Home Cho Người Việt Đi Trong Ánh Sáng Ngày Xuân

Đi Trong Ánh Sáng Ngày Xuân

by Hồ Galilê
30 đọc

KINH THÁNH: 1 Cô-rinh-tô 10:31

“Vậy thì, hoặc ăn hoặc uống hay làm việc gì hãy vì vinh quang của Chúa mà làm”. (Bản Dịch Mới)
“Làm mọi việc, anh em phải nhắm mục đích tôn vinh Thượng Đế, dù ăn uống hay bất cứ việc gì khác”.( Bản Diễn Ý)

Ngày Xuân, ngắm cảnh hoa lá khoe sắc cùng đất trời nhân gian. Tâm hồn xuân, gieo vào khung trời xuân, lời thơ ngọt ngào xuân sắc. Lắng nghe tâm hồn mình hướng về mùa xuân. Xuân Diệu ông hoàng thơ tình yêu thì mùa xuân dường như tỏa ra ngây ngất từ trong lòng mình với bài Xuân không mùa:

Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm,
Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu
Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều
Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng.
Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng
Xuân là khi nắng rạng đến tình cờ
Chim trên cành há mỏ hót ra thơ
Xuân là lúc gió về không định trước.

Xuân Diệu kết thúc bài thơ khá độc đáo:

Miễn trời sáng, mà lòng ta dợn sóng,
Thế là xuân. Hà tất đủ chim, hoa?
Kể chi mùa, thời tiết, với niên hoa,
Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng.

Đoạn Kinh thánh duy nhất trong Kinh cựu ước của vua Sa lô môn, vị vua nổi tiếng là khôn ngoan bậc nhất trong lịch sử nhân loại, của nước Ysơ ra ên thuở xưa, ông trị vì vương quốc giàu có và hưng thịnh trước Thiên Chúa giáng sinh khoảng dưới 1000 năm. Đây là đoạn Kinh văn hay nhất viết về mùa xuân:

“…Em yêu người đẹp của ta!
Mưa đông vừa dứt, mùa hoa đã về
Cây nứt lộc, lá sum sê
Onh ca, phượng múa bên lề rừng mai
Em ơi, xuân đã lên ngai
Hoa nho thơm phức ca bài yêu đương…”

Nhã ca 2:11-13 (Bản diễn ý)

Ôi! Chúa xuân Ngài yêu nhân loại quá! Cứ ngắm nhìn thiên nhiên trong những ngày xuân mà lòng không thể nào không ca ngợi Chúa xuân. Chúa cho ta đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, ta được ngắm nhìn thấy muôn vẻ đẹp của mùa xuân.

Nhưng có một điều buồn là ngày xuân không có mãi. Hôm nay, nhìn hoa nở mai kia lại ngắm hoa tàn. Đời người ai cũng trải qua mùa xuân nầy rồi chờ mùa xuân khác. Có mùa xuân nào ở mãi với chúng ta đâu?

Ngày xuân là niềm vui của tất cả mọi người, đặc biệt là của tuổi trẻ. Trong mấy ngày xuân mọi âu lo, học tập, việc làm tạm gác qua một bên. Bên ngoài mọi nỗ lực để dồn vào ba ngày tết như sắm sửa, vui chơi, giải trí v.v…

Cơ đốc nhân dễ bị cuốn hút vào những dịp tiện bên ngoài đó, nếu không cẩn thận thì dễ bị rơi vào những cám dỗ ngày xuân. Nhờ lời Kinh Thánh mà chúng ta bước đi trong đức tin để được đẹp lòng Chúa, để sống làm vinh hiển danh Ngài. Thông điệp nầy xin gửi đến Qúy vị và các bạn mang nhan đề: ĐI TRONG ÁNH SÁNG NGÀY XUÂN.

