Home Dưỡng Linh Ngày 01 – Cái Chết Của Một Đứa Con, Sự Ra Đời Của Đứa Khác

Ngày 01 – Cái Chết Của Một Đứa Con, Sự Ra Đời Của Đứa Khác

by SU Việt Nam
30 đọc

Sự phán xét của Đức Chúa Trời chống lại Đa-vít nhanh chóng có hiệu lực, và đứa con trai đầu lòng sinh cho Đa-vít và Bát-sê-ba đã chết. Tuy vậy, Đa-vít chẳng bao lâu sau lại có đứa con trai khác, Sa-lô-môn, người được đẹp lòng Đức Chúa Trời.

2 Sa-mu-ên 12:15-31

15 Nói xong, Na-than trở về nhà mình.

Đức Giê-hô-va đánh đứa con mà vợ của U-ri đã sinh cho Đa-vít, và nó bị bệnh nặng. 16 Đa-vít cầu khẩn Đức Chúa Trời cho đứa bé. Vua kiêng ăn và vào trong phòng nằm dưới đất suốt đêm. 17 Các trưởng lão trong hoàng gia đến bên cạnh để khuyên vua trỗi dậy khỏi mặt đất, nhưng vua không chịu, và cũng không ăn gì với họ. 18 Đến ngày thứ bảy, đứa bé chết. Các đầy tớ của Đa-vít ngại cho vua biết đứa bé đã chết; vì họ bảo nhau: “Trong khi đứa bé còn sống, chúng ta đã nói với nhà vua, và người đã không nghe chúng ta. Vậy làm sao chúng ta lại dám nói với người rằng đứa bé đã chết? Liệu người có thể làm điều gì có hại cho mình chăng!” 19 Nhưng khi thấy các thuộc hạ mình thì thầm với nhau, Đa-vít hiểu rằng đứa bé đã chết, nên hỏi họ: “Có phải đứa bé đã chết rồi không?” Họ thưa: “Vâng, nó đã chết.”

20 Bấy giờ, Đa-vít đứng dậy, tắm rửa, xức dầu thơm, và thay quần áo, rồi vào đền thờ Đức Giê-hô-va và thờ lạy. Sau đó, vua trở về cung, truyền dọn thức ăn cho mình ăn. 21 Các thuộc hạ hỏi vua: “Bệ hạ làm điều nầy có nghĩa gì? Khi đứa bé còn sống, bệ hạ kiêng ăn và khóc lóc vì nó; nhưng khi nó đã chết, bệ hạ đứng dậy và ăn uống!” 22 Vua trả lời: “Khi đứa bé còn sống, ta kiêng ăn và khóc lóc vì nghĩ rằng: ‘Biết đâu Đức Giê-hô-va sẽ thương xót ta, và cho nó được sống!’ 23 Nhưng bây giờ nó đã chết thì ta kiêng ăn làm gì? Ta có thể làm cho nó trở lại được sao? Ta sẽ đi đến với nó, nhưng nó không trở lại với ta.”

24 Đa-vít an ủi Bát Sê-ba, vợ mình, và đến nằm với bà. Bà sinh một con trai, vua đặt tên là Sa-lô-môn. Đức Giê-hô-va yêu thương nó, 25 nên Ngài sai nhà tiên tri Na-than đến đặt tên cho nó là Giê-đi-đia, vì Đức Giê-hô-va yêu thương nó.

26 Lúc ấy, Giô-áp đánh thành Ráp-ba của người Am-môn, và sắp chiếm được đế đô nầy. 27 Giô-áp sai người đến tâu với Đa-vít: “Tôi đã đánh thành Ráp-ba và chiếm được nguồn nước của thành. 28 Bây giờ, bệ hạ hãy tập hợp số quân còn lại, kéo đến trước thành và chiếm lấy nó, kẻo tôi chiếm thành và nó sẽ được mang tên tôi chăng.” 29 Vậy, Đa-vít tập hợp toàn thể quân lính, kéo đến Ráp-ba, tấn công và chiếm thành. 30 Vua lấy vương miện trên đầu của vua Am-môn và đội trên đầu mình. Vương miện ấy cân nặng khoảng ba mươi bốn ký vàng, có khảm đá quý. Đa-vít cũng thu được rất nhiều chiến lợi phẩm trong thành. 31 Còn dân trong thành thì vua cho dẫn đi làm lao dịch, sử dụng cưa, bừa sắt, rìu sắt, và làm việc trong lò gạch. Vua cũng xử như thế với tất cả các thành của người Am-môn. Rồi Đa-vít và toàn thể quân lính trở về Giê-ru-sa-lem.

