Home Tôi Viết Một Chút Ân Tình Xưa

Một Chút Ân Tình Xưa

by Hồ Galilê
30 đọc

 

 

Đã tám mươi tuổi rồi. Cái tuổi mà người đời thường cho là Nhân sinh thất thập cổ lai hy. (Người 70 tuổi xưa nay hiếm). Cụ Hữu Khang biết trước sau gì rồi mình cũng về với Chúa, hơn nữa mười năm qua, cụ đau nhiều trong đầu. Các toa thuốc của bác sĩ ở những bệnh viện lớn như Đa khoa Đà Nẵng, bệnh viện C, bệnh viện Hoàn Mỹ đều cho chung là các loại thuốc hoạt huyết dưỡng não là chủ lực. Vì cụ bị chứng rối loạn tuần hoàn não kinh niên.

Cụ muốn để lại câu chuyện nầy, nên chi hằng đêm con cháu cứ thấy cụ ngồi ghi ghi chép chép cái gì đó vào sổ:

Hữu Khang sinh ra và lớn lên bên dòng sông Con hiền hòa. Nó là một nhánh sông từ thượng nguồn A Vương tách ra khỏi sông Bung để đổ về hướng mạn nam, qua trại giam An Điềm rồi ven theo sườn núi, để rồi gặp sông Cái ở ngã ba Cấm Thị Hà Tân. Làng Chấn Sơn, Non Tiên là nơi Hữu Khang trưởng thành. Tương truyền ngày xưa, chiều chiều có các cô Tiên nữ nhà trời xuống tắm mát thỏa thích ở hồ nước sau gò Trao rồi vụt bay về trời. Xứ sở lãng mạn như vậy, đã cho chàng Hữu Khang cái tâm hồn bay bỗng yêu đời, yêu quê hương xứ sở. Hữu Khang đem lòng yêu thương cô gái làng Trung Đạo tên Phước Sỹ bên kia con sông Con. Họ thành vợ thành chồng trong ngày Cha xứ Công giáo  Hà Tân làm lễ.

Từ đó họ cứ sống, cuộc đời theo năm tháng bình yên của xứ sở. Làng quê thật êm đềm, ngọt ngào với bãi sắn nương ngô, cánh đồng, ruộng lúa, nương dâu, với con đường quê sỏi đất quen thuộc, với những buổi chiều đi lễ. Cái làng quê êm đềm ấy, ẩn bên trong một sự lặng lẽ và tĩnh mịch. Có lúc dường như đìu hiu quạnh quẽ và cô tich vô cùng, lại thêm những buổi lễ cầu kinh, nghiêm trang trầm mặc như đã chất chồng thêm lên cho chàng trai cái tính thụ động và nhiều ưu tư.

 

Có một ngày Hữu Khang đến nhà thờ Tin Lành ở Hà Tân dự lễ, cậu phải đi qua bên kia cầu. Con sông Con được tiếp giáp với sông Cái nối giòng chảy xuôi có tên là sông Vu Gia. Một điều làm cho Hữu Khang thay đổi não trạng hoàn toàn, đó là cậu được dự một buổi lễ thờ phượng của người Tin Lành. Lâu nay Hữu Khang cứ hình dung và mặc định trong đầu là người Tin Lành thuộc phái Thệ phản. Ngờ đâu buổi thờ phượng thật vui vẻ, sinh động, giải phóng cậu ra cái khỏi cái ngột ngạt và tưởng chừng như giáo điều nặng nề bấy lâu. Sau giờ thờ phượng, tín đồ đến thăm hỏi thân mật và thâm tình. Từ đó Hữu Khang đã quyết định chuyển sang sinh hoạt với Giáo hội Tin Lành.

Năm 1963 Hữu Khang tiếp nhận Thánh lễ Báp têm do Mục sư Nguyễn Xuân Vọng ban phát tại hồ gò Trao. Chính Thánh Linh Chúa đã báp têm cho cậu, từ đó Hữu Khang càng ngày sống đẹp lòng Chúa càng hơn. Cũng từ đó Ma quỷ tìm mọi cách để hảm hại chàng trai nầy.

