Home Giáo Lý Tin Lành Bài 3: Sự Vĩnh Cửu Của Đức Chúa Trời

Bài 3: Sự Vĩnh Cửu Của Đức Chúa Trời

by Ban Biên Tập
30 đọc

I. ĐỨC CHÚA TRỜI VĨNH CỬU :

Xuất Êdíptôký 3:14: “Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU; rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân Ysơraên như vầy: ĐẤNG TỰ HỮU đã sai Ta đến cùng các ngươi”. Đấng Tự hữu, Hằng hữu đã đem dân Ngài ra khỏi cảnh nô lệ, đưa họ vào Canaan đượm sữa và mật. Danh xưng này là một niềm tin mãnh liệt của dân Ysơraên, khích lệ họ trên con đường theo Chúa. Suốt mấy ngàn năm, dân Ysơraên tồn tại, vì họ thuộc về Đấng Tự hữu, Hằng hữu.

“Đấng Tự hữu Hằng hữu” là Đức Chúa Trời có một và thật, song vượt quá trí hiểu của chúng ta. Một em bé mà nghe về Văn học, Khoa học, Y học là những thực sự hiện hữu, nhưng cao quá cho em. Đức Chúa Trời Tự hữu, Hằng hữu là Ngài vốn có từ trước vô cùng và cứ còn mãi mãi cho đến sau vô tận. Thử hỏi: ‘Đức Chúa Trời từ đâu mà có?’. Đáp: ‘Đức Chúa Trời từ Đức Chúa Trời mà có’. Ai sanh Đức Chúa Trời? – Đức Chúa Trời sanh Đức Chúa Trời. Ai lớn hơn Đức Chúa Trời? – Không có ai. Vì trên con số 1 là con số 0. Ngài là con số 1.

Khi giảng cho người Do thái, Chúa Giêxu muốn bày giải cho họ biết Ngài là Đấng Tự hữu, Hằng hữu trong Cựu ước, thì nói: “Cha các ngươi là Ápraham đã nức lòng nhìn thấy ngày của Ta; người đã thấy rồi, và mừng rỡ”. Người Giuđa nói rằng: “Thầy chưa đầy 50 tuổi, mà đã thấy Ápraham!”. Đức Chúa Giêxu đáp rằng : “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi:Trước khi chưa có Ápraham, đã có Ta”. (Tôi Hằng hữu). Trước khi chưa có mảnh bụi nào trên thế giới này, đã có Chúa (Giăng 8:56-58).

Chúng ta hiểu theo Pháp văn và Anh văn thì đúng hơn. Giăng 8:58: “A_vant qui Abraham fut, Je sui”. “Before Abraham was, I am”. Nói về chính mình Ngài, Chúa luôn dùng thì hiện tại: “Je suis. I am”. Xuất 3:14: “Je suis Celui qui SUIS … Je suis m`a envove”. “I am who I am … I am sent me”. Trước mặt Chúa không bao giờ có quá khứ hay tương lai, mà chỉ có hiện tại, vì Ngài Hằng hữu, suốt cõi vô cùng tận đều hiện ra một lần đủ cả.

Kinh thánh chứng minh. Sáng thế ký 21:33: “Ápraham trồng một cây me tại Bê-e-sê-ba, và ở đó người cầu khẩn danh Đức Giêhôva, là Đức Chúa Trời Hằng hữu”, tức là đời đời.

Êsai 40:28: “Ngươi không biết sao, không nghe sao?Đức Chúa Trời hằng sống, là Đức Giêhôva …”. Ngài đã sống trong quá khứ, đang sống trong hiện tại và sẽ sống mãi trong tương lai, nên gọi là Hằng sống.

