Home Dưỡng Linh Ngày 17 – Dấu Hiệu Của Chiếc Kèn

Ngày 17 – Dấu Hiệu Của Chiếc Kèn

by SU Việt Nam
30 đọc

Phân đoạn này là phân đoạn cuối cùng ở núi Si-na-i của bộ sách luật pháp (Xuất Ai Cập Ký 19:1; Dân Số Ký 10:10). Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho Môi-se làm hai chiếc kèn và thổi chúng khi triệu tập hội chúng và các thủ lĩnh, dựng trại và giữ các kỳ lễ.

Dân Số Ký 10:1-10 

1 Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: 2 “Con hãy làm hai cây kèn bằng bạc dát mỏng và dùng chúng để triệu tập hội chúng cũng như truyền lệnh cho các trại quân ra đi. 3 Khi nào người ta thổi cả hai kèn thì toàn hội chúng sẽ họp lại trước mặt con tại lối vào Lều Hội kiến. 4 Nếu người ta chỉ thổi một kèn thì các thủ lĩnh tức là những người lãnh đạo của các bộ tộc Y-sơ-ra-ên phải họp lại trước mặt con. 5 Khi các con thổi kèn tiếng vang thì những trại quân phía đông sẽ ra đi. 6 Khi các con thổi kèn tiếng vang lần thứ nhì thì những trại quân phía nam sẽ ra đi. Người ta sẽ thổi kèn tiếng vang khi nào các trại quân phải ra đi. 7 Khi nhóm hội chúng, các con cũng phải thổi kèn nhưng không thổi tiếng vang.

8 Các con trai A-rôn là những thầy tế lễ sẽ thổi những kèn ấy. Đó là quy định vĩnh viễn cho các con qua các thế hệ. 9 Khi nào trong xứ có chiến tranh và các con phải ra chiến đấu chống kẻ thù xâm lược thì phải thổi kèn tiếng thúc quân. Lúc ấy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời các con sẽ nhớ lại các con và giải cứu các con khỏi kẻ thù. 10 Trong những ngày vui mừng, trong các kỳ lễ trọng thể và ngày đầu tháng thì các con phải thổi kèn trong khi dâng những tế lễ thiêu và tế lễ bình an. Trước mặt Đức Chúa Trời, tiếng kèn sẽ dùng để nhắc các con nhớ rằng Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các con.”

Suy ngẫm và hiểu

Điều cuối cùng dân Y-sơ-ra-ên chuẩn bị trước khi khởi hành từ núi Si-na-i là những chiếc kèn bằng bạc. Đức Chúa Trời đã khiến dân Y-sơ-ra-ên di chuyển khớp với tiếng kèn để ngăn chặn bất kỳ sự hỗn loạn nào có thể xảy ra từ việc dân sự đồng loạt tháo dỡ trại và di chuyển khi họ thấy đám mây rời đi (c.1-8). Những chiếc kèn bằng bạc cũng được dùng để tập hợp các quân đội đi đánh trận và để dâng các tế lễ bình an trong các kỳ lễ, như ngày Sa-bát. Trong những trường hợp tương tự, việc thổi kèn cũng như một lời cầu nguyện dâng lên Đức Chúa Trời (c.9-10).

Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?

C.1-2 Những âm thanh của chiếc kèn giúp cho dân sự nhận biết để ra đi nhanh chóng và phù hợp, cho dù họ không thấy đám mây rời đi. Đức Chúa Trời chăm sóc để đảm bảo dân sự có thể chắc chắn về ý muốn Ngài, ngay cả qua âm thanh. Tương tự, Đức Chúa Trời muốn chúng ta nhận biết ý muốn Ngài, bất kể Ngài dùng phương tiện gì.

Ngài ban cho tôi bài học gì?

C.9-10 Việc thổi kèn vào lúc có chiến tranh được dùng để tập hợp các đội quân, nhưng nó cũng đóng vai trò như một lời cầu nguyện để Đức Chúa Trời nhớ đến dân Ngài và cứu họ. Những chiếc kèn được thổi khi các của lễ được dâng trong các kỳ lễ cũng nhắc Đức Chúa Trời nhớ đến dân Ngài. Tương tự, hãy luôn cầu nguyện cả trong những lúc vui mừng lẫn những lúc xung đột. Đức Chúa Trời sẽ hành động.

Tham khảo

10:2-7 Theo Giô-se-phớt (Các cổ nhân người Do Thái 3.291), hai chiếc kèn bằng bạc có chiều dài bằng hơn một bàn chân và loe ra. Chúng được mô tả trên cửa vòm của Tít giữa những chiến lợi phẩm mà ông ấy đã mang về Rô-ma từ Giê-ru-sa-lem. Ở đây đề cập đến hai cách thổi kèn: thổi đơn giản, và thổi một hồi báo động. Sự khác nhau là việc thổi bao gồm các nốt dài, trong khi thổi báo động được thổi với những sự ngắt âm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy giúp chúng con nghe lời Ngài vang như âm thanh của tiếng kèn, để chúng con có thể nhận biết và vâng theo ý muốn Ngài.

Đọc Kinh Thánh trong năm: I Sa-mu-ên 11-13

Bình Luận:

You may also like