Home Tôi Viết Tùy Bút Xuân – Trong Miền Ký Ức Yêu Thương

Tùy Bút Xuân – Trong Miền Ký Ức Yêu Thương

by Hồ Galilê
30 đọc

Sáu năm quân ngũ đã trôi qua, một thời gian dài thườn thượt… Thành Luân mơ một ngày trở về quê nhà để đi nhóm thờ phượng Chúa cùng với Hội Thánh.

Sáng nay ngày Chúa nhật đầu năm, năm một ngàn chín trăm tám mươi ba Thành Luân dậy sớm hơn mọi ngày. Vẫn quỳ gối cầu nguyện trên giường trước khi bước xuống đất, vì đây là thói quen của cậu. Sở dĩ có được điều ấy là từ trước năm một ngàn chin trăm bảy mươi lăm, Thành Luân đã ở trọ trong nhà với Mục sư Trần Tuôi năm để đi học Trường Trung học phổ thông Đại Lộc. Trong những giờ thờ phượng Lễ bái hằng đêm, đã cho cậu cái giờ tỉnh nguyện quý báu này.

Cà phê tốc hành và điểm tâm vội với đĩa xôi mẹ nấu đêm qua. Cậu đi bách bộ đến nhà thờ. Giáng sinh đã qua từ lâu và mùa xuân thì đang đứng trước cửa. Mùa xuân về cũng là lúc hoa xoan nở. Khi những giọt mưa xuân dịu nhẹ rơi xuống, đánh thức những chùm hoa như xòe ra, từng vạt xoan nở rộ, cánh trắng nhỏ li ti, nổi bật nhụy tím biếc.

Thường thì ít ai để ý đến chúng, cho đến khi thấy hoa xoan rụng khắp các vườn nhà lối đi. Nghe trong gió heo may, cái mùi hương hăng hắc nồng nồng, chỉ đến khi mùa hoa xoan nở, cái sắc tím ấy rắc cả lối đi thì người ta mới nhận ra mùa xuân đã về. Đến nhà thờ thật sớm, ngỡ ngàng vì đã sáu năm rồi xa nó, quen thuộc vì cậu đã từng ở đây một thời gian của thời niên thiếu. Điều đầu tiên là Thành Luân đi vội về phía sau nhà thờ để xem thử cây khế còn hay mất. Không biết vì sao mà cây khế lại trồng sát góc nhà thờ, thân ôm gọn vào bờ tường cao vút. Nghe người ta nói cây khế mà trồng gần tường vôi quả sẽ ngọt lắm.

Mà đúng như vậy, cậu đã từng ăn nó, và lũ học trò ngày xưa của Trường Tư thục Tin Lành Bình Minh thường bò qua hàng rào kẽm gai để trèo lên hái trộm ăn làm Thành Luân phải dí chúng nó chạy không biết bao nhiêu lần. Nghe đâu Ông Thủ Tề là hạt giống trái đầu mùa của Hội Thánh người làng Ô Gia Bắc bên kia sông Vu Gia đem sang trồng từ những năm thập niên sáu mươi của thế kỷ trước.

Cây khế nầy là cả một kỷ niệm của cậu với người bạn gái trong Hội Thánh tên là Diễm My. Họ đã bị ngã theo tàn cây từ độ cao trên mười mét, vì ham hái trái trên cao nhưng tán gốc bị sâu trùng đục, nhánh đã gãy mang hai nhà du hành vũ trụ đáp xuống mặt đất một cách nhẹ nhàng. Không sao cả, vì bên dưới có những bụi chuối rất to, lá rất nhiều nên khi đổ xuống chúng đã đã chở che cho họ, nhưng để lại cho Thành Luân một vết thẹo ở nơi ống chân còn đến ngày nay.

Sáu năm trôi qua, Diễm My ở nhà gắn bó Với Hội Thánh. Rồi cô thi vào Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Ra trường cô về và được nhận vào dạy tại Trường Trung học phổ thông Đại Lộc khoa Ngữ văn. Diễm My đã có gia đình và có cô con gái đầu vừa tròn ba tháng tuổi thì cũng là lúc Thành Luân phục viên sau sáu năm trong quân ngũ. Thành Luân khi ấy thì rong ruỗi theo đường binh nghiệp, rày đây mai đó trên khắp chiến trường Đông bắc đến Tây nam Campuchia. Thành Luân còn giữ cuốn lưu bút ngày ra đi, trong đó Diễm My tặng cậu mấy vần thơ làm hành trang kỷ niệm:

“… Rất có thể mình xa nhau bất chợt
Anh giữ làm kỷ niệm lúc chia ly
Em cũng tự giữ cho mình một chút
Làm hành trang giây phút lúc phân kỳ

