Home Dưỡng Linh Ngày 06 – Các Trường Hợp Khác Với Tế Lễ Chuộc Tội

Ngày 06 – Các Trường Hợp Khác Với Tế Lễ Chuộc Tội

by SU Việt Nam
30 đọc

Không có tội lỗi nào được bỏ qua, cho dù lớn hay nhỏ, phạm một cách cố ý hay vô tình. Do vậy, Đức Chúa Trời hướng dẫn một vài hình thức khác của tế lễ chuộc tội.

Lê-vi Ký 5:1-13 

1 “Khi một người phạm tội vì không chịu nói ra một việc mà mình đã thấy hoặc biết, mặc dù được yêu cầu tuyên thệ làm nhân chứng cho việc ấy, thì người ấy phải chịu hình phạt. 2 Khi một người chạm đến một vật ô uế như xác của một thú rừng không tinh sạch, hoặc xác của một gia súc không tinh sạch, hoặc xác của một loài sâu bọ không tinh sạch, dù không biết đi nữa, thì người ấy vẫn bị ô uế và mắc tội. 3 Hoặc người ấy chạm đến cái gì đó không tinh sạch của loài người, bất kể bị ô uế cách nào và dù không biết đi nữa, thì cũng sẽ mắc tội. 4 Khi một người vô tình thề sẽ làm điều gì đó xấu hay tốt, thề thốt cách vô ý thức bất cứ việc gì, về sau mới nhận ra, thì người ấy sẽ mắc tội về một trong các điều đó.

5 Vậy người nào mắc tội về một trong các điều trên thì phải xưng nhận tội mình đã phạm, 6 và phải mang lễ vật đền tội dâng lên Đức Giê-hô-va là một chiên cái hoặc một con dê cái từ bầy súc vật để làm tế lễ chuộc tội. Thầy tế lễ sẽ làm lễ chuộc tội cho người ấy.

7 Nhưng nếu người ấy không đủ khả năng dâng một con chiên cái hay một con dê cái, thì để đền tội mình đã phạm, người ấy phải dâng lên Đức Giê-hô-va một cặp chim gáy hay là một cặp bồ câu con: một con dùng làm tế lễ chuộc tội, một con dùng làm tế lễ thiêu. 8 Người ấy sẽ đem cặp chim đó đến thầy tế lễ. Trước hết, thầy tế lễ phải dâng con chim làm tế lễ chuộc tội. Ông sẽ vặn cổ nó nhưng không để cho đầu con chim đứt lìa ra, 9 rồi sẽ rảy một phần máu của sinh tế chuộc tội trên một cạnh của bàn thờ, phần máu còn lại thì được vắt dưới chân bàn thờ. Đó là tế lễ chuộc tội. 10 Còn con chim thứ hai, thầy tế lễ dâng làm một tế lễ thiêu như luật định. Như vậy, thầy tế lễ sẽ vì tội người đó đã phạm mà làm lễ chuộc tội và người đó sẽ được tha thứ. 11 Nếu người ấy không có sẵn một cặp chim gáy hay cặp bồ câu con, thì người ấy phải vì tội đã phạm mà đem một ký bột lúa mì làm tế lễ chuộc tội; không nên chế dầu và cũng không để nhũ hương lên trên bột ấy, vì đó là một tế lễ chuộc tội. 12 Người ấy sẽ đem bột đó đến thầy tế lễ; thầy tế lễ sẽ bốc một nắm bột đem thiêu trên bàn thờ, cùng với các lễ vật dùng lửa dâng lên Đức Giê-hô-va. Nắm bột đó nhắc nhở rằng tất cả bột thuộc về Đức Giê-hô-va. Đó là một tế lễ chuộc tội. 13 Như vậy, thầy tế lễ sẽ làm lễ chuộc tội cho người ấy về tội mà người ấy đã phạm vào một trong những điều trên, và người ấy sẽ được tha tội. Phần bột còn lại sẽ thuộc về thầy tế lễ như trong tế lễ chay vậy.”

Suy ngẫm và hiểu

Dân Y-sơ-ra-ên phải dâng một tế lễ chuộc tội trong những trường hợp khi họ không làm những gì họ phải làm, như khi họ không thể làm chứng về điều gì họ đã nhìn thấy hoặc đã biết, khi thân thể họ chạm vào thứ gì đó không thanh sạch và họ giải quyết nó không đúng đắn, và khi họ nhận ra một lời thề mà họ đã quên, cho dù để làm điều xấu hay điều tốt (c.1-6). Đối với loại tế lễ này, dân sự có thể dâng một con chiên cái hoặc một con bò cái tơ, hoặc đối với những người không đủ khả năng làm việc này, thì là hai con chim cu hoặc hai con bồ câu. Những người thậm chí vẫn không có khả năng trên, có thể dâng một tế lễ bằng bột mịn. Đức Chúa Trời không phân biệt đối xử đối với dân sự của Ngài, là những người nhận được sự tha thứ tội lỗi của mình (c.7-13).

Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?

C.7-13 Đức Chúa Trời mong muốn tất cả dân sự có thể đến trước Ngài. Vì điều này, Ngài đã khiến cho bất cứ ai cũng có thể đến trước Ngài bằng cách cho phép họ dâng một tế lễ lựa chọn theo khả năng tài chính của mình.

Ngài ban cho tôi bài học gì?

C.5-6 Cho dù tội lỗi có nhỏ như thế nào, dân sự của Đức Chúa Trời phải thừa nhận tội lỗi của mình một cách công khai, hoàn toàn chịu trách nhiệm về nó, và tìm kiếm sự nhân từ và sự tha thứ của Đức Chúa Trời và cộng đồng của họ. Hãy đừng vội vã chắc chắn về sự tha thứ trước khi nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời và cộng đồng.

Tham khảo

5:1-6 Những câu này mô tả bốn trường hợp, trong đó các tội nhân hoặc một cách cố ý (c.1) hoặc do không biết (c.2-4) mà không làm được điều gì đó buộc phải làm. Trong bất cứ trường hợp nào trong số này, khi họ nhận ra lỗi lầm của mình, họ phải xưng ra tội lỗi của mình (c.5) và đem đến một tế lễ chuộc tội.

5:7-13 Hoặc là một con chiên, hai con chim gáy, hoặc hai con bồ câu có thể dâng làm tế lễ chuộc tội, phụ thuộc vào tình trạng kinh tế của người phạm tội. Như vậy tất cả dân Y-sơ-ra-ên có thể dâng một sinh tế có thể được chấp nhận.

Cầu nguyện: Chúa ôi, xin hãy giúp chúng con không bỏ qua một tội lỗi nào, cho dù lớn hay nhỏ, cố ý hay vô tình.

Đọc Kinh Thánh trong năm: A-ghê 1-2

Bình Luận:

You may also like