Home Quốc Tế Billy Graham, người có “tiếng nói đã thay đổi hàng triệu cuộc đời” qua đời ở tuổi 99

Billy Graham, người có “tiếng nói đã thay đổi hàng triệu cuộc đời” qua đời ở tuổi 99

by Ban Biên Tập
30 đọc

Nhà truyền giáo Billy Graham – một người cố vấn cho nhiều đời tổng thống Mỹ, một ngọn đèn soi sáng cho nhiều thế hệ truyền giáo của Mỹ, và là người đã giảng đạo cho hàng triệu người về với Tin Lành – đã qua đời vào thứ 4 ngày 21/2/2018 (EST) ở tuổi 99 tại nhà riêng ở Montreat, bang North Carolina – theo người đại diện của ông, Jeremy Blume nói.

Nhà truyền giáo với thân hình gầy ốm nhưng giọng nói vang rền này đã truyền giáo cho gần 215 triệu người trong vòng sáu thập niên qua và cũng đã cùng cầu nguyện với các tổng thống từ nhiệm kỳ của Harry Truman cho tới Barrack Obama.

William “Billy” Franklin Graham Jr. (tên đầy đủ của Billy Graham) được sinh ra vào ngày 7 tháng Mười Một, năm 1918, lớn lên trong một nông trại bò sữa gần thành phố Charlotte, bang North Carolina. Ông nói ông đã có một kết ước cá nhân với Chúa vào năm 1934 sau khi ông nghe một nhà truyền giáo giảng tại thành phố Charlotte.

Ông tốt nghiệp cử nhân Thần Học Florida (Florida Bible Institute) vào năm 1940, bây giờ nơi này đã được đổi tên thành Đại Học Ba Ngôi (Trinity College). Billy Graham đã được bổ nhiệm năm đó bởi Hội Thánh Baptist Nam Phương của Florida. Một vài năm sau đó, ông được bổ nhiệm lên điều hành một chương trình phát thanh radio của thành phố Chicago mang tên “Những Bài Hát Trong Đêm” (Songs in the Night).”

Khi ở Florida, Billy Graham đã gặp một trong những người nhà của V. Raymond Edman, hiệu trưởng của Trường Đại Học Wheaton (Wheaton College) thuộc bang Illinois. Sau khi gặp ông, người này đã nói với Edman rằng mình cảm thấy rất ngưỡng mộ về tài giảng dạy của Billy Graham, Hiệu Trưởng Edman sau đó đã sắp xếp cho Billy Graham nhập học vào trường Wheaton.

Billy Graham sau đó đã tốt nghiệp vào năm 1943 vời bằng cử nhân trong ngành Nhân Chủng Học.

Tại trường Wheaton, ông đã gặp một người bạn cùng học của mình tên là Ruth Bell, người vợ tương lai của ông. Cô ấy là con gái của một nhà giải phẫu kiêm giáo sỹ thuộc hệ phái Trưởng Lão tên là L. Nelson Bell.

Ông bà đã làm đám cưới vào năm 1943 và rời tới thành phố Montreat, bang North Carolina, hai năm sau đó. Họ có 5 người con: Virginia Leftwich, Anne Morow, Ruth Bell, William Franklin III và Nelson Edman.

Billy Graham đã được biết tới rộng rãi khi ông trở thành người cố vấn thuộc linh cho nhiều đời tổng thống của nước Mỹ, sau này mọi người nhìn vào ông như là một mục sư nghiễm nhiên cho những nhà lãnh đạo tại Washington (thủ đô của nước mỹ).

Nhiều tổng thống, trong đó có Lyndon Johnson, George W. Bush và Bill Clinton, đều nương cậy vào những lời khuyên và chỉ dẫn thuộc linh của ông.

Hình Ảnh: Billy Graham (North Carolina Museum of History)

Là một người cao ráo, đẹp trai, với một tư thái luôn khiến mọi người trầm trồ và một giọng nói đậm chất Miền Nam nước Mỹ. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của Billy Graham, theo như các nhà sử học nói, thì đó mới thực sự là một điều phi thường. Nhiều người gọi ông là “Mục Sư của Đất Nước Mỹ”, những người khác thì gọi ông là “ Giáo Hoàng của Đạo Tin Lành”.

