Home Chuyên Đề “Tại Sao Vậy Chúa?” 5 Điều Cần Nhớ Khi Thảm Họa Thiên Nhiên Giáng Xuống

“Tại Sao Vậy Chúa?” 5 Điều Cần Nhớ Khi Thảm Họa Thiên Nhiên Giáng Xuống

by Van Anh
30 đọc

Năm 2005, cơn bão Katrina xảy ra. Năm 2011 thì có cơn lốc xoáy Siêu Phá Hủy “Super Outbreak”. Và bây giờ đang xảy ra ở Texas là cơn bão Harvey. Mỗi khi thảm hoạ thiên nhiên xảy đến, cộng đồng tín hữu và những người không tin đều có chung một câu hỏi, “Tại sao vậy Chúa/ ông Trời?”.

Sau những thảm hoạ và hoài nghi, dưới đây là 5 điều năng quyền mà tác giả Beth Ann Baus muốn chúng ta nhớ tới:

  1. Chúng ta đang sống trong một thế giới đổ vỡ.

Kinh Thánh nói với chúng ta rằng khi tội lỗi bước vào thế gian, tất cả tạo vật đều bị nguyền rủa. Bởi vì điều này, sự chết trở thành một phần của thế gian và, để nói một cách đơn giản, điều xấu phải xảy ra.

Trước khi con người sa ngã, thời tiết luôn hoàn hảo. Không có các mùa, không có mưa hay bão, bão tuyết, động đất, lốc xoáy hoặc sóng thần. Trước khi con người phạm tội, tất cả mọi thứ hòa hợp cách hoàn hảo. Vì tội lỗi, sự hoàn hảo đó bị phá vỡ.

Chúng ta phải chấp nhận thực tế là chúng ta đang sống trong một thế giới đổ vỡ và thiên tai sẽ xảy ra. Rô-ma 8:19-22 nói với chúng ta, “Tạo vật nôn nóng tha thiết trông chờ sự hiện ra của các con cái Đức Chúa Trời. Vì tạo vật quy phục sự hư ảo, không phải do tự nguyện, nhưng do Đấng bắt chúng quy phục trong hy vọng, bởi vì chính tạo vật sẽ được giải phóng khỏi làm nô lệ cho sự hư nát để được tự do vinh quang của con cái Đức Chúa Trời. Vì chúng ta biết rằng toàn thể tạo vật đều cùng rên xiết và quằn quại cho đến ngày nay.

Chúng ta phải nhớ rằng thế giới này không phải là nhà của chúng ta. Trong khi thiên tai là một thực tế trong cuộc sống này, đối với con cái của Đức Chúa Trời, sẽ không có thiên tai trong cõi đời đời.

  1. Chúa là Đấng Tể Trị.

Chúng ta có thể tranh cãi rằng liệu chính Chúa gây ra thiên tai hay chỉ đơn giản là Chúa cho phép chúng xảy ra, nhưng kết luận duy nhất chúng ta có thể rút ra từ Kinh Thánh là không có điều gì trong tự nhiên xảy ra ở ngoài sự quan phòng của Đức Chúa Trời. Trong Xuất Ê-díp-tô-ký, Đức Chúa Trời rõ ràng đã gây ra các bệnh dịch ở Ai cập. Trong Sáng thế ký, Chúa đã đem lũ lụt đến. Khi chúng ta đọc về Giô-na, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã dấy một cơn bão trên biển.

Gióp 37:6Ngài truyền cho tuyết: “Hãy sa xuống đất!” và bảo mưa dầm: “Hãy rơi tầm tã!” Rồi đến Thi thiên 147:8,16Ngài che phủ các tầng trời bằng mây, cung cấp mưa trên đất. Ngài cho tuyết phủ như tấm lông chiên, Ngài rải sương mai như tro bụi.” Trong A-mốt 4:7 Chúa phán: “Chính Ta đã giữ mưa lại, không cho mưa xuống,trong khi còn ba tháng mới đến mùa gặt, và Ta đã cho mưa xuống thành này, nhưng không mưa xuống thành kia. Ruộng này được mưa, còn ruộng kia không mưa lại khô héo.” “Mác 4:9 nói về Chúa Giê-xu quở trách gió và nói với các sóng: “Hãy êm đi, lặng đi!” Trong sự vâng phục, “gió liền yên và biển lặng như tờ.”

