Home Dưỡng Linh Ngày 16 – Được Mạnh Mẽ Khi Yếu Đuối

Ngày 16 – Được Mạnh Mẽ Khi Yếu Đuối

by SU Việt Nam
30 đọc

Phao-lô làm chứng về kinh nghiệm kỳ diệu của ông đã đi lên thiên đàng cho những người nghi ngờ địa vị sứ đồ của ông. Nhưng hơn cả điều này, Phao-lô đã tự hào về quyền năng của Chúa, điều đã được bày tỏ qua thân thể ông vì những sự yếu đuối của ông.

II Cô-rinh-tô 12:1-13

1 Tôi phải tự hào, dù chẳng có ích lợi gì, nhưng tôi sẽ nói đến những khải tượng và mặc khải của Chúa. 2 Tôi biết một người trong Đấng Christ, cách đây mười bốn năm đã được cất lên đến tầng trời thứ ba (hoặc trong thân thể, hoặc ngoài thân thể người, tôi không biết, có Đức Chúa Trời biết). 3 Tôi biết người ấy (hoặc trong thân thể, hoặc ngoài thân thể người ấy, tôi không biết, có Đức Chúa Trời biết) 4 được đem lên nơi Pa-ra-đi; tại đó, người ấy được nghe những điều không thể nói ra, và cũng không ai được phép nói ra.

5 Về con người ấy, tôi sẽ tự hào; nhưng về chính mình thì tôi không tự hào, chỉ tự hào về những yếu đuối của tôi thôi. 6 Cho dù tôi muốn tự hào đi nữa thì tôi cũng không phải là kẻ điên rồ, vì tôi nói sự thật. Nhưng tôi tự kiềm chế không làm điều đó, để không ai nghĩ tốt về tôi hơn những gì họ thấy trong tôi và nghe nơi tôi. 7 Để giữ tôi khỏi kiêu ngạo về những mặc khải diệu kỳ nầy, một cái dằm đã đâm vào xác thịt tôi; một sứ giả của Sa-tan đã đánh tôi để tôi đừng kiêu ngạo. 8 Đã ba lần tôi cầu nguyện xin Chúa cho nó lìa xa tôi. 9 Nhưng Chúa phán: “Ân điển Ta đầy đủ cho con, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Vì vậy, tôi rất vui mừng tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. 10 Cho nên, vì cớ Đấng Christ, tôi vui chịu sự yếu đuối, sỉ nhục, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó. Vì khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ.

11 Tôi đã là kẻ điên rồ! Anh em đã buộc tôi phải như thế. Đúng ra anh em phải khen tôi; vì tuy không là gì cả, tôi cũng chẳng thua kém gì các sứ đồ siêu đẳng kia đâu. 12 Những dấu hiệu của một sứ đồ đã được thể hiện giữa anh em rồi: nào là sự chịu đựng, nào là các dấu lạ, các phép mầu, và các việc quyền năng. 13 Vì, ngoài việc chính tôi không phiền lụy đến anh em thì anh em có thua kém gì các Hội Thánh khác? Xin thứ lỗi cho tôi về sự thiếu công bằng nầy!

Suy ngẫm và hiểu

Phao-lô có nhiều điều để nói từ quan điểm về kinh nghiệm thuộc linh của mình, nhưng vì có nguy cơ người khác đánh giá ông quá cao, và cũng có nguy cơ tự phụ, nên ông cố hết sức có thể để không khiến mình nổi bật lên. Thậm chí như vậy, Đức Chúa Trời vẫn ban cho Phao-lô “cái dằm” đau đớn để ngăn ông khỏi việc trở nên ngạo mạn, dù chỉ là một chút. Sau đó, đáp lại những lời cầu xin khẩn thiết của Phao-lô để khiến cái dằm đó lìa xa, Đức Chúa Trời đã phán: “Ân điển Ta đầy đủ cho con, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Qua điều này, Phao-lô dần dần nhận ra chân lý của việc được trở nên mạnh mẽ khi yếu đuối. Ông mong muốn những người trong Hội Thánh Cô-rinh-tô nhận ra tính chất xác thực về địa vị sứ đồ của ông qua hình ảnh này của ông, và phân biệt được ông với các sứ đồ giả (c.1-13).

Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?

C.7 Đức Chúa Trời xem chính Phao-lô quan trọng hơn công việc mà Đức Chúa Trời sẽ làm qua Phao-lô. Vì điều này, Đức Chúa Trời đã để một cái dằm vào trong thân thể ông để ông sẽ không trở nên kiêu ngạo. Tương tự, Đức Chúa Trời muốn Phao-lô là một giáo sĩ thiếu thốn, nhưng khiêm nhường và khôn ngoan, chứ không phải là một giáo sĩ xuất sắc nhưng ngạo mạn và ngu dại.

Ngài ban cho tôi bài học gì?

C.11-13 Hơn cả một dấu lạ hay một phép màu, “tình yêu thương là kiên nhẫn”, là một dấu hiệu thật của một sứ đồ. Điều này là vì đời sống của thập tự giá không thể sống được mà không có quyền năng của Đức Thánh Linh, nhưng các dấu lạ và phép màu có thể được Sa-tan bày tỏ.

Tham khảo

12:9-10 ân điển của Ta đầy đủ cho con. Phao-lô nói rằng ân điển của Đức Chúa Trời “là đủ” (ở thì hiện tại). Điều này nhấn mạnh sự sẵn có liên tục của ân điển của Đức Chúa Trời cho Phao-lô và cho mọi người tin (xem Rô-ma 8:31-39). sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Sự yếu đuối của Phao-lô (chứ không phải những sự mặc khải của Ngài) là cách Đức Chúa Trời bày tỏ ra quyền năng Ngài. Đây là cơ sở cho sự tự vệ của Phao-lô trong suốt sách II Cô-rinh-tô.

Cầu nguyện: Thưa Chúa, xin hãy giúp chúng con thấy ân điển của Ngài, điều không từ bỏ chúng con thậm chí khi cái dằm còn ở trong chúng con. Xin hãy giúp chúng con sống bởi ân điển đó.

Đọc Kinh Thánh trong năm: Ê-xê-chi-ên 40-43

Bình Luận:

You may also like