Habacúc 1:12: “Hỡi Giêhôva, Đức Chúa Trời tôi, Đấng Thánh của tôi! Ngài há chẳng phải từ đời đời vô cùng sao? Vậy chúng tôi sẽ không chết!”. Câu này có nghĩa gì? – Lúc bấy giờ, đạo quân hùng vĩ của Babilôn từ miền Đông bắc đổ xuống giày đạp trên xứ Ysơraên. Vì Babilôn là một cường quốc, còn Ysơraên là một nhược tiểu quốc, vì vậy, dân Ysơraên không có thể chống cự được. Nhưng Habacúc bày tỏ đức tin của mình qua lời cầu nguyện. Đúng như vậy, ngày nay Babilôn không còn, nhưng dân Ysơraên vẫn còn, và sẽ còn cho đến Chúa Tái lâm, vì Đức Chúa Trời Hằng sống, Hằng hữu ở với họ. Đây cũng là niềm tin mãnh liệt của chúng ta vậy. Suốt gần hai ngàn năm, lúc nào Hội thánh cũng bị đe dọa, nhưng không ai có thể tiêu diệt được Hội thánh, vì chính Đức Chúa Trời là Đấng từ đời đời cho đến vô cùng vẫn y nguyên, ở với Hội thánh. Ngài bảo vệ, giải cứu nên Hội thánh sẽ tồn tại cho đến Chúa Tái lâm.

Thi thiên 90:1-2: “Lạy Chúa, từ đời này qua đời kia Chúa là nơi ở của chúng tôi. Trước khi núi non chưa sanh ra, đất và thế gian chưa dựng nên, từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời”. Trong bối cảnh lịch sử, Môise và dân Ysơraên đã lang thang trong sa mạc gần 40 năm, nay chỗ này, mai chỗ kia, không có chỗ nào định cư lâu dài. Chỉ Đức Chúa Trời là nơi ở của họ. Ngài không bao giờ thay đổi, nên họ đã nương tựa và sẽ còn nương tựa nơi Ngài mãi mãi.

Chúng ta thật giống như dân Ysơraên, lang thang trong sa mạc trần gian, không nơi nào định cư được lâu dài. Không có gì bình an trọn vẹn trên đời này. Vì vậy, chúng ta không bao giờ nương tựa nơi người, nơi vật, nơi hoàn cảnh, nhưng nơi Đức Chúa Trời đời đời. Tại đó chúng ta được hưởng bình an trọn vẹn đời đời.

Thi thiên 102:26-27: “Trời đất sẽ bị hư hoại, song Chúa hằng còn; Trời đất sẽ cũ mòn hết như áo xống; Chúasẽ đổi trời đất như cái áo, và nó bị biến thay; song Chúa không hề biến cải, các năm Chúa không hề cùng”. Quả đất chúng ta đang sống lâu lắm rồi. Từ khi Chúa dựng nên đến ngày nay, các khoa học gia đoán mà thôi là vào khoảng 6,7 tỷ năm. Chúng ta sống sáu, bảy mươi năm đã thấy là lâu rồi, nhưng hãy nghĩ sáu, bảy trăm năm, sáu, bảy ngàn năm, sáu, bảy vạn năm, sáu, bảy triệu năm, rồi sáu, bảy tỷ năm… lâu biết bao! Nhưng Chúa đã dựng nên nó. Hồi một ngày nào đó quả đất này hư đi, thì Chúa vẫn còn cho đến đời đời. Halêlugia! Cảm tạ Chúa! Cha của chúng ta là như vậy, nên chúng ta không bao giờ mồ côi. Chúng ta thật là sung sướng, dầu hoàn cảnh nào, thời đại nào, chúng ta được sự bảo vệ, giải cứu của Chúa, là Đấng có cả uy quyền trời đất trong tay, đang ngự trên trời, tể trị mọi sự và khiến mọi điều hiệp lại làm ích lợi cho chúng ta. Vậy, chúng ta phải hăng hái theo Ngài, phục vụ Ngài cho đến cuối cùng.

dct vinh cuu

II. ĐỨC CHÚA TRỜI BẤT BIẾN :

Bất biến là đặc tính của Ngài, bản chất hay là tể yếu của Ngài đời đời vẫn y nguyên, không bao giờ thay đổi, không thêm, không bớt chi cả. Tánh tình của con người hay thay đổi: Ngày nay thương, ngày mai ghét; ngày nay tốt, ngày mai xấu; ngày nay chân thành, ngày mai bất nghĩa, tức là thay đổi như chong chóng.

