết tội được, vì tội lỗi đã ăn sâu vào xương tuỷ của con người, không những là thể xác mà cả tâm linh. Nên Chúa Giêxu phải giáng thế, chịu chết mới cất tội lỗi đi được.

Hêbêrơ 10:19-20: “Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ Huyết Đức Chúa Giêxu được dạn dĩ vào nơi rất thánh, bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài”. Ngài đem mạng sống của Ngài mở một con đường, hầu cho bất cứ ai đều có thể đến với Đức Chúa Trời, con người biết có Đức Chúa Trời, khao khát Ngài, nhưng không làm sao gặp được Ngài. Nhưng có một con đường đến với Ngài là Chúa Giêxu chịu chết trên Thập tự giá, qua con đường đó, chúng ta muốn gặp Ngài lúc nào cũng được.

2-Dân Do thái và dân ngoại bang hòa lại với nhau.

Êphêsô 2:13-14: “Nhưng trong Đức Chúa Giêxu Christ, anh em là kẻ ngày trước cách xa, ngày nay đã nhờ Huyết Đấng Christ mà được gần rồi. Vì, ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta ; Ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức tường ngăn cách”. Dầu nhân loại từ một gốc mà ra, nhưng dân nầy với dân khác, nước nọ với nước kia thù nghịch nhau, thậm chí người trong một nước cũng thù nghịch nhau. Trước đây người ta đã xây dựng một thế giới ngữ để nhân loại sẽ nói một thứ tiếng, hầu hòa lại với nhau. Nhưng tội lỗi đã lấp một hố sâu không lấp bằng được nữa giữa người với người. Tội lỗi không những đào một hố sâu giữa người với người mà còn đào một hố sâu giữa người với Trời. Chỉ có Thập tự giá là địa điển duy nhất mà loài người có thể gặp nhau và gặp Đức Chúa Trời. Nên Thập tự giá có hai chiều : chiều ngang và chiều đứng, nếu chỉ có chiều ngang mà thôi, thì không phải Thập tự giá, hoặc chỉ có chiều đứng mà thôi, thì cũng vậy; phải có hai chiều. Khi một người tin nhận sự chết của Chúa Giêxu trên Thập tự giá vì mình, thì được hòa lại với Đức Chúa Trời như chiều đứng, và đồng thời được hòa lại với nhau như chiều ngang. Hội thánh của Chúa bao gồm nhân loại trong năm châu :Âu, Á, Phi, Úc, Mỹ. Không còn phân ra màu da, tiếng nói, văn minh, dã man, đàn ông, đàn bà.

3-Tín đồ được tinh khiết luôn luôn.

IGiăng 1:7: “Nhưng nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau ; và Huyết của Đức Chúa Giêxu, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta”. Động từ ” làm sạch” không phải một lần, nhưng liên tục. Hằng ngày, chúng ta nhờ nước làm cho mình sạch thân thể, thì chúng ta nhờ Huyết của Chúa Giêxu làm sạch linh hồn.

4-Tín đồ không còn nợ một hình phạt nào.

Rôma 8:1: “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Giêxu Christ”. Người tin Đức Chúa Giêxu thì không sợ một sự đóan phạt nào, vì tội lỗi đã được tha thứ, mọi nan đề đã được giải quyết. Đức Chúa Trời tuyên bố tha thứ cho chúng ta, thì còn ai bắt tội chúng ta nữa, Đức Chúa Trời bênh vựa chúng ta, thì còn ai dám chống cự chúng ta?

5-Tín đồ thoát quyền ma quỷ.

Hêbêrơ 2:14: “Vậy thì, vì con cái có phần về Huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Giêxu cũng có phần nào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỷ” . Ai tin chúa được thoát ly quyền lực của ma quỷ. Nó không còn dám đụng đến người đó. Một người tin Chúa là một người được hoàn toàn giải phóng khỏi quyền lực của ma quỷ, khỏi quyền lực của tội lỗi, khỏi quyền lực của tối tăm, khỏi quyền lực của sự chết.

6-Cuối cùng sự chết của Chúa Giêxu làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Cựu ước

Tất cả Cựu ước đều nói về Chúa Giêxu chịu chết. Chúa Giêxu chịu chết không phải là yếu đuối, nhưng là mạnh mẽ, không phải là thất bại, nhưng hoàn toàn đắc thắng, vì thực hiện được chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã hoạch định từ buổi sáng thế. Trên Thập tự giá, Chúa Giêxu đã long trọng tuyên bố : “XONG RỒI” (Giăng 19:30). Chúng ta có trách nhiệm phải công bố sự chết của Chúa cho đến khi Ngài trở lại. Mỗi lần dự tiệc thánh, Phaolô bảo : “Mỗi lần ăn bánh, uống chén nầy, thì công bố sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến”. Đó là trách nhiệm của chúng ta, vì vậy là những người được cứu, chúng ta phải nói cho mọi người biết về sự chết của Chúa Giêxu như chúng ta đã tin được cứu rồi thì ước ao người khác cũng tin để được cứu rỗi như chính mình. Vả xin Chúa cho chúng ta sống xứng đáng vớilời nói việc làm của chúng ta tương hiệp và khích lệ đồng bào chúng ta quay về với Chúa, để hưởng được ơn phước cứu rỗi của Ngài như chúng ta vậy.

Mục sư Đoàn Văn Miêng

Bình Luận:

You may also like