Home Giáo Lý Tin Lành Bài 1: Đức Chúa Trời Là Linh

Bài 1: Đức Chúa Trời Là Linh

by Ban Biên Tập
30 đọc
Phao lô nói: “Nhưng ta chẳng hề hổ thẹn, vì biết ta đã tin Đấng nào …” (II Timôthê 1:12).

Chúng ta tin Đức Chúa Trời không phải là mê tín, tin cách mù quáng, song chúng ta tin Ngài vì chúng ta biết Ngài. Đức Chúa Trời Hiện hữu, Hằng hữu, Toàn ái, Toàn năng, Toàn tri, Toàn thiện, Toàn mỹ, Tối cao, Tối đại, Vô song, Vô thượng, Vô thủy, Vô chung. Chúng ta biết Ngài qua:

1- VŨ TRỤ (Rôma 1:18-23).

2- LƯƠNG TÂM (Rôma 2:14-15).

3- KINH THÁNH (Sáng thế ký 1:1).

4- CHÚA GIÊXU (Mathiơ 11:27 ; Giăng 1:18 ; Hêbơrơ 1:1-2).

Kinh thánh không dùng một câu nào để chứng minh hoặc bênh vực sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, vì đó là một việc thừa, song chỉ khẳng định sự hiện hữu của Ngài qua công tác vĩ đại và đời đời của Ngài (Thi 24:1-2 ; Giăng 1:1-3 ; 5:17).

I. SỰ KIỆN ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ LINH (Giăng 4:24)

1- Linh là không có thịt và xương (Luca 24:39). Linh là một vô thể, tức là một thân vị vô hình, không thấy được, không rờ được. Nói Đức Chúa Trời là Linh là nói Ngài hiện hữu, song vô thể, không thấy được, không rờ được (I Tim 1:17 ; Hêb 11:27).

Có người bảo: “Nếu không thấy được, không rờ được, thì không thực hữu”. Điều đó đúng với vật thể mà không đúng với tâm linh. Tâm linh không thấy được, không rờ được mà vẫn thực hữu. Ai dám nói mình vô lương tâm? Song ai có thể đưa lương tâm của mình cho người khác thấy được và rờ được? Mọi người đều có tình yêu và tin rằng tình yêu ở trong quả tim. Song bác sĩ mổ bao nhiêu quả tim, đâu có thấy được, rờ được tình yêu đó. Con người khác hơn con vật nhờ có linh hồn. “Trời sanh muôn vật, chỉ có người là rất linh”. Song ai thấy được, rờ được linh hồn mình? Linh hồn người?

Vì Đức Chúa Trời là Linh nên Ngài nghiêm cấm dân Ysơraên thờ lạy hình tượng. Cấm lệnh này nhắc lại nhiều lần suốt qua Kinh thánh (Xuất 20:4-5 ; Lê 26:1 ; Phục 4:15-19 ; I Côr 10:7,14 ; I Giăng 5:21 ; Khải 21:8 ; 22:15).

2- Chúng ta hiểu thế nào về Đức Chúa Trời đã làm nên loài người như hình Ngài và theo tượng Ngài (Sáng 1:26-27)? Những chữ “hình tượng” và “giống như” trên đây không liên hệ đến vật thể thấy được, rờ được như đầu, mình, tay, chân, song liên hệ đến tâm linh không thấy được, không rờ được như trí tuệ, công nghĩa, thánh khiết. Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người có một thân thể giống như Ngài, song dự phần bản tánh của Ngài, bản tánh đó được gọi là hình và tượng Ngài (Êph 4:24 ; Côl 1:15 ; 3:10).

Chúa Giêxu đã phán: “Ai đã thấy Ta, tức là đã thấy Cha” (Giăng 14:9). Không có nghĩa là Đức Chúa Trời có một thân thể như Chúa Giêxu đâu. Chúng ta thấy Đức Chúa Trời qua Giêxu là thấy tất cả đức tánh, lời phán, công việc của Chúa Giêxu là của Đức Chúa Trời.

dct la linh

II. ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ HIỆN RA DƯỚI MỘT HÌNH THỨC THẤY ĐƯỢC:

1- Ngài đã hiện ra cho Môise, Arôn, Nađáp, Abihu và 70 trưởng lão thấy Ngài (Xuất 24:9-10).

