Home Cho Người Việt Thiên Chúa Trở Thành Con Người

Thiên Chúa Trở Thành Con Người

by Hồ Galilê
30 đọc

“Ngôi Lời đã giáng thế làm người, cư ngụ giữa chúng ta, tràn đầy ân sũng và chân lý. Chúng tôi đã tận mắt chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài, là vinh quang của Con Một đến từ Cha”. (Bản dịch mới). Giăng 1: 14

I/ XUẤT XỨ CỦA ĐẠO

Sách Sáng thế ký đoạn  1 câu 1 chép: “Ban đầu Thượng Đế sáng tạo trời đất”.

Sách Phúc âm Giăng chương 1 từ câu 1 đến câu 4 chép:

“Ban đầu có Chúa Cứu Thế, Chúa Cứu Thế ở với Thượng Đế từ nguyên thủy vì Ngài là Thượng Đế ngôi hai. Chúa Cứu Thế đã sáng tạo muôn vật, mọi loài trong vũ trụ đều do tay Chúa tạo nên. Chúa Cứu Thế là Nguồn Sống bất diệt. Nguồn Sống ấy soi sáng cả nhân loại”. (Bản diễn ý).

Từ “Ban đầu” mà Thánh Giăng nói ở đây không phải là ban đầu của sự hóa thành nhục thể, cũng không phải là sự khởi đầu của cái chết và phục sinh của Ngài, mà từ “Ban đầu” ở đây là ban đầu trong cõi vô cùng tận. Sáng thế ký 1: 1 “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất”. Ban đầu đó, nơi mà Chúa Giê-Su là Ngôi Lời, ở đời đời cùng Đức Chúa Trời. Đức Chúa Cha. Cô lô se 1: 15-17: “Ấy chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được, là Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên”. Có bản dịch: “Ban đầu có Đạo, Đạo ở cùng Thượng Đế và Đạo là Thượng Đế”. Ngôi Lời là Đức Chúa Trời, những gì Ngôi Lời làm là Đức Chúa Trời làm.

Nho giáo khi luận về Đạo cũng đã dạy: “Phù đạo nhất nhi dĩ hỹ” nghĩa là Đạo ra từ Đấng dựng nên trời đất. Đạo chính đáng chỉ có một mà thôi. Theo chính lý mà xét, thì một đứa con không có hai cha, nước không có hai Chính phủ. Thân thể con  người không thể có hai đầu, con chỉ có một cha, thì gia đình cũng chỉ có một gia giáo, nước chỉ có một Chính phủ thì cũng có một Hiến pháp mà thôi. Cõi trời đất được dựng nên chỉ có một Đấng Tạo hóa là Đức Chúa Trời mà thôi, thì làm sao Đạo có hai được. Đức Chúa Trời chỉ có một, Đạo cũng chỉ có một. Nhãn quan thuộc linh của loài người đã bị mờ ám nên con người không biết chính Đạo. Nếu Đức Chúa Trời không ban ơn cứu độ và hướng dẫn thì loài người cứ chịu tối tăm đời đời và phải chết trong tội lỗi của mình. Rô-ma 3: 23 chép: “Vì mọi người đều đã phạm tội hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”. Tiên tri Ê-sai 9: 2 đã nói: “Dân đi trong nơi tối tăm đã thấy nguồn sáng lớn” và câu 6 của đoạn 9: “Vì chúng ta một con trẻ được sinh ra. Một con trai được ban cho loài người để cầm quyền tể trị, Người có tên là Đấng dịu kỳ, Đại mưu sĩ. Thượng Đế toàn năng. Cha vĩnh cửu và Chúa hòa bình”.

II/ ĐẠO ĐÃ VÀO ĐỜI

Phúc âm Giăng chương 3 câu 16 chép: “Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại, đến nỗi hy sinh con một của Ngài. Để tất cả những người tin nhận con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh cửu”. Phúc âm Giăng 1:14 chép: “Chúa Cứu Thế mang lấy hình hài thể xác của con người, sinh hoạt giữa chúng ta đầy tràn ân phúc và chân lý. Chúng tôi đã ngắm nhìn vinh quang rực rỡ của Chúa Cứu Thế. Đúng là vinh quang con một của Thượng Đế”.

