Home Lời Chứng Singapore – Vùng Đất Tôi Được Biết Chúa

Singapore – Vùng Đất Tôi Được Biết Chúa

by HoiThanh .Com
30 đọc

Cảm ơn Chúa cho tôi được sang Singapore du học rồi ở lại làm việc đến năm 2014 mới về lại Việt Nam. Singapore và Hàn Quốc là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất châu Á. Đồng thời họ cũng là hai nước châu Á có tỉ lệ người Cơ Đốc cao và hoạt động mạnh mẽ. Vì thế, ở Singapore tôi có cơ duyên để thực hiện quyết định quan trọng nhất đời mình là tìm hiểu và tin theo Chúa.

Trước đây, như mọi người Việt Nam khác, tôi tin theo gia đình mình là thờ Phật, thờ ông bà, thần tài, thổ địa, ông táo, v.v… Nhà tôi có nhiều tủ sách, nên tôi có điều kiện đọc sách của đạo Phật. Nhờ đó, tôi đọc biết nhiều truyện và lời dạy căn bản của Phật pháp.

Quyển truyện tranh đầu tiên mà tôi đọc là truyện về cuộc đời của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni. Phật Tổ sinh ra là hoàng tử một vương quốc ở Ấn Độ, sống trong địa vị, giàu sang, vây quanh bởi tiệc tùng và cung nữ. Dù đời sống như vậy, Phật Tổ vẫn không cảm thấy thỏa mãn. Ngược lại, ông đồng cảm với nỗi khổ đau và sinh lão bệnh tử của kiếp người. Vậy nên ông tìm kiếm và suy ngẫm cách thoát khỏi kiếp trầm luân này. Những hình ảnh và suy nghĩ của Phật Tổ để lại ấn tượng mạnh mẽ trong đầu óc non trẻ của tôi.

Để thoát khỏi trầm luân, đạo Phật có một số giáo điều căn bản là

  • Tứ diệu đế (4 chân lý): sự khổ, nguồn gốc của khổ là tham ái, phải diệt khổ và con đường diệt khổ
  • Bát chính đạo (8 đường phải): các cách để diệt khổ, đại khái là nhìn đúng, nghĩ đúng, nói đúng, làm đúng…
  • Giác ngộ: ngộ tịnh, ngộ năng, ngộ không, v.v… nhân ra phải sống thanh tịnh, chăm chỉ và biết sự vô thường của cuộc sống

(Tham khảo thêm về căn bản Phật Pháp: https://vi.wikipedia.org/wiki/Tứ_… )

Ngoài ra đạo Phật có niềm tin vào luật Trời như luật nhân quả, báo ứng, trời Phật giúp đỡ người lành, v.v…Tôi không nói mình rành Phật pháp, nhưng đạo Phật cho tôi ý thức rằng của cải, địa vị, và hưởng thụ không đem lại thỏa mãn thật sự, suy ngẫm về sinh lão bệnh tử của kiếp người, ý thức phải nghĩ đúng làm đúng và tôn trọng luật Trời. Đó là đạo.

Đạo khác với mê tín dị đoan. Mê tín dị đoan là việc có thể kêu gọi một quyền lực siêu nhiên nào đó bằng một vật hay một việc gì, thường là bùa chú hay cúng tế gì đó. Mê tín dị đoan không dạy về lẽ sống, về luật Trời, hay về cách suy nghĩ. Nó chỉ là thiêng lắm, cứ dâng là cho, xin là được, bất kể anh làm gì, xin gì hay sống thế nào. Tôi từng đi Chùa Hương thấy người ta nhảy lên bàn thờ nhét tiền lẻ vào tay tượng Phật, thậm chí nhét cả vào mũi con sư tử đá. Tượng Phật và sư tử đá mà cứ động được chắc tát cho mấy người đó rụng răng.