2- Ngài cũng cho Êsai thấy được Ngài (Êsai 6:1).

Không phải những người trên đây được thấy chính mình Chúa đâu, vì không có ai thấy Ngài mà sống được (Xuất 33:20). Họ chỉ thấy dưới chân Ngài có một cột giống như bích ngọc trong ngấn, khác nào sắc trời thanh quang hoặc thấy phía sau Ngài (Xuất 33:23). Êsai thấy Chúa qua một dị tượng, tức là thấy vinh quang của Ngài phản chiếu vào một nơi nào đó (Giăng 1:18a) “Chẳng hề ai có thấy Đức Chúa Trời”.

Chẳng hề ai có thấy được mặt mình. Song chúng ta có thể thấy mặt mình, khi nó phản chiếu vào một chiếc gương soi. Người ta không thể nào trực tiếp thấy được Đức Chúa Trời, song họ có thể thấy Ngài dưới một hình thức đặc biệt Ngài ban cho họ.

3- Ngài đã hiện ra với hình thức một Thiên sứ:

a/ Với Aga (Sáng 16:7-10,13). Câu 13 xác nhận Thiên sứ đó là Đức Giêhôva.

b/ Với Ápraham (Sáng 22:11-12). Câu 15, 18 xác nhận Thiên sứ đó là Đức Giêhôva.

c/ Với dân Ysơraên tại Bôkim (Quan xét 2 :1-5). Thiên sứ tự nhận là Đấng đã giải cứu họ khỏi Êdíptôâ, dẫn họ vào Canaan, Ngài là Đức Giêhôva.

d/ Với Ghêđêôn (Quan xét 6:11-16). Câu 14-16 không còn gọi là Thiên sứ của Đức Giêhôva mà là Đức Giêhôva.

e/ Với Manôa (Quan xét 13:15-22). Thiên sứ thường không dám nhận sự thờ phượng như dâng của lễ thiêu. Vì vậy, Nanôa biết ngay đó chính là Đức Giêhôva (câu 21,22).

So sánh “DANH DIỆU KỲ” trong Các quan xét 13:18 với “ĐẤNG LẠ LÙNG” trong Êsai 9:5 thì thấy cả hai là một. Nếu Đấng Lạ Lùng chỉ về Chúa Giêxu trước khi giáng thế, thì Danh Diệu Kỳ cũng vậy. Thiên sứ của Đức Giêhôva trong Cựu ước là Chúa Giêxu trước khi giáng thế. Nên từ sau khi Chúa Giêxu giáng thế, Kinh thánh không còn chép “Thiên sứ của Đức Giêhôva”, mà chỉ chép Thiên sứ của Chúa (Luca 2:9-10 ; Mat 1:20 ; 28:2-5 ; Công 5:19 ; 8:26 ; 12:7,23).

Kinh thánh không có một lời nào mô tả hình dung của Chúa Giêxu, như Ngài cao hay thấp, mập hay ốm, mặt tròn hay dài. Các họa sĩ chỉ phỏng theo hình dung của một người Do thái để vẽ, hầu giúp các thiếu nhi dễ hiểu về Ngài. Khải huyền 1:12-16 mô tả “mắt Chúa như ngọn lửa, chân như đồng sáng, tay hữu cầm bảy ngôi sao, miệng thò ra thanh gươm nhọn hai lưỡi, mặt như mặt trời khi soi sáng hết sức”. Thật, không có một họa sĩ nào vẽ nổi hình dung của Chúa. Vì Chúa muốn mọi người thờ lạy Ngài bằng tâm linh và lẽ thật, vì Ngài là LINH.

Mục sư Đoàn Văn MiêngNguồn: VietChristian.Com

Bình Luận:

You may also like