Một ngày Hữu Khang cùng Phước Sỹ vào rừng đốn củi. Trời càng về chiều và sắp tối, ấy thế mà Hữu Khang cứ tiến sâu vào rừng hơn. Phước Sỹ tìm mãi không ra, cô càng ra sức tìm kiếm, càng la to hơn. Cô gọi chồng ơi ới, nhưng tiếng của cô chỉ vọng vào thinh không, có chăng chỉ là tiếng dội lại âm thanh từ những vách đá sừng sững. Trời gần nhá nhem tối, cô quyết định chạy về nhờ dân làng ứng cứu. Thế là cả xóm, già trẻ lớn bé sôi sục, kẻ cầm cây gậy, người mang giáo mác, những bó đuốc được thắp sáng cả vùng trời để đi tìm kiếm.

 

Nơi đây nổi tiếng là Cọp tổ, ngày xưa nghe ông bà kể lại ban ngày mà Cọp vẫn ra đồng nội bắt trẻ con bình thường. Gần đây có một ông Cọp ban ngày mà cứ thản nhiên đi vào làng. Người dân chạy tán loạn, xôn xao mà ông Cọp vẫn cứ thong thả, ung dung và cứ đi một cách hiền lành. Thế rồi ông Cọp đi thẳng vào đình làng ngồi ngay ngắn vào gần bàn thờ. Vậy là, dân làng biết rằng ông Cọp đã đi tu, không còn bắt người nữa. Nên người ta không giết, mà thắp hương cúng vái, nửa đêm hôm đó ông Cọp đã chết. Chuyện nầy làm dân làng nhớ lại mà lo sợ cho tính mạng của Hữu Khang, vì còn nhiều ông Cọp khác nữa đang rình rập ở cái xứ mù mịt nầy.

 

Trong khi đó Hữu Khang biết mình đã bị lạc, dù cố sức tìm kiếm lối mòn để ra, càng tìm kiếm càng vô vọng, vì cứ thấy mình như lọt giữa rừng mây gai bịt bùng. Hữu Khang đã quỳ gối đưa cái rựa lên trời với lời khấn nguyện: Chúa ơi! xin mở mắt con, xin giải cứu con, con tin là Ngài có quyền. Sau khi cầu nguyện với lời khẩn thiết, Chúa đã mở mắt cậu thật. Một con đường lớn hiện ra trước mắt. Con đường dẫn về làng như hằng ngày cậu vẫn quen thuộc. Vừa đi Hữu Khang vừa đọc Thi Thiên 23 câu 4: “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi: Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi.”

 

Năm 1964 Mỹ hành quân đổ bộ vào làng nhằm tiêu diệt Cộng Sản. Thế là cả cái làng bị đốt cháy tất cả. Những nhà nào có ảnh Chúa thì lính Mỹ để lại. Vậy là, nhà của vợ chồng Hữu Khang còn nguyên vẹn. Lính Mỹ biết đây là nhà của những Cơ đốc nhân nên chúng không đốt phá. Sau nầy về lại làng, nhiều người dân nói nước Mỹ theo đạo Chúa nhiều lắm, nên bọn chúng không phá phách những người cùng niềm tin.

Nhưng vì cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt, bom đạn và pháo hạng nặng cứ dồn vào dải Núi Tiên ấy. Cả cái làng bé nhỏ đó, nằm trong tầm đạn pháo. Nên gia đình Hữu Khang phải dọn nhà đến khu Hà Tân gần nhà thờ Tin Lành hơn. Nhưng chỗ ở về phía bên kia cầu, nơi gần Huyện Hành chánh Thượng Đức, nơi đó có an toàn hơn.

 

Năm 1967. Phước Sỹ đi giặt đồ dưới cân cầu Hà Tân, không may cô trượt chân bị giòng nước chảy xiết cuốn trôi. Dân chài nhìn thấy Phước Sỹ bị  trồng chuối, nước dồi dập, chìm xuống nổi lên, nhưng họ không dám cứu. Vì luật của dân chài, là họ sợ Ma gia trả thù. Đến khi nạn nhân đã thật sự chết rồi, thì họ mới ra tay cứu vớt. Nếu kẻ đó Trời cho sống sót thì Ma gia cũng không trả thù ai cả. Vậy là cô được vớt lên đưa vào bờ với thân hình mềm lã. Dân chài gần bờ lúc đó tìm lửa để hơ hóp cho nạn nhân, may ra chăng… nhưng tất cả đều vô vọng.

