Home Tôi Viết Uy Quyền Chúa Phục Sinh

Uy Quyền Chúa Phục Sinh

by Hồ Galilê
30 đọc

Kinh Thánh: Tin Lành Ma-thi-ơ 28:1-9

1Cô-rinh-tô 15:45-58

 

DẪN NHẬP:

Khác với các Tôn giáo khác, Cơ đốc giáo chúng ta rất hãnh diện về vị Giáo chủ của mình. Vì Chúa Giê su đã phục sinh. Các Giáo chủ khác đã chết và cứ thế chết luôn không bao giờ sống lại. Còn sự phục sinh của Chúa chúng ta là một sự kiện lịch sử không ai phủ nhận được. Nếu ai có cách nào chứng minh Chúa Giê su không bao giờ sống lại, thì Cơ đốc giáo sẽ sụp đổ ngay tức khắc.

Ngày lễ Phục Sinh đem lại một nét độc đáo cho Cơ đốc giáo. Một Tôn giáo có một Giáo chủ sống, không thịt nát xương tan trong mồ mả. Đối với những ai chưa biết Chúa hoặc chưa nếm trải quyền năng Chúa phục sinh thì những ngày Lễ Phục Sinh hay những hồi chuông phục sinh hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng đối với những ai được quyền năng Chúa phục sinh tái tạo thì đó là khúc khải hoàn ca của Chúa hằng sống.

Mời Qúy vị và Các bạn bước vào trang giải bày Kinh Thánh với chủ đề:
                        UY QUYÊN CHÚA PHỤC SINH.

 

I/ĐÁNH TAN SỢ HẢI – XUA ĐUỔI NGHI NGỜ – BAN BÌNH AN HY VỌNG và SỰ VUI MỪNG TRỌN VẸN:

Trước ngày Chúa sống lại, tình cảnh các môn đệ thật bi đát, Giu-đa-ích-ca-ri-ốt phản Chúa, Phi-e-rơ chối Chúa, các môn đệ lìa bỏ Chúa. Tất cả những hình ảnh của sự hoài nghi, thất vọng, lo âu, sợ hãi và bất mãn. Rồi hình ảnh Chúa Giê Su bị đóng đinh trên thập tự giá tại đồi Gô gô tha thật ghê sợ, ai nấy đều sợ hãi, khiếp đảm đóng kín cửa lại. Họ chạy trốn trước một thực tế quá phủ phàng, không dám đối diện với tương lai, hy vọng đã vỡ tan, mơ ước không thành. Nhưng sau ngày Sa bát, tức là ngày thứ nhất trong tuần lễ, lúc tưng tưng sáng Chúa phục sinh cách khải hoàn.

Họ vừa vui mừng, vội vàng ra khỏi mộ, chạy đi báo tin cho các môn đồ. Khi Chúa Giê su bị đóng đinh, bị chôn trong thạch mộ, các môn đệ của Chúa Giê su rất sợ hãi, họ sợ người Do Thái tìm bắt họ tiêu diệt người theo Chúa Giê su. Đang trong tình trạng kinh khiếp, khủng hoảng thì Chúa Giê su phục sinh xuất hiện giữa họ, Ngài phán: Bình an cho các ngươi. Ngay giờ phút đó họ gặp được Chúa với hai bàn tay mang dấu đinh, Chúa Giê su đã đánh tan sự sợ hãi trong lòng họ. Thay vì sợ hãi, giờ đây họ vui mừng và can đảm trong ý chí. Về sau, khi bị bắt trước Chính quyền và Giáo quyền họ quyết một lòng rao giảng Phúc âm.

 

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên đầy dẫy thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh, khủng bố, bạo động, con người đang sống trong phập phồng, lo âu, sợ hãi và nhất là sợ chết. Điều mà không ai muốn nhưng phải đối diện với tử thần. Bệnh than, bệnh dịch cúm, Hiv, Aids và rất nhiều bệnh tật mới xuất hiện mà ngành Y tế chưa tìm ra vắc xin chủng trị. Cách đây ít lâu tại nước Hà Lan đã xảy ra tai nạn máy bay. Một gia đình nọ đang cùng nhau ăn cơm yên ổn trong gia đình, một chiếc máy bay thình lình đâm sầm vào nhà. Không những hành khách trên máy bay tử nạn mà cả gia định nọ cũng chết theo luôn.

