Home Tôi Viết Truyện Ký – Người Hầu Việc Chúa

Truyện Ký – Người Hầu Việc Chúa

by Hồ Galilê
30 đọc

…Trời hãy còn tối lắm, Huy Hiệu từ thị trấn Hà Lam chở vợ và đứa con hơn một năm tuổi trên chiếc xe Honda theo đường quốc lộ 1A hướng về Đà Nẵng, gió phêu phêu hắt vào người nghe lành lạnh, thỉnh thoảng cũng có mấy con phù du bay dúi vào mặt họ vì chúng thấy ánh đèn xe là chúng thích lắm…

Đến ngã ba Nam Phước họ rẽ trái để đi vào Duy Xuyên, một huyện lỵ tĩnh lẽ đường sá im ắng…Cuộc hành trình nầy cho kịp vì sáng nay là Lễ Phục Sinh.

Cách hai con sông Thu Bồn và Vu Gia bên mạn bắc thì Xuân Hồ cũng cho xe nổ máy, trời vẫn tối như mực, anh lặng lẽ rời khỏi nhà sau khi anh đã cầu nguyện với Chúa cho đi đường bình an. Những giọt mưa lất phất của mùa hạ bắn vào da mặt, anh nghe một cảm giác man mác, dễ chịu. Trên dọc đường đi anh thấy một số người thưa thớt đi bộ tập thể dục, thỉnh thoảng cũng có đôi vợ chồng hay tình nhân gì đó họ đi song hành thư thả…

Anh vừa nhấn tay ga thêm thì điệp khúc bài Thánh ca 103 cũng nhanh theo: “Vượt từ phần mộ Ngài phục sanh/ Phục sanh hiển vinh thắng bao quân thù mình/ Ngài phục sanh đem oai quyền ra đánh tan tử thần/ Và Ngài còn đời đời để thống trị cùng Chư Thánh/ Ngài lại sống, Chúa lại sống/ Ha lê lu gia Christ phục sanh…”Niềm vui lan tỏa đưa anh đến bến đò Phú Thuận khi nào không hay…

Chuyến phà ngang đầu tiên đưa người qua lại sông Thu Bồn sáng nay tấp nập, sông Thu Bồn còn gọi là sông Chợ Củi phát nguyên từ hai nguồn: Nguồn Chiên Đàn (Tây bắc Tam Kỳ và nguồn Ô Gia tây Đại Lộc) sông Thu Bồn kể từ nguồn Chiên Đàn chảy ra đến Cửa Đại là nhánh sông dài nhất của Quảng Nam. Tường Linh một Thi nhân hiện đại là một người con Quảng Nam đã viết về dòng sông đáng yêu của quê hương mình bằng mấy câu thơ mà anh còn nhớ:

“…Trả lại dòng sông trả lại cho anh

Từ vết bàn chân trên cát vàng tuổi  thơ

Ai có vẽ bên bờ sông đó

Đếm giùm tôi bao bến nước vắng con thuyền

Còn sót đọt tre nào chấm mặt thủy triều lên

Mấy độ trăng tròn trăng khuyết

Dòng sông trôi, dòng sông trôi biền biệt

Giòng nhớ thương chảy mãi qua hồn

Ôi! Thu Bồn ta biết nói gì hơn…

Qua bên kia bờ rồi Xuân Hồ đứng đợi Huy Hiệu ở dưới cây trứng cá bên một tiệm sửa xe Honda chưa mở cửa vì trời chưa sáng hẵn, anh lẩm nhẩm “Trả lại dòng sông, trả lại cho anh/ Từng vết bàn chân trên cát vàng tuổi thơ.” Tuổi thơ anh cũng đã từng rảo bước trên bãi cát vàng bên dòng sông Vu Gia hiền hòa thủa nào…còn bây giờ “Từng vết bàn chân” của anh ra đi truyền giảng Tin Lành đây đó, khi anh là Thư ký Hội Thánh Tin Lành Trường An đã mười ba năm, bảy năm là Nhân sự của Hội Truyền giảng Phúc Âm*(1), anh âm thầm tự tin với lời Chúa khích lệ: “Những bàn chân kẻ rao truyền Tin Lành là tốt đẹp biết bao. Rô-ma 10:15b”

Một trận mưa tầm tả với những cơn gió mạnh đã đưa Huy Hiệu đến gặp anh, Huy Hiệu chở Lệ Thủy và đứa con còn rất nhỏ đang nằm trong một cái bọc mà cô ta đang quàng qua vai, để nó trước ngực trông thật thảm thương. Họ ướt sũng cả áo quần, chỉ mong sao bảo vệ thằng nhỏ khỏi bị ướt là tốt rồi. Chiếc bình thủy đựng nước sôi của họ để thằng nhóc uống sữa đã rơi khi nào không hay. Hai người lái xe vội lên chợ Phú Đa vào quán cà phê cóc bên đường, uống tách trà nóng cho ấm rồi vội vàng vào nhà thờ Tin Lành Thu Bồn để dự chương trình lễ Phục sinh… vì Huy Hiệu là Truyền Đạo tình nguyện ở đó trong nhiệm kỳ thực tập hai năm 2007-2009.

