Home Chuyên Đề Chúa Giê-xu Không Cần Phải Lấy Lòng Loài Người: 3 Cách Để Tránh Cái Bẫy Mang Tên “Được Người Đời Chấp Nhận”

Chúa Giê-xu Không Cần Phải Lấy Lòng Loài Người: 3 Cách Để Tránh Cái Bẫy Mang Tên “Được Người Đời Chấp Nhận”

by Sưu Tầm
30 đọc

Chúa Giê-xu chỉ sống cho đẹp lòng một Đấng duy nhất — đó là Đức Chúa Cha. Trong suốt Kinh Thánh, chúng ta thấy Ngài đã phá vỡ các kỳ vọng tôn giáo và các quy tắc xã hội một cách chính đáng trong khi vẫn làm trọn luật pháp. Ngài đã chứng minh rõ ràng rằng việc có được sự chấp nhận của con người không phải là mục tiêu của Ngài.

Sự cứu rỗi quý hơn danh tiếng

Trong câu chuyện của Xa-chê, chúng ta thấy Xa-chê đứng đầu những người thu thuế rất giàu có ở thành Giê-ri-cô. Tuy nhiên ông bị người La Mã khinh miệt vì những hành động không trung thực trong công việc và bị chính cộng đồng của mình tẩy chay. Khi Chúa Giê-xu đi ngang qua thành phố, Xa-chê đã rất sốt sắng muốn được nhìn thấy Ngài trong đám đông. Mặc dù Xa-chê bị đồng bạn của mình khước từ, Chúa Giê-xu đã chọn để gọi ông từ giữa đám đông. Chúa Giê-xu đã tự mời Ngài đến nhà Xa-chê vào tối hôm đó và nhiều người (đặc biệt là những người theo tôn giáo) không hài lòng. Theo họ, việc Chúa vào nhà ‘kẻ có tội‘ mà trọ thật là một việc chướng tai gai mắt. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu không mấy quan tâm đến địa vị xã hội của Xa-chê mà Ngài quan tâm nhiều hơn đến tình trạng tấm lòng của ông. Ngài đã dẫn Xa-chê đến sự cứu rỗi cũng trong ngày hôm đó vì vinh hiển của Đức Chúa Trời (Lu-ca 19:1-10). Chúa Giê-xu đã chọn lấy một trong những người bị khinh thường nhất trong thành và chọn để yêu thương người đó. Ngài rõ ràng muốn cho chúng ta thấy rằng mỗi cá nhân đều đáng nhận được tình yêu thương và sự tha thứ của Ngài, bất kể họ là ai và họ đã làm gì. Có bao nhiêu cơ hội mà chúng ta đã bỏ lỡ để chia sẻ tình yêu của Đấng Christ chỉ vì những nhận thức nông cạn về diện mạo bên ngoài?

Tình yêu thương quan trọng hơn luật pháp

Trong Mác 3:1-6, Chúa Giê-xu đến thăm một nhà hội nơi có rất nhiều người đến dự. Trong số đó có một người đàn ông với một bàn tay bị teo. Chúa Giê-xu hỏi những người xung quanh Ngài để xem liệu trong ngày Sa-bát, có nên chữa lành tay cho người đàn ông này hay không. Vì để chữa lành cho anh ta sẽ là một hành động đầy lòng trắc ẩn và yêu thương, nhưng nó cũng mâu thuẫn với luật pháp. Mọi người đều im lặng. Bất chấp sự không đồng ý của đám đông, Chúa Giê-xu nói với người bị teo tay rằng, “Hãy giơ tay ra.” Người giơ ra, thì tay được lành. Mặc dù dân sự vừa chứng kiến một phép lạ, nhưng lòng họ lại trở nên cứng cỏi. Chúa Giê-xu đã chọn để chứng tỏ tình yêu của Đức Chúa Cha và Ngài chữa lành cho người đàn ông tật nguyền. Chúa Giê-xu đã đến để mang lại sự tự do khỏi luật pháp vì Ngài đã làm trọn luật pháp! Chúa luôn biết chọn thời gian và địa điểm đúng để làm phép lạ, để rao giảng một sứ điệp lớn hơn. Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta thường trốn tránh, ngần ngại khi làm những điều quyết liệt cho Chúa bởi vì chúng ta sợ bị người khác phán xét. Sẽ như thế nào nếu chúng ta đặt việc lắng nghe Đức Chúa Trời và yêu thương mọi người lên trên việc giữ gìn các truyền thống tôn giáo?