Chúng ta có thể kết luận rằng ngồi trong nhà vẫn chết. Vậy, làm cách nào đánh tan nỗi sợ hãi trong lòng chúng ta? Mặc dầu Chúa sống lại song Thô- ma vẫn cứ nghi ngờ Tin Lành Giăng ký thuật 20:24-29. Cho đến khi Thô-ma nhìn thấy dấu đinh trên hai bàn tay Chúa lúc đó ông mới phủ phục: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi.”

Những ai còn đang nghi ngờ về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, nghi ngờ về quyền tể trị, nghi ngờ về tình thương của Chúa, nghi ngờ về sự chết và sự sống lại của Chúa Giê su. Thậm chí có ai còn nghi ngờ về Thiên đàng, về Địa ngục, nghi ngờ về tình bẵng hữu, bạn bè, vợ chồng, con cái, tình yêu thương của cha mẹ, nghi ngờ về người khác v.v… hay nói một cách khác là đa nghi làm cho cuộc đời không định hướng hãy mau gặp Chúa sống. Để nếm biết quyền năng Chúa phục sinh và kinh nghiệm sự vui mừng. Vì Chúa sống từ trong cõi chết làm thay đổi tất cả.

Con người từ nay đã có hy vọng và không còn chịu bó tay dưới quyền lực của tử thần. Trong Chúa phục sinh quyền tử thần đã bị vô hiệu hóa. Trong Chúa, chúng ta không có lý do gì buồn lo, sầu thảm. Cuộc sống nầy có lúc sẽ chấm dứt nhưng chúng ta vẫn cứ tiếp tục được sống với Chúa phục sinh. Dù đời có khắc nghiệt đến mấy rồi cuối cùng chúng ta cũng sẽ đắc thắng vì chúng ta đang sống với Chúa phục sinh. Vậy, chúng ta hãy vui mừng mãi mãi ICô-rinh-tô 15:45-58.

 

II/LẼ CẦN YẾU CHÚA SỐNG LAI:  

Chúa sống lại có cần yếu cho chúng không? Tại sao lại có?

A/Vì nếu Chúa không sống lại thì không cứu được ai, vì Ngài cũng giống như các Giáo chủ khác trong đời nầy mà thôi, cũng chết như bao nhiêu người khác thì ta tin Chúa thật luống công. Mà nếu Chúa không cứu được ai thì ta tin Chúa liệu có ích lợi gì? Kết cuộc cũng giống như bao nhiêu người khác . Cho nên việc Chúa sống lại là lẽ cần yếu cho mỗi một Cơ đốc nhân.

B/Nếu quả thật Chúa không sống lại mà Mục sư, Truyền đạo, Giáo hữu làm chứng, giảng đạo nói Chúa Jesus-Christ sống lại thì chúng ta là kẻ nói láo, gạt đời, dối người.

C/Để minh chứng rằng không phải Ngài sống lại thôi đâu mà Ngài là Đấng hằng sống đời đời. Ngài đắc thắng tử thần, mồ mả, âm phủ để cam kết rằng Ngài sống lại thì chúng ta cũng sẽ sống lại và được sự sống vĩnh cửu. “Vì ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống”Tin Lành Giăng 14:19. Ngài sống lại để ban cho chúng ta tinh thần mạnh mẽ, lạc quan, không nhút nhát, không sợ hãi. Các môn đệ ngày xưa họ đã chạy vội vã đi báo Tin Lành cho mọi người khác. Chúng ta ngày nay cũng phải kinh nghiệm ra đi làm nhân chứng về Ngài. “Hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Lành cho mọi người”Tin Lành Mác 16:15. Thế giới nầy vẫn còn ở dưới ách thống trị của Sa tan, của tội lỗi, cho đến khi chúng ta kinh nghiệm quyền năng phục sinh để giải cứu những kẻ đang đùa đến sự chết.

Câu hỏi được đặt ra cho tôi và Ông bà anh chị em là:

Bây giờ lòng chúng ta thể nào? Có muốn Chúa sống trong lòng chúng ta hay đuổi Ngài ra ngoài? Chúng ta có sống một cách mới cho Chúa không? Tùy bạn và tôi!

 

III/ TINH THẦN ĐÓN CHÚA PHỤC SINH:
… Ngay từ khi tin Chúa Phục sinh được loan báo ra, những người chống đối Chúa đã vội tìm cách bác bỏ và phủ nhận. Tiếc thay mọi nỗ lực của họ như một bong bóng nổ tung, vì Chúa sống lại hiện ra sờ sờ làm sao chối bỏ được. Chính sự hiện diện của Chúa là bằng chứng hùng hồn, là năng lực sống động của Hội Thánh đầu tiên. Kể từ đó đến nay Cơ đốc giáo cứ tiếp tục phát triển không ngừng mặc dầu gặp nhiều khó khăn bách hại.

