Home Lời Chứng    Tiểu sử ; Cố Mục Sư NGUYỄN XUÂN ĐỨC

   Tiểu sử ; Cố Mục Sư NGUYỄN XUÂN ĐỨC

by Thuy shalom
30 đọc

                              Tiểu sử

         Cố Mục Sư NGUYỄN XUÂN ĐỨC 

 

Mục Sư Nguyễn Xuân Đức sinh ngày 28 tháng 10 năm 1941 tại Đức Phổ, Mộ Đức, Quảng Ngãi. Ông là con thứ ba của Cố Mục Sư và bà Nguyễn Xuân Ba trong gia đình có 8 anh chị em.

Năm 1943 Mục Sư Nguyễn Xuân Ba thuyên chuyển đến Hội Thánh Khánh Bình, quận Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ba năm sau, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, nhiều Hội Thánh từ Quảng Nam đến Phú Yên trong đó có Hội Thánh Khánh Bình hoàn toàn bị cách ly với thành phố. Lớn lên trong hoàn cảnh túng thiếu thời chiến tranh nên cậu thiếu niên Xuân Đức đã phải sớm phụ giúp gia đình trong việc làm rẫy và chăn dê để sinh sống trong thời niên thiếu.  Tại Khánh Bình không có trường nên hằng tuần học sinh Xuân Đức phải đi đến Thu Bồn cách nhà hơn 20 km để theo học tiểu học.

Sau hiệp định Geneve năm 1954, MS Nguyễn Xuân Ba được bổ về quản nhiệm Hội Thánh Quế Sơn. Tại Quế Sơn lúc bấy giờ chưa có trường Trung Học cho nên học sinh Xuân Đức phải vào thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam ở với bà ngoại và theo học tại trường Trung Học Trần Cao Vân.  Đến năm 1958, Mục Sư Ba về quản nhiệm Hội Thánh Hội An. Lúc đó học sinh Xuân Đức cũng vừa học xong lớp đệ tứ (lớp 9) nên đã trở về sống với gia đình và theo học lớp đệ tam (lớp 10) tại trường Trung Học Trần Quí Cáp. Sau khi học xong lớp đệ nhị (lớp 11) và đậu bằng tú tài 1, học sinh Xuân Đức đã vào Sài Gòn học lớp đệ nhất (lớp 12) tại trường Trung Học Pétrus Ký.

Trong khoảng thời gian nầy, giáo sĩ Paul Contento vừa mới đến Việt Nam và thành lập “Nhóm Thông Công Sinh Viên & Học Sinh Tin Lành” sau nầy trở thành “Đoàn Sinh Viên Học Sinh Tin Lành”.  Sinh viên Đức đã gia nhập Đoàn và sinh hoạt tích cực cùng với các sinh viên khác như Nguyễn Hữu Cương, Lê Vĩnh Thạch, Nguyễn Văn Hai, Vũ Hoàng Hải…

Năm 1962 sinh viên Nguyễn Xuân Đức bắt đầu theo học tại Đai Học Văn Khoa Sài Gòn. Sau khi hoàn tất chương trình cử nhân đại học, ông trở thành giáo sư tại trường trung học Trịnh Hoài Đức ở Bình Dương để tự túc và cùng anh là giáo sư Nguyễn Xuân Hà giúp đưa các em vào Sài Gòn học để có cơ hội tiến thân.

Năm 1966, với sự giới thiệu của giáo sĩ Paul Contento, ông đã được du học tại Anh Quốc với Bible College, London.

Năm 1968 ông sang Hoa Kỳ học tiếp chương trình Cao Học Thần Học (Master of Divinity) tại Golden Gate Theological Seminary.

Sau khi tốt nghiệp Cao Học Thần Học, ông được nhận vào và theo học chương trình Tiến Sĩ Thần Học Lịch Sử (Ph.D. in Historical Theology) tại đại học Drew University, New Jersey.  Trong khoảng thời gian nầy, ông vừa hầu việc Chúa với chức vụ Mục Sư đặc trách thanh thiếu niên tại Bridgewater United Methodist Church đồng thời tiếp tục theo học chương trình Cao Học Quản Lý Thư Viện tại City University of New York.