Chiều hôm Phục Sinh đó, khi chia tay Xuân Hồ mua tặng họ chiếc bình thủy mới hãy còn cho đến ngày nay, anh ra về thì trời tối như bưng, chẳng may trên đường đi anh đánh rơi chiếc áo veston, anh có buồn đôi chút nhưng không sao. Rồi một tuần sau đó anh nhận được một bộ đồ veston hãy còn mới nguyên của Huy Hiệu trao tặng, mà anh được biết bộ đồ veston nầy là của Mục sư Nguyễn Thỉ ở Hoa Kỳ tặng, anh mừng lắm và cảm tạ Chúa và cảm ơn người anh em.

Xuân Hồ biết Huy Hiệu nguyên là Thư ký của Hội Thánh Tin Lành Thăng Bình từ năm 1986-2002. Năm 1997 Ban Thường vụ Địa hạt Trung Trung Bộ đã công nhận Truyền đạo Tình nguyện, vậy là anh đã trở thành là Truyền Đạo sinh, một trong số trên ba mươi Thầy của tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. Cậu được giao trách nhiệm phụ tá cho Mục sư Quản nhiệm và kiêm lo Hội Thánh Bình Triều. Hai người trở thành thân nhau, không những họ là cựu Thư ký của hai Hội Thánh Tin Lành trong tỉnh Quảng Nam trong suốt mười mấy năm, mà họ còn là hai Cựu chiến binh trên chiến trường Cambodia. Huy Hiệu là lính Trinh Sát của Sư đoàn 5 còn Xuân Hồ là lính Thông Tin của Trung đoàn 31 Sư đoàn 309. Họ quen biết nhau năm 1981 vì khi đó Trinh Sát Sư đoàn 5 phối hợp cùng Trinh Sát Trung đoàn 31 đi bám địch sâu trong vùng đất Thái Lan, lúc đó Xuân Hồ là lính Thông Tin tăng cường cho bộ phận Trinh Sát của Sư đoàn 5 Bộ binh, để hợp đồng tác chiến, họ gặp nhau ở Bộ Tư lệnh Tiền phương Trung đoàn 31.

Trận đánh chớp nhoáng vào cứ điểm 502 và mục đích chính là kéo mấy chiếc xe tăng T54 bị mìm còn nằm sót lại trong đất Thái Lan đem về, vì các hãng Thông tấn Xã nước ngoài, đài VOA Hoa Kỳ, đài BBC London lên án Việt Nam xâm lăng Thái Lan…

Huy Hiệu đã tham gia chiến trường Cambodia từ năm 1979 rồi phục viên về năm 1984 sau hơn năm năm chiến đấu ở chiến trường, anh về sinh hoạt lại với Hội Thánh Tin Lành Thăng Bình mà Mục sư Bùi Phiên là Quản nhiệm, ông nguyên là Thư ký Địa hạt Bắc Trung phần. Huy Hiệu dám cả gan tán tĩnh cô Lệ Thủy con gái cưng của Mục sư Bùi Phiên, cô gái có chiếc răng khểnh đã làm cho cậu Trinh Sát ngày nào phải rung động. Rồi tình yêu của họ cũng đã được Thiên Chúa chắp cánh qua lá thư mà cậu đã dũng cảm gởi cho cô nàng, cô đã hồi âm…lá thư ấy của cô đã được cậu để trong túi áo bên trái. Cô đã cảm xúc mạnh, vì lá thư của mình đã được chàng nâng niu trong trái tim vì bên trong chiếc túi áo ấy là trái tim yêu thương, đã thúc giục chàng mạnh dạng đến với nàng, trong khi đó nhà chàng hãy còn nghèo khó mà nàng là tiểu thư đài các…

Họ đến với nhau và xây dựng gia đình hạnh phúc…

Huy Hiệu trở lại con đường học vấn, cậu thi đổ vào trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng khoa Văn năm 1984, thế là Lệ Thủy phải rời những ngày vàng son của một tiểu thư để cô bước vào những ngày gian khổ buôn bán nuôi chồng ăn học…