Chúa Cứu Thế sống lại cho chúng ta sự vui mừng bình an. “Hai người đàn bà đó bèn vội vàng ra khỏi mộ… cả mừng.” Ma-thi-ơ 28:8

Bao nhiêu thất vọng chán chường và sợ hãi mấy ngày khi chứng kiến Chúa của họ bị bắt, bị đánh đòn dã man. Rồi đóng đinh Chúa họ trên cây thập tự giá. Họ đau lòng tuyệt vọng biết bao, nhưng vì yêu Chúa nên họ chuẩn bị hương liệu quý, để sau ngày Sa-bát họ sẽ đi thật sớm đến nơi phần mộ. Mục đích là tẩm thêm thuốc thơm cho xác chết của Thầy mình. Họ đến nơi chỉ thấy ngôi mộ trống, họ càng thêm tuyệt vọng, họ gặp được Chúa phục sinh mà cứ tưởng là người làm vườn. Nhưng rồi Thiên sứ báo cho họ biết Thầy họ đã sống lại và hẹn họ qua xứ Ga-li-lê gặp Ngài. Chúa gặp họ và phán “Bình an cho các ngươi, đừng sợ hãi…”

Ngày nay du khách đi đến xứ Do Thái tức Y-sơ-ra-ên có thể đến thăm ngôi mộ trống, Chúa Giê su đã Phục sinh, nơi đó có ghi mấy dòng chữ: 
“Ngài không ở đây đâu, Ngài đã sống lại rồi”.
Xưa nay con người vẫn sống trong sự bất an, lo âu và sợ hãi. Chúa sống lại ban cho chúng ta sự bình an bất biến, sự vui mừng mãi mãi. Là Cơ đốc nhân bạn đã kinh nghiệm sự vui mừng nầy chưa? Nếu là Cơ đốc nhân mà bạn đang sống trong u buồn, thì chính bạn không có Chúa Phục sinh sống trong lòng bạn rồi. Hãy vui mừng, ca hát và ngợi khen. Vì đời sống chúng ta đã thuộc về Chúa sống. Phúc âm là hai từ: “Tin Lành” là “Tin Mừng” là “Tin vui” sao ta lại sống trong tinh thần mệt mỏi, chán chường, thất vọng và u buồn?
Dù cuộc sống chúng ta còn muôn ngàn khó khăn. Nhưng chúng ta phải kinh nghiệm rằng, chúng ta sống trong trần gian là thì giờ ngắn ngủi, chúng ta là lữ khách và bộ hành trên đất. Một ngày kia tiếng kèn của Thiên sứ được trổi khúc chúng ta sẽ được cất lên và sống với Chúa mãi mãi.

Những ai còn đang nặng gánh sầu tư, cô đơn và buồn bả, vì Xã hội bỏ rơi, gia đình ruồng bỏ, bơ vơ không nhà, hay cô đơn nơi đất lạ xứ người, hoặc lâm vào cảnh nghèo túng, thất nghiệp. Hay trăm ngàn lý do khác nữa đang thấy cuộc đời sao vô nghĩa, đang lang thang, lê từng bước chân nặng nề, chán chường, thất vọng trên con đường đời của mình. Ước gì những ai đó họ được chúng ta giới thiệu để họ gặp được Chúa phục sinh. Quyền năng phục sinh như ánh thái dương xua tan bầu trời u ám trong tâm hồn họ. Chúa Giê su tha thiết kêu gọi: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và nặng gáng ưu phiền, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ, vì gánh ta dễ chịu, ách ta nhẹ nhàng.”Tin Lành Ma-thi-ơ 11:28. Quyền năng phục sinh vô cùng vĩ đại nhưng thực tế. Vậy nên, chúng ta không lấy lý do gì mà bi quan, mà tuyệt vọng.
Nghe tin Chúa Phục sinh, trong lòng rộn lên niềm vui cũng chưa đủ. Niềm vui đó cũng chưa trọn vẹn cho đến khi nào được đến để thờ lạy Ngài. “Hai người cùng đến gần…và thờ lạy Ngài. Ma-thi-ơ 28:9.

