Home Dưỡng Linh Ngày 04 – Chiên Con Của Đức Chúa Trời

Ngày 04 – Chiên Con Của Đức Chúa Trời

by SU Việt Nam
30 đọc

Sau khi làm chứng rằng Đức Chúa Jêsus là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của thế gian đi và làm báp-têm bằng Đức Thánh Linh, Giăng Báp-tít giới thiệu các môn đồ đầu tiên của Đức Chúa Jêsus.

Giăng 1:29-42 

29 Hôm sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến với mình, thì nói rằng: “Kìa Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi! 30 Đây là Đấng mà tôi đã nói: ‘Đấng đến sau tôi vượt trội hơn tôi, vì Ngài vốn trước tôi.’ 31 Chính tôi vốn không biết Ngài, nhưng tôi đến làm báp-têm bằng nước để Ngài được bày tỏ cho dân Y-sơ-ra-ên.” 32 Giăng cũng làm chứng rằng: “Tôi đã thấy Thánh Linh từ trời giáng xuống như chim bồ câu đậu trên Ngài. 33 Chính tôi vốn không biết Ngài, nhưng Đấng đã sai tôi làm báp-têm bằng nước có phán với tôi: ‘Đấng mà ngươi sẽ thấy Thánh Linh giáng xuống, ngự lên trên, ấy là Đấng làm báp-têm bằng Đức Thánh Linh.’ 34 Tôi đã thấy và làm chứng rằng, đây chính là Con Đức Chúa Trời.”

35 Hôm sau, Giăng lại đứng tại đó với hai trong số các môn đồ của mình. 36 Khi nhìn thấy Đức Chúa Jêsus đi ngang qua, ông nói: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời!” 37 Hai môn đồ nghe ông nói, liền đi theo Đức Chúa Jêsus. 38 Đức Chúa Jêsus quay lại, thấy họ đi theo thì hỏi: “Các ngươi tìm ai?” Họ thưa: “Ra-bi (nghĩa là Thầy), Thầy đang trọ ở đâu?” 39 Ngài phán: “Hãy đến xem.” Họ đến xem chỗ Ngài trọ, và ở lại với Ngài trong ngày đó. Lúc ấy vào khoảng bốn giờ chiều. 40 Một trong hai người đã nghe Giăng nói và đi theo Đức Chúa Jêsus, đó là Anh-rê, em của Si-môn Phi-e-rơ. 41 Trước tiên, ông tìm anh mình là Si-môn Phi-e-rơ và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Christ). 42 Ông đưa anh mình đến với Đức Chúa Jêsus. Đức Chúa Jêsus nhìn Si-môn và phán: “Ngươi là Si-môn, con của Giăng, ngươi sẽ được gọi là Sê-pha”, nghĩa là Phi-e-rơ.

Suy ngẫm và hiểu

Giăng Báp-tít đã giới thiệu Đức Chúa Jêsus là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của thế gian đi. Ông cũng nói rằng Đức Chúa Jêsus sẽ làm việc bằng quyền năng của Đức Thánh Linh và làm phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh. Sau đó, đúng như Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự bắt đầu của một thế giới mới bằng một con chim bồ câu sau trận lụt của Nô-ê, Đức Chúa Trời cũng bày tỏ rằng Đức Chúa Jêsus đã bắt đầu một kỷ nguyên mới qua sự hiện diện giống như chim bồ câu của Đức Thánh Linh (c.29-34). Sau khi nghe Giăng Báp-tít giới thiệu về Đức Chúa Jêsus, hai môn đồ của Giăng bắt đầu đi theo Đức Chúa Jêsus. Sau đó Phi-e-rơ, người được Anh-rê dẫn đến, cũng trở thành môn đồ của Đức Chúa Jêsus (c.35-42).

Đức Chúa Jêsus là Đấng như thế nào?

C.29, 31 Đức Chúa Jêsus là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng đã đến để gánh lấy gánh nặng tội lỗi của thế gian. Con Đức Chúa Trời đã đến làm một của lễ hy sinh để mở đường cho tất cả mọi người tiếp nhận sự tha thứ vì tội lỗi họ. Lời xưng nhận cảm tạ nào chúng ta phải dâng lên Đức Chúa Jêsus, Đấng ban tất cả chính mình Ngài cho chúng ta?

Ngài ban cho tôi bài học gì?

C.35-37 Giăng Báp-tít không dừng lại ở việc làm chứng rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Mê-si-a, nhưng cũng buộc các môn đồ của ông theo Đức Chúa Jêsus. Khó hơn việc làm chứng về Đức Chúa Jêsus là việc hướng dẫn những người theo chúng ta đi theo Đức Chúa Jêsus. Chúng ta có đang giúp đỡ những người quanh chúng ta đi theo Đức Chúa Jêsus không, hay cứ để họ đi theo chúng ta?

Tham khảo   

1:41 Thuật ngữ Mê-si-a (tiếng Hê-bơ-rơ) và Christ (tiếng Hy Lạp) đều có nghĩa là “được xức dầu” (thường là bởi Đức Chúa Trời). Trong Tân Ước và Do Thái giáo thời kỳ đầu, “Mê-si-a” là một cụm từ có tính tổng kết tập hợp nhiều nét nghĩa của những sự mong đợi trong Cựu Ước về sự đến của “Đấng được xức dầu”, Đấng sẽ dẫn dắt, dạy dỗ và cứu dân của Đức Chúa Trời, đặc biệt là vị Vua lớn và Cứu Chúa từ dòng dõi Đa-vít mà Cựu Ước đã hứa (xem, ví dụ II Sa-mu-ên 7:5-16; Thi Thiên 110:1-4; Ê-sai 9:6-7).

1:42 Sê-pha là từ tiếng A-ram, nghĩa là “đá” (tham chiếu Ma-thi-ơ 16:16-18). Vào thời của Kinh Thánh, Đức Chúa Trời thường đổi tên của mọi người để chỉ ra sự kêu gọi đặc biệt của họ, như là trường hợp của Áp-ram (Áp-ra-ham) và Gia-cốp (Y-sơ-ra-ên); xem Sáng Thế Ký 17:5; 32:28.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy giúp chúng con hưởng một cuộc gặp gỡ và giao thông sâu sắc hơn với Ngài hằng ngày và giới thiệu Đức Chúa Jêsus với người khác bằng tấm lòng vui mừng.

Đọc Kinh Thánh trong năm: Sáng Thế Ký 10-13

Bình Luận:

You may also like