Song “Đức Chúa Giêxu Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Hêb 13:8). Tình yêu của Ngài là đời đời (Giê 31:3). Sự nhơn từ của Ngài là đời đời (Thi 136). Đức Chúa trời là đời đời.

Malachi 3:6: “Vì Ta là Đức Giêhôva, Ta không hề thay đổi; bởi cớ đó, các ngươi là con trai Giacốp, chẳng bị diệt vong”. Đây là một lời hứa đã an ủi dân Ysơraên vô cùng! Vì lúc nào họ cũng bị sự tiêu diệt dưới quyền lực của các Đế quốc chung quanh họ. Nhưng Chúa đã hứa bảo vệ họ, giải cứu họ, chăn dắt họ, nên không ai có thể tiêu diệt họ được. Chúng ta là con cái của Chúa, cũng hưởng được lời hứa này. Cảm tạ Chúa !

Dân số ký23:19: “Đức Chúa Trời chẳng phải là người để nói dối, Cũng chẳng phải là con loài người để hối cải. Điều Ngài đã nói, Ngài há sẽ chẳng làm ư? Điều Ngài đã phán, Ngài há sẽ chẳng làm ứng nghiệm sao?”. Quả thật, điều chi Chúa đã hứa, Ngài sẽ làm. Mọi sự sẽ được ứng nghiệm trọn vẹn, vì Ngài không thể thất tín.

Hêbơrơ 6:17: “Đức Chúa Trời cũng vậy, muốn càng tỏ ra cho những kẻ hưởng lời hứa biết ý định Ngài là chắc chắn không thay đổi, thì dùng lời thề”. Lời hứa của Chúa cho chúng ta thật quá lớn lao và quá lâu dài. Chúng ta là loài người yếu đuối, ngu dại, hay nghi ngờ. Để chúng ta tin Chúa đã thề. Vì không có ai lớn hơn Ngài, nên Chúa phải chỉ chính mình Ngài mà thề rằng sẽ ban phước cho chúng ta. Như vậy, Chúa hết sức yêu thương, nâng đỡ, dạy dỗ, làm đủ mọi cách để chứng minh cho chúng ta rằng Ngài không hề thay đổi một lời hứa nào của Ngài đã hứa cho chúng ta, dẫu một chấm, một nét cũng vậy.

Có một vài thắc mắc: ‘Tại sao trong Kinh thánh đã chép :Đức Chúa Trời ăn năn?’. Cần phải giải thích.

Giôna 3:10: “Bấy giờ Đức Chúa Trời thấy việc họ làm đều đã xây bỏ đường lối xấu của mình; Đức Chúa Trời bèn ăn năn sự họa mà Ngài đã phán sẽ làm cho họ, và Ngài không làm sự đó”. Đức Chúa Trời bảo Giôna đi qua Ninive giảng nghịch dân thành đó, vì tội ác của họ. Ông đi vòng quanh thành phố Ninive giảng và luôn luôn nhấn mạnh một điểm: Còn 40 ngày nữa Ninive sụp đổ. Không ngờ từ vua, quan cho đến dân đều hạ mình xuống ăn năn, khóc lóc, thậm chí súc vật cũng kiêng ăn. Ai nấy lìa bỏ đường xấu của mình để trở lại cùng Đức Chúa Trời, mong Ngài tha thứ và cứu họ. Khi Đức Chúa Trời thấy họ làm như vậy, thì Ngài ăn năn.