ĐIỀU THỨ NHẤT: (Anh em hoặc ăn)

Mua sắm, chưng diện, ăn uống là điều tất yếu của con người. Nhưng nếu không phân biệt thì ăn uống dễ dẫn đến phạm tội. 1Cô-rinh-tô 11:21 “Vì khi ăn, ai cũng vội vã không chờ đợi chia sẻ cho người khác. Đến nỗi người thì đói kẻ lại quá no”. Ăn uống là vấn đề tế nhị nhất, cũng khó nói ra nhất, nhưng mà ai cũng cảm nhận được, cũng đánh giá được con người qua cách ăn. (Tân binh trong quân trường) thì ai cũng rõ điều nầy. Nếu không nhìn nhau, chắc có người sẽ đói. Người Việt chúng ta có câu: “Ăn coi nồi – Ngồi coi hướng”. Ngày xuân đi đâu cũng được mời ăn ăn, uống uống…

Người ta tập trung cho tất niên, đưa rước ông bà, cúng tế đầu năm… Con dân Chúa không cẩn thận dễ ngồi đồng bàn, cùng ăn cùng uống dễ phạm tội. Có thể đồ vật đó là dâng cho thần tượng. 1Cô-rinh-tô 10:19-20 “Tôi nói thế có nghĩa gì thần tượng, của cúng thần tượng chẳng có giá trị gì. Nhưng những lễ vật đó cúng cho ác quỷ. Vì thế ăn của cúng thần tượng là dự phần với ác quỷ. Anh em không thể vừa uống chén của Chúa vừa uống chén của ác quỷ. Không thể đồng dự tiệc của Chúa và dự tiệc của ác quỷ”.

Nhu cầu cho những ngày xuân không có gì là sai trật, nhưng nhiều người thường quên rằng sự ưa thích mong muốn của chúng ta thường vượt khỏi nhu cầu rất nhiều. Phung phí trong những ngày xuân là một cám dỗ. Nhiều gia đình nghèo túng mà vẫn vay mượn để lo cho cái tết rồi sau đó khom lưng để mà trả nợ, vì họ cứ quan niệm rằng: “Đói cũng ba ngày tết – Hết cũng ba ngày mùa”.
co-tet_TGIH

Thanh niên ưa thích chạy theo theo thời trang, nhất là nữ giới. Sự so sánh giữa người nầy với người khác, ngay cả trong nhà thờ. Sự lo sợ người khác cho mình là quê mùa, sợ bạn bè đến chơi, Hội thánh thăm viếng coi không được… Khiến cho nhiều bạn sắm sửa khá thỏa mái, nhiều khi chúng ta phung phí cho mình nhiều quá mà không kinh nghiệm phung phí cho Chúa. Như bà Ma ri đã đập vỡ bình dầu quý giá làm thơm thân xác Chúa trước khi Ngài chịu chết. Ai cũng biết mình quản lý cho Chúa, nhưng thực chất thì khác. Chúng ta cứ cho rằng tôi dâng cho Chúa đúng 1/10 còn lại 9/10 là của tôi, tôi có quyền tự do sử dụng. Nhưng chúng ta lại đang quên rằng chúng ta đã sử dụng của Chúa đến 9/10. Bên cạnh những chậu hoa đẹp đẽ vẫn thấy những két bia chất đầy, một lon bia có thể nuôi sống một người trong một ngày ở những nơi nghèo khổ. Ước gì ta tiết kiệm để dâng cho Chúa và giúp đỡ cho kẻ nghèo, vì Kinh thánh có nhắc lại ai giúp cho kẻ nghèo là cho Đức Giê-hô-va vay mượn sao?