Trong khi đó thì Xuân Hồ phải bị ở tù sau khi đã phục viên về, cậu  làm Biên Tập viên ở Đài Truyền Thanh Cơ Sở, vì cậu mãi lo công việc của Hội Thánh nên luôn bị kiểm điểm phê bình. Rồi người ta hảm hại cậu, khi có chuyện chính trị bất ổn xảy ra tại địa phương, họ tống cậu vào tù…

Lan người vợ thủy chung cũng đã những ngày tảo tần buôn bán để nuôi chồng bị tù tội oan khê…

Anh còn nhớ lại mấy câu thơ mà Lan đã làm khi anh đang trong vòng lao lý:

“…Chiến công anh đem cất cả đầy rương
Làm kỷ vật của người trai lính chiến
Anh giữ lấy để làm quà kỷ niệm
Hiến cho đời bao xương máu công phu

Rồi một chiều ba mươi Tết âm u
Đời trả giá công anh bằng tù tội
Em cúi  xuống cắn chặt  môi viết vội
Những vần thơ trao trả lại cho đời

Chiến công xưa chừ cất giữ một nơi
Sâu kín lắm lao tù sao em thấy?
Dòng thơ nhỏ không đủ đầy tiếng nói
Của cuộc đời xin trả lại anh ơi!…”.

 Năm 1987 Huy Hiệu ra trường sau ba năm học, cậu về dạy học ở Trường phổ thông cơ sở Bình Trung đến năm 2002 thì xin nghỉ dạy để đi hầu việc Chúa.

Cũng trong năm nầy Mục sư Bùi Phiên về yên nghỉ trong nước Chúa sau khi ông đi dự đám tang cố Mục sư Nguyễn Văn Chờ *(2) là người bạn đồng lao trở về. Lúc nầy Huy Hiệu vừa lo công việc Chúa tại Hội Thánh Thăng Bình thay cho Mục sư Bùi Phiên đồng thời kiêm lo Hội Thánh Bình Triều đến năm 2007. Huy Hiệu từ ngày rời bụi phấn nhà trường, cậu đã theo học Chương trình Thần học qua các khóa hàm thụ từ xa. Vừa hầu việc Chúa vừa học Cử nhân Thần học lớp UUC của Mục sư Viện trưởng Nguyễn Hữu Cương cậu đã tốt nghiệp năm 2000. Không dừng ở đó, cậu tiếp tục học hai năm 2000-2002 Chương trình Cao học Mục vụ tại Thái Lan. Trong lúc còn đang học thì bên nhà ông cụ thân sinh của Huy Hiệu đã về nước Chúa, nhưng Mục sư Bùi Phiên không cho biết tin, để cậu không về vì sợ cậu bị gián đoạn việc học, nhưng sau đó thì cậu cũng biết và về thì lúc nầy mộ phần của ông cụ thân sinh đã xây cất ổn định. Cậu đã tốt nghiệp sau hai năm học và được Viện trưởng Mục sư Nguyễn Anh Tài  cấp bằng.

Trong một cuộc hội thảo tại Đà Nẵng Mục sư Tiến sĩ Trần Đào Viện trưởng Viện Thần Học Báp Tít Hoa Kỳ bàn về việc sử dụng Kinh Thánh bản dịch mới và khuyên con dân Chúa nên dùng bản nầy là tốt nhất hiện nay. Mục sư Viện trưởng cũng triển khai chương trình học trên bậc Cao học Thần học tức là Tiến sĩ Thần học nhưng Xuân Hồ không biết Huy Hiệu có tiếp tục học hay không, nhưng với con người như Huy Hiệu biết đâu cậu ta đã theo học từ lâu rồi cũng nên…

Năm 2005 Huy Hiệu cùng Ban Chấp sự Hội Thánh Tin Lành Thăng Bình thành lập Ban Biên Tập để làm kỷ yếu của Hội Thánh mà cậu được giao trách nhiệm là Trưởng ban. Biết bao nhiêu khó khăn mà cậu đã nhờ ơn Chúa để vượt qua, bên cạnh còn có Lệ Thủy là người vợ luôn đứng bên cạnh chồng trong những giai đoạn khó khăn như vậy. Cảm tạ Đức Chúa Trời, Ngài đã cho Tập kỷ yếu hoàn thành để ra mắt tín hữu trong ngày lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Thánh 1955-2005.

Huy Hiệu là một người yêu kính Chúa và yêu thơ văn, cậu là một trong mười cây bút viết Tuổi Trẻ Cười mà Báo Tuổi Trẻ Cười đã chọn là cây bút xuất sắc nhất trong năm 2009.

