Home Quốc Tế 50 bang của Mỹ đều có các quy định về Luật Người Samaria Nhân Lành

50 bang của Mỹ đều có các quy định về Luật Người Samaria Nhân Lành

by Thanh Tân
30 đọc

Ngày nay, chúng ta nhận thấy sự vô cảm của con người cũng tỷ lệ thuận với sự phát triển của thế giới. Rất nhiều vụ tai nạn xảy ra mà cái chết sẽ không đến với nạn nhân nếu không có sự vô tâm của người dân xung quanh. Có thể nói, rất nhiều nguyên nhân dẫn đến kết luận này. Nguyên nhân khách quan là người dân sợ liên lụy đến mình khi đối diện với sự tra hỏi của công an và luật pháp. Nguyên nhân chủ quan là sự vô cảm của con người.

Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng luật người Samari nhân lành nhằm khuyến khích sự giúp đỡ của người dân đối với người bị nạn. Và có thể thấy rằng, những câu chuyện trong Kinh Thánh luôn là khơi nguồn của lòng tốt và sự hy sinh.

Luật Người Samaria Nhân Lành

Tại nhiều nước trên thế giới, người ta cố gắng làm giảm thiểu những sợ hãi như thế bằng việc thiết lập luật lệ bảo vệ, giới hạn trách nhiệm pháp lý cho những ai chủ động tham gia cứu giúp người gặp nạn.

Có thể gọi chung các luật này là Luật Người Samaria Nhân Lành (Good Samaritan Laws). Sở dĩ có tên như thế vì những người đầu tiên đề xướng ra các luật này chịu ảnh hưởng bởi Dụ ngôn Người Samaria nhân lành trong sách Phúc Âm Luca của đạo Tin Lành.

Dụ ngôn kể về việc một người Samaria trên đường du hành thấy một người đã bị bọn cướp đánh bị thương gần chết nằm bên đường. Dù người bị thương có tôn giáo xung khắc với tôn giáo của người Samaria, người Samaria vẫn dừng lại cứu giúp cho người đó tận tình.

 

good_samaritan_1

Bìa bản hướng dẫn về Luật người Samarita nhân lành tại Ấn Độ. Nguồn: http://www.iamin.in/en/good-samaritan-law

Chúa Jesus kể dụ ngôn này để minh họa cho lời dạy con chiên phải biết “yêu thương người lân cận như chính mình”, thay vì gay gắt vì những khác biệt sẵn có mà từ chối thể hiện lòng bác ái.

Cả 50 bang của Mỹ đều có các quy định về Luật Người Samaria Nhân Lành của riêng mỗi bang. Phần lớn chủ yếu nhằm bảo vệ, giới hạn trách nhiệm pháp lý cho những người là nhân viên công quyền tham gia cứu nạn dù là thuộc trách nhiệm của họ (hoặc khi các nhân viên này tham gia cứu nạn vì tình cờ có mặt tại hiện trường, ngoài giờ làm việc), tuy vẫn có một số bang có điều khoản bảo vệ cho cả những người là thường dân có mặt tại hiện trường và chủ động tham gia ứng cứu dù không có kiến thức và đào tạo y khoa.

Một ví dụ điển hình của Luật Người Samaria Nhân Lành bảo vệ người dân thường tham gia ứng cứu chính là một điểm trong Điều 1799.102 trong Bộ Luật Y Tế và An Toàn (Health and Safety Code) của bang California (Mỹ).

Điểm này ghi:

“Ngoại trừ những cá nhân đã nêu trong khoản (a) [những nhân viên công quyền], Không một người nào tham gia cung cấp các chăm sóc khẩn cấp ý tế hoặc không y tế tại hiện trường của một vụ việc khẩn cấp phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự xuất phát từ bất kỳ hành động hay sai sót nào, ngoại trừ các hành động và sai sót cấu thành sự cẩu thả nghiêm trọng (gross negligence) hay sai trái cố ý hoặc bừa bãi. Hiện trường của vụ việc khẩn cấp không bao gồm các phòng cấp cứu khẩn cấp và những nơi khác thường có sẵn chăm sóc y tế…”

Phạm vi bảo vệ được cẩn thận giới hạn để loại trừ các tình huống mà người tham gia ứng cứu “cẩu thả nghiêm trọng” hoặc làm điều sai trái một cách cố ý hoặc bừa bãi. Đây đều là những tiêu chuẩn dù luôn gây tranh cãi giai dẳng trong các phòng xử án thì vẫn đã có một sự chặt chẽ nhất định dựa trên một truyển thống thông luật Anh-Mỹ dày dặn kinh nghiệm trong việc đánh giá và xác định một cách công bằng nhất có thể trong từng vụ việc cụ thể các hành vi “cẩu thả nghiêm trọng” hay sai sót cố ý hoặc bừa bãi.

Các nước theo truyền thống dân luật như Đức và Pháp còn đi xa hơn khi có quy định về trách nhiệm ứng cứu khẩn cấp, có thể phạt tù những người không thực hiện những biện pháp ứng cứu cấp thiết nhất trong những tình huống khẩn cấp ngặt nghèo (Điều 323 Bộ Luật Hình Sự Đức và Điều 223-6 Bộ Luật Hình Sự Pháp).