Hãy chú ý cách Kinh Thánh miêu tả đặc tính của thời tiết – tốt hay xấu – đều ở dưới cánh tay điều khiển trực tiếp của Chúa. Điều này có thể khiến nhiều người sợ hãi khi nghĩ đến một Đức Chúa Trời ngẫu hứng, không đáng tin cậy. Nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Chúng ta phải nhớ đến điều thứ ba này.

  1. Chúa đáng tin cậy.

Nhiều người cảm thấy họ dễ tin cậy Chúa hơn khi họ tập trung vào các câu như “Chúa là thiện” hoặc “Chúa là tình yêu thương“, nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng “Chúa công chính.” Điều này khá khó khăn đối với một số người khi phải đối mặt với thiên tai khi đọc các câu Kinh Thánh như Thánh Thi 115:3, nói rằng “Đức Chúa Trời chúng ta ở trên trời, Ngài làm bất cứ điều gì Ngài muốn,” hay Ê-sai 45:7,” Ta làm thành ánh sáng, tạo ra bóng tối; Ta làm cho thái bình và tạo ra tai họa. Ta là CHÚA, Đấng làm mọi sự này. ”

Chúng ta nhìn vào thế giới và các thiên tai xảy đến để quyết định điều gì là công bằng và bất công dựa trên những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Chúng ta nhìn vào Kinh Thánh và, thay vì dùng chính Kinh Thánh để giải nghĩa Kinh Thánh, chúng ta lại giải nghĩa theo những gì chúng ta muốn. Nhưng, chúng ta phải nhớ Ê-sai 55:8-9, “Vì ý tưởng Ta không phải là ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải là đường lối Ta,” CHÚA tuyên bố như vậy. “Vì trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối Ta cao hơn đường lối các ngươi; ý tưởng Ta cao hơn ý tưởng các ngươi bấy nhiêu.”

Chúng ta, những người chịu hậu quả giống như tự nhiên, là những người không thể tin cậy. Sự phán xét của chúng ta là sai. Châm ngôn 3:5 nhắc nhở chúng ta hãy “ Hãy hết lòng tin cậy Chúa, chớ nương cậy nơi sự sáng suốt của con.” Nếu chúng ta không thể tin tưởng Đức Chúa Trời trong mọi sự, thì chúng ta có thể tin tưởng  được ai?

  1. Luôn có niềm vui.

Đối với nhiều người, sống sót sau thảm họa thiên nhiên có nghĩa là mất hết của cải vật chất và những người thân yêu. Trong những hoàn cảnh như vậy, dường như khó có thể trải nghiệm niềm vui sau khi đối mặt với các thảm họa đó, nhưng cảm giác vui mừng khi đối mặt với mất mát không phải là để khước từ nỗi đau. Đối với con cái Chúa, đau khổ và niềm vui luôn đi đôi với nhau.

Phi-e-rơ đã viết cho các tín hữu bị rải rác: “Hãy vui mừng về việc này, mặc dù hiện nay anh chị em phải đau buồn vì bị thử thách nhiều bề trong ít lâu.” (1 Phi-e-rơ 1:6) Phao lô cũng là một tấm gương lớn về điều này. Trong khi ông không phải đối mặt với lốc xoáy, bão hoặc động đất, nhưng danh sách những gì chính ông trải qua cũng không kém phần gian nan – bạn có thể đọc trong 2 Cô-rinh-tô 6: 3-10. Chú ý những lời ông nói sau khi liệt kê một danh sách các thử thách của ông, “thấy như đau khổ nhưng luôn luôn vui mừng.