Trước khi Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (MN) có tư cách pháp nhân qua Đại hội đồng năm 2001, lúc đó chưa có một bài báo nào xuất hiện trên diễn đàn Cơ Đốc, vậy nên cậu cùng một số anh chị em trong đó có Nguyễn thị Như Qúy có bút danh là Hoa Dã Qùy ở Hội Thánh Tin Lành Vĩnh Phước Nha Trang cùng thành lập nhóm “Bút nhóm Lửa hồng” ra vài chục số báo Thông Công, trên trang bìa trong có dòng tít lớn in đậm trích hai câu thơ của Huy Hiệu:

Thông Công nối nhịp gần xa
Lửa hồng khơi dậy lòng ta thêm hồng.”

Đây là một sân chơi cho tuổi trẻ Cơ đốc trước khi có Người Chăn Bầy ra đời khi Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chính thức có tư cách pháp nhân năm 2001.

Năm 2007 Huy Hiệu nhận được Thư của Viện Thánh Kinh Thần Học (VTKTH) cậu phải đi thực tập hai năm 2007-2009 tại Hội Thánh Tin Lành Thu Bồn, huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam.

Thế là có một buổi sáng Phục sinh 2009 hai cựu Chiến binh, hai cựu Thư ký Hội Thánh gặp nhau ở quán cà phê gần chợ Phú Đa như đã nói ở trên…

Hai năm hầu việc Chúa ở Thu Bồn, cậu gặp cũng nhiều khó khăn, phần thì con còn nhỏ phải đèo nó theo từ khi nó chào đời còn đỏ hỏn, đến khi nó hai tuổi, phần thì xa nhà năm mươi cây số, phần thì Mục sư Quản nhiệm Trần Ngọc Lâm luôn đau ốm nên cậu phải om đòm gánh vác…

Từ ngày có cậu về thực tập Hội Thánh Thu Bồn dường như có luồng sinh khí mới mà Chúa thổi vào, con cái của Chúa đi nhóm lại đông vui hơn, các Ban ngành được cũng cố, các Chi phái đã hình thành trở lại. Cậu còn xin báo Đặc San Hướng Đi tại Hoa Kỳ tài trợ làm được sáu nhà tình thương cho tín đồ Hội Thánh Thu Bồn.

Mỗi người hầu việc Chúa có những ân tứ khác nhau. Huy Hiệu là một bằng chứng, vì cậu yêu thích văn thơ và hay viết lách. Theo Xuân Hồ được biết, thì cậu ít nhất có mười bài viết trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay thuộc Liên hiệp các Hội văn học và Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản. Cậu còn cộng tác với báo Đuốc Thiêng của Hội Thánh Tin Lành Châu Âu, xuất bản ở Cộng Hòa Pháp đã mười năm qua, báo Đặc San Hướng Đi xuất bản ở Hoa Kỳ cũng đã tám năm rồi.

Cậu còn có một tài nữa đó là chạy Honda, từ những năm 1983 lúc thằng Đình Hưng đứa con thứ ba chưa tròn ba tuổi, nhưng nó bị chứng cận mắt nghe đâu cả mười độ. Thế là cậu phải chở cô tiểu thư năm nào, ẵm thằng nhỏ dong ruổi hành trình ra đến Bệnh viện mắt Trung ương tận thủ đô Hà Nội xa trên cả nghìn cây số để khám và chữa bệnh cho nó, vậy là họ đã đi hai lần như thế…

Còn nữa…

Hai lần đôi uyên ương nầy cũng đã vượt 700 – 800 km vào Đà Lạt để dự hội thảo, họ phải vượt đèo Violet cao hơn mặt nước biển cả nghìn mét, cũng kèm theo thằng Đình Hữu là Hoàng tử thứ tư năm nay vừa tròn năm tuổi…

Chưa hết…

Họ còn đèo nó theo vào tận Sài Gòn để dự Đại Hội Đồng Giáo hội Báp Tít Nam Phương những năm gần đây.

Có người nói: “…người ta vững như kiền ba chân còn Huy Hiệu thì vững như kiền cả bốn chân, vì cô cậu đã có bốn Hoàng tử đó là: Đình Huy – Đình Hiệu – Đình Hưng và Đình Hữu…”

Cũng xin nhắc lại, Huy Hiệu có mặt trên diễn đàn Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay thuộc Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ra các số 609. 703, 739, 754, 779, 820 và 829 với các bài thật ngộ nghĩnh và cũng có có bài lãng mạn như bài Hoa trong thơ Nguyễn Bính số 703 Tác giả N.Đ.L…

Huy Hiệu trích thơ và bình thơ cũng khá sâu sắc vô cùng:

“… Mùa thu hoa cúc lại tàn/ Thuyền ai buộc mãi bên làn cây cong/ Người về để lạnh phòng không/ Thu rơi từng cánh cho lòng nhớ thương…”

Huy Hiệu có lời bình như sau:

“…Nói đến mùa thu là nói đến hoa cúc, hay nói một cách khác thiếu hoa cúc thì không thể nói THƠ về mùa thu được, mùa thu cũng là mùa của hoài niệm của nỗi nhớ thương, lòng chàng thi sĩ đong đầy nhớ thương khi mùa thu về trong cô liêu…”

Xuân Hồ thì cũng rất  thích mùa thu nên chàng đã làm trên dưới mười bài trong năm nay mà hai trang mạng Tin Lành Hội Thánh.com và Songdaoonline.com đã đăng tải. Chàng viết bài “Thu hát cho Ngài” để tặng Bùi Thị Lệ Thủy ở Songdaoonline ngày 08 tháng 10 vừa rồi, nhưng vì ghi tặng cô Bùi Thị Thu Thủy là không đúng chữ lót, vì cô là Lệ Thủy nên cô ấy không nhận bảo cậu là phải gởi ý đó để BBT Songdaoonline để họ sửa lại cô mới nhận, Xuân Hồ đành gởi bài khác “Lời thu yêu thương” cô ấy mới bằng lòng:

“…Thu đến rồi con chim hót đu đưa
Trên cành bưởi nắng cũng vừa nhả nhạt
Diều căng gió quyện mây trời bàng bạc
Lời yêu thương với khúc hát trào dâng

Đã bao mùa thu đến nỗi bâng khuâng
Ta nhớ Chúa… Chúa muôn loài… bất tận
Ở trong Ngài tất cả là niềm vui
Bài thơ yêu tặng người hầu việc Chúa…”

 Sở dĩ nhầm chữ lót ấy là vì năm 2008 Xuân Hồ là nhân viên của Công ty bảo hiểm nhân thọ American International Assurance Co; (Viet Nam) có làm hồ sơ bảo hiểm “An trí thành tài” cho Đình Hữu mà người bảo hộ là mẹ nó, cô Bùi Thị Lệ Thủy mà anh ghi nhầm là Bùi Thị Thu Thủy, từ đó tên Thu Thủy cứ ăn sâu vào tâm trí chàng, bởi vậy cô ta không nhận là đúng, mà kể ra cô ta cũng hơi “khó tính”hi..thì phải…

Trong Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 739 xuất bản ngày 20 tháng 02 năm 2013 Nguyễn Đình – Bùi Thị có viết về nhà văn Phan Khôi, người góp phần dịch Kinh Thánh ra Việt ngữ cho Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đây là bài viết khá sâu sắc mà khi nó vừa có ở các quầy báo thì các đầy tớ Chúa đã tìm mua nhưng số lượng có hạn  nên cũng không còn.

Xuân Hồ cũng rất vui khi anh nhớ lại trước đây vài năm chính cô Lệ Thủy điện thoại cho anh biết bài thơ “Chiều suy tư” của Hồ Xuân Phong vừa được báo Đuốc Thiêng xuất bản ở Cộng Hòa Pháp, đăng số 91 tháng 10 năm 2007 anh vui vì Phong là đứa con đầu của anh đang  học năm thứ hai khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng…

Sau 2 năm thực tập ở Hội Thánh Tin Lành Thu Bồn vừa xong thì Viện Thánh Kinh Thần Học có thư bổ Huy Hiệu về thực tập tiếp ở Hội Thánh Tin Lành An Tân huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam theo văn thư số 215 (VTKTH)…Thế là ngõ rẽ đối với Truyền Đạo sinh (Tình nguyện) Huy Hiệu chuyển  sang một giai đoạn mới…

Một buổi sáng Chúa Nhật tháng 04 năm 2009 tại nhà Huy Hiệu lần đầu tiên khai sinh điểm nhóm Báp Tít Đức Tin huyện Thăng Bình với vỏn vẹn có mười bốn người. Họ tuyên bố là họ đồng một lòng hiệp một ý gia nhập Giáo hội Báp Tít Việt Nam (Nam Phương) trong khi đó thì Xuân Hồ ở nhà cứ chờ đón Huy Hiệu đi Hiệp nguyện ở nhà thờ Tin Lành Đại An – Đại Lộc, sẽ đi ngang qua nhà anh, chắc chắc Huy Hiệu sẽ ghé thăm…

Ngờ đâu…

… Mấy tuần lễ sau Xuân Hồ nghe tin phong phanh là Huy Hiệu đã ra khỏi Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (MN). Anh rất buồn… buồn rười rượi…buồn không thể tả…buồn như anh đã mất mát một cái gì đó quý giá lắm…

Nhưng rồi nỗi buồn cũng qua đi, anh đã đến nhóm lại với người anh em ở Hội Thánh mới để nâng đở khích lệ họ lúc ban đầu…

Tháng 07 năm 2009 Huy Hiệu được Ban Chấp hành Hội Thánh Báp Tít Việt Nam (Nam Phương) mời vào Sài Gòn để phỏng vấn và phong chức. Trong vòng 67 vị được phỏng vấn thì Huy Hiệu Chúa cho cậu đã hoàn thành tốt bài thi của mình với các kết quả sau: Bài viết 70 điểm, bài giảng 20 điểm và khẩu vấn là 10 điểm tổng điểm 100/100 vậy là cậu đạt Thủ khoa ở khóa nầy và được chọn vào trong danh sách 20 vị được công nhận và  được cấp bằng.

Tháng 09 năm 2009 Huy Hiệu lại vào Sài Gòn để Hội Đồng thẩm vấn và tấn phong Đặt tay cầu nguyện cho chức vụ mới.

Chưa tròn một năm với một Hội Thánh mới, thế mà Chúa cho mạnh mẽ, cũng cố từng bước, Ban Chấp sự hình thành và họ cùng vị Quản nhiệm tổ chức ngày lễ Ra mắt Hội Thánh Báp Tít Đức Tin Thăng Bình vào Chúa nhật 28 tháng 11 năm 2009 và Lễ cảm tạ chức vụ mới cho Huy Hiệu là Mục sư nhiệm chức. Ngày Chúa Nhật nầy lại nhằm ngày Lễ Tạ Ơn và cũng là Lễ cảm tạ sinh nhật lần thứ hai của Đình Hữu 28/11/2007-28/11/2009.

Trong chương trình lễ hôm đó có Đại diện Ban Chấp Hành Tổng Hội Hội Thánh Báp Tít Việt Nam (Nam Phương) về dự và công bố những quyết định quan trọng đối với chức vụ của Quản nhiệm và của Hội Thánh địa phương. Trong ngày lễ đó Xuân Hồ có trong chương trình đọc điện tín chúc mừng, anh tranh thủ đọc bài thơ anh vừa sáng tác đêm qua với chủ đề: “CHÚC MỪNG” Bài thơ ghép chữ cái hàng dọc như sau:

“C húa giao chức vụ chăn bầy Thánh
H ội chúng mừng vui cảm tạ Ngài
U ống ăn, làm việc vì danh Chúa
C hết sống cho Ngài vẹn tôi trung

M ừng chức vụ cha(*1) con hai tuổi(*2)
Ư ng bay cao cánh chim không mỏi(*3)
N âng bước linh trình tới Thiên môn
G ia trang Thánh hội phước trường tồn.”

Ghi chú:

(*1) Cha: Huy Hiệu nhận chức vụ Mục sư nhiệm chức năm 2009

(*2) Con: Đình Hữu sinh nhật lần thứ hai: 28/11/2007-28/11/2009

(*3) Tiên tri Ê-sai 40:31

Một năm sau Hội Thánh tổ chức được đêm Truyền giảng Tin Lành tại nhà hàng Hương Xuân, đây là lần đầu tiên mà một Hội Thánh còn non trẻ đã được Chính quyền thị trấn Hà Lam huyện Thăng Bình cho phép. Trong đêm đó có phát năm mươi xuất quà cho đồng bào nghèo, có sự hiện diện của ông Chủ tịch Hội khuyến học huyện Thăng Bình đến dự và phát biểu tri ân, cảm tạ ơn Chúa vô cùng. Đây là lần đầu tiên mà Chúa cho có ba mươi hai linh hồn trở lại tiếp nhận Chúa, trong đêm đó Xuân Hồ ngâm bài thơ: “Tiếng gọi của tình thương”một bài thơ được đăng ở báo Đặc San Hướng Đi. Vài năm trở lại đây Hội Thánh tổ chức năm lần tranh giải bóng đá Mini, cúp Đa-ni-ên. Năm đầu vô địch thuộc về Hội Thánh Trưởng Lão huyện Quế Sơn, hai năm sau chức vô địch thuộc về Hội Thánh Báp Tít Đức Tin Thăng Bình, và những năm sau nữa các Hội Thánh khác thay phiên giữ cờ Luân lưu.

Hiện nay Hội Thánh đã gầy dựng được bốn điểm nhóm lại thường kỳ, điểm nhóm Tú Nghĩa xa mười cây số, nơi đây quy tụ trên cả trăm em thiếu nhi, nhi đồng, các cô thầy đến giúp đở cho các cháu sinh hoạt đều đặn và vui vẻ, luôn tổ chức Kinh Thánh mùa hè, thông công, dã ngoại cho các em…

Ngoài ra còn một vài điểm nhóm khác không thường xuyên, vì lý do xa xôi và ít tín hữu.

