Home Tôi Viết Cho Tình Yêu Trở Lại

Cho Tình Yêu Trở Lại

by Hồ Galilê
30 đọc

Bài viết dự thi “Tôi viết mừng Chúa Giáng Sinh 2015”

Nhấp vào đây để gởi bài dự thi

——–

Triệu Vỹ vừa dắt xe ra khỏi Trung tâm gia sư Ánh Sáng, sau khi đã dạy xong lớp luyện thi Đại Học. Vừa đi cậu vừa hát một cách vui vẻ “…Kìa vùng trời đông ngôi sao Tin Lành soi sáng choang, con Trời tự hạ thành nhân giữa đêm kinh hoàng…”.

Cậu cho xe chạy nhanh hơn trên đường Điện Biên Phủ rồi rẽ trái qua đường Hùng Vương nối dài Lý Thái Tổ. Thành phố đã lên đèn… người xe tấp nập vào lúc tan tầm. Cậu cố đến nhà thờ Tin Lành Đà Nẵng sớm hơn để dợt lại bài hát Giáng sinh vì tối nay là đêm Truyền giảng Tin Lành.

Bao nhiêu đớn đau phiền muộn của một mối tình bốn năm Sinh viên văn khoa chừ xin khép lại ở một góc tâm hồn… Bây giờ cậu chỉ tập trung hát cho thật tốt để ca ngợi Chúa. Đây là cách duy nhất để tâm hồn cậu tìm lại sự bình an thật sự.

Xe đã đến ngã ba Ông Ích Khiêm thì chuông điện thoại reo lên từng hồi, cậu phải tạt xe vào vỉa hè để nghe…Một số điện thoại lạ. Triệu Vỹ ngần ngại một lúc nhưng rồi cũng phải bắt máy. Alô! Tôi nghe đây, xin lỗi mà ai vậy?

Có phải anh là Triệu Vỹ đó không? Giọng của một người con gái mà Triệu Vỹ hình dung không ra  là ai trong lúc nầy. Nhưng cậu vẫn trả lời một cách tự tin là “Đúng rồi”.

Trong máy tiếp tục vang lên “Em… em là Bảo Ngân đây, ủa! anh không nhớ em sao? Triệu Vỹ thoáng nhớ lại một cách mơ hồ… “Ừ” anh nhớ ra rồi, mà em gọi anh  có việc gì vậy… anh đang đi đường.

Máy điện thoại tiếp tục “Anh đến đâu rồi?”. Triệu Vỹ mặc dầu bận nhưng cậu vẫn kiên nhẫn trả lời: “Anh đang đứng ở ngã ba Ông Ích Khiêm”.

Giọng con gái ấy tiếp tục cho một cuộc hẹn gặp chớp nhoáng “Anh đi một đoạn nữa thôi, em sẽ đón anh”. Triệu Vỹ trả lời Ô kê…! và cúp máy.

…Triệu Vỹ cho xe chạy chầm chậm và quan sát thật kỹ, thế rồi hai người gặp nhau trong một quán nước ven đường…

Bảo Ngân gọi cà phê,  nhưng Triệu Vỹ nói mình uống trà nóng cam thảo đi cho nhanh, để còn có thì giờ chuẩn bị cho tiết mục tối nay.  Cậu nhớ lại trước đây, có vài lần được Ban Truyền Giảng của Hội Thánh Tin Lành Đà Nẵng mời và cậu đã hát thành công… cậu thật vui và thỏa lòng vì mình cũng đã góp một phần rất nhỏ cùng với Hội Thánh để chinh phục linh hồn tội nhân. Ký ức đưa cậu trở lại… có một lần… sau khi hát xong bài hát “Đấng nắm giữ tương lai tôi” cậu lặng lẽ đi xuống bên cánh gà như một chiếc bóng. Không ngờ có một cô gái đến tặng cậu một nhánh hoa hồng đỏ, cậu nhận lấy và cảm ơn…

Thì ra người tặng hoa cho cậu chính là người đang ngồi đối diện với cậu lúc nầy đây, đó là Bảo Ngân. Bảo Ngân chuẩn bị tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Nẵng khoa Văn trong những ngày sắp tới…

Trong khoảnh khắc ở quán hai người gặp nhau tuy không ngỡ ngàng lắm, vì Triệu Vỹ trong lòng một mực tập trung hát cho thật tốt để ca ngợi Chúa. Còn mọi tác động bên ngoài cậu vẫn vô tư, nói như vậy không có nghĩa là cậu lạnh lùng với Bảo Ