Home Chuyên Đề Sự Đến Của Đức Chúa Giê-Xu Được Tiên Đoán Chính Xác Trong Kinh Thánh?

Sự Đến Của Đức Chúa Giê-Xu Được Tiên Đoán Chính Xác Trong Kinh Thánh?

by Van Anh
30 đọc

Vào năm 538 trước Công nguyên, thiên sứ Gáp-ri-ên ban cho Đa-ni-ên một sứ điệp tiên tri cho biết thời điểm Đấng Mê-si sẽ đến. “Hãy để tâm và hiểu rõ,” Gáp-ri-ên phán với Đa-ni-ên (Đa-ni-ên 9:25). Có lẽ Đa-ni-ên đã hiểu sứ điệp này, nhưng thời gian đã làm mai một sự hiểu biết này. Các học giả Cựu Ước từ lâu đã tranh luận về ý nghĩa của lời tiên tri, nhưng một học giả, Harold Hoehner, đã có một giải nghĩa đầy kinh ngạc.

Tại Ba-by-lôn, Đa-ni-ên chuyên tâm đọc Kinh Thánh, biết rằng Giê-rê-mi đã báo trước sự kiện dân sự bị người Ba-by-lôn bắt đi lưu đày và người Do Thái sẽ được trở về quê hương sau 70 năm. Để đáp ứng lại với lời tiên tri, Đa-ni-ên đã xưng nhận tội lỗi của cả quốc gia trong lời cầu nguyện, thúc giục thiên sứ Gáp-ri-ên bay đến và đưa ra thông điệp này:

Vậy, hãy để tâm và hiểu rõ: từ khi lệnh tái thiết thành Giê-ru-sa-lem được ban hành cho đến khi Đấng Mê-si-a xuất hiện, có bảy tuần và sáu mươi hai tuần lễ; thành sẽ được tái thiết với phố xá và thành lũy, nhưng đó là thời buổi hoạn nạn. Sau sáu mươi hai tuần, Vị Được Xức Dầu sẽ bị sát hại và không có gì. Dân của thủ lãnh tương lai sẽ hủy diệt thành đô và đền thánh. Sự cuối cùng của điều đó sẽ đến như nước lụt. Chiến tranh và cảnh hoang tàn đã được dự định để tiếp diễn ra cho đến cuối cùng.Đa-ni-ên 9:25-26

 

Vén màn lời tiên tri của Đa-ni-ên

Khi xem xét kỹ sách Đa-ni-ên, chúng ta có thể thấy một điều rõ ràng: sách viết về Đấng Mê-si-a. Chúng ta thấy thuật ngữ “Đấng Mê-si-a”, hay “Vị được xức dầu”, được viết hoa. Rõ ràng đây là một công thức được cung cấp để tính toán thời điểm Đấng Mê-si sẽ xuất hiện. Nhưng không hề dễ để giải nghĩa công thức. Một trong những khó khăn đó là xác định ý nghĩa của từ “tuần“. Trong tiếng Hê-bơ-rơ cổ, “tuần” có nhiều ý nghĩa, tùy theo bối cảnh để các học giả giải nghĩa. Bối cảnh trong đoạn Đa-ni-ên cho thấy “tuần” có nghĩa là “bảy đơn vị”. (Bản NIV dịch “tuần” là “bảy”) Sử dụng định nghĩa này, chúng ta có thể tính toán thời điểm Đấng Mê-si sẽ đến: (7 x 7) + (62 x 7) = 49 + 434 = 483 năm.

Lời tiên tri nói rằng sau khi Đấng Mê-si đến, Người sẽ “bị sát hại và không có gì.” Từ “sau” có ý nghĩa rất quan trọng. Sau khi Đấng Mê-si đến, người sẽ bị xử tử. Sự đóng đinh của Chúa Giê-xu ứng nghiệm lời tiên tri đó.

Bây giờ chúng ta biết rằng Đấng Mê-si-a sẽ đến sau 483 năm trong tương lai. Nhưng lời tiên tri có nêu cụ thể ngày bắt đầu không? Lời tiên tri nói với chúng ta: “Từ khi lệnh tái thiết thành Giê-ru-sa-lem được ban hành.” Vậy, ai đã ra lệnh khôi phục lại Giê-ru-sa-lem, và khi nào nó được ban ra? Có nhiều giả thiết được cân nhắc, nhưng lệnh của vua Át-ta-xét-xe đến Nê-hê-mi vào ngày 5 tháng 3 năm 444 trước Công nguyên (Nê-hê-mi 2:1-8) đã được coi là phù hợp nhất. (Trong bài viết này, một số mốc thời gian trong Kinh Thánh đã được sử dụng, tất cả đều đã được tranh luận bởi các học giả trong hàng trăm năm. Harold Hoehner đưa ra một lập luận mạnh mẽ cho mỗi mốc thời gian. Để biết thêm chi tiết, hãy tìm đọc quyển sách của Hoehner tên là “Các khía cạnh lịch sử của cuộc đời Đấng Christ – Chronological Aspects of the Life of Christ.)

Trước khi chúng ta làm một số phép tính, chúng ta cần phải biết về nền văn hoá trong thời của Đa-ni-ên để biết cách họ tính thời gian bằng năm dương lịch (tính theo tổng số ngày trái đất quay một vòng quanh mặt trời) hay năm âm lịch (tính theo chu kỳ tròn khuyết của mặt trăng). Một năm dương lịch có 365 ngày, 5 giờ, 48 phút và 46 giây, hoặc 365.2422 ngày. Năm âm lịch có chính xác 360 ngày: 12 tháng, mỗi tháng có 30 ngày. [Năm âm lịch có 12 chu kỳ quay, 12 tháng âm lịch, tương đương với 354.367 ngày Trái đất (12 x 29.53059). Tuy nhiên, người cổ đại đã làm tròn 1 tháng có 30 ngày âm lịch. Như vậy, năm âm lịch của họ sẽ bằng 360 ngày (30 ngày x 12).] Vì năm âm lịch được sử dụng phổ biến trong thời kỳ Kinh Thánh Cựu ước, sử dụng năm âm lịch để tính toán là lựa chọn chính xác nhất.

Chúng ta cũng phải quyết định làm thế nào để định nghĩa sự đến của Đấng Mê-si-a. Chúng ta có nên sử dụng ngày sinh của Chúa Giê-xu, ngày Người bắt đầu chức vụ, ngày bị đóng đinh trên thập giá, hay một ngày nào khác không? Ngày mà nhiều học giả chấp nhận cho thời điểm Đấng Mê-si-a đến là khi Chúa Giê-xu khải hoàn tiến vào vào Giê-ru-sa-lem. Lý do chọn ngày này là khi Chúa Giê-xu công khai tuyên bố rằng Ngài là Đấng Mê-si-a. Trước đó, Ngài chỉ nói với những người được chọn, các môn đồ, và Ngài thường nhắc nhở họ giữ bí mật về thân thế Ngài. Các nhà niên sử học đã ước tính thời điểm tiến vào khải hoàn của Chúa Giê-xu là vào thứ hai, 30 tháng 3, năm 33 sau Công Nguyên.

 

Tính Công thức của Gáp-ri-ên

Bây giờ chúng ta đã sẵn sàng để làm một số phép toán xác định Gáp-ri-ên đã thực sự dự đoán ngày Chúa Giê-xu đến. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách xác định số ngày trong 483 năm âm lịch là 360 x 483 = 173.880 ngày. Tiếp theo, chúng ta sẽ chuyển đổi những ngày đó sang năm dương lịch: 173.880 ÷ 365.2422 = 476.068 năm. Sau khi chuyển đổi phần thập phân (0.068) sang ngày (0.068 x 365.2422 = 24.8 ngày), thời gian tiên đoán cho Đấng Mê-si-a đến là 476 năm và 25 ngày.

Việc bổ sung con số này vào ngày 5 tháng 3 năm 444 trước công nguyên – ngày ra lệnh xây dựng lại Giê-ru-sa-lem được đưa ra – đưa chúng ta đến ngày 30 tháng 3, năm 33 sau Công Nguyên, chính là ngày Chúa Giê-xu khải hoàn tiến vào Giê-ru-sa-lem. Sự trùng hợp này có đáng chú ý không? Sự chính xác đáng kể của các tiên đoán trong lời tiên tri của Đa-ni-ên đã ủng hộ sự chân thật của các lời tiên tri, từ đó củng cố lòng tin của chúng ta vào uy quyền và sự tin cậy của Kinh Thánh.

 

Vân Anh dịch

Tác giả: CEO Don Olson

Ảnh: jewsforjesus.org

Bình Luận:

You may also like