Khi làn sóng tị nạn từ Việt Nam ào ạt đến Hoa Kỳ vào mùa hè năm 1975, ông đã tạm ngưng việc viết luận án và hướng dẫn thanh thiếu niên để làm việc với Hội Thánh World Service trong công tác giúp những người tị nạn định cư và hội nhập với cuộc sống mới. Trong thời gian 1975-1977, ông đã giúp hàng ngàn người tị nạn được định cư tại trại Fort Indian Town Gap, Lebanon, Pensylvania.

Tháng 5 năm 1977, ông lập gia đình với cô Nguyễn Bảo Thuận tại New Jersey.  Ông bà có được 3 người con: Daniel Nguyễn (1980), Samuel Nguyễn (1982), Elizabeth Nguyễn (1985) và 4 cháu nội. Hiện Daniel là luật sư, Samuel là chuyên viên điện toán và Elizabeth là giáo sư dương cầm và là nghệ sĩ chơi Dương cầm cho một nhà thờ Lutheran.

Năm 1978, ông hoàn tất luận án tốt nghiệp và nhận học vị tiến sĩ. Sau đó, ông bà dời qua California. Tại đây ông tiếp tục hầu việc Chúa giữa vòng các Hội Thánh Việt Nam và tích cực hoạt động xã hội giữa vòng cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại. Nhằm giúp đỡ những người tị nạn sớm hội nhập với xã hội Mỹ, ông đã cùng một số tôi tớ Chúa như cố Mục Sư Nguyễn Nam Hải, Mục Sư Đặng Ngọc Báu, Mục Sư Nguyễn Xuân Sơn… lập nên Trung Tâm Thanh Niên tại Garden Grove Friends Church để dạy nghề và giúp tìm việc làm cho những người mới đến Mỹ, cũng là nơi để đồng bào di cư gặp gỡ giao lưu với nhau vào những ngày cuối tuần.

Năm 1978, vì nhu cầu học hỏi Lời Chúa của các con cái Chúa trong các hội thánh quanh vùng, ông cùng với nhiều tôi tớ Chúa khác khởi động chương trình Nghiên Cứu Phúc Âm dạy Kinh Thánh vào cuối tuần tại trung tâm thanh niên. Về sau chương trình nầy sát nhập với chương trình Huấn Luyện Tín Hữu Lãnh Đạo để thành lập Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam, Vietnamese Theological College và hiện nay đã trở thành Union University of California, là trường đại học Cơ Đốc duy nhất do người Việt tị nạn sáng lập, được chính phủ tiểu bang California công nhận và được công nhận chất lượng đào tạo chính quy qua hệ thống kiểm định của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ.

Năm 1980 khi số người Việt định cư tăng cao ở Westminster và các thành phố lân cận khiến các khu buôn bán trở nên sầm uất, ông hiệp với ký giả Du Miên, bà Mai Công Hội trưởng hội Cộng Đồng Người Việt và một số nhân sĩ trong cộng đồng đã vận động đặt tên cho khu thuơng mãi người Việt là Little Saigon và sau đó đã được Hội Đồng thành phố chuẩn thuận.

Thời kỳ từ năm 1980 đến 1990, ông sáng lập và là Mục Sư quản nhiệm của Hội Thánh Episcopal Church of the Redeemer cho người Việt, đồng thời làm tuyên úy cho Trung Tâm Tị Nạn St. Anselm Refugee Center nhằm giúp định cư và giúp đỡ đời sống tâm linh cho hàng ngàn người đến từ các trại tị nạn ở Đông Nam Á.