Vinh dự và phước hạnh thay cho những ai đến gặp và thờ lạy Ngài. Ai hết lòng tìm kiếm Chúa ắt sẽ được gặp được Ngài. Họ đâu có ngờ rằng đi thăm mộ Chúa chết mà nay đã gặp Chúa sống. Phần mộ là nơi u buồn nhất đã trở thành nơi vui vẻ hân hoan. Lúc đó chắc chim sẽ hót, hoa sẽ nở, nước sẽ reo, bầu trời thật xanh trong lạ lùng với những cơn gió nhẹ làm mát lòng người.Và ở đây, niềm vui cũng chưa thật trọn vẹn cho đến khi họ được chia sẻ niềm vui với các môn đồ, với mọi người…Cơ đốc nhân chân chính sẽ không bao giờ  thấy thỏa lòng khi chỉ riêng mình có được niềm vui và tâm linh mình thỏa thích tôn thờ Chúa. Cơ đốc nhân chân chính sẽ thỏa lòng khi được dịp chia sẻ niềm vui của mình có, cho nhiều người khác là những người chưa biết và chưa gặp Chúa Phục sinh. Vì không biết và không tin Chúa đã sống lại, nên nhiều người vẫn còn sống trong buồn lo và sợ hãi.
Dù có làm môn đồ Chúa đi nữa, nhưng không biết và không tin sự kiện Chúa đã Phục sinh thì chúng ta cũng có thể sống thiếu sự bình an. Sự hiểu biết và tin tưởng nầy chỉ có được khi những người đã có kinh nghiệm trong Chúa đi ra rao truyền Tin Lành cứu rỗi của Chúa Giê su. Tôi hy vọng rằng: Hoa Phục Sinh sẽ nở rộ trong lòng mỗi Cơ-đốc-nhân khi ta quyết tâm ra đi loan báo Tin Lành: Chúa đã sống lại rồi

Nhà thơ Tường Lưu đã có hàng ngàn thi phẩm ca ngợi Chúa qua các Thi tập. Nhân đây tôi xin trích một đoạn trong bài “Sống hôm nay” của ông trong Thi tập Tâm Linh số 12 để chia sẻ cùng Hội Thánh:

“…Sống đi ta sống hôm nay
             Sống vui, tận hưởng một ngày Chúa ban
             Hãy nghe chim hót rộn ràng
             Hãy xem hoa nở, dịu dàng hương bay
Trên cao lờ lững áng mây
             Mặt trời đang nhuộm ngọn cây phớt hồng
             Giơ tay chào đón hừng đông
             Thánh ca… ta hát mà lòng ta vui.
             Cảm ơn Chúa, một bầu trời
             Cảm ơn Chúa, một cuộc đời hôm nay
             Hãy quên quá khứ chông gai
             Cũng không nghĩ tới ngày mai…. làm gì
             Hôm nay…ta cứ vui đi.”

 

Hồ Thi Thơ – Mùa Phục Sinh 2017.

 

Tìm hiểu thêm:

Cách tính ngày lễ Chúa phục sinh – Tại sao Lễ Phục Sinh không đến một ngày nhất định trong năm?

Trả lời:

Trong những thế kỷ đầu tiên Cơ đốc nhân kỷ niệm Lễ Phục Sinh vào ba ngày sau Lễ Vượt qua.

Lễ Vượt qua nhằm ngày 14 tháng 1 tức tháng Ni san nhằm nửa tháng 3 và đầu tháng 4 dương lịch chúng ta.

Để có ngày Lễ Phục Sinh thống nhất cho toàn cầu vào năm 325 Hoàng đế Constantine triệu tập cộng đồng Ni cee ra quyết định Lễ Phục Sinh phải cử hành vào Chúa nhật kế tuần trăng tròn, sau ngày Xuân phân 21 tháng 3. Nếu Chúa nhật Phục Sinh rơi vào ngày Lễ Vượt qua thì Phục Sinh sẽ dời vào Chúa nhật tuần đến. Vậy Lễ Phục Sinh hằng năm đến sớm nhất là Chúa nhật 22 tháng 3 và trể nhất là Chúa nhật 25 tháng 4.

Ngày nay đến xứ Thánh Y-sơ-ra-ên tại nơi ngôi thạch mộ Chúa Giê su người ta thấy gì?

Trả lời:

Nơi đó có dòng chữ:

Ngài không ở đây đâu – Ngài đã sống lại rồi.

Di tích: Đồi Gô gô tha – Ngôi mộ trống.

 

Bình Luận:

You may also like