Home Quốc Tế Hội Thánh Châu Âu Tràn Ngập Hy Vọng Trong Giai Đoạn Khó Khăn

Hội Thánh Châu Âu Tràn Ngập Hy Vọng Trong Giai Đoạn Khó Khăn

by ChristianToday
30 đọc

Hội thánh Chúa tại Châu Âu đang đứng bên bờ vực trong khi nhiều hội thánh mới mọc lên tại khắp nơi ở Châu Á và Châu Phi trong xu hướng phát triển đầy mạnh mẽ. Có nghiên cứu còn dự đoán rằng đến năm 2067, sẽ chẳng còn Cơ Đốc nhân ở Vương Quốc Anh nữa. Liệu Hội Thánh Chúa nơi đây đã mất đi niềm hy vọng?

Trong khi truyền thông phương tây vẽ nên một bức tranh xám xịt về tương lai của Phúc Âm, vẫn có rất nhiều câu chuyện cần được kể ra. Từ những hội thánh đang tích cực hỗ trợ người tị nạn Syria dọc bờ biển Hy Lạp, đến những tấm lòng của cộng đồng Baptist ở Moldova hay những người phụ nữ Pháp cơ nhỡ được tình yêu Chúa biến đổi. Có lẽ nhiều người đã nghĩ sai về hội thánh tại Châu Âu, họ thường nhìn vào những con số thay vì những gương mặt, tìm đến những nhà thờ trống trải thay vì tìm kiếm những tấm lòng rộng mở trên các đường phố. Khi chúng ta tập trung vào mộ đá, có lẽ đó là lúc chúng ta bỏ lỡ khoảnh khắc Chúa phục sinh. Có một hy vọng to lớn rằng Hội Thánh Chúa nơi đây sẽ tiếp tục sống khoẻ mạnh.

Đúng rằng về mặt số lượng, tín hữu tại Châu Âu đã giảm đi đáng kể so với thế hệ trước, cần phải có một hành động nào đó. Nhưng ngược lại, áp lực phải đi nhà thờ ở rất nhiều quốc gia Châu Âu đã bị rũ bỏ, cho nên những người còn lại trong nhà thờ lúc này chính là những người thực sự tin tưởng Chúa Jesus là Cứu Chúa của thế gian. Đây chính là điều mà Hội trưởng của Hội thánh Baptist Hà Lan, ông Teun van der Leer nhìn nhận khi nghĩ về hội thánh quê hương mình. Ông cho rằng thực tế phần đông tín hữu vẫn đi đến nhà thờ cho dù không bị ép buộc đã cho thấy họ vẫn bám víu mạnh mẽ vào đức tin.

2

“Mọi người có một sự cởi mở mới mẻ, bởi những định kiến cũ chống lại hội thánh đã biến mất”, ông Teun nói. “Chúng ta cần phải sáng tạo lại hội thánh theo cách mới, dành cho thế hệ mới. Chúng ta đang ở trong giai đoạn chuyển mình mà không biết rõ nó sẽ ra sao. Điều này có thể làm bạn bất an, nhưng thực ra nó cũng rất đáng chờ đợi”.

Và những điều thú vị đang thực sự diễn ra dọc khắp các hội thánh Châu Âu. Ngay chính lúc này, rất nhiều người đang tìm đến Đấng Christ ngay tại Châu Âu. Có vẻ như nó được nhắc đến trong Kinh Thánh – những người ở rìa xã hội được kêu gọi vào trung tâm của hội thánh. “Tại vùng Balkans, nhiều điều đã thay đổi. Bạn có thể xem đó là một sự phục hưng”, Tổng thư ký của Hiệp hội Truyền giáo Châu Âu, ông Thomas Bucher cho biết.

Ở những quốc gia như Na-uy hay Czech, hội thánh Tin Lành đang phát triển, và ở hội thánh Pháp cũng phát triển rất nhanh chóng – cứ mỗi 10 ngày lại có một hội thánh được lập nên. Claire-Lise và David Judkins là hai nhà truyền giáo hoạt động trên cánh đồng Pháp. Tại thành phố nơi Judkins làm việc, người dân gắn liền với tôn giáo cũ và những điều huyền bí, họ thường xuyên tìm đến những thầy đồng. Trong hoàn cảnh đó, Judkins vẫn được chứng kiến điều lành Chúa làm trong vòng gần 2 năm qua. Gần đây nhất họ còn làm báp-tem cho 2 người mới.

