Home Chuyên Đề Thách Thức Của Big Bang – Phần 3: Những lý thuyết “khủng” ─ hy vọng của chủ nghĩa tự nhiên

Thách Thức Của Big Bang – Phần 3: Những lý thuyết “khủng” ─ hy vọng của chủ nghĩa tự nhiên

by Viethungpham.com
30 đọc

3/ Những lý thuyết “khủng”  hy vọng của chủ nghĩa tự nhiên

Giống như mọi nhà vật lý khác, Hawking phải đối mặt với bằng chứng mạnh mẽ của thiết kế vũ trụ, và ông đã từng thừa nhận phải có nhà thiết kế đứng đằng sau những thiết kế ấy. Nhưng trong những năm cuối đời ông đã chuyển sang chủ nghĩa tự nhiên, cố tìm ra lý lẽ để tránh phải thừa nhận Chúa. Lý lẽ của ông dựa vào hai nguồn chủ yếu. Đó là Thuyết Đa Vũ trụ (Multiverse) và Lý thuyết M (M Theory).

Với tiếng tăm là “người thông minh nhất sau Einstein”, Hawking được đám đông sùng bái đến mức coi ông là đại diện của “khoa học hiện đại”, và đã là “khoa học hiện đại” thì ắt phải đúng (!). Hôm qua Hawking bảo “Nếu tìm thấy Lý thuyết Thống nhất Vật lý thì nhân loại sẽ hiểu được ý Chúa”, Hawking ắt phải đúng. Ngày mai Hawking bảo “Chúa không cần thiết, vì vũ trụ có thể tự tạo ra nó từ hư không”, Hawking cũng ắt phải đúng. Có Chúa cũng đúng, không có Chúa cũng đúng. Cái đám đông coi Hawking là thánh này có lẽ chính là cái đám đông mà Einstein đã nhắc đến trong cuốn “Thế giới như tôi thấy” (NXB Tri thức 2005, trang 210):

“Tính đa số của những người ngu xuẩn là vô địch và thiên thu trường tại”. Trong con mắt của Einstein: “It có ai thanh thản nói ra ý kiến đi chệch khỏi định kiến của chung quanh; phần đông thậm chí không đủ sức có được những ý kiến như thế!”.

Có lẽ vì có một cái đám đông như thế vây quanh mình nên Hawking tự tin đến mức nói ra nhiều ý kiến trước và sau mâu thuẫn với nhau, nhưng ông không cảm thấy áy náy. Đơn giản vì đám đông tin vào uy tín của ông nhiều hơn là có đủ trình độ khoa học và triết học để tự nhận thức đúng/sai. Sự chuyển biến tư tưởng của Hawking biểu lộ rõ nét trong cuốn “The Time Eureka” (Thời đại Eureka), trang 28: “Vũ trụ của chúng ta và những định luật của nó dường như đã được thiết kế cho chúng ta và, nếu chúng ta đang tổn tại, thì rất ít có chỗ để thay thế. Điều đó không dễ giải thích và làm dấy lên câu hỏi tự nhiên tại sao vũ trụ lại như thế… Khám phá tương đối gần đây về những điều chỉnh cực kỳ tinh tế của rất nhiều định luật tự nhiên có thể dẫn ít nhất một số trong chúng ta quay ngược trở về tư tưởng cổ điển rằng bản thiết kế vĩ đại này là công trình của một nhà thiết kế vĩ đại nào đó… Đó không phải là câu trả lời của khoa học hiện đại… vũ trụ của chúng ta dường như là một trong nhiều vũ trụ, mỗi vũ trụ có những định luật khác nhau”.

Cái mà Hawking gọi là “khoa học hiện đại” là cái gì vậy? Đó là Thuyết đa vũ trụ (multiverse), một sáng tác nhằm cứu vãn cho tình trạng bế tắc mà Lý thuyết Big Bang đã tạo ra.

Lý thuyết đa vũ trụ có đại diện cho cái gọi là “khoa học hiện đại” không? Câu trả lời là KHÔNG! Bởi đó mới chỉ là một GIẢ THUYẾT, mặc dù nó được diễn giải bởi vật lý và toán học. Rất nhiều nhà khoa học hàng đầu coi nó là một thứ siêu hình học, bởi hoàn toàn không có bằng chứng và không thể kiểm chứng (một số tin tức trên báo chí loan tải rằng có thể kiểm chứng thuyết đa vũ trụ, nhưng đó chỉ là những niềm hy vọng làm yên lòng chủ nghĩa tự nhiên).

John Lennox bình luận:

Nhưng hãy trở lại cái đa vũ trụ của Hawking. Tại đây, một lần nữa, ông lại vượt ra khỏi lĩnh vực khoa học để xâm nhập vào vương quốc triết học mà cái chết của nó đã được chính ông thông báo trong chính quyển sách đó” (cuốn “Thời đại Eureka” nói trên).

Vả lại, Hawking tự cho mình là tiếng nói của khoa học hiện đại. Điều này gây ra một ấn tượng nhầm lẫn ở những nơi mà thuyết đa vũ trụ được đề cập đến, bởi vì trong thực tế có những ý kiến phê phán nặng nề trong khoa học không ủng hộ quan điểm của Hawking. Chẳng hạn, John Polkinghorne, một nhà vật lý lý thuyết xuất sắc, đã bác bỏ khái niệm đa vũ trụ rằng “Hãy để mọi người nhận ra những phỏng đoán của thuyết đa vũ trụ là cái gìNhững phỏng đoán ấy không phải là vật lý, mà theo một nghĩa chặt chẽ nhất, đó là siêu hình học”.