Và nếu nếu chúng mình còn sống sót
Hẹn ngày về ta nhắc lại chuyện xưa
Những ký ức bạn bè thời xa lắc
Bỗng tưng bừng nhảy múa giữa trang thơ…”

Thành Luân giữ nó suốt những năm tháng ác liệt tại chiến trường. Rồi nó cũng theo cậu dần một năm huấn luyện ở Trường Quân chính Quân khu 7 khi cậu đang được đào tạo khóa Sĩ Quan Sự Bị, rồi đến hôm nay nó cũng theo về với cậu trong buổi nhóm đầu tiên. Không khí ấm áp thuở nào tràn vào lòng cậu, có điều lạ là Hội Thánh bây giờ có đông hơn một chút, lạ hơn nữa là mọi người cứ như trố mắt nhìn vào cậu, một anh lính đã phục viên rồi mà vẫn mặc quân phục đi nhà thờ.

Trước giờ Mục sư Phan phụng Phương giảng luận thì người hướng dẫn chương trình là Diễm My mời Thành Luân lên có lời thăm hỏi Hội Thánh, mặc dầu cô chưa báo trước cho cậu biết. Thành Luân bối rối một chút, nhưng rồi với bản lĩnh người lính cậu đã lấy lại bình tâm ngay. Sau lời chào thăm ngắn gọn, cậu cúi chào và xin phép đi xuống. Nhưng ngay lúc đó, Mục sư ngồi hàng ghế đầu ông vội đứng lên và đi về phía cậu chìa tay ra bắt. Vì quá xúc động Thành Luân đã ôm chầm lấy ông, nước mắt lưng tròng. Thành Luân bất chợt nhớ lại sáu năm về trước…

Trước giờ giao quân cậu đã vội vã lén đơn vị mang cả ba lô chạy ào vào nhà thờ khi mà Hội Thánh đang nhóm. Biết không còn thời gian kịp nữa Thành Luân chạy lên trước mặt Hội Thánh có lời chào ra đi và nhờ Mục sư đặt tay cầu nguyện chúc phước cho cậu. Cậu chạy ra để về kịp giờ giao quân…

Mục sư bảo cậu dừng lại, và nhường giờ giảng cho cậu làm chứng. Cả Hội Thánh đồng tình lắng nghe.

…Kính thưa ông bà Mục sư Quản nhiệm!

Kính thưa quý vị trong Ban Chấp sự cùng các Ban ngành!

Kính thư toàn thể Ông bà anh chị em, cùng các cháu thân mến…

Lần lượt cậu lướt nhanh những ơn lành và sự thương xót quan phòng của Chúa đối với cậu qua những năm tháng gian lao ác liệt tại chiến trường. Cậu cảm ơn Ông bà Mục sư cùng tất cả con cái Chúa trong Hội Thánh ở nhà đã lo tang lễ ba cậu. Lúc đó quá khó khăn, Chính quyền kỳ thị tôn giáo, Mục sư phải nhẫn nhục đương đầu mới làm được lễ tang cho ba cậu.

Nói đến đây tín hữu nhớ nhiều đến Chấp sự Hồ Thành Minh là ba của cậu. Một Chấp sự mẫu mực trung tín yêu mến Chúa. Cậu kết thúc với lời Cảm tạ ơn Chúa, cảm ơn tất cả mọi người đã dõi theo và cầu nguyện cho cậu suốt mấy năm qua. Cậu cúi chào và đi xuống. Một vài tiếng vỗ tay thưa thớt rồi bỗng dưng như nước vỡ bờ, những tràn pháo tay cứ thế, cứ thế vang dội. Đây là một chuyện lạ ít được xảy ra cho một Hội Thánh Tin Lành truyền thống. Và từ buổi nhóm đó về sau không khí cứ như vui vẻ sinh động hơn lên.

Ba tháng sau Mục sư Phan Phụng Phương tổ chức Hội đồng để bầu Ban Chấp sự mới. Và đây cũng là lần đầu tiên mà Hội Thánh được bầu cử. Suốt mười lăm năm, sau ngày đất nước thống nhất Hội Thánh tuy có Ban Chấp sự ngày trước năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm còn lại với danh nghĩa nhưng thực chất là gia đình Mục sư lo liệu cả. Vì những năm tháng đó có ai còn đứng vững vàng đâu, chứ đừng nói chi là lảnh vào mình cái chức mà luôn bị theo dõi. Ngày Hội đồng khai mạc, Mục sư cầu nguyện và chủ trì. Sau khi giảng lời Chúa về trách nhiệm Chấp sự là lúc bước vào bầu cử. Ngày ấy chưa có Hiến chương, điều lệ để áp dụng, nên ông đề nghị cử Thành Luân làm Thư ký Hội đồng và Thư ký Hội Thánh luôn một thể. Ai đồng ý thì giơ tay biểu quyết. Thế là cả Hội Thánh đồng loạt giơ tay 100% mà không một lời bàn tán dị nghị. Kế tiếp là ông và tín hữu đề cử hàng loạt Nhân sự rồi cũng cả Hội Thánh đồng thanh ủng hộ.

