Home Tôi Viết Người Ta Cho Mày Bao Nhiêu Tiền Để Nói Về Chúa Giê-xu?

Người Ta Cho Mày Bao Nhiêu Tiền Để Nói Về Chúa Giê-xu?

by Thanh Tân
30 đọc

Người ta cho mày bao nhiêu tiền để nói về Chúa Giê-xu?

Đó là câu hỏi mà tôi được hỏi sau khi chia sẻ về Chúa cho những đứa bạn thời còn là học sinh, sinh viên.

Năm cấp 3 – khoảng thời gian thiếu niên năng nổ, tôi thường nói về Giê-xu một cách rất đỗi tự hào. Nhưng rồi nhận lại đằng sau những sự chân thành đó là ánh mắt gièm pha, đôi môi dè biểu và những ý nghĩ suy tư nghi ngờ về niềm tin mà tôi vừa mới công bố. Người ta cho mày bao nhiêu tiền để nói về ông Giê-xu hoặc là mày được lợi gì từ chuyện này?

Lúc đó, lòng tôi thắt lại, bao nhiêu sự hy vọng sụp đổ và nỗi buồn bắt đầu tràn ngập trong lòng. Tôi đứng phắt dậy và quát vào mặt nó “Chẳng là vì tiền hay lợi lộc gì cả, tao chỉ muốn tốt cho mày thôi…” Nói đến đó, tôi im ngặt lại. Đó cũng là đứa bạn thân ngồi cạnh tôi và tôi muốn nó tin Chúa trước khi chúng tôi tốt nghiệp cấp 3 để đi học đại học, lúc đó thì mỗi đứa một nơi, và chẳng còn cơ hội nào để nói cho nó nghe về Chúa nữa. Thế nhưng, lòng tốt của tôi bị đem ra để đổi thành tiền bạc và lợi ích. Từ đó, tôi chẳng hề nhắc đến Chúa bất kì một lần nào nữa. Hẳn là ở tuổi thiếu niên, lòng tự cao của tôi cao lắm. Cao đến nỗi, tôi dường như yêu chính sự tự trọng của mình nhiều hơn sự “sống thật” của bạn mình.

Và đến những năm đại học đầy vất vả. Tôi lại bị rơi vào kịch bản tương tự và nhận nhiều hơn sự từ chối từ bạn bè. Có lẽ vì chuyện niềm tin mà tôi gây hấn với nhiều người hơn trong lớp. Có lần, tôi cãi biện với đứa bạn ngồi cạnh về niềm tin của mình mang đến sự cứu rỗi. Và rồi nó cũng hỏi tôi câu tương tự “Mấy người trong đó có cho tiền bạn khi bạn nói điều này với tui không?” Và rồi thì tụi nó cười phì vào mặt tôi với thái độ không mấy tích cực. Chúng nó kéo ra góc khác để nói chuyện phím với nhau, bỏ mặc tôi với nỗi buồn chất chồng và lênh láng tràn dâng trong lòng.

Tôi mặc cảm, tôi xấu hổ và tôi e dè hơn với những điều mình dự định trong lòng để chia sẻ với những người bạn học. Nhưng những điều đó có làm thay đổi được thực trạng bây giờ của tôi không?

Chắc chắn câu trả lời là “Không” và tôi sẽ mãi rơi vào trạng thái tiêu cực nếu không tìm đến Chúa để cầu nguyện. Bất giác, tôi nhớ lại bài học trại hè hồi thiếu niên, đó là “Chúa không sợ người khác hiểu lầm về Ngài và những gì Ngài làm”, vậy nếu tin Chúa sao tôi còn sợ những người khác hiểu lầm về những gì tôi làm cho họ, trong khi đó lại là những việc mang tính tích cực và lợi ích cho họ nữa.

Và tiếp nối những suy nghĩ đó, tôi nghĩ nhiều hơn về Chúa. Về Đấng đã dũng cảm đến trần gian này và dường như phải học tất cả những thứ văn hóa ở khu vực Ngài sống và sống cuộc đời như người bình thường. Ngài đến không e dè với ý nghĩ tôi từng nghĩ “Không biết khi làm điều đó lần nữa, những đứa bạn có hiểu lầm mình không?” Và Ngài cũng thực hiện những điều Ngài làm không chút ái ngại như cách tôi thực hiện.

Và trước đó, Chúa cũng làm một việc mà bị nhiều người hiểu lầm. Đó là chịu đóng đinh trên thập tự giá để bị người ta khinh bỉ và sỉ nhục chỉ vì muốn mang đến sự sống vĩnh hằng cho tôi. Sự hy sinh vĩ đại đó chẳng lẽ không thắng hơn sự hiểu lầm mà tôi đang phải chịu sao?

Và nếu tôi nói tôi yêu Chúa, tôi tin Ngài mà tôi còn e dè và sợ sệt bởi câu nói mang đầy sự hiểu lầm của những người bạn thì liệu niềm tin và tình yêu mà tôi dành cho Ngài có thật không? Tôi đang làm điều đó vì lòng tự trọng và niềm tự hào của mình hay làm vì Chúa.

Ngày nay, chúng ta có nhiều hơn sự hiểu lầm từ người khác thay vì tung hô và tán thưởng vì những việc chúng ta làm cho Chúa. Chúng ta cũng mặc cảm và buồn bã vì sự yếu đuối trong lòng. Chúng ta quên mất Ngài từng chịu hiểu lầm để cứu chúng ta. Một chút hiểu lầm từ người khác cũng chẳng là gì đối với sự hy sinh của Ngài phải không? Và nếu nói yêu người bạn của mình, thì tiếp tục chịu hiểu lầm để mang đến sự tốt lành cho họ. Mà nguồn của sự tốt lành đó là chính Cứu Chúa Giê-xu.

Bình Luận:

You may also like