Theo một số báo cáo, Nhà Truyền Giáo Billy Graham đã thuyết phục được hơn 3 triệu người dâng cuộc đời mình cho đạo Tin Lành và những bài giảng của ông đã được nghe ở 185 quốc gia trong số 195 quốc gia của thế giới.

“Ông có lẽ là người lãnh đạo tôn giáo có ưu thế và ảnh hưởng vĩ đại nhất trong kỷ nguyên của chúng ta; ít nhất phải hơn một giáo hoàng, có lẽ là còn phải thêm một vài người khác nữa, mới có thể so sánh với những gì ông đã đạt được” William Martin, một nhà sử học tại trường đại học Rice University và tác giả của cuốn sách tạm dịch “Một Tiên Tri đầy Danh Dự – Câu Truyện Của Billy Graham” đã nói.

Những Lời Chia Buồn

Nhiều người khắp nơi trên thế giới đã bày tỏ sự phân ưu khi biết ông đã qua đời.

Tổng Thống Donald Trump nói trên twitter: “ Billy Graham vĩ đại đã qua đời. Không có ai giống như ông ấy cả! Ông ấy sẽ được thương nhớ bởi các Cơ Đốc Nhân cũng như mọi tôn giáo khác trên thế giới. Một người rất đặc biệt.”

Phó Tổng Thống Mỹ, Mike Pence nói trong một bài phát biểu như sau: “Karen, vợ tôi và tôi rất buồn khi biết tin một trong những người Mỹ vĩ đại nhất của thế kỷ 20, Nhà Truyền Giáo Billy Graham, đã qua đời.”

“Chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình Graham. Chức vụ của Billy Graham cho tin lành của Chúa Jesus Christ cùng giọng nói không thể so sánh được của ông đã thay đổi cuộc đời của hàng triệu người. Chúng tôi thương tiếc cho sự qua đời của ông nhưng chúng tôi cũng biết chắc rằng ngày hôm nay ông sẽ được nghe lời nói với ông rằng, ‘ Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín,  con đã làm tốt lắm.’ Cảm ơn Billy Graham, xin Chúa chúc phước cho ông.”

Cựu Tổng Thống Mỹ Jimmy Carter cũng đã nói trong phát biểu rằng bản thân ông cùng vợ mình “ cảm thấy rất buồn” khi nghe tin Nhà Truyền Giáo Billy Graham đã qua đời, ông cũng nói: “Tôi rất vinh hạnh khi được gọi Nhà Truyền Giáo Graham” là một người bạn và một người cố vấn của chính mình.

“Sứ điệp truyền bá phúc âm của ông đã khuôn đúc lên đời sống thuộc linh cho hàng chục triệu người trên khắp thế giới,” Phó Tổng Thống Carter đã nói trong bài phát biểu của mình. “Với suy nghĩ và tâm trí rộng mở, cách cư xử với mọi người xung quanh cùng một tấm lòng dung thứ và khiêm nhường, ông đã trở thành một hình ảnh mẫu mực của cuộc đời Chúa Giê-xu Christ qua việc không ngừng tìm kiếm những cơ hội để phục vụ người khác. Nhà Truyền Giáo đã có một sự ảnh hưởng rất lớn trên chính cuộc sống thuộc linh của tôi.”

Russel Moore, chủ tịch Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo & Đạo Đức (Ethics & Religious Liberty Commission) – Hiệp Hội Baptist Nam Phương (Southern Baptist Convention) đã nói trên Twitter rằng Billy Graham là “Nhà Truyền Giáo quan trọng nhất sau Sứ đồ Phao-lô (Apostle Paul).”

“Ông giảng về Đấng Christ chứ không phải về bản thân mình, không phải về chính trị, cũng như không phải về sự thịnh vượng, Billy Graham đã có một sự thanh liêm, chính trực đến mức không ai có thể buộc tội được.” Chủ Tịch Russel Moore chia sẻ.

Đại Cử Tri Quốc Hội Mỹ, người đại diện cho quận số 6 của bang Florida Ron De Santis đã nói trên Twitter, “ Mong ông được yên nghỉ, Billy Graham, một người hầu việc Chúa trung tín. Ông đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy mình, đã giữ được đức tin.”