Điểm nhóm xa nhất là ở Quế Phước huyện Phú Ninh xa hơn sáu mươi cây số, phải qua đèo Le rồi đi khoảng vài chục cây số nữa mới đến. Con cái Chúa nào chưa đến thăm điểm nhóm nầy, xin hãy đi một lần cho biết, vì qua đèo Le nên ăn món gà tre mà chính ông Quản nhiệm đã viết trong một Đặc San Hướng Đi gần đây…

Hội Thánh đã tổ chức được năm khóa dạy đàn Organ cho con em của các Hội Thánh khác không phân biệt hệ phái nào cả, nhằm đào tạo cho các Hội Thánh có người phục vụ âm nhạc trong nhà thờ khi thờ phượng Chúa và các sinh hoạt khác…

Mỗi khóa có chừng trên ba mươi em tham gia học và bây giờ các em đã phục vụ Chúa được rồi.

Hội Thánh còn góp phần với Xã hội bằng cách giúp hũ cháo tình thương cho bệnh viện Thị trấn Hà Lam mỗi năm 1.200.000 đồng, tuy còn rất nhỏ nhưng đây là nghĩa cử yêu thương mà Chúa chắc hài lòng vì ngày xưa Chúa thấy đoàn dân đông Chúa động lòng thương xót…

Hội Thánh cũng thường có những bữa ăn yêu thương để an ủi những người già cả, bệnh tật, những kẻ khốn cùng, những người bán vé số những người lái xe thồ…

Huy Hiệu… người hầu việc Chúa là như vậy! Chính Huy Hiệu là người khích lệ cho Xuân Hồ viết văn, làm thơ từ những ngày hai người vừa mới phục viên về nhà, ấy thế mà Xuân Hồ cứ lần lữa mãi cho đến một ngày bài “Tiếng gọi Mùa giáng sinh” được Hội Thánh.com cho đăng ngày 10 tháng 12 năm 2012 và từ đó anh tiếp tục cho đến hôm nay. Cảm tạ ơn Chúa vô cùng. Hội Thánh.com với bút danh khá quen thuộc với độc giả Xuân Hồ – Hồ Thi Thơ – Hồ Galilê cũng có lúc anh dùng chính tên của mình Hồ Xuân Được.

Truyện ngắn: “Chuyện tình Lan và Được” là bài viết dự thi mà chính Huy Hiệu khích lệ anh nhiều lắm, vì nó thai nghén từ trong lòng rất lâu mà chưa có ngày để sinh nở. Một buổi sáng thật trong lành, tiếng gà chót đã gáy báo hiêụ Mồng một Tết sắp đến…

Xuân Hồ vô tình mở chiếc điện thoại di động FPT ra, cậu gõ vào Google tìm trang Vườn Ê-đen mới, mục Cuộc thi viết truyện ngắn hiển thị: “Chuyện tình Lan và Được” bài chọn đăng số 103 tác giả Hồ Thi Thơ…

Cậu không tin nổi  ở mắt mình…cậu dụi dụi con mắt mấy lần để xem thực hư ra sao, hay là mình bị ảo giác…

Mà không…

Rõ ràng rồi…

Xuân Hồ mừng quá anh reo lên một mình cảm tạ Chúa…

Cảm tạ Chúa…

Halelugia! Halelugia! Amen!

…và từ đó lần lượt những bài tiếp theo bút danh Hồ Galilê cũng xuất hiện. Anh luôn lòng cảm tạ ngợi khen vì Chúa quá nhân từ với cuộc đời anh.

Ngày 27 tháng 10 năm 2013 là Chúa Nhật, Hội Thánh nhóm lại vui vẻ khi mà Lệ Thủy bước lên hướng dẫn Hội Thánh hát thờ phượng đầu giờ thật là hân hoan, mọi âu lo phiền muộn đều tan biến mất chỉ dành cho sự Tôn vinh ca ngợi Đức Chúa Trời…

Chiều Chúa Nhật buổi giao lưu các cây bút Quảng Nam được diễn ra ở phòng nhóm, hôm nay quy tụ nhiều Mục sư, Truyền đạo từ các hệ phái về đây, có một số thân hữu là các Thầy cô ở ngành Giáo dục cũng có mặt, có một số bạn Công giáo đến dự nghe…