Hội hoa xuân! Nhiều hàng hóa thật hấp dẫn phục vụ tết, nhưng bên trong là cả một sự cạnh tranh không khoan nhượng, thiếu cả tình người… Nào là pháo bông, nào là những hình thức giải trí phong phú đa dạng, nhưng đây đó vẫn còn chiến tranh, chết chóc và đói kém…

Một tiếng êm dịu thoảng qua tai ta… phải chi loài người không phạm tội từ thuở ban đầu? Trong vườn Ê-đen phước hạnh ngày xưa, phải chi Tổ phụ chúng ta không bị cám dỗ của Sa-tan mà ăn trái cấm? Phải chi… phải chi để rồi có cảnh như ngày hôm nay…? Bà Ê-va đừng vì thèm ăn trái cây cấm để rồi cả nhân loại phải đi vào tội lỗi…? Đừng đòi hỏi Thế giới nầy hoàn toàn  tốt đẹp hơn lên như mong muốn, vì nó đã bị rủa sã khi loài người bất tuân mạng lịnh mà ăn trái cây cấm. Chúng ta dễ bị rủa sã vì ăn, vì uống  một cách không xứng đáng vì sẽ mắc tội với thân và huyết Chúa, ăn uống sự rủa sã vào mình.

Tạ ơn Chúa! Chúng ta thú thật ăn là nhu cầu thiết yếu cho sự sống. Ăn cái đúng, uống cái đúng sẽ nhận được sự phước hạnh. Ta hãy mở mắt tâm linh ra rồi thấy vật ăn, của ăn quan trọng là dường nào. Nhưng quan trọng hơn cả nhu cầu sống tâm linh bội phần quan trọng hơn, vì lời Chúa có chép: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh thôi đâu nhưng nhờ mọi lời phán ra từ miệng Đức Chúa Trời”.Ma-thi-ơ 4:4. Lời phán ấy là Thánh kinh chúng ta đang dùng hằng ngày…

ĐIỀU THỨ HAI: (Anh em hoặc uống)

Phong tục Việt Nam trong mấy ngày tết khá dễ thương là dành thì giờ thăm viếng và chúc mừng. Ngoài việc đi thăm viếng anh em trong Hội Thánh, Cơ đốc nhân còn phải thăm viếng bà con, xóm làng, bạn bè. Đối với người ngoài, ít nhiều trên bàn thờ cũng có chai rượu, hay kết bia để đâu đó. Vì lý do đó, nên tết năm nào rượu bia cũng tăng giá. Khách tâm đầu ý hợp thì từ 5 đến 7 ly, khách bình thường thì cũng một vài ly xã giao. Cơ đốc nhân khó bề từ chối, sợ không dám làm buồn lòng bạn bè, bà con. Vả lại, uống một ly có sao đâu…

Chúa còn hóa nước thành rượu để đãi tiệc cưới tại Ca Na ngày xưa đó mà… Đừng thiêng liêng quá!

Phần thì không muốn người ta cho mình là “Nguyễn…Thị”.

Mặt khác chúng ta lý luận:

Tết chúng ta uống một tí cho zui chớ có nhậu nhẹt chi đâu? Thôi thì, rượu cố gắng “từ” nhưng bia thì không thể “kiếu” được. Thế là có rất nhiều lý do biện giải, an tâm rồi, hơn nữa bia chứ đâu có phải rượu…

1

Người tin Chúa ở nước ngoài về Việt Nam mình họ uống bình thường như một loại giải khát.

Không biết trước khi vào bàn nhậu lai lai Cơ đốc nhân đã cầu nguyện với Chúa chưa? Nếu có thì cầu nguyện ra làm sao? Hình như các bạn trẻ, kể cả các Trung tráng niên, thậm chí là Lão niên nữa, cảm thấy mình lạc lõng giữa một rừng người chưa tin Chúa chiếm đa số nên quan niệm của họ được lắm người đồng tình ủng hộ. Nếu không muốn là cờ rũ thì tốt nhất là nên hòa đồng. “Nam vô tửu như kỳ vô phong” mà!

Ai cũng sợ người khác buồn mà không sợ Chúa buồn. Chúng ta trở lại bàn Tiệc Thánh: Mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết cho đến lúc Ngài đến. Vậy nên, chúng ta đừng uống sự thạnh nộ vào mình. Đừng say rượu nhưng hãy say Thánh Linh Chúa.

Ở nước Đức có câu ngạn ngữ:

Bạn đứng cách xa con trâu 7 bước, con voi 10 bước và đứng cách xa kẻ say 30 bước. Kinh thánh liệt kê 24 điều tai hại về rượu.