Trong thời gian nầy ông hiệp tác với các Mục Sư và con cái Chúa khác tổ chức những kỳ Đại Hội Liên Hữu (liên hệ phái) thường niên để giúp những người Tin Lành ở hải ngoại cùng ngồi lại để học hỏi và liên kết nhau trong công tác xây dựng Nhà Chúa. Tại Đại Hội năm 1986,  tổ chức “Liên Hữu Tin Lành Việt Nam Thế Giới” (Vietnamese World Christian Fellowship) được thành lập nhằm mục đích liên kết các hệ phái, các nhóm Tin Lành trên toàn thế giới để thông công, khích lệ nhau trong việc góp phần mở mang Nước Chúa. Vào thời kỳ nầy, chính phủ Hoa kỳ đã bắt đầu tiến trình bình thường hoá quan hệ ngoại giao với chính phủ Việt Nam. Ông được Đại Hội Liên Hữu 1988 đề cử cùng với Mục Sư Lý Công Thuận đến Washington D.C. hiệp với bà Khúc Minh Thơ và một số nhân sĩ khác liên lạc với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xin can thiệp với chính quyền Việt Nam để trả tự do cho các Mục Sư, Tuyên Uý và những người bị tù cải tạo nói chung. Qua sự thương thuyết này, ông đã được quyền viếng thăm các Mục Sư Nguyễn Hữu Cương, Mục Sư Hồ Hiếu Hạ và Mục Sư Lê Thiện Dũng tại trong tù. Sau đó không lâu, các vị Mục Sư đã được cởi bỏ cảnh tù đày, đi thẳng ra sân bay qua Mỹ. Cũng từ kết quả đó, chương trình HO được thực hiện trong suốt thập niên 1990.

Bắt đầu từ năm 1990, Mục Sư Đức làm giám đốc Indochinese Program của hội World Vision giúp đỡ việc phát triển Hội Thánh giữa vòng người tị nạn Việt, Miên, Lào, giúp việc định cư và dạy nghề cho những người đến Mỹ trong chương trình Con Lai, đặc biệt là chương trình huấn luyện lãnh đạo Cơ Đốc cho hàng ngàn mục sư và nhân sự ở khắp mọi nơi.

Khi chính quyền Việt Nam có chính sách mở cửa, ông vận động Thánh Kinh Hội giúp in Kinh Thánh ngay tại Việt Nam sau nhiều năm Kinh Thánh rất khan hiếm. Sau đó, ông cũng đã giúp Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hoàn tất thủ tục in ấn Kinh Thánh. Do đó, ông đã được Giáo Hoàng John Paul II mời đến Vatican để gặp mặt. Mục Sư Đức cũng đã dành nhiều thì giờ và tâm sức trong việc lãnh đạo ban phiên dịch và phân phối hàng ngàn ấn bản sách “Sống Theo Đúng Mục Đích” và “Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích” của Mục Sư Rick Warren.

Suốt hơn 24 năm qua, kể từ năm 1993 cho đến ngày về với Chúa, Mục Sư Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Đức luôn được kính trọng và tín nhiệm trong chức vụ Chủ Tịch Liên Hữu Tin Lành Việt Nam Thế Giới. Ông dành toàn bộ thì giờ và tâm huyết cho mọi công tác của Liên Hữu Tin Lành Việt Nam Thế Giới như kêu gọi và kết nối các hệ phái Tin Lành trong và ngoài nước, giúp đỡ rất nhiều hội thánh, tôi tớ và con cái Chúa ở khắp mọi nơi, cùng với Mục Sư Lê Tự Cam kêu gọi và cấp phát học bổng cho hằng ngàn sinh viên nghèo, hỗ trợ và dìu dắt nhiều sinh viên du học để xây dựng thế hệ tương lai, Mục Sư Giáo Sư Nguyễn Xuân Đức từng là Viện Phó Đào Tạo và là một trong các giáo sư xuất sắc của Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam thuộc Union University of California kể từ khi thành lập năm 1986 cho đến giờ lên lớp cuối cùng cho các sinh viên học chương trình Tiến Sĩ trước giờ ông lên máy bay trở về Việt Nam.