Ôi! Vui thật là vui…

Sau lời tuyên bố lý do của Mục sư Quản nhiệm, có lời hoan nghinh chào mừng, thì lần lượt các cây bút xứ Quảng đã lên nói cảm tưởng của mình qua cuộc thi, nói những tác phẩm của họ ra đời ở hoàn cảnh nào…

Thật không đủ thời gian cho mỗi cây bút…

Phòng nhóm bố trí ghế dựa ngồi theo hình hột xoài, bên trong là những lọ hoa tươi thắm..trà, bánh, cà phê thật đầy đủ…

Xuân Hồ, anh rất vui như chưa bao giờ có cuộc vui như vậy, vì trong chương trình có những bài hát thật cảm động của Nhã Ca rồi bài “Đấng nắm giữ tương lai tôi” Của Hồ Xuân Phong là đứa con đầu của anh cất lên sau lời giới thiệu của Mục sư Quản nhiệm, ông luôn vui sướng và cứ nhắc đi nhắc lại Thạc sĩ, Phó Tiến sĩ văn học Hồ Xuân Phong mà làm cho lòng anh như vỡ òa muốn khóc…

Ngày nầy cũng thật ý nghĩa với anh, đó là bài “Cho đến một chiều thu”một truyện ngắn nữa của anh được Ban Giám khảo cuộc thi chọn đăng số 25 cũng là bài đầu tiên năm thứ hai đối với anh còn nhiều hứa hẹn phía trước…

Trưa hôm đó một bữa tiệc thật là ngon với tất cả mọi người…

Một ý nghĩa nữa cũng không kém, ấy là vào đêm 02 tháng 11 năm 2013 tại Dallas Texas Hoa Kỳ ban Tổ chức Cuộc thi viết truyện ngắn Cơ đốc sẽ có lễ trao giải cho các cây bút đoạt giải năm thứ nhất sẽ rất là hoành tráng, cũng chính ngày nầy bài “Còn đây kỷ niệm”của anh cũng được Ban giám khảo chọ đăng ở trang mạng Truyền thông & Xã hội Tin Lành Ca-na-da Songdaoonline.com số 27 ngày 02 tháng 11 năm 2013, vậy là anh đã có hai bài đầu tiên của năm thứ hai rồi đó, anh rất là vui…

Trở lại với Huy Hiệu là nhân vật chính trong câu chuyện nầy: Là Quản nhiệm của một Hội Thánh mới, mới vừa thành lập chưa đầy năm năm, ắt còn nhiều khó khăn, Hội Thánh rất cần những lời cầu thay của tất cả con dân của Chúa ở khắp mọi nơi. Hội Thánh rất cần những con người có tấm lòng yêu Chuá, yêu tội nhân tình nguyện ra đi truyền giảng Tin Lành… để cứu nhiều người thêm vào Hội Thánh…

Bạn thân mến!

Tôi đã từng quan sát thật kỹ, mái đầu của Huy Hiệu tóc đã ngả màu muối  tiêu hơi nhiều, phải chăng vì sương gió, vì bụi trần, mà chắc có thể tuổi gần lục tuần đã cho con người nầy, màu của thời gian còn đọng lại. Nhưng không vì thế, Huy Hiệu vẫn còn tiếp tục những ngày học lời Chúa trên đất nước Hoa Kỳ hơn cả năm nay. Huy Hiệu đã từng nói, ông không bao giờ nhuộm tóc, vì Chúa đã tạo như thế nào, thì cứ giữ nguyên vẹn như vậy, đó là cách tốt nhất Xuân Hồ ạ!

Tôi viết bài nầy như là một sự tỏ lòng biết ơn Chúa, tri ân người anh em, người Cựu chiến binh, người Cựu Thư ký, người Đồng lao, người Thầy, đã cho tôi có những cơ hội hầu việc Chúa với người, bên cạnh người…

Còn tôi chỉ là một tín hữu hèn mọn nhưng Chúa dùng tôi Cộng tác cùng hầu việc Chúa với người…

Amen!
Ghi chú:

*(1)Hội Truyền giảng Phúc Âm là một Hội có bảy mục vụ Cơ Đốc, một trong bảy mục vụ nầy là Hỗ trợ tài chính cho Nhân sự để mở mang Hội Thánh mới, giúp cho Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) lúc bấy giờ. Năm 2009 Hội đã độc lập và trở thành Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm, hoạt động trên phạm vi toàn quốc.

*(2*) Mục sư N/C Nguyễn Văn Chờ là Quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Trường An – Đại Lộc năm 1994 – 2002 lúc đó Xuân Hồ là Thư Ký Hội Thánh đồng thời là Nhân sự của Hội Truyền giảng Phúc Âm.

Hồ Galilê – 2016.

Bình Luận:

You may also like