Có mấy lời mĩa mai kẻ uống rượu say như sau:

Nhứt xị: Tâm thần khai phá.
Nhị xị: Giải phá cơn sầu.
Tam xị: Mũi chảy đầy râu.
Tứ xị: Đứng đâu té đó.\
Ngũ xị: Cho chó ăn chè.
Lục xị: Bạn bè khiêng xác.
Thất xị: Nhà xác vào nằm.

Vậy, người rượu chè bê bét, gật gù, miệng nói lãi nhãi, chân đi xịnh xoạng, đứng lên ngã xuống có làm vinh hiển Đức Chúa Trời không? Câu hỏi đó dành cho bạn trả lời…?

Ngày nay, qua thông tin đại chúng, ngành Cảnh sát giao thông đã thống kê và báo động về tai nạn giao thông do tài xế uống rượu bia gây ra từ 60-75%.

Châm ngôn 23:31 “Chớ xem ngó rượu khi nó đỏ hồng, lúc nó chiếu sao trong ly và tuôn chảy dễ dàng. Bản Diễn ý dịch như sau: Chớ để rượu hồng quyến rũ lòng con. Khi sao lấp lánh chén Quỳnh. Khi nghe róc rách (chén Quỳnh) rượu nồng chảy tuôn.

THỨ BA: (Làm sự gì khác)

Phần lớn làng quê thiếu điều kiện giải trí. Ba ngày tết thời gian rảnh rỗi, một số nhóm chuyên làm hội chợ thuê một mảnh đất rộng, dựng những gian hàng, đèn đuốc sáng choang, nhạc mạnh loa vang ầm ỉ, vào cửa miễn phí, hấp dẫn vô cùng. Thế nhưng bước vào bên trong đều tập trung một điểm chung, chơi một trò chơi gì đó ăn thua. Bỏ một ăn mười, lô tô, nhảy vòng, bắn súng, xổ số, tôm cua bầu cá, xóc xĩa v.v… Người may mắn thì nhận được một số tiền, vật… Kẻ khác mất tiền buồn thảm. Chủ gian hàng lấy tiền người thua chung cho người trúng, phần chênh lệch chủ hưởng. Cơ đốc nhân cũng cần vui chơi trong ba ngày tết điều đó không có gì là sai trật cả. Nhưng nếu bước vào hội chợ  bỏ ít tiền tìm vui  bằng những trò chơi đỏ đen thì đây là một cám dỗ ngày xuân. Có nơi tập trung tại một nhà nào đó, rồi ngồi hết ngày nầy qua ngày khác để đánh ác tê, xì dách… mất ăn, mất ngủ kiệt sức. Một số khác lại chơi vé số xuân, trong những dịp đặc biệt nầy, nhiều đơn vị kinh doanh hợp pháp, tổ chức vé số. Tấm vé in hình đẹp đẽ, mát mắt, sang trọng với những hình ảnh rất xuân, Cơ đốc nhân sa vào sự chơi vé số nầy để thử vận may. Là con dân Chúa chúng ta suy nghĩ về vấn đề nầy như thế nào? Trước hết nên nhớ rằng: Các trò chơi ăn thua trong hội chợ, tại gia đình đều có tính chất hên xui, may rủi. Mà hên xui may rủi là đối lập với đức tin. Hê-bơ-rơ 11:1 “Đức tin là thực chất những điều ta hy vọng; là bằng chứng những việc ta không xem thấy”.(BDM) Rõ ràng đức tin là không thể nói hên xui mà nắm chắc trong tay, là điều sẽ được, dù bây giờ chưa thấy chỉ đang trông mong. Nhưng nền tảng của đức tin là Chúa, nên không thể có sự may rủi trong đó. Đức tin là sự biết chắc dẫn đến sự bình an, còn may rủi là hồi hộp là chờ đợi dẫn đến sự lo âu. Không ai mua tấm vé số mà không dò, không ai đặt bầu cua tôm cá mà không nhìn vào có đúng của mình hay không? Chỉ bỏ ra một số tiền nhỏ mà mong thu lại một lợ nhuận lớn, phải chăng xuất phát từ lòng tham? Chính vì lòng tham đã thúc đẩy con người thâu tóm về cho mình những gì không do công sức mình làm ra. Một trong những điều răn Chúa dạy (điều 10) Chớ tham lam. Còn biết bao điều mê tín dị đoan, xem chỉ tay, coi bói toán, đoán bài, ếm chú, đồng cốt, xem tướng số, tử vi, xem đường công danh, sự nghiệp, đường tình duyên, vận mệnh, tiền tài v.v… Trang trí hình tượng, bày mâm ngũ quả, treo lịch thần tài, thổ địa, chụp ảnh trước đình chùa, miếu vỏ mà cho là danh lam thắng cảnh… Nên cẩn thận, nên tránh, vì điều gì tựa như điều ác thì nên tránh xa.

Trước thềm năm mới… nhìn mọi người, mọi nhà ai ai cũng đang lo tết, chuẩn bị tết và tất cả những gì mình làm được. Lòng tôi cũng cảm thấy vui vui… và tôi cũng đang chuẩn bị đón tết mừng xuân. Trong không khí nô nức hân hoan đón xuân mới… Tôi lại nghĩ về đời người, về thời gian và rồi tôi tự hỏi: Có phải mình đang chuẩn bị tất cả để đón xuân không? Nếu chỉ chuẩn bị đón xuân vui tết  trong mấy ngày xuân ngắn ngủi  thôi thì phỏng có ý nghĩa gì? Và tôi nhận ra rằng: Tôi nói riêng và Cơ đốc nhân nói chung là những người hạnh phúc hơn tất cả. Bởi chúng ta không chuẩn bị đón xuân  chóng qua mà chúng ta chuẩn bị đón Chúa xuân. Đấng ban cho chúng ta mùa xuân, mùa vui bất tận trong cuộc đời. Thật cảm tạ Chúa xuân vô cùng. Vì chính Chúa đã làm cho chúng ta trở nên một tạo vật mới ở trong Ngài như lời Ngài đã phán: “Vì vậy nếu ai ở trong Chúa Cứu Thế, người ấy là một sinh vật mới; những điều cũ đã qua đi, kìa mọi sự đều trở nên mới.2Cô-rinh-tô 5:17(BDM).

Thi sĩ Trần Nguyên Lam Bửu tác giả tập thơ Ngất ngây tình Chúa có bài:

“… Tôi ước mơ xuân sưởi ấm nồng
Cho đời lạnh lẽo bớt sầu đông
Tình xưa nhạt nhẽo không còn nữa
Một mối tình yêu đủ mặn nồng

Tôi ước mơ xuân sưởi ấm lòng
Cho người nặng tội gánh hư vong
Ăn năn sám hối về bên Chúa
Tìm được bình an được cảm thông…”

Tác giả Hữu Lân có mấy vần thơ Xuân mà tôi hằng tâm đắc qua bài MỪNG XUÂN:

Thắm thoắt xuân qua xuân lại đến
Tình xuân trong Chúa đậm đà thêm
Xuân về nhìn cánh hoa hoa mai nở
Tình yêu Thiên Chúa đậm đà thêm.

Năm mới mừng xuân trong ý Chúa
Chúc cho tuổi trẻ phước hạnh nhiều
Chúc cho Hội Thánh đều vui thỏa
Dư dật bình an lẫn thương yêu.

Chúc cho Thiên Chúa khắp mọi nhà
Thánh Linh thắm lại nở đầy hoa
Người người vinh hiển trong danh Chúa
Thành kính chúc mừng – Ha lê  lu gia.

Kính chúc toàn thể Mục sư – Truyền đạo – Tín hữu và Qúy vị Thân hữu

Một Mùa Xuân Bính Thân 2016 Tràn đầy Hồng ân Thiên Chúa.

Hồ Galilê – Xuân 2016.

Bình Luận:

You may also like