Cách đây hơn 2 năm, thận của ông bị suy yếu dần. Gần đây, ông ở trong danh sách để chờ lọc máu và thay thận. Tuy vậy, ông vẫn luôn trăn trở, suy tư, và tận tâm trong từng mục vụ, trong công tác giáo dục thần học và gắn kết Hội Thánh Chúa chung ở khắp mọi nơi. Trước ngày về Việt Nam, ông đã gặp bác sĩ và bác sĩ cho biết sức khỏe của ông tốt, có thể đi Việt Nam được. Trong hai ngày hiệp với các tôi tớ và con cái Chúa đến từ hơn 50 hệ phái Tin Lành tại Việt Nam hòa lòng tham dự chương trình Kỷ Niệm 500 Năm Cải Cách Giáo Hội do Martin Luther khởi xướng, ông rất vui mừng và thoả nguyện vì đã đạt được ước vọng của mình là đem các hệ phái & hội thánh Tin Lành độc lập cùng ngồi lại với nhau để Hiệp Nhất, Yêu Thương Phục Vụ cho mục đích chung là cùng nhau xây dựng vương quốc của Chúa giữa vòng đồng bào Việt Nam trên quê hương thân yêu cũng như ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Mục Sư Nguyễn Xuân Đức lúc sinh tiền là một con người rất hiếu học, năng nổ, hoạt động, ưa tìm hiểu, yêu mến bạn bè, rất quãng giao và rất hiếu khách. Ngôi nhà của Mục Sư Đức và Bà luôn là nơi đón tiếp rất nhiều tôi tớ, con cái Chúa phần lớn đến từ Việt Nam, ai không có thân nhân bạn bè ở Mỹ tìm đến đều được Ông Bà tiếp đãi ân cần. Mục Sư Đức quen biết rất nhiều người và được mọi người kính trọng và thương yêu. Vì vậy, ông đã là nhịp cầu giúp cho rất nhiều sinh viên yêu mến Chúa thuộc các hệ phái xin được học bổng để theo học các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ thần học, mục vụ, giáo dục. Ông luôn yêu thương, khích lệ, nâng đỡ, dắt dìu và không quản ngại mọi khó khăn để tìm trường và tìm xin học bổng cho rất nhiều cuộc đời sinh viên trở nên những thạc sĩ, tiến sĩ, mục sư, giáo sĩ, người phục sự Chúa trong mọi công trường hay cánh đồng của Ngài ở khắp mọi nơi. Ông luôn khuyên các bạn trẻ hãy trở về góp sức xây dựng Nhà Chúa tại quê hương Việt Nam thân yêu. Ông là một trong những giáo sư rất được sinh viên yêu mến và kính trọng và không chỉ bởi kiến thức uyên thâm, bề dầy kinh nghiệm trong chức vụ và mục vụ mà còn bởi tấm lòng vị tha, hy sinh và tận hiến hết lòng cho công việc Chúa.

Trong bà con tộc họ, ông giúp đỡ cho nhiều thân nhân có việc làm tốt hoặc được học lên cao hơn hay đi du học. Ông không bao giờ từ chối bất cứ người nào cần sự giúp đỡ. Suốt đời ông sống trong tinh thần yêu thương và tận tuỵ phục vụ. Trong đại gia đình tại Mỹ, ông luôn là nhịp cầu kết nối mọi người, thường tổ chức những bữa ăn thông công để mọi người có thể đến chuyện trò vui vẻ với nhau. Trong Hội Thánh, ông là vị Mục sư luôn cầu nguyện cho bầy trẻ, ân cần chăm sóc các ông bà cụ già yếu, neo đơn và giúp đỡ những người thiếu thốn, khó khăn. Mục Sư Đức đã sống trọn cả cuộc đời cho Chúa, cho Hội Thánh, cho gia đình và cho tha nhân.

Vào Chúa Nhật ngày 5 tháng 11 năm 2017, sau một ngày thờ phượng Chúa với các hội thánh, ông trở về nghỉ ngơi tại khách sạn cùng một người ban đồng lao. Ông đã nằm ngủ và không thức dậy nữa. Chúa đã đón ông về bên Ngài cách bình yên lạ lùng. Ông thanh thản ra đi nhập đoàn với các thánh đồ của mọi thế hệ đã chạy xong cuộc đua và đã làm trọn sứ mạng Chúa giao cho mình trên đất cho đến hơi thở cuối cùng của cuộc đời.

Mục Sư Đức là người cả cuộc đời ươm mầm cho biết bao suy tư và ước vọng, truyền ngọn lửa nhiệt huyết và sự kết ước, dấn thân cho công việc Chúa cho biết bao cuộc đời…Mục Sư Đức đã ra đi nhưng khải tượng Hiệp Nhất của ông sẽ không hề lụi tàn và tấm gương Yêu Thương-Phục Vụ của ông sẽ không bao giờ phai mờ. Chúng ta, những người còn lại, nguyện noi gương ông tiếp tục dấn thân, hết lòng phục vụ Chúa, Hội Thánh và tha nhân để một ngày kia sẽ được gặp lại Mục Sư Nguyễn Xuân Đức trong Nước Vinh Hiển của Chúa. Amen!

 

 

Bình Luận:

You may also like