Tôi sang Singapore quả là một cơ duyên. Hồi cấp 3 nếu hỏi tôi thích đi đâu thì tôi nói tôi thích đi Nga, vì ba mẹ tôi hồi trước đi Nga nói là bên đó thiên nhiên rất đẹp, con người hiền hòa và con gái Nga đẹp lắm. Hồi lớp 12 tự nhiên có một công ty vào trường tôi giới thiệu cuộc thi tuyển vào trường Đại Học Quốc Gia Singapore, nói trường đó xịn lắm, xếp hạng cao trên thế giới, thi đậu có học bổng hay tài trợ học phí nữa. Nghe cũng hay, tôi cũng thích thi thử nên đăng ký. Thi thử mà đậu thật. Lúc có thông báo đậu mới tìm hiểu xem Singapore là nước nào. Google thấy nó là một hòn đảo du lịch nhiệt đới nổi tiếng với hàng triệu khách tham quan mỗi năm. Tôi tưởng tượng một nơi như Hawaii, vừa tắm biển vừa học bài, thật tuyệt vời, vậy là đi. Đó là lần đầu tiên tôi lên máy bay và ra nước ngoài.

Lúc sang thì mới thấy đời không như là mơ. Đi du lịch ở Singapore thì thích thật nhưng đi học và làm thì vất vả lắm. Một bữa trưa đang ngồi ăn một mình ở canteen thì có hai bạn sinh viên lại hỏi tôi có muốn biết về Chúa Giê-xu hay không? Vốn có ý thức học hỏi đạo, tôi trả lời “Tôi thấy người Do Thái, người Hy Lạp, La Mã, người Phường Tây tin theo Chúa và xã hội họ rất văn minh, phát triển. Vậy nên tôi cũng muốn biết Chúa dạy gì”.

Hai bạn sinh viên đó rất mừng và sắp xếp 1 tuần gặp tôi một lần để học Kinh Thánh. Kinh Thánh là một bộ sách, suốt một học kỳ chúng tôi học quyển Giăng trong đó. Thực tôi không hiểu nhiều. Chắc do cách nhìn và kỳ vọng sai

  • Khi tìm hiểu về đạo, tôi muốn học các lời dạy khôn ngoan về cuộc sống, kiểu tứ diệu đế, bát chính đạo của Phật. Cũng có nhiều sách trong Kinh Thánh dạy về sự khôn ngoan như sách Truyền Đạo, Châm Ngôn, Ma-thi-ơ, Lu-ca, các thư tín v.v… nhưng đó không phải là trọng tâm của quyển Giăng.
  • Khi tìm hiểu về một vị thần, tôi muốn biết vị thần đó làm những gì, quyền phép ra sao, kiểu thần thoại Hy Lạp. Kinh Thánh cũng nói rất nhiều về các việc của Chúa và quyền năng của Ngài: Chúa sáng tạo các tầng trời và đất, Chúa làm trật lụt Noah quét sạch muôn loài, Chúa giáng 10 đại họa trên Ai Cập v.v… Nhưng sách Giăng chỉ có đúng 7 phép màu rất nhẹ nhàng: biến nước thành rượu, làm người mù sáng mắt, gọi người chết sống lại, v.v… Chúng là phép màu, nhưng thiệt không hoành tráng lắm.
  • Sách Giăng nói nhiều về nhân thế của Chúa Giê-xu và mối quan hệ của Chúa và những ai tin yêu mình: Chúa là cha thiên thượng, mình là con được nhận, Chúa Giê-xu là bạn hữu… Mối quan hệ giữa con người với Đức Chúa Trời là một điều nằm ngoài sự tưởng tượng của tôi lúc đó.