Cảm tạ Đức Chúa Trời bởi lòng yêu thương lớn lao của Ngài đối với loài người mà Đạo Trời đã vào đời để cứu độ chúng sinh. Vì Đạo Trời rất mầu nhiệm đã mở mắt thuộc linh cho loài người tối tăm. Thánh Giăng đã viết sự nhập thể của Ngài bằng một ngôn ngữ rất đơn giản: “Ngôi Lời ở thế gian, Ngôi Lời trở nên xác thịt”. Lần đầu tiên Đấng Tạo Hóa đã trở thành tạo vật. Đấng ban sự sống được sinh ra trong trần thế. Đức Chúa Trời vĩ đại giờ đây xuất hiện trong thân thể loài người, bằng sự giáng sinh của Ngài qua một em bé sinh ra nằm trong máng cỏ. Hài nhi Jêsus chính là món quà mà Thiên Chúa ban tặng cho con người tội lỗi chúng ta.  Món quà ấy trở thành vô giá, bởi vì chính nó trở thành sinh tế chuộc tội cho chúng ta. “Mọi việc đã được trọn rồi Ngài gục đầu và trút linh hồn”.Giăng 19: 30. Chúa chết trên Thập tự giá là món quà cụ thể nhất, xuyên suốt từ Giáng sinh qua Thương khó, đến Sự chết, vì không đổ huyết thì không có sự tha thứ. Không có một Giáo chủ nào trên thế gian nầy trả giá sinh mạng của mình để đền tội cho tín hữu của họ. Chính sinh mạng của họ cũng có chỉ là một cá thể nhỏ nhoi, thì  làm sao đền tội muôn triệu người trên đất mà Đức Chúa Trời đòi hỏi sự công bình thánh khiết của Ngài.

christchristmas2

Ngài đã từ bỏ Thiên đàng vinh quang để đến thế gian ô trược nầy, Ngài là Thượng Đế toàn năng, vĩ đại vì yêu con người nên phải hóa thân thành nhục thể. Ngài là Đấng Tạo hóa, tạo dựng muôn loài vạn vật, vì yêu con người nên Ngài đã trở thành một em bé, được sinh ra trong cái chuồng chiên máng cỏ nghèo nàn. Ngài yêu tôi và yêu bạn, ngài yêu thương tất cả mọi người, Ngài không muốn loài người bị chết mất đời đời nơi hồ lửa địa ngục. Ngài đã giáng sinh làm người. Ngài đem đến cho con người ân sũng cứu độ, một kỷ nguyên hạnh phúc, thanh bình như mấy câu thơ của Thi sĩ Tường Lưu:

“…Chúa đến đem mùa xuân kỷ nguyên
Đổi thay lòng đá gội ưu phiền
Thập hình bắt nhịp cầu thông cảm
Cứu rỗi người tin đến Thượng Thiên…”

Dẫu vậy, loài người vẫn không nhìn nhận, và họ đã từ khước Ngài. Giăng cho thấy rõ bản ngã con người như sau: “Nhưng đến thế gian chẳng từng biết Ngài. Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình không hề nhận lấy”. Chúa Giê-Su là gốc của Đạo từ Đức Chúa Trời cũng là Đạo chung của cả loài người. Vậy, Đạo là Đức Chúa Trời đã trở thành con người để cứu con người. Qua sự hy sinh của Đạo là Chúa Giê-Su đã tình nguyện chết trên thập tự giá ở đồi Gô gô tha năm xưa. Huyết Ngài đã đổ ra để chuộc tội lỗi cho cả loài người. Đạo đã chết và Đạo đã sống lại, phục sinh vinh hiển về Trời và một ngày kia Đạo sẽ trở lại, tái lâm khải hoàn. Xét đoán, ban thưởng công bình. Đạo đã thành người và Đạo đã đem lại sự giải cứu con người bất lực trước tội lỗi và sự chết. Đạo đã đắc thắng và vinh hiển mầu nhiệm vô cùng. Đạo là Thiên Chúa và Đạo cũng chính là Chúa Cứu Thế Jêsus-Christ và Ngài cũng chính là Đức Chúa Trời trở thành nhục thể (con người) qua sự giáng sinh cách đây trên hai nghìn năm. (Ngôi lời trở nên xác thịt) chia đôi dòng lịch sử trong nhân loại. (trước công nguyên và sau công nguyên)