“Bởi vì có rất ít người lớn lên với sách giáo lý hay những câu chuyện Kinh Thánh, còn rất nhiều điều phải làm”, anh David nói. “Có một sự cởi mở và thèm khát thuộc linh rất rõ ràng tại nơi đây”.

3

Người Châu Âu đang ngày càng tò mò về Cơ Đốc giáo khi nhìn vào các hội thánh và hội thánh theo chiều ngược lại cũng tăng cường kết ước với cộng đồng bên ngoài. Hội thánh không chỉ giảng dạy về Chúa Jesus, họ còn làm mẫu cho người ngoại và dần gây được sự chú ý. Cách mà hội thánh Châu Âu phản ứng trước cuộc khủng hoảng tị nạn đã đem đến sự gần gũi và thu hút rất nhiều tấm lòng.

“Khi người tị nạn đến nơi họ cần đến và kết nối với hội thánh, họ thường nói rằng: ‘Giờ tôi mới nhận ra, tôi đã gặp rất nhiều Cơ Đốc nhân trên hành trình của mình, giờ tôi biết họ là ai rồi’”, ông Thomas nói.

Người ta đang nhìn thấy tín hữu Cơ Đốc đáp lời kêu gọi và phục vụ những người hèn kém nhất, đó chính là dấu hiệu của hy vọng. Tại Moldova, quốc gia nghèo nhất Châu Âu, hội thánh cũng hành động vô cùng tích cực, từ những nguồn lực có hạn đã tiếp cận người dân trong đất nước họ. “Hội thánh Baptist có sự hiện diện mạnh mẽ tại Moldova”, Tony Peck, thư ký của Liên đoàn Baptist Châu Âu cho biết. “Các hội thánh thường xuyên giúp đỡ những người thiếu ăn, những người nghiện và giúp đỡ cộng đồng trong nhiều mặt khác”.

Rất nhiều khi, chính những người ở rìa xã hội, trong hoàn cảnh này phần lớn là những người tị nạn, chính là thành phần giúp phục hưng hội thánh. Tại Phần Lan, rất nhiều hội thánh có đến hơn 50% tín hữu là người tị nạn. “Các hội thánh người tị nạn đang hiện diện nhiều hơn, cho thấy tác động rộng khắp cộng đồng của Cơ Đốc nhân, bạn không cần phải là người da trắng hay giàu có để gây nên sự ảnh hưởng”.

4

Nhưng nói về tương lai thì sao? Vẫn còn có hy vọng. Một thế hệ lãnh đạo tương lai đang được huấn luyện với nền tảng thần học vững chãi. Những con người này không ngừng xây dựng thế hệ môn đồ mạnh mẽ. Điển hình là Trung tâm Thần học Baptist Quốc tế tại Hà Lan với các sinh viên đến từ khắp nơi trên Châu Âu như Armenia, Croatia, Czech, Moldova, Hà Lan hay Ukraine.

Với tư cách là những môn đồ của Đấng Christ, chúng ta biết rằng Chúa có thể sử dụng bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác hay gốc gác. Vẫn còn rất nhiều người không có mối quan hệ với Chúa, đó là cả một cánh đồng rộng lớn dành cho Phúc Âm. Các hội thánh Châu Âu đang già cỗi, nhưng đó không phải là vấn đề, “Khi bạn đầu xuống sâu, bạn khám phá ra Chúa đang làm điều kỳ diệu, ở ngay những nơi không ngờ đến nhất”, Tony Peck nói. “Chúa đang làm mới hội thánh và giúp đỡ chúng ta trở nên rộng mở hơn”.

Chúng ta là những con người của hy vọng, với Chúa chúng ta vượt qua tất cả. “Hội thánh có thể nhỏ như một hạt cải, nhưng tôi vẫn tin rằng đó chính là niềm hy vọng của thế gian”.

Bình Luận:

You may also like