Sự chân thành quan trọng hơn biểu hiện bên ngoài

Trong Lu-ca 7:36-50, có một người Pha-ri-si (người sùng đạo) mời Chúa Giê-xu đến ăn tối tại nhà mình. Trong bữa ăn, có một người nữ ở thành đó đến gặp Ngài. Người nữ này có tiếng là một đàn bà tội lỗi (xấu nết) và không được chào đón ở nhà của người Pha-ri-si. Mặc dầu vậy bà vẫn đến để gặp Chúa.  Trước mặt Chúa Giê-xu, bà quỳ phục xuống sàn nhà, khóc lóc dưới chân Ngài. khi nước mắt rơi ướt chân Ngài, bà lấy tóc mình lau và hôn chân Ngài rồi xức dầu thơm lên. Người Pha-ri-si  và các vị khách của ông ta đã rất hoài nghi vì Chúa Giê-xu đã cho phép một người đàn bà tội lỗi đến như vậy chạm vào Ngài. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu đã không bị xúc phạm bởi tội lỗi của bà — mà Ngài yêu đức tin của bà ấy. Mặc dù bà có thể sẽ bị làm cho xấu hổ trước mặt rất nhiều người vì có hành động như vậy, nhưng bà  tin rằng Chúa Giê-xu có thể giải thoát cho bà. Ngay từ khi bà bước vào sự hiện diện của Ngài, bà đã khiêm nhường quỳ xuống dưới chân Ngài và Ngài đã tha thứ cho bà. Bà biết tội lỗi của mình rất lớn nhưng bà có niềm tin rằng Chúa Giê-xu có quyền tha tội. Bất chấp địa vị hèn mọn trong xã hội mà bà có thể kinh nghiệm, trong sự khiêm cung hạ mình, bà trút đổ lòng mình ra trước mặt Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu đang ở giữa bữa ăn cùng với những người đàn ông mộ đạo, Ngài chào đón một người nữ không mời mà đến như một người bạn chứ không phải gánh nặng và bà đã nhận được sự tha thứ. Không những thế Ngài còn đặt bà làm ví dụ để dạy bảo những người đang ở trong phòng ăn lúc đó.

Hết lần này đến lần khác, chúng ta thấy Chúa Giê-xu làm những điều quyết liệt trước mặt những người không chấp nhận Ngài cũng như những hành động của Ngài. Chúa Giê-xu đã khuấy động xã hội bằng đam mê và lửa mà không màng đến ý kiến của người khác. Ngài biết rằng ngay cả khi người ta ghét bỏ, buộc tội và nhạo báng Ngài, Ngài vẫn sẽ tuân theo ý muốn của Đức Chúa Cha.

Bằng cách buông bỏ những gì người khác nghĩ về chúng ta, chúng ta có thể bắt đầu sống hết tiềm năng của mình như những người có sức ảnh hưởng tới quốc gia và các nền văn hóa. Dưới đây là 3 cách chúng ta có thể làm theo tấm gương tối thượng của Chúa Giê-xu và tránh được cái bẫy mang tên ‘được người đời chấp nhận’ trong cuộc sống của chúng ta:

  1. Hãy kiểm tra xem bạn đang cố gắng để làm hài lòng ai và ý kiến của ai là quan trọng đối với bạn vào phút cuối.
  2. Luôn nhìn sự việc xa hơn khả năng của chính mình. Hãy phục vụ và yêu thương những người đang cần giúp đỡ bất kể người khác có thể nghĩ gì về bạn.
  3. Hãy hạ mình, khiêm nhường. Lột bỏ sự tự cao của bạn và để mọi người nhìn thấy con người thật sự của bạn. Hãy trung thực với những thiếu sót của bạn và cũng bỏ qua những thiếu sót của người khác.

 

Eunice dịch

Nguồn: ywammontana.org

Ảnh: freebibleimages.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like