Ăn năn đây không có nghĩa là thay đổi bản chất hay ý muốn, mà Ngài thay đổi thái độ của Ngài. Ngài đã định hủy diệt họ, bây giờ không hủy diệt họ mà ban phước cho họ, Ngài chỉ thay đổi thái độ đối với một tội nhân biết ăn năn. Bất cứ lúc nào có ai ăn năn, từ bỏ đường lối xấu của mình mà quay về cùng Đức Chúa Trời, thì Ngài thay đổi thái độ là không hình phạt, mà ban phước. Đó là sự ăn năn của Chúa.

Sáng thế ký 6:5-7: “Đức Giêhôva thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn; thì tự trách đã dựng nên loài người trên mặt đất, và buồn rầu trong lòng. Đức Giêhôva phán rằng: Ta sẽ hủy diệt khỏi mặt đất loài người mà Ta đã dựng nên, từ loài người cho đến loài súc vật, loài côn trùng, loài chim trời; vì Ta tự trách đã dựng nên các loài đó”. Đức Chúa Trời cũng không thay đổi bản chất của Ngài là thánh khiết, công nghĩa, nhân từ, thương xót, nên Ngài phải thi hành sự đoán phạt, vì nhân loại đời Nôê đã không ăn năn. Không phải Ngài buồn rầu vì đã dựng nên họ, mà buồn rầu vì họ không ăn năn, mà luật công bình của Ngài buộc phải đoán phạt họ. Vì cớ phải đoán phạt loài người và súc vật mà Ngài đã dựng nên, Chúa cảm thấy đau xót trong lòng vô cùng. Cũng như cha mẹ đã sanh con, thật là yêu con, nhưng khi thấy con lầm lỗi, cha mẹ phải đánh con, thì rất là buồn rầu. Con đau bao nhiêu cha mẹ cũng đau bấy nhiêu, có khi cha mẹ cảm xúc đau hơn con nữa. Đó là mô tả lòng nhân từ, thương xót của Đức Chúa Trời, mà cũng mô tả sự công nghĩa, thánh khiết của Ngài.

Nên nhớ rằng Đức Chúa Trời không vui khi thấy một tội nhân bị hình phạt, nhưng Ngài rất vui khi thấy người ăn năn. Cho nên khi thấy dân thành Ninive ăn năn, Ngài vui quá, thay đổi thái độ, thay vì hình phạt, Ngài ban phước. Ngược lại, khi Chúa thấy nhân loại trong đời Nôê không chịu ăn năn, thì Ngài rất là buồn rầu, vì phải hình phạt họ (Êxơtê 18:23,32 ; II Phi 3:9).

III. ĐỨC CHÚA TRỜI TỰ HỮU :

Công vụ 17:24-25: “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại Đền thờ bởi tay người ta dựng nên đâu. Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho muôn loài”. Chúng ta có sự sống, nhưng sự sống này không phải là của chúng ta, mà Chúa cho. Chúng ta sống tùy thuộc vào luật lệ Chúa đặt ra. Khi nào Chúa cất sự sống đi, chúng ta phải chết. Nhưng Đức Chúa Trời có sự sống tự hữu, tức là Ngài có sự sống, không tùy thuộc vào ai, không tùy thuộc vào vật gì, mà hoàn toàn độc lập. Ngài là Đấng Tự hữu, Hằng hữu, Vĩnh cửu.

Phaolô nói: “Tôi biết Đấng tôi tin”. Vì biết Đấng mình tin là ai, thế nào, nên ông đã dám phó thác cả đời mình cho Chúa, truyền Tin lành khắp mọi nơi, cho mọi người, sáng lập nhiều Hội thánh. Đấng mà ông biết và tin là Đức Chúa Trời Vĩnh cửu.

Chúng ta cũng vậy. Chúng ta cũng biết Đấng chúng ta tin là ai, thế nào, nên chúng ta dám đến Nhà thờ, dám đọc Kinh thánh, dám Cầu nguyện, dám dâng tiền, dám xưng nhận Ngài, dám làm chứng cho người khác. Halêlugia! Đó là Đức Chúa Trời Vĩnh cửu.

Mục sư Đoàn Văn Miêng – Nguồn VietChristian.com.

Bình Luận:

You may also like