Nhà Truyền Giáo Truyền Hình Joel Osteen nói cùng CNN rằng, Billy Graham là anh hùng của mình, và cách tốt nhất để Cơ Đốc Nhân có thể bày tỏ lòng kính trọng mình cho ông là bằng cách tiếp tục những gì ông đã bắt đầu.

“Giảng tin lành và cho nhiều người biết về Đấng Christ qua tình yêu và sự tôn trọng mà chúng ta có thể giành cho nhau. Tôi nghĩ chúng ta cần tiếp tục sự đam mê đó. Ông ấy đã bước những bước đi vĩ đại trong đức tin. Ông đã trải đường cho nhiều Nhà Truyền Giáo trẻ như chính tôi.”

Sự Dấy Lên Của Một Chức Vụ

Billy Graham đã xây dựng chức vụ của mình bằng cách đem thông điệp tin lành của những nhà truyền giáo ngoài trời vào trong thời đại công nghệ thông tin, ông đã sử dụng tất cả những công cụ sẵn có cho công cuộc truyền giáo của mình – từ máy điện tín cho tới điện thoại, thậm chí cả vệ tinh và mạng lưới internet, tất cả những công cụ này đều để – “Đem thêm linh hồn về cho Đấng Christ.”

Qua chức vụ của mình, Billy Graham đã tạo ra một cầu nối giữa các mục sư lưu động như Dwight Moody và Billy Sunday, là những người đã di chuyển khắp nước Mỹ, tìm kiếm những linh hồn lạc mất với những mục sư đương đại của ngày hôm này như Joel Osteen, Rick Warren, hay T.D. Jakes.

“Ông đã sử dụng những công cụ truyền thông đại chúng để chia sẻ những bài giảng rất lâu đời.” Randall Balmer, một chuyên gia về lịch sử tôn giáo Mỹ tại đại học danh giá Dartmouth College nói.

Những thông điệp và bài giảng mà Billy Graham đã nói trong hàng ngàn lần khi kêu gọi người người tiếp nhận Chúa, đều có một chủ đề chung đó là “Sự Cứu Rỗi giành cho từng người và tất cả mọi người, dù là da đen hay trắng, giàu hay nghèo, nam hay nữ, tội nhân hay thánh đồ, miễn rằng họ tin vào Chúa Jesus, họ sẽ được cứu.”

Những Cuộc Vận Động Tôn Giáo Và Cải Chánh

Tránh né những scandal thường hay đi kèm theo sự nổi tiếng cũng chính là một trong những thành công lâu dài nhất mà Billy Graham đã đạt được – Martin, người viết tiểu sử của ông đã nói.

Vào năm 1948, khi ông bắt đầu trở nên nổi tiếng, Billy Graham đã cùng nhóm nhỏ những người đi cùng ông truyền giáo họp lại ở bang California và nêu lên những tội lỗi đã phá hủy sự nghiệp của những mục sư Tin Lành khác. Trong đó tiền bạc, sự cám dỗ tình dục, và sự ngạo mạn được đứng đầu trong danh sách này. Họ thề nguyện sẽ tránh xa cả ba điều trên và lời thề nguyện của họ sau này được gọi là “Modesto Manifesto” tạm dịch là: “Tuyên Ngôn Đạo Đức”. Lời thề nguyện này sau này đã được những nhà truyền giáo khắp nơi dùng để hứa rằng sẽ không phạm những tội mà có thể đánh mất danh dự của chính mình.

Đổi lại cho một cuộc sống không scandal của mình, người Mỹ thường bầu chọn Billy Graham vào danh sách “những người đáng kính nể nhất”. Vào năm 2013, ông đứng thứ 4 trong danh sách. Đây là lần thứ 57 ông xuất hiện trong top 10 trong danh sách khảo sát của Gallup.

Công Việc Truyền Giáo

Billy Graham bắt đầu chức vụ truyền giáo của mình vào năm 1994 khi ông phát biểu tại đại hội của tổ chức Chức Vụ Sinh Viên Cho Đấng Christ (Youth for Christ Campus Life Ministry).