Nhiều nước dân luật giúp đỡ người tham gia ứng cứu trong tai nạn khẩn cấp thông qua hai việc[1]:

  • Cho phép người tham gia ứng cứu được chi trả chi phí và bồi thường thiệt hại trong việc tham gia cứu nạn;
  • Giới hạn trách nhiệm pháp lý của người tham gia ứng cứu khi buộc phải xâm phạm đến các quyền cá nhân của nạn nhân hay gây ra thiệt hại cho nạn nhân trong quá trình ứng cứu họ

Luật Đức giới hạn trách nhiệm pháp lý của người tham gia ứng cứu thông qua khái niệm “tình trạng khẩn cấp có thể bào chữa” (exculpatory state of emergency) trong khi luật của Pháp làm điều tương tự thông qua khái nhiệm “tình trạng cấp thiết” (status of necessity)[2]. Cả hai khái niệm xác lập rằng tính bức thiết của một số tình huống khẩn cấp buộc người tham gia ứng cứu phải làm một số việc nhất định xâm phạm đến quyền cá nhân, thân thể và tài sản của người được cứu để có thể cứu người đó. Theo đó, sẽ không công bằng cho người tham gia ứng cứu nếu họ bị buộc truy cứu trách nhiệm pháp lý tới mức “cạn tàu ráo máng”.

Dù gì, các nước dân luật vẫn đồng quan điểm với các nước thông luật rằng nếu có dấu hiệu “thiếu sót gây hậu quả nghiêm trọng” hay có ác ý từ phía người tham gia cứu nạn thì phạm vi bảo vệ người đó sẽ không thể được bảo toàn.

Bài học từ Trung Quốc

Bản thân Trung Quốc đã từng phải đối mặt với thảm họa cộng đồng của họ năm 2011 khi một bé gái hai tuổi Wang Yue bị xe tông nằm lăn ra đường và 18 người lớn đi ngang qua bé mà không tham gia cứu giúp.

Vụ việc đã gây tranh cãi sâu sắc tại Trung Quốc về lòng người, về trách nhiệm cộng đồng và những rào cản cho việc trợ giúp người gặp tai nạn, để từ những tranh cãi đấy, người ta đã đạt được một số tiến bộ pháp luật: Luật Người Samaria Nhân Lành lần đầu được đưa vào áp dụng tại thành phố Thâm Quyến ngày 01 tháng 08 năm 2013.

03-01-2016 09-46-03 PM

Camera an ninh ghi lại cảnh người đàn ông chạy qua em bé bị đâm. Ảnh: Kênh 14.

Bộ luật đầy tiến bộ này đặt giả định tiên quyết là người tham gia cứu nạn không có tội tình gì cho tới khi được chứng minh ngược lại, và bắt buộc những nạn nhân nào muốn đòi bồi thường từ người tham gia cứu nạn phải tự đưa ra bằng chứng về những thiệt hại về quyền và lợi ích của họ. Luật định rõ các hình phạt và chế tài nhất định dành cho những nạn nhân đòi bồi thường một cách vô căn cớ hay cố ý giả mạo.

Luật cũng tạo cơ chế tương trợ pháp lý miễn phí cho người tham gia cứu nạn bị kiện tụng, thậm chí, theo một cách hơi gây ngạc nhiên, luật còn khen thưởng những ai sẵn sàng đứng ra làm chứng giúp người tham gia cứu nạn.

Lời Kết

Phải chăng đã đến lúc các nhà làm luật Việt Nam tiến hành tìm hiểu việc soạn thảo những điều luật và quy định riêng để góp phần làm nhẹ nỗi sợ hãi “các định chế ràng trói con người ta” trong các trường hợp cứu giúp người gặp tai nạn khẩn cấp tại Việt Nam?

Vụ tai nạn trên phố Ái Mộ sẽ không bao giờ là vụ tai nạn giao thông thương tâm cuối cùng, đặc biệt trong bối cảnh một đất nước có số lượng người sở hữu xe máy nhiều thứ hai thế giới đồng thời cũng là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thuộc vào nhóm dẫn đầu của thế giới về sử dụng đồ uống có cồn.

Khi chưa thể đảm bảo mỗi người lái xe Việt Nam đều có thể trách nhiệm với sự tỉnh táo của chính mình, có lẽ chúng ta nên cố gắng đảm bảo việc bảo vệ và động viên khuyến khích những ai sẽ can đảm ra tay cứu giúp những người lái xe và đi đường gặp tai nạn. Tối ưu nhất là làm việc này đồng bộ với việc phổ biến sâu rộng cho mọi người dân kiến thức, kỹ năng cứu nạn và sơ cứu y tế đúng cách để hạn chế thiệt hại phát sinh khi cứu người. Một lòng tốt được bảo vệ, đi cùng với sự sáng suốt, sẽ bảo vệ chính chúng ta./.

Chú giải của tác giả

[1] “Samaritans: Good, Bad and Ugly: A Comparative Law Analysis,” – Damien Schiff (2005) – Roger Williams University Law Review: Vol. 11: Iss. 1, Article 2. Available at: htt://docs.rwu.edu/rwu_LR/vol11/iss1/2

[2] “The Good Samaritan Law Across Europe” – National Coordinators Committee – Divers Alert Network (DAN) Legal Network. Available at:https://www.daneurope.org/c/document_library/get_file?uuid=c09228f3-a745-480b-9549-d9fc8bbbd535&groupId=10103

Bình Luận:

You may also like