Hết học kỳ, học xong quyển Giăng, anh bạn hỏi tôi rằng “Bạn đã học về Chúa Giê-xu. Giờ bạn có muốn tin Chúa không?” Thực ra lúc đó tôi cơ bản là chưa biết Chúa dạy cái gì, chỉ biết chuyện Chúa Giê-xu làm cái này cái kia. Nhưng tôi cũng cảm động và nể lòng tốt của anh bạn. Suốt một học kỳ, mỗi tuần đều đến giúp tôi học Kinh Thánh, một người không quen biết, tiếng Anh nói dở, nghe cũng dở. Vậy nên tôi tin nhận Chúa cho anh đó vui lòng.

Sau khi tin nhận Chúa xong thì tôi vẫn vậy. Tôi tiếp tục sinh hoạt với nhóm sinh viên Cơ Đốc. Tôi thích giao lưu, vui chơi, ca hát. Thỉnh thoảng học thêm chỗ này chỗ kia trong Kinh Thánh. Nói chung là vui.

Đến năm ba, một sự kiện làm đảo lộn cuộc sống là tôi bị bệnh mũi làm khó thở và cơ thể thiếu oxy. Cộng thêm áp lực học tập nghiên cứu căng thẳng khiến tôi bị suy nhược cơ thể, phải về Việt Nam mổ mũi và nghỉ một học kỳ để phục hồi. Việc này khiến tôi nhận thấy năng lực và hiểu biết của con người rất giới hạn trước những tai họa lớn trong cuộc sống.

Khi đọc quyển “Làm sao để ngưng lo lắng và bắt đầu sống” của Dale Carnegie, chương 19 tác giả kể về cha mẹ mình là nông dân nghèo ở Mỹ. Họ làm việc cực khổ, nhưng được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa nên cả đời vất vả mà không tích lũy được gì. Có lần cha ông bị mắc nợ đến mức muốn tự tử. Dù vậy, cha mẹ ông luôn tin vào sự chu cấp dẫn dắt của Chúa. Dù nghèo khó, họ sống một cuộc đời lương thiện, luôn giúp đỡ hội thánh và một trại trẻ mồ côi. Cuối cùng cha ông sống đến 90 tuổi mới an nghỉ.

Tác giả thấy rằng cuộc sống cha mình tốt hơn rất nhiều so với một ông giám đốc công ty thuốc lá, giàu có, sống tự do muốn làm gì thì làm, nhưng cuộc sống căng thẳng và chết vì đau tim ở tuổi 50.

Tôi cũng thấy rằng cuộc sống lương thiện, làm theo lời Chúa, dựa vào sự chu cấp dẫn dắt của Chúa như cha mẹ Dale Carnegie thì tốt hơn so với sống như ông giám đốc công ty thuốc là đó. Vậy nên tôi quyết định tìm hiểu về Chúa để xem mình thực sự có thể đặt niềm tin và dựa vào Chúa được không.

Từ đó đầu tôi bắt đầu có nhiều câu hỏi về Chúa, và google câu trả lời. Sau tôi lang thang vào trang web của Ted Montgomery, một bác sĩ mắt về hưu và dành thời gian rảnh rỗi ghi lại toàn bộ niềm tin và hiểu biết Kinh Thánh của mình. Ông ta viết hơn 15 chương đủ các chủ đề, từ Sáng Thế Ký tới Khải Huyền. Những chia sẻ của bác sĩ Ted Montgomery đã cho tôi một hiểu biết hệ thống về Kinh Thánh và Đức Chúa Trời. Cách trình bày diễn giải của một bác sĩ hợp cách suy nghĩ của tôi. Ông ta là một hình mẫu đẹp về người trí thức Cơ Đốc: thông hiểu Kinh Thánh và suy ngẫm áp dụng vào thực tế, thân thiện, khiêm tốn, thích chia sẻ, sẵn sàng thừa nhận mình có thể sai và luôn tìm kiếm lẽ thật… Sau khi mất tầm 2 tháng đọc những gì bác sĩ Ted Mongomery chia sẻ, tôi thấy mình đã đủ hiểu về lời dạy của Chúa và quyền năng của Ngài để có thể đặt niềm tin.