Năm năm sau, ông bắt đầu vươn ra, tổ chức những buổi vận động tôn giáo ở trung tâm thành phố Los Angeles (CA). Ban đầu, những buổi truyền giáo này được lên lịch sẽ diễn ra trong vòng ba tuần, nhưng sự kiện đó đã đem nhiều người đến tới mức ban tổ chức đã phải kéo dài chương trình ra thành bảy tuần; nhiều người đã tiếp nhận Chúa qua chiến dịch truyền giảng của ông mang tên “ Hội Thánh Lều Trại”- ( bởi số lượng người tham dự quá lớn, nên Billy Graham đã tổ chức sự kiện ngoài trời, và đặc điểm của những sự kiện là những tấm vải dù lớn được căng lên làm mái che cho những người nghe ông giảng).

Một năm sau đó, Billy Graham đã thành lập Tổ Chức Truyền Giáo Billy Graham (Billy Graham Evangelistic Association).

Những chiến dịch truyền giáo này đã dần dần trở thành điểm nhấn trong chức vụ toàn cầu của ông. Tại đó, người ta đã được nghe những bài Thánh Ca nổi tiếng, những sứ điệp Phúc Âm và tinh thần của lòng yêu nước.

“Những bài giảng của ông đã là một sự hiệp nhất giữa lòng yêu nước và sự quở trách”. Molly Worthen, một nhà sử học trong lãnh vực tôn giáo ở trường đại học nổi tiếng University of North Carolina đã nói. “Ông đã thúc đẩy người Mỹ đứng lên chống lại chủ nghĩa vô thần, cũng như chỉ trích sự ngạo mạn của người dân Mỹ thời đó.”

Billy Graham đã từng nói với những người nghe mình tại thành phố Charlotte vào năm 1958 rằng, “Chúng ta thường tự cho rằng người Mỹ là người được Chúa chọn, rằng Chúa yêu chúng ta hơn những dân tộc khác, rằng chúng ta được Chúa chúc phước, còn tôi thì tôi muốn nói cho mọi người rằng Chúa không yêu chúng ta hơn Ngài yêu các dân tộc khác đâu, Ngài yêu mọi người như nhau bất luận họ là ai và như thế nào.”

Những chiến dịch truyền giáo của Billy Graham đã huy động hàng trăm người tình nguyện viên, những người này không chỉ đến từ chức vụ truyền giáo của ông mà còn từ những hệ phái Tin Lành khác, thậm chí ngay cả cộng đồng Công Giáo, cũng chung tay góp phần trong các sự kiện của ông.

Người Đưa Tin Lưu Động

Nhà Truyền Giáo Billy Graham rất ít khi ở yên một chỗ, ông đã từng tổ chức sự kiện ở hơn 80 quốc gia trên thế giới, theo như Martin, những sự kiện này thường diễn ra trong nhiều tuần lễ và có khi nhiều tháng nữa.

Billy Graham đã tổ chức những chiến dịch truyền giáo trong 12 hai tuần lễ tại London vào năm 1954, 16 tuần lễ khác tại thành phố New York vào năm 1957, sự kiện này đã đem hàng chục ngàn người vào trong sân vận động Madison Square Garden nổi tiếng.

“Chiến Dịch Truyền Giảng Cuối Cùng” của ông vào tháng Sáu năm 2005 tại thành phố Queens, bang New York, đã kéo tới tổng cộng 230,000 người tham dự.

Ngoài việc di truyển để tổ chức những sự kiện này, Billy Graham còn hướng dẫn một chương trình radio vào Chủ Nhật hàng tuần có tên là: “Thời Khắc Đưa Ra Quyết Định” (Hour of Decision). Ngoài ra ông cũng phụ trách một chuyên mục trên báo nhằm mục đích cố vấn người đọc được gọi là “Câu Trả Lời Của Tôi” (My Answer), chuyên mục này được đăng trên tạp chí của nhà phát hành Tribune Media Services. Vào năm 1956, ông cũng thành lập một tờ tạp trí mang tên “Cơ Đốc Ngày Nay” (Christianity Today), một tạp chí dẫn đầu trong lãnh vực truyền giáo cho tới tận thời điểm này.

 

Các Đời Tổng Thống Mỹ và Di Sản mà Billy Graham để lại

Billy Graham có lẽ là một nhà truyền giáo đặc biệt nhất. Ông đã cầu nguyện, an ủi, cố vấn và giao lưu với 12 đời tổng thống Mỹ khác nhau, không phân biệt là đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ, người miền Nam hay Bắc, kể từ sau đời Tổng Thống Harry Truman, cứ khi một vị Tổng Thống mới nhận chức, họ sẽ tìm đến Billy Graham để được cố vấn về đời sống thuộc linh.