 

Mục sư Phan Phụng Phúc nghe tin lên gấp, ông đã quỳ gối đặt tay trên Phước Sỹ với lời cầu nguyện đau thương: “Cha ôi!… Xin cứu lấy bà, vì vinh hiển danh Cha… Nhơn danh Đức Chúa Jesus-Christ. A men!” Người ta bỗng xôn xao, chân cô ấy động đậy rồi kìa. Cô ấy thở thoi thóp rồi kìa. Thật Chúa có quyền, Chúa có quyền…

 

Năm 1968. Một trận pháo kích của phía bên kia vào đồn Thượng Đức dữ dội quá. Pháo 130 ly, hỏa tiển H12 dồn dập. Mục sư Phan Phụng Phúc bị thương, mình đầy những máu, con cái ông khiêng vội ra sân bay quân sự dã chiến. Hữu Khang chạy theo đem một chiếc mền hoa hiệu con rồng còn mới đắp cho ông. Trong khi chờ máy bay hạ cánh, ông nằm trên võng ngoáy đầu lên nói với Hữu Khang: “Tôi sẽ tìm cho ông một quyển Kinh Thánh tiếng Pháp, như lòng ông mong muốn.” Hữu Khang nói: “Mục sư đừng bận tâm việc đó, hãy cứ an tâm lo điều trị, vì sức khỏe của ông mới là chính.” Máy bay Uh1A của Mỹ hạ cánh đưa ông và người nhà đi theo.

 

Sau khi lành bệnh ông trở về hầu việc Chúa một thời gian nữa với Hội Thánh, rồi ông được đổi đi nơi khác. Vợ chồng Hữu Khang ở lại mấy năm sau, rồi cũng tản cư ra Hòa Khánh Đà Nẵng. Lúc nầy ông bà Mục sư sinh thêm thằng Hòa và thằng Khánh, rồi ông chuyển đi ra Huế. Mục sư Phan Phụng Phúc sau khi chữa bệnh ở Đà Nẵng xong ông tìm mua được quyển Kinh Thánh tiếng Pháp để tặng cho cụ Khang. Trong đó có đề ngày 5 tháng 3 năm 1969. Kính tặng cụ Nguyễn Hữu Khang. Sách nầy thời bấy giờ rất hiếm. Nhưng rồi chẳng bao giờ gặp lại cụ Khang, dù hai người vẫn sống quanh quẩn đâu đó ở cái thành phố Đà Nẵng nầy.

Hòa bình lập lại, sau năm 1975. Như người ta vẫn thường nói quả đất tròn có ngày gặp lại nhau. Qủa đúng như vậy, sau ngày đất nước thống nhất, gia đình cụ Hữu Khang không về quê ở Xứ Non Tiên làng Chấn Sơn nữa. Lúc nầy ông về quê ngoại làng Quang Đại mà định cư. Lần đầu tiên ông đi nhà thờ Tin Lành An Trường cách nhà chừng hai cây số.

 

Trước đó…

Cuối năm 1974 chiến sự ác liệt xảy ra vùng Đại Lộc. Vì chiến dịch giải phóng Đà Nẵng trước hết phải tập trung đánh mở cửa. Vùng Đại Lộc, tây Quảng Nam là cánh cửa chính dẫn vào Thành phố Đà Nẵng. Bởi vậy gia đình Mục sư Trần Tuôi đã di tản vào Sài Gòn. Hội Thánh lúc bấy giờ nhờ ông cụ Tô Thoàn ở lại trông hộ. Đa số tín đồ cũng loạn lạc mỗi người một nơi…

 

Đầu tháng tư năm 1975 Ban Thường vụ Địa hạt Bắc Trung phần đã điều Mục sư Phan Phụng Phúc từ Huế về hầu việc Chúa tại Hội Thánh Tin Lành An Trường Huyện Đại Lộc.

 

Ngày gặp lại Mục sư Phan Phụng Phúc, cụ Hữu Khang mừng vô kể. Mục sư đem cuốn Kinh Thánh tiếng Pháp ấy, tặng cho ông. Cầm cuốn Kinh Thánh trên tay cụ Khang đã khóc rất nhiều. Bao nhiêu hình ảnh ngày xưa đều như sống lại trong lúc nầy.

Sau đó về, Hữu Khang chép bài thơ của Thi sĩ Tường Lưu bài: Lòng tôi ngập tràn niềm vui trích trong Thi tập Thách đố Tâm Linh tặng lại Mục sư Phan Phụng Phúc:

 

Tôi ao ước lắm, thời gian

Ngày tôi cất cánh Thiên thần tung bay

Trở về… nhà Chúa xum vầy

Trong niềm rộn rã, nắng đầy hồn tôi

Chuyện tôi mới kể… nửa vời

Dầu tôi biết rõ về đời mai sau

Chưa ai đã nói… ra đâu

Nửa kia… là sự nhiệm mầu… vô ngôn.

