Home Quốc Tế Quá Trình Mở Mộ Chúa Jesus Diễn Ra Như Thế Nào?

Quá Trình Mở Mộ Chúa Jesus Diễn Ra Như Thế Nào?

by Ban Biên Tập
30 đọc

Nhóm chuyên gia phục chế phải làm việc hết sức cẩn thận trong quá trình mở mộ Chúa Jesus dưới sự giám sát của nhiều giáo đoàn và chạy đua với thời gian để tiến gần tới đáy mộ.

Ở nơi sâu nhất trong căn hầm được cho là mộ Chúa, một nhóm chuyên gia phục chế đang lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ di chuyển lớp đá cẩm thạch bao phủ mộ trong nỗ lực tiếp cận mặt nền đá, nơi từng đặt xác Chúa Jesus, theo New York Times.

Nhiều sử gia cho rằng hang động nơi đặt thi hài của Chúa Jesus được phát hiện vài thế kỷ sau khi Ngài qua đời và đã bị phá hủy hoàn toàn từ nhiều năm trước. Nhưng theo Fredrik Hiebert, nhà khảo cổ học của kênh National Geographic đi cùng nhóm phục chế, kết quả kiểm tra bằng công nghệ radar xuyên đất cho thấy thành hang vẫn thẳng đứng với chiều cao 1,8 mét và gắn liền với nền đá bên dưới những phiến cẩm thạch bao phủ ngôi mộ ở trung tâm nhà thờ Mộ Thánh tại Jerusalem.

Công việc mở mộ nằm trong dự án tôn tạo nhằm gia cố và bảo tồn Edicule, công trình xây trùm lên hang động, địa điểm được cho là nơi Chúa Jesus được chôn cất và phục sinh. Edicule là bệ thờ quan trọng ở nhà thờ được xếp vào hàng lâu đời nhất của Cơ Đốc giáo. Được xây lại vào thế kỷ 12 trên tàn tích lưu lại từ thế kỷ 4, nhà thờ Mộ Thánh là nơi duy nhất cho phép 6 nhánh của Cơ Đốc giáo thực hiện các nghi lễ ở cùng địa điểm.

Những người hành hương xếp hàng cả ngày, hy vọng có cơ hội bày tỏ lòng thành kính trước căn phòng nhỏ bên trong Edicule. Họ quỳ gối trước phiến đá cẩm thạch trắng che phủ nền đá nhô ra từ hông hang động đá vôi, nơi đặt thi hài Chúa Jesus trước khi Người phục sinh.

Người hành hương đi vòng quanh Edicule. Ảnh: AP

Người hành hương đi vòng quanh Edicule. Ảnh: AP

Lần gần nhất Edicule được trùng tôn tạo lại là vào năm 1810 sau một vụ hỏa hoạn. Công trình cần gia cố sau nhiều năm chịu ảnh hưởng từ ẩm mốc và khói nến. Năm 1947, nhà chức trách người Anh cho dựng một rào chắn bằng sắt lớn bao quanh Edicule để chống đỡ cho công trình, nhưng lớp rào này không đủ vững chắc.

Công tác sửa chữa ở địa điểm thiêng liêng bậc nhất này đòi hỏi sự chấp thuận của nhiều giáo hội khác nhau trông coi nhà thờ và rất khó đi đến thống nhất. Các nhánh Cơ Đốc giáo bảo vệ một phần khác nhau trong khu vực và thường phản đối những thay đổi dù là nhỏ nhất.

Năm ngoái, cảnh sát Israel buộc phải đóng cửa nhà thờ trong thời gian ngắn sau khi Cơ quan Cổ vật Israel kết luận nhà thờ không đủ điều kiện an toàn đối với người hành hương. Điều này thúc đẩy các nhánh Cơ Đốc giáo thông qua đề án sửa chữa và dự án chính thức được tiến hành vào tháng 6 năm nay.

Lãnh đạo nhà thờ đóng cửa Edicule từ tối 26/10. Các công nhân sử dụng một chiếc ròng rọc để đẩy phiến đá cẩm thạch và tiếp cận một bề mặt bằng đá, nơi được cho là vị trí đặt xác Chúa. Theo Hiebert, phiến đá không suy chuyển từ năm 1550.

Bên dưới phiến đá cẩm thạch là một lớp bụi. Vào chiều hôm qua, công nhân dọn dẹp xong lớp bụi và bất ngờ tìm thấy một phiến đá cẩm thạch khác màu xám khắc hình cây thánh giá nhỏ. Hiebert cho rằng phiến đá cẩm thạch thứ hai có niên đại từ thế kỷ 12. Phiến đá bị nứt ở giữa và bên dưới nó là một lớp màu trắng. “Tôi không tin đó là mặt giường đá. Chúng tôi vẫn còn nhiều việc cần làm”, Hiebert nói.

Các cộng đồng Cơ Đốc giáo quản lý nhà thờ chỉ cho phép nhóm chuyên gia khai quật địa điểm linh thiêng này trong 60 tiếng đồng hồ. Họ làm việc ngày đêm để đến gần đáy mộ và phân tích. “Chúng tôi sẽ đóng kín ngôi mộ sau khi ghi chép về nó”, Antonia Moropoulou, kiến trúc sư tại Đại học Công nghệ Quốc gia Athens, người giám sát dự án tôn tạo, cho biết.

Nhóm phục chế muốn niêm phong đáy mộ trước khi quét vữa các phần khác của Edicule để gia cố, như vậy vữa sẽ không dính vào nền đá thánh. Chỉ có một phần của ngôi mộ được hé lộ. Các chuyên gia đục một ô cửa sổ hình chữ nhật ở một trong những bức tường đá cẩm thạch của Edicule để những người hành hương có thể nhìn qua bức tường đá vôi trong mộ Chúa Jesus.

Nhà thờ Mộ Thánh là một nhà thờ nằm bên trong bức tường thành của thành cổ Jerusalem. Đây là nơi Chúa Jesus được mai táng và đã sống trở lại sau 3 ngày. Nhà thờ này là điểm viếng thăm quan trọng của những tín hữu Cơ Đốc hành hương ít nhất từ thế kỷ thứ 4. Ngày nay, nhà thờ này cũng được dùng làm trụ sở chính của Thượng phụ Chính thống giáo Hy Lạp ở Jerusalem (Greek Orthodox Patriarch of Jerusalem), trong khi quyền kiểm soát nhà thờ được chia sẻ giữa nhiều giáo hội Kitô giáo khác nhau, như Chính Thống giáo Đông Phương, Chính Thống giáo Cổ Đông phương và Giáo hội Công giáo Rôma. Các giáo hội Anh giáo và Tin Lành không có sự hiện diện thường trực trong nhà thờ này và các thực thể thế tục trong các thỏa thuận phức tạp về cơ bản không thay đổi trong nhiều thế kỷ.

Mộ Chúa là một trong những bằng chứng lịch sử cho thấy câu chuyện Chúa Jesus không phải là truyền thuyết, bên cạnh vô số bằng chứng lịch sử khác mà tại đấy nước Israel được mô tả đến nhiều lần trong Kinh thánh.

Theo Vnexpress.net

Bình Luận:

You may also like