 

Những Hình Ảnh của Billy Graham Và các Tổng Thống Mỹ

 

Billy Graham phát biểu tại một bữa sáng của các tổng thống.

Billy Graham cùng Tổng Thống John F. Kennedy

Billy Graham và Tổng Thống Lyndon B. Johnson

Billy Graham cùng Tổng Thống Gerald Ford

Billy Graham cùng Tổng Thống Ronald Reagan và vợ Nancy

Billy Graham và Tổng Thống Jimmy Carter

Billy Graham cùng Tổng Thống Bill Clinton

Billy Graham đi câu cá cùng Tổng Thống George W. H. Bush

Các Tổng Thống cầu nguyện cùng Billy Graham trong lễ khai mạc Thư Viện Billy Graham

Tổng Thông Ronald Reagan trao giải thưởng Huân Chương Tự Do cho Billy Graham

Billy Graham cùng Tổng Thống George W. Bush tại thư viện Billy Graham.

Billy Graham cùng Tổng Thống George H.W. Bush tại một đại hội truyền giáo tại thành phố Dallas, Texas.

Billy Graham và Tổng Thống Barack Obama

Billy Graham cùng Tổng Thống Donald Trump.

Billy Graham đã từng thúc đẩy Tổng Thống Dwight Eisenhower tham gia tranh cử tổng thống vào năm 1952 và trở thành người cố vấn thuộc linh không chính thức cho vị tổng thống này sau khi ông được đắc cử. Ông cũng trở thành một người bạn thân thiết với Tổng Thống Lyndon Johnson và cũng là người chia sẻ trong đám tang của vị tổng thống này. Tổng Thống George W. Bush rất cảm kích về Billy Graham, ông nói rằng Billy Graham đã thay đổi ông từ một người Cơ Đốc Nhân “nửa vời” thích uống bia trở thành một người rao giảng tin lành tận tâm tận tụy.

Billy Graham

Mặc dù có rất nhiều mối quan hệ với những nhà lãnh đạo cấp cao, nhưng ông chưa bao giờ gây dựng một hội thánh đồ sộ, ông cũng không bao giờ tham gia vào những vấn đề chính trị hay là tranh cử cho một vị trí nào. Dù không có một địa vị chính trị, ông vẫn là người đã định hình lại đời sống Cơ Đốc Nhân của nước Mỹ bằng cách nhấn mạnh vào những giá trị cốt lõi của niềm tin cơ đốc rằng: Chúa Giê-xu Christ đã chết cho tội lỗi chúng ta.

Bằng chính cuộc đời của mình, Billy Graham luôn nhấn mạnh về một niềm vui trong đức tin. Trái ngược với các nhà truyền giáo khác, ông không nói nhiều về chính trị, ông cũng không kết án những chính trị gia, thay vào đó ông cứ giảng về đạo tin lành cách chân thật và các nhà lãnh đạo tìm đến ông để nghe những lời khuyên của ông.

“Những người của giáo hội truyền thống cảm thấy ông không theo truyền thống như họ trong khi những người theo phong trào đổi mới thì cảm thấy ông quá hà khắc khi nói về tội lỗi. Dù vậy sự cân bằng tuyệt vời này của ông đã làm lên sự nghiệp và di sản của ông” John Wilson, nhà báo của tờ báo Books & Culture, thuộc tòa soạn báo Christianity Today nói.

Sau 99 năm của cuộc đời ông, di sản mà cả thế giới phải công nhận, mọi giáo phái dù đồng tình hay không đều phải thán phục, đó là hàng triệu người dù tin hay không, đã được nghe Tin Lành Thật mà ông đã rao giảng đầy tâm huyết. Những lỗ lực và cố gắng của ông, không chỉ thay đổi nước Mỹ mãi mãi mà còn thay đổi cả thế giới mãi mãi. Cuộc đời của ông, lời nhắn nhủ của ông, với những thông điệp đầy tình yêu thương và hiệp một đã trở thành một tấm gương phản ánh cuộc Đời Chúa Giê-xu khi Ngài đi trên đất.

Nguồn:  CNN, USA Today, NBC

Người Dịch và Soạn: Phước Nguyên

Bình Luận:

You may also like