III/ PHƯỚC HẠNH CỦA NGƯỜI TÌM ĐƯỢC CHÁNH ĐẠO

Phúc âm Giăng chương 1 câu 12 chép: “Tuy nhiên tất cả những người tiếp nhận Chúa đều được quyền làm con cái Thượng Đế”. Tiếp nhận Chúa là đặt niềm tin vào nơi Chúa. Nho giáo có câu: “Hoạch tội ư Thiên, vô sở đảo giả” ý nghĩa nôm na là hễ có tội với Trời thì phải đến với Ngài mà ăn năn sám hối chớ không van vái ở đâu mà được. Được làm con của Đức Chúa Trời, chúng ta còn vinh hạnh nào hơn. Ở trên đời nầy, làm con của một ông Bộ trưởng, Thứ trưởng nào đó, con người cũng cảm thấy sung sướng và hãnh diện lắm rồi. Huống hồ chi, chúng ta được làm con của Chúa, là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa, làm con Thượng Đế thì phước hạnh bội phần hơn. Dù trên đời nầy chúng ta chưa được trực tiếp ngồi trên ngôi cai trị như một Hoàng tử, song chúng ta cũng được hưởng một cách gián tiếp như:

– Tin Lành Lu-ca 17: 21 “…Và người ta sẽ không nói ở đây hay là ở đó: vì nầy nước Trời ở trong lòng các ngươi…”.
– Phi-líp 4: 7 “…Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá sự hiểu biết sẽ gìn giữ lòng và ý tưởng anh em trong Chúa Jêsus-Christ chúng ta…”.
– I Ti mô thê 6: 6 “…Sự tin kính và sự thỏa lòng ấy là món lợi lớn…”.

Vui vẻ và bình an trong lòng là một phước hạnh. Mà ai đã tìm được chánh Đạo là tìm được Chúa Cứu Thế Giê-Su. Chúa Cứu Thế Giê-Su tuyên bố rằng: “Hỡi những ai nhọc mệt và nặng gánh ưu tư; Hãy đến cùng Ta. Ta sẽ cho các ngươi được nghỉ ngơi” và Ngài cũng phán: “Người nào khát hãy đến cùng Ta mà uống. Kẻ nào tin Ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy ra từ trong lòng mình”.Giăng:7: 37- 38 và Tin Lành Giăng 14: 6 “Ta là ánh sáng của thế gian, người nào tin Ta chẳng đi trong nơi tối tăm nhưng có ánh sáng của sự sống”.

Thưa Qúy vị và các bạn thân mến!

Tôi xin nhắc lại lời Chúa Giê-Su đầy thẩm quyền, bảo đảm sự cứu rỗi cho mỗi một người trong chúng ta, nếu chúng ta bằng lòng tin nhận. Ngài phán: “Ai tin Con thì có sự sống đời đời. Ai không chịu tin Con thì chẳng thấy sự sống đâu, song cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy” Tin Lành Giăng chương 3 câu 36.

Hãy nghe Tường Lưu một Thi sĩ Cơ đốc có hàng ngàn thi phẩm qua các Thi tập, ông kinh nghiệm sự vui mừng khi nhận được sự cứu rỗi từ Chúa. Bài thơ với tựa đề: Ca ngợi Chúa không thôi. Trích từ Thi tập Thách đố Tâm linh năm 2003 như sau:

Thơ tôi, khi làm được một bài
Muốn rằng trái đất hãy ngừng quay
Hãy nghe trân trọng thơ tôi đọc
Dâng lên Thiên Chúa thấy lòng… say.

Tôi say ca ngợi Chúa hết lời
Hồn thơ phơi phới, ý thơ vui
Ngôi cao Chúa bỏ, không màng đến
Tìm chốn dương gian… cứu rỗi tôi.

Khi xưa tôi đã… sống hư vong
Năm tháng âm thầm bóng tối tăm
Sao Chúa thương tôi… ân châu báu
Tin Lành chói rọi ánh Thần Quang.

Nên tôi ca ngợi Chúa không thôi
Tình Chúa muôn thu vẫn sáng ngời
Trái đất hãy ngừng quay giây lát
Để nghe trân trọng tiếng thơ tôi.

Kính chúc Qúy vị và Các bạn thân hữu!

Kính chúc toàn thể Tôi tớ và Con cái của Chúa!

Một mùa Giáng Sinh 2015 An lành – Hạnh phúc và Một Năm mới 2016 Tràn đầy Hồng ân Thiên Chúa. Amen!

Hồ Galilê – Giáng Sinh 2015.

Bình Luận:

You may also like