 

Từ đó cụ Nguyễn Hữu Khang chịu trách nhiệm dạy Trường Chúa nhật lớp Các ông. Lớp nầy gồm tất cả các ông nam giới từ Thiếu niên trở lên. Hội Thánh lúc bấy giờ có ba lớp: Các ông, các bà và lớp các em nhỏ vậy thôi, mà cũng không có bao nhiêu học viên. Những năm sau nầy cụ Khang sức khỏe yếu dần, cụ phải dùng đến xe lắc. Vậy mà mỗi sáng Chúa nhật, cụ đều chở một chậu hoa, hoặc chậu kiểng mới để chưng trong nhà thờ. Cụ thương yêu gia đình Mục sư nhiều lắm. Có gì ăn ngon cụ cũng lắc xe đến kỉnh Mục sư.

Trước giờ phút lâm chung, cụ ra dấu cho tất cả con cháu hiệp lại cầu nguyện. Và đúng như điều ấy đã xảy ra…

Vĩnh Hân đã cầu nguyện: “Xin ý Chúa được nên trên đời sống Ba. Nguyện xin Thiên Chúa Tình yêu đời đời tiếp rước Ba vào nơi vĩnh phúc.” Sau tiếng đồng thanh Amen.

 

Mắt ông liếc nhìn con cháu lần cuối và từ từ khép lại.

Lễ tang cụ có sự hiện diện của ba Mục sư: Mục sư Phan Phụng Phúc là Chủ lễ. Mục sư Phan Phụng Phú là con Mục sư Phúc từ Mỹ về cũng có mặt. Mục sư Trần Can là đương nhiệm Hội Thánh Tin Lành Đại An cũng tham dự. Hội Thánh nầy trước đây là nơi cụ Hữu Khang gặp được Mục sư Phan Phụng Phúc hầu việc Chúa. Và nơi đó, biến cố thương tích của ông cũng có gắn liền lời hứa với cụ Hữu Khang về cuốn Kinh Thánh tiếng Pháp ngày xưa…

 

Đêm mai, chương trình lễ cầu nguyện được diễn ra. Ánh trăng vằng vặc soi bóng hàng dừa xanh mướt, đường bê tông vừa làm xong trong chương trình nông thôn mới. Đồng bào đứng đầy sân, và giăng đầy đường bê tông để xem tang lễ. Những bài Thánh ca du dương, giai điệu nhẹ nhàng làm cho người dự không thấy đau buồn mà được khích lệ. Lời Chúa từ Thầy Thư ký Nguyễn Văn Huệ Hội Thánh Tin Lành Tân An Thành phố Đà Nẵng làm cho đồng bào đồng cảm và họ được phấn khích hy vọng.

 

Bạn thân mến!

 

Đó là câu chuyện của cụ Nguyễn Hữu Khang mà khi cuối đời ông đã lần mò hằng đêm để viết nó. Đó là câu chuyện của một người như bao nhiêu con người khác trên đời. Nhưng có điều con người nầy yêu kính Chúa.

Câu chuyện ông chép đã để lại cho Gia đình, Hội Thánh một khúc nhớ thương, một chút ân tình ta nên trân trọng và gìn giữ. Vĩnh Hân xin được kết nối câu chuyện nầy, để nhớ lại một hình ảnh thân thương. Hình ảnh một người dân quê mộc mạc, lam lũ nhưng bản lĩnh dạn dày. Sức sống mãnh liệt và sở hữu một tấm lòng bao dung nhân hậu, với đức tin mạnh mẽ của người cha vợ. Và với một Đầy tớ Chúa qua nhiều gian khổ, thương tích đầy mình trong chiến tranh, nhưng vẫn giữ lời hứa đến cùng. Vĩnh Hân xin được cảm tác mấy vần thơ để tưởng nhớ và tri ân đến người:

 

Con cầu xin đại dương thôi sóng gió

Cho chuyến tàu đi luôn được yên lành

Cho tình người… tình Chúa được hòa thanh

Cho dòng lệ không còn vương khóe mắt.

 

Đêm hằng đêm, thôi thức trắng dư hương

Ngày tháng cũ bóng người mình yêu dấu

Chuyện hôm qua còn đọng lại bây giờ

Chút ân tình trang trải mấy vần thơ.

 

 Hạ 2016.

 

 

 

….

Bình Luận:

You may also like