Một lý thuyết khác mà Hawking hy vọng sẽ giải thoát khoa học khỏi bế tắc là “Lý thuyết M”, một lý thuyết có tham vọng trở thành một TOE (Theory of Everything), tức Lý thuyết về mọi thứ, cho phép giải thích mọi hiện tượng vật lý.

Cụ thể, Lý thuyết M là lý thuyết tổng hợp các lý thuyết dây (string theories), do nhiều nhà khoa học góp công xây dựng. Sáng tạo kỳ lạ của nó là ở chỗ cho rằng thành phần vật chất nhỏ nhất của vũ trụ không phải là các hạt, mà là những thực thể giống như những sợi dây xoắn trong không gian 11 chiều. Toán học mô tả lý thuyết này phức tạp đến nỗi các nhà khoa học đều phải “ngã mũ nghiêng mình kính cẩn cúi chào”, và Edward Witten, tác giả của nó, được coi là “Einstein trong thời đại ngày nay”.

Hawking cũng tự tin cho rằng Lý thuyết M chính là ứng cử viên số 1 của “Lý thuyết Thống nhất mà Einstein dự kiến sẽ tìm thấy”. Trong cuốn “Lược sử Thời gian” (A Brief History of Time) xuất bản năm 1988, Hawking từng nói “Nếu tìm được Lý thuyết Thống nhất thì nhân loại sẽ biết được ý Chúa”. Có nghĩa là nếu Lý thuyết M được kiểm chứng trên thực tế thì đó là lúc khoa học biết được ý Chúa. Khoa học sẽ ca khúc khải hoàn, con người sẽ không cần đến Chúa nữa, bởi mọi sự thật đã được khoa học giải thích.

Nhưng đó là một thứ lạc quan tự đánh lừa mình. Lennox mỉa mai: còn quá xa để khoa học có thể “biết được ý Chúa”. Để chứng minh điều này, Lennox dẫn lời các nhà khoa học bậc nhất trong thời đại ngày nay:

Don Page, một nhà vật lý lý thuyết tại Đại học Alberta, một cựu sinh viên của Hawking từng có tám công trình đứng tên đồng tác giả với Hawking, nói: “Tôi chắc chắn sẽ đồng ý rằng ngay cả khi lý thuyết M được trình bày hoàn toàn rõ ràng đầy đủ (mà hiện nay thì chưa) và chính xác (mà hiện nay chúng ta không biết), thì nó cũng không ngụ ý rằng Chúa không sáng tạo ra vũ trụ”.  Nói cách khác, theo Don Page, dù khoa học có sáng tác ra cái gì đi chăng nữa, “Multiverse” hay “M Theory” hay bất kể cái gì “khủng” hơn nữa thì cũng chẳng bao giờ nó có thể phủ nhận được vai trò của Nhà Thiết kế của vũ trụ. Đây là vấn đề triết học chứ không phải khoa học.

Những người bảo vệ Lý thuyết M như Witten và Hawking làm cho chúng ta tin rằng lý thuyết này đã hoàn hảo đâu ra đấy. Nhưng trong những năm vừa qua những ý kiến phê phán đối với lý thuyết này ngày càng sắc bén hơn. Những phê phán này lập luận rằng thậm chí Lý thuyết M không phải một lý thuyết khoa học thực sự vì nó không thể hiểm chứng bằng thực nghiệm được.

Paul Davies, Giáo sư Đại học Tiểu bang Arizona, một nhà vật lý nổi tiếng với nhiều sách phổ biến khoa học trình độ cao, nói về Lý thuyết M như sau: “Lý thuyết đó không thể kiểm chứng được, thậm chí không nằm trong bất kỳ một tương lai nào có thể nhìn thấy trước”.

Nhà vật lý tại Đại học Oxford, Frank Close, còn đi xa hơn: “Lý thuyết M thậm chí không xác định được… chúng ta thậm chí được nghe nói rằng ‘Dường như không ai biết chữ M mang ý nghĩa gì’. Có lẽ đó là một chuyện hoang đường”. Close kết luận: “Tôi không thấy Lý thuyết M giúp được một tí gì cho cuộc tranh luận về Chúa, dù ủng hộ hay chống đối”.

Jon Butterworth, một nhà khoa học làm việc tại Máy Gia Tốc LHC ở Thụy Sĩ, tuyên bố: “Lý thuyết M mang tính chất phỏng đoán rất nhiều và chắc chắn nó không nằm trong phạm vi khoa học vì chúng ta không có bất kỳ một bằng chứng nào cho nó”.

Tóm lại, Hawking và các nhà khoa học theo chủ nghĩa tự nhiên có quyền hy vọng vào những lý thuyết “khủng” có thể cứu họ. Không ai ngăn cản họ tuyên truyền rùm beng trên khắp các phương tiện truyền thông rằng những lý thuyết ấy là “khoa học hiện đại”. Nhưng trong con mắt của rất nhiều  người như Wittgenstein ngày xưa và John Lennox ngày nay thì đó chỉ là “sự lừa dối của chủ nghĩa hiện đại” (deception of modernism) mà thôi. Để thấy rõ hơn sự lừa dối đó, cần phân tích sâu sắc thêm một số chi tiết mà GS Lennox đã nêu lên.

(Còn tiếp)

Nguồn: viethungpham.com

Ảnh: davidreneke.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like