(trang chia sẻ Kinh Thánh của bác sĩ Ted Montgomery http://www.tedmontgomery.com/bblovr… )

Sau khi đọc hết chia sẻ của bác sĩ Ted Montgomery, tôi ngủ mơ thấy mình đang sống trong thời Khải Huyền, Cơ Đốc nhân bị bắt bớ, và ai không phục sẽ không thể mua bán được như lời tiên tri trong sách Khải Huyền (13:16-17). Không chịu khuất phục, tôi bị mất việc, không thể mua đồ ăn và chết đói. Sau đó Chúa hiện ra và nói với tôi “Nếu con theo ta, chuyện này có thể xảy ra. Vậy con có chịu không?” Tôi ngẫm nghĩ và thấy là nếu mình chịu khuất phục để có ăn, thì cũng chỉ sống thêm được vài năm hèn nhát, xong sẽ chịu trừng phạt đời đời. Vậy tôi phục xuống và nói rằng “Vậy vẫn tốt hơn. Chết lên thiên đường còn hơn sống nhục thêm vài năm rồi chết xuống địa ngục đời đời”. Chúa nói “Tốt lắm”. Xong tôi tỉnh dậy và biết mình giờ là Cơ Đốc nhân, và bắt đầu tìm nhà thờ để sinh hoạt Cơ Đốc.

Điều nay khiến tôi là một Cơ Đốc nhân biết từ Sáng Thế Ký tới Khải Huyền rồi mới đi nhà thờ. Đó là một quá trình tìm hiểu dài. Nhưng tôi cần biết rõ Chúa là ai, dạy gì trước khi tôi thực sự đặt niềm tin.

Từ khi tin Chúa, tôi trải nghiệm được nhiều sự chu cấp, dẫn dắt và giúp đỡ của Chúa. Điều này tạo cho tôi niềm tin đúng như cha mẹ của Dale Carnegie vậy. Dù cuộc sống nhiều khi không như ý muốn, có lúc mất phương hướng, có lúc thất bại, tôi vẫn bình an. Những lúc khó khăn, tôi không lo hoảng mà cầu nguyện với Chúa. Rồi từ từ khó khăn cũng qua với sự sắp xếp của bàn tay vô hình của Chúa. Ba tôi từng nói lối sống đơn giản ít lo lắng (mà cũng phiêu lưu) của tôi có nguồn gốc từ đức tin và tư duy Cơ Đốc, quả thật đúng nhu vậy.

Cô tôi có một cô bạn tin Chúa. Khi cô tôi hỏi sao bạn đó tin Chúa, cô đó trả lời là vì Chúa đáp lời cầu nguyện, lời Chúa dạy hay, và những người tin Chúa tốt. Sau khi tin Chúa, tôi cũng thấy như vậy.

Cầu nguyện là nói chuyện với Đức Chúa Trời. Chúa không phải là ông thần đèn mà ta ước gì được nấy. Nhưng khi ta tin yêu Chúa, Chúa nhận chúng ta làm con nuôi. Là cha thiên thượng, Chúa sắp xếp chúng ta điều gì tốt để ta trưởng thành (không phải để hưởng thụ). Khi cầu nguyện, ta có thể tâm sự với Chúa về cuộc sống, cảm ơn Chúa về có phước lành, và xin Chúa giúp đỡ những khó khăn trong cuộc sống. Chúa nghe và bàn tay vô hình của Chúa sẽ làm gì đó dù ta không thấy.