Suy ngẫm và hiểu

Đứa con trai đầu lòng của Đa-vít và Bát-sê-ba đã bị một căn bệnh hiểm nghèo và Đa-vít đã cầu xin Đức Chúa Trời cứu đứa bé. Dầu vậy, đứa trẻ đã chết và Đa-vít, sau khi chấp nhận rằng đây là ý muốn của Đức Chúa Trời, đã trỗi dậy và ăn. Đức Chúa Trời ban cho Đa-vít và Bát-sê-ba một đứa con trai khác được đặt tên là Sa-lô-môn, nhưng cũng được mang tên là Giê-đi-đia (người được Đức Chúa Trời yêu mến) (c.15-25). Sau việc này, Giô-áp cho người đến báo cho Đa-vít ngay trước khi thành Ráp-ba bị thất thủ để đảm bảo là Đa-vít sẽ hoàn tất việc đó. Cho dù không chủ ý, Đa-vít, người đã cướp vợ của một người đàn ông khác, đã kết thúc một cách hiệu quả, nắm lấy sự thành công của một người khác. Điều này ám chỉ đến việc Đa-vít sẽ phải sống với những hậu quả tiêu cực mà việc tà dâm và giết người mà ông đã gây ra, dẫu rằng ông đã tận hiến chính mình cho Đức Chúa Trời từ đó trở đi (c.26-31).

Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?

C.15, 18-19 Đức Chúa Trời là Đấng phán xét. Tuy nhiên, sau sự đoán phạt, Ngài lại bày tỏ ân điển. Mặc dù Đa-vít đã mất đứa con trai đầu lòng với Bát-sê-ba, ông lại có đứa con trai thứ hai qua bà, và là đứa con sẽ kế vị ông. Tương tự, thậm chí giữa những sự sửa phạt nghiêm khắc, ân điển và sự thương xót của Đức Chúa Trời đối với dân sự của Ngài không bao giờ ngừng.

Ngài ban cho tôi bài học gì?

C.16-17 Đa-vít đã cầu xin cho đứa con đang hấp hối của ông với tất cả con người ông. Khi làm như vậy, ông đã trở nên một con người yếu đuối và trung thực bất chấp hoàn cảnh, khi ông không thể làm được gì, ngay cả với quyền lực của một vị vua, ngoài việc kêu khóc với Đức Chúa Trời. Qua điều này, Đa-vít đã được phục hồi là một người có đức tin – điều mà ông đã đánh mất qua việc ngoại tình và giết người.

Tham khảo

12:15-23 Khi đứa trẻ bị ốm, Đa-vít vẫn hy vọng rằng Chúa sẽ thay đổi ý định của Ngài, và vì thế đã cầu xin với Ngài cùng với việc kiêng ăn (như trong Các Quan Xét 20:26; E-xơ-ra 8:23; Ê-xơ-tê 4:16; Thi Thiên 35:13; v.v.). rửa ráy và xức dầu cho mình…ăn. Bởi vì việc kiêng ăn và hạn chế việc xức dầu cũng là một phần của việc than khóc bình thường (1 Sa-mu-ên 31:13; 2 Sa-mu-ên 3:35; 14:2), hành động của Đa-vít khiến các đầy tớ của ông bối rối, những người dường như nghĩ rằng ông đang than khóc.

Cầu nguyện: Chúa ôi, xin hãy giúp chúng con đến sự cầu nguyện, khi Ngài nhắc nhở cho chúng con về những sai sót của chúng con trong quá khứ, và để chúng con luôn luôn bước đi với Ngài.

Đọc Kinh Thánh trong năm: Ê-sai 13-16

Bình Luận:

You may also like