Home Dưỡng Linh Ngày 16 – Phúc Âm Của Sự Chữa Lành Và Ăn Năn

Ngày 16 – Phúc Âm Của Sự Chữa Lành Và Ăn Năn

by SU Việt Nam
30 đọc

Để đến với Đức Chúa Jêsus khi chúng ta đang trong đau đớn, cô đơn hoặc đau khổ, chúng ta đơn giản chỉ cần đức tin rằng Đức Chúa Jêsus đang dõi theo chúng ta.

Lu-ca 5:12-26

12 Khi Đức Chúa Jêsus đang ở trong thành kia, có một người mắc bệnh phong hủi đầy mình, thấy Ngài thì sấp mặt xuống đất van xin: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể khiến con được sạch!” 13 Đức Chúa Jêsus giơ tay chạm đến người ấy và phán: “Ta muốn, hãy sạch đi!” Lập tức, bệnh phong hủi biến mất. 14 Ngài truyền dặn anh ta không được nói với ai và bảo: “Hãy đi trình diện với thầy tế lễ và dâng tế lễ về việc con được sạch, theo như Môi-se dạy, như một lời chứng cho mọi người.” 15 Danh tiếng Ngài ngày càng vang lừng; đông đảo quần chúng tụ họp để nghe Ngài và để được chữa lành bệnh. 16 Nhưng Ngài lánh vào nơi thanh vắng để cầu nguyện.

17 Một ngày kia, Đức Chúa Jêsus đang giảng dạy, có những người Pha-ri-si và các thầy dạy luật từ các làng trong miền Ga-li-lê, Giu-đê và từ thành Giê-ru-sa-lem đến ngồi tại đó. Quyền năng của Chúa ở với Ngài để chữa lành bệnh tật. 18 Kìa, có mấy người khiêng một người bại liệt trên giường đang tìm cách đưa người ấy vào trong nhà và đặt trước mặt Ngài. 19 Vì đông người quá, không thể đem người bại liệt vào được, nên họ trèo lên mái nhà, dỡ ngói ra, rồi dòng cả người lẫn giường xuống trước mặt Đức Chúa Jêsus, giữa đám đông. 20 Thấy đức tin của họ, Ngài phán: “Hỡi con, tội lỗi con đã được tha!” 21 Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si bắt đầu thắc mắc: “Người nầy là ai mà dám nói phạm thượng như thế? Ngoài Đức Chúa Trời, ai có quyền tha tội?” 22 Nhưng Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng họ, nên phán rằng: “Tại sao các ngươi thắc mắc trong lòng như vậy? 23 Giữa hai cách nói: ‘Tội lỗi con đã được tha,’ hoặc: ‘Hãy đứng dậy bước đi,’ cách nào dễ hơn? 24 Nhưng để các ngươi biết rằng Con Người ở thế gian có thẩm quyền tha tội…” Ngài phán với người bại liệt: “Ta bảo con: Hãy đứng dậy, vác giường trở về nhà!” 25 Lập tức người bại liệt đứng dậy trước mặt họ, vác giường mình đã nằm, và đi về nhà, tôn vinh Đức Chúa Trời. 26 Mọi người đều kinh ngạc và tôn vinh Đức Chúa Trời. Họ sợ hãi nói: “Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ thường!” 

Suy ngẫm và hiểu

Câu hỏi của người phung: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn…?”, thật sự là một câu hỏi hỏi rằng liệu Đức Chúa Jêsus có chăm xem những người đang bại hoại về tôn giáo và liệu Ngài có quan tâm đến nỗi đau của những người bị cô lập khỏi cộng đồng hay không. Đáp lại, Đức Chúa Jêsus đã vươn tay Ngài ra chạm tới người phung và chữa lành cho người ấy (c.12-16).

Đức Chúa Jêsus cũng đã chữa lành một người bại liệt, nhưng Ngài đã không chỉ chữa lành bệnh thuộc thể của người bại liệt, mà Ngài còn tha thứ cho tội lỗi của người này, phục hồi đức tin và mối quan hệ của người đó với cộng đồng (c.17-26).

Đức Chúa Jêsus là Đấng như thế nào?

C.12-14 Đức Chúa Jêsus đã chữa lành người phung, người mong ước được lành qua đức tin. Lẽ ra Ngài chỉ cần phán với người đó, nhưng thay vì thế Ngài đã rờ đụng vào người phung và chữa lành cho anh ấy. Người phung này đã từng bị kết tội là tội nhân vì tình trạng của mình, chẳng có ai muốn đến gần anh ta cả, vì thế anh đã bị bỏ ở một nơi cô quạnh để chết. Nhưng sự rờ đụng của Đức Chúa Jêsus là một sự rờ đụng của tình yêu thương và sự chữa lành, ban cho sự sống mới và sự an ủi ấm áp. Vào chính lúc sự rờ đụng của Đức Chúa Jêsus, mọi sự kỳ thị và sự cô đơn mà người này đã từng phải chịu đựng đã biến mất, và Phúc Âm của nước Trời hiệp một mọi người thành một gia đình, đã được bày tỏ. Cộng đồng mà chúng ta sống ở trong đó có cho phép những người bị cô đơn và đang trong đau đớn tiếp nhận sự chữa lành, sự an ủi và niềm hy vọng không?

C.18-20 Đức tin của những người đã chiến thắng tất cả những trở ngại và khó khăn để mang người bạn bại liệt của họ đến với Đức Chúa Jêsus, đã cứu người bại. “Lòng thương xót” của Chúa trên người đau bệnh và “đức tin” của những người đó nơi Chúa, đã kết hợp để thực hiện công việc lớn lao này. Có phải những người hàng xóm láng giềng quanh chúng ta, là những người yếu đến nỗi không thể tự đứng được, hay không? Chúng ta đừng đánh mất đức tin, điều ban quyền năng cho chúng ta để không ngừng yêu thương những người đó.

Tham khảo

5:16 nhưng Ngài lánh vào …để cầu nguyện. Cấu trúc câu bằng tiếng Hy Lạp cho thấy một sự thực hành liên tục và cũng có thể được dịch là “thường lánh đi và cầu nguyện” (động từ thời quá khứ chưa hoàn thành cộng với hai phân từ hiện tại). Đoàn dân đông cứ tăng dần lên, nhu cầu không ngừng vào thời Đức Chúa Jêsus, và thực tế là chẳng một ai khác có thể bắt chước được chức vụ của Ngài, cũng không ngăn trở được việc Đức Chúa Jêsus dành nhiều thời gian trong sự cầu nguyện.

5:21-22 Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si thường được đi đôi với nhau trong Phúc Âm. Đức Chúa Jêsus đã không phủ nhận rằng chỉ  một mình Đức Chúa Trời mới có thể tha thứ được tội lỗi, nhưng đã công bố rằng Ngài có thẩm quyền (là “Con Người”, 5:24) để tha thứ tội lỗi. Nếu điều này không thật, thì Đức Chúa Jêsus sẽ phạm tội lộng ngôn. Đức Chúa Jêsus đã nhận biết ý tưởng của họ, một dấu hiệu của sự toàn tri thiên thượng (so sánh với Ma-thi-ơ 9: 4; Mác 2:8).

Cầu nguyện: Hỡi Chúa nhân từ, chúng con cảm tạ Ngài vì đã ban cho chúng con sự tự do khỏi những kìm kẹp của tội lỗi.

Đọc Kinh Thánh trong năm: Xuất Ai Cập Ký 1-4

Bình Luận:

You may also like