Tôi được Chúa đáp lời và giúp đỡ trong nhiều chuyện. Có khi Chúa cho như tôi xin, có khi Chúa cho tôi điều hay hơn. Lúc mới tốt nghiệp, nhờ kết quả tốt nên thầy hướng dẫn hỏi tôi muốn học tiến sĩ không. Tôi cũng thích nghiên cứu, và phòng lab ở gần hội thánh, nên đi qua lại cũng dễ. Tốt cho trí thức và tốt cho tâm linh. Nhưng thu nhập cũng quan trọng mà học bổng tiến sĩ thì không đủ để sống và trả nợ học phí. Vậy nên tôi không nhận, nhưng vẫn cầu nguyện xin Chúa cho có dịp làm nghiên cứu để làm gần nhà thờ. Tầm tháng sau, khi nói chuyện với một giáo sư trên lớp, ông hỏi tôi muốn làm nghiên cứu không? Ông có vị trí trợ lý nghiên cứu, lương gấp đôi học bổng tiến sĩ. Tôi thấy đó là Chúa đáp lời cầu nguyện. Việc này giúp tôi tin tưởng Chúa là đấng chu cấp và là người chủ thiên thượng của mình.

Bộ Kinh Thánh có rất nhiều lời khuyên về cách sống và cách ứng xử khôn ngoan trong cuộc sống. Trong Kinh Thánh có hẳn bộ sách chuyên về khôn ngoan, như sách Châm Ngôn, sách Truyền Đạo. Ngoài ra cách quyển khác cũng nói nhiều điều về lối sống sao cho hợp với Chúa và thuận với người. Tôi rất thích học và suy ngẫm những lời này. Buồn cười ở chỗ thường chúng ta hay nhớ đến một lời dạy khôn ngoan sau khi chúng ta làm một chuyện khờ khạo, và gặp rắc rối vì nó. Socrates nói càng cố gắng học hỏi, con người càng thấy mình khở khạo, quả đúng như vậy.

Những người tin Chúa và sinh hoạt Hội Thánh đều đặn là những người bạn tốt. Điều này đi nhà thờ là thấy. Tôi không nói họ hoàn hảo, tài năng, khôn ngoan và thánh thiện không chỗ nào chê được. Họ cũng từ thế gian mà ra, cũng có những khuyết điểm của thế gian. Ai cũng có tài có tật, có điểm mạnh điểm yếu, chỗ tốt chỗ xấu, có giới hạn của mình. Nhưng họ là những người bạn yêu mến Chúa, vui vẻ, hướng thiện, và có nhiều hoạt động hay. Trong Chúa, tôi đi đâu cũng có bạn tốt.

Đó là chuyện tôi tin Chúa. Như mọi người Việt Nam, hồi nhỏ tôi tin theo gia đình mình thờ ông bà tổ tiên, Phật, thần tài, thổ địa, ông táo, v.v… Tôi đọc nhiều sách truyện của Phật và biết những điều căn bản như cuộc đời Phật Tổ, tứ diệu đế, bát chính đạo và sự giác ngộ. Vì thích học đạo nên khi sang Singapore, tôi tò mò tìm hiểu Chúa dạy gì và chơi với các bạn sinh viên Cơ Đốc. Tôi tin nhận Chúa vì mến các bạn đó dù mình chưa hiểu lắm về Kinh Thánh. Hoàn cảnh cuộc sống khiến tôi nhận thấy một cuộc sống theo lời Chúa và dưới sự chu cấp và dẫn dắt thì tốt đẹp và bình an hơn là tự mình chiến đấu với đời. Vậy nên tôi tìm hiểu kỹ về Kinh Thánh. Sau khi đã đủ hiểu về Kinh Thánh và Đức Chúa Trời, tôi quyết định tin Chúa, làm theo lời Chúa và nương cậy sự chu cấp dẫn dắt của Chúa. Sau khi tin Chúa và trải nghiệm sự chu cấp dẫn dắt của Ngài, tôi có được sự bình an như cha me Dale Carnegie đã có. Từ đó đến nay, tôi trải nghiệm được nhiều điều mà những ai tin Chúa đều trải nghiệm: Chúa đáp lời cầu nguyện, lời Chúa dạy hay, và những người bạn trong Chúa thật tốt.

Richard Huỳnh (Bách Khoa)

Bình Luận:

You may also like