Hội Thánh đã bắt đầu bước vào một chặng đường mới trong sinh hoạt. Thành Luân cứ nhớ hoài, ngày ấy gia đình Mục sư sống rất khó khăn. Mục sư cũng đi làm ruộng, nhổ mạ, trồng khoai, tỉa bắp mà vẫn không đủ ăn. Có lần cậu vô tình đến gặp gia đình Mục sư đang ăn trưa, cả nhà gần mười miệng ăn mà trên bàn không thấy gì cả ngoài mấy đĩa mắm cái nướng khô để quặc ăn. Cậu đã đổ nước mắt mà biết làm sao được khi mà mọi nhà vẫn như thế…

Sau nầy Thành Luân đã có gia đình, trong vòng những người anh em bạn rễ với cậu trong gia đình, Hoàng Thông là người giàu có thường hay mổ lợn liên hoan. Vì cậu ta làm hợp đồng với Hợp tác xã chuyên cung cấp giống cây trồng để phủ xanh đất trống đồi trọc cho toàn Huyện lúc bấy giờ. Năm đó người em nầy cho cậu năm kg thịt. Mỹ Lan vợ cậu đã đem muối để dành ăn lâu ngày. Một hôm Mỹ Lan vắng nhà Thành Luân lựa những miếng thịt thật ngon, thật nạt hơn một nữa đi kỉnh Mục sư, chỉ còn lại những miếng mỡ và nhiều da. Thế mà Mỹ Lan vui vẻ và bảo cậu tuần tới đi nhóm anh nhớ đem kỉnh cho Mục sư mười kg gạo ngon đấy nhé!

Mỹ Lan còn nói, gia đình Mục sư đông con gạo không đủ ăn, có lần Mỹ Huyền là em Mỹ Lan có nói cho cô nghe, là tối thứ bảy hằng tuần trong bửa cơm tối bà Mục sư luôn đơm cho ông một bát cơm đầy hơn để ông có đủ sức giảng dạy ngày mai… Thông tin nầy có được là từ Quỳnh Như là bạn cùng Mỹ Huyền, con Mục sư kể cho nghe. Mười chín năm đã trôi qua, ông hầu việc Chúa ở Hội Thánh An Trường đã qua nhiều thăng trầm, buồn tủi với nước mắt dường như đã cạn khô, có lúc tưởng chừng khó mà trụ vững. Những căn bệnh quái ác luôn làm ông đau quằn quại, như bệnh bạch sang trùng, giun móc ngày ấy làm gì có thuốc chữa trị. Thêm vào đó, là những nghi ngờ về phía Chính quyền làm ông phải đối diện với những khủng hoảng trong tâm trí… Thế rồi Chúa cũng gìn giữ để ông Mục sư vượt qua.

Công khó của ông để lại đó là giữ được phần đất của nhà thờ khi mà Chính quyền mới muốn trưng thu. Trường Tiểu học Tư thục Tin Lành Bình Minh là của Giáo hội thế là thời điểm đó Chính quyền buộc đòi Hội Thánh phải hiến. Vì trước áp lực cao Mục sư đành phải chịu nhượng bộ. Trong biên bản ngày ấy Mục sư lập thành hai bản. Trong văn bản ông có viết Ban Trị sự chúng tôi đồng ý hiến “Tường” cho nhà nước. Vậy là họ đến đập và mang sắt, thép, gạch đem đi về làm nơi khác, trường học chỉ còn là bãi đất đá hoang hóa. Sau nầy họ đòi lấy luôn mảnh đất của ngôi trường cũ, Mục sư không chịu. Họ đánh giấy mời ông lên Trụ sở làm việc.

Ông vẫn ôn tồn nhẫn nhục. Ông trình tờ biên bản photocopy có chữ ký của người đương nhiệm. Trong biên bản ghi rõ chúng tôi Ban trị sự Hội Thánh đồng ý hiến “Tường” vậy quý vị đã lấy đi tất cả bờ tường còn gì. Chúng tôi đâu có hiến “Trường” Vì trường bao gồm nguyên liệu vật chất được làm trên mảnh đất đó, nó là bất động sản, là đất đai, là sản nghiệp do toàn thể giáo dân đóng góp xây dựng bao đời nay, thì làm sao chúng tôi có quyền hiến nó cho bất cứ một ai .  Lúc nầy người đương nhiệm mới ngẩn tò te, vì bản của họ đã để thất lạc đâu rồi.

Cảm tạ ơn Chúa, Ngài đã ban cho ông có sự khôn ngoan mới giữ được phần đất còn lại để có ngày hôm nay Hội Thánh xây dựng đàng hoàn, khuôn viên rộng rãi, nhà Chúa khang trang đẹp đẽ. Bây giờ ông đã hưu hạ về sống ở ngoại vi Thành phố Đà Nẵng. Tôi có nghe tin gần đây ông có đau ốm nhiều, và tôi luôn cầu nguyện cho ông và gia đình con cái ông nữa. Cảm tạ ơn Chúa, những người con của ông bây giờ đang là những Mục sư, Mục sư Tiến sĩ đang hầu việc Chúa ở nước ngoài, nghe đâu cháu nội gái của ông cũng đã lấy bằng tốt nghiệp Tiến sĩ y khoa Hoa Kỳ. Rể ông cũng là những Mục sư đang hầu việc Chúa trong nước.

Là Thư ký Hội Thánh cùng hầu việc Chúa với ông bà Mục sư,  trong những năm tháng còn vô vàn khó khăn, ấy thế mới thấy hết được cái giá trị tình cảm là cao quí và đáng trân trọng là dường nào. Thành Luân và Diễm My là những hạt giống được Mục sư Phan phụng Phương ươm mầm nơi đất tốt, họ đã có gia đình riêng tư, Chúa cho họ có con cái trưởng thành và yêu mến Chúa.

… Rồi đến một ngày ông phải rời nhiệm sở để đi hầu việc Chúa nơi mới. Ngày chia tay với gia đình Mục sư, chiếc xe đò cũ kỷ chạy bằng than đốt, chở gia đình ông bà và con cái ra đi có sự hiện diện của Thành Luân và Diễm My, con cái của họ cũng có mặt đưa tiễn. Những giọt nước mắt tuôn dài ướt đẫm cả bờ mi.

Thành Luân và Diễm My đã thực sự lấy lại thăng bằng để sống và hầu việc Chúa. Một trang mới trong cuộc đời với bao điều tốt đẹp đang được mở ra và trải rộng để đón chào hai người.

Thành Luân coi đây là một kỷ niệm như là câu chuyện Giô-suê khi đưa dân sự qua sông Giô đanh tiến vào đất hứa Ca-na-an ngày xưa. Mà mỗi Chi phái phải cử một người vác một hòn đã giữa sông để dựng thành 12 hòn đá trong đêm ngủ đầu tiên bên kia bờ. Để trả lời cho con cháu họ khi hỏi đến. Thành Luân thích câu Kinh Thánh nầy của cố Mục sư Tiến sĩ Lê Hoàng Phu trong bản diễn ý ông dịch: “… Đồng bào sẽ kể cho chúng nó nghe việc nước sông Giô đan ngừng chảy khi Rương giao ước của Chúa đi qua. Như thế các tảng đá ấy sẽ trở nên một đài kỷ niệm của người Y-sơ-ra-ên mãi mãi…” Giô-suê 4:7

Bạn thân mến!

Ngày Xuân, ngắm cảnh hoa lá khoe sắc cùng đất trời nhân gian. Tâm hồn xuân, gieo vào khung trời xuân, lời thơ ngọt ngào xuân sắc. Lắng nghe tâm hồn mình hướng về mùa xuân. Xuân Diệu ông hoàng thơ tình yêu thì mùa xuân dường như tỏa ra ngây ngất từ trong lòng mình với bài Xuân không mùa:

“… Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé
Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa
Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa
Lúa thanh sắc ngẫu nhiên trong áo rộng…”

Còn đối với Thi sĩ Trần Nguyên Lam Bửu tác giả tập thơ Ngất ngây tình Chúa có bài:

“… Tôi ước mơ xuân sưởi ấm nồng
Cho đời lạnh lẽo bớt sầu đông
Tình xưa nhạt nhẽo không còn nữa
Một mối tình yêu đủ mặn nồng

Tôi ước mơ xuân sưởi ấm lòng
Cho người nặng tội gánh hư vong
Ăn năn sám hối về bên Chúa
Tìm được bình an được cảm thông…”

Cảm tạ ơn Chúa! Ngài cho chúng ta có một thời kỷ niệm, nó như một con sông quá vãng cứ chảy mãi trong lòng ta. Dù cho thời gian phôi pha, tháng năm có vùi dập… Có thể cũng có lúc ta nhạt lòng, hờ hững từ đâu cứ chắn, cứ xô, cứ lấp không cho ta được nối dòng với hiện tại. Nên Thành Luân phải viết khúc thương nầy, như là Tùy bút Xuân để còn hoài niệm: “Trong miền ký ức yêu thương”. Của ngày xa xưa ấy để gửi Sống Đạo Online – Hội Thánh.com và Oneway Radio.

Hồ Thi Thơ – Xuân 2016.

Bình Luận:

You may also like