Thiên tai nhắc nhở chúng ta về một số sự thật: cuộc đời thì ngắn ngủi, chúng ta thì yếu đuối, và cái chết là chắc chắn. Đáng buồn thay, chúng ta cũng được nhắc nhở về vô số những linh hồn hư mất trong vòng chúng ta. Bằng cách bày tỏ niềm vui trong khủng hoảng, các Cơ Đốc Nhân ca ngợi Chúa, khuyến khích lẫn nhau, và chỉ cho người hư mất hy vọng trong Đấng Christ.

Có lẽ ví dụ tốt nhất cho chúng ta về đau khổ được tìm thấy trong Gióp 1:21. Sau khi mất của cải vật chất, sức khoẻ và tất cả con cái, tiếng lòng của ông là “CHÚA đã ban cho, và CHÚA đã lấy lại. Danh CHÚA thật đáng chúc tụng!

  1. Những điều tồi tệ hơn vẫn chưa đến đâu.

Khi chúng ta đọc Ma-thi-ơ 24:5-8, rõ ràng là mặc dù có nhều thiên tai mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay, nhưng những điều tồi tệ hơn vẫn chưa đến và chúng ta phải sẵn sàng. “Vì nhiều người sẽ mạo danh Thầy mà đến, tự xưng: ‘Ta là Chúa Cứu Thế’ và lừa gạt nhiều người. Các con sẽ nghe về chiến tranh và tin đồn về chiến tranh. Hãy coi chừng, đừng bối rối, những việc ấy phải xảy đến nhưng chưa phải là tận thế đâu. Dân này sẽ nổi dậy chống nghịch dân khác, nước nọ chống lại nước kia, có đói kém và động đất tại nhiều nơi. Tất cả những điều này chỉ là khởi đầu cơn đau chuyển bụng.

Câu Kinh Thánh này tổng kết tất cả các điểm trên. Có những cơn đau chuyển dạ bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới sa ngã. Đức Chúa Trời đang cai trị và chúng ta hoàn toàn có thể tin cậy Ngài khi Ngài bảo chúng ta đừng sợ hãi vì những điều này phải xảy ra. Chúng ta có thể làm vinh hiển Chúa qua cách chúng ta phản ứng với khủng hoảng và hướng những người khác đến với Đấng Christ. Nhưng tin tốt lành là, khi những thứ tồi tệ hơn xảy đến thì chúng ta thấy thiên đường cũng đến gần hơn!

Ê-sai 25:8-9 nói với chúng ta, “Ngài sẽ hủy diệt sự chết đến đời đời.CHÚA sẽ lau ráo nước mắt trên mọi khuôn mặt; Ngài sẽ cất đi sự nhục nhã của dân Ngài trên toàn trái đất. Vì CHÚA đã phán vậy. Vào ngày ấy người ta sẽ nói rằng:

“Kìa, đây là Đức Chúa Trời của chúng ta. Chúng tôi đã trông đợi Ngài để Ngài cứu rỗi chúng tôi. Đây là CHÚA mà chúng ta đã trông đợi, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng trong sự cứu rỗi của Ngài.

 

Hãy cầu nguyện với tôi:

Lạy Chúa, chúng con ngợi khen Ngài bởi đặc tính của Ngài; Ngài tể trị trên tất cả mọi sự, Ngài đáng tin cậy, và Ngài yêu con cái Ngài mặc dù chúng con đầy tội lỗi và thường nghi ngờ Ngài mỗi khi phải đối mặt với khó khăn. Khi chúng con quan sát thiên tai xảy ra xung quanh, và với những cá nhân đang bị ảnh hưởng bởi sự tàn phá đó, hãy giúp chúng con luôn vui mừng trong Ngài và làm chứng cho họ về Đấng đã trả giá để mang sự cứu rỗi đến cho những tội nhân không xứng đáng là chúng con. Nguyện tiếng lòng của chúng con mãi là, “Thế gian này không phải là nhà của chúng con, hãy đến Chúa Giê-xu, hãy đến” Amen.

Vân Anh dịch

Tác giả: Beth Ann Baus

Ảnh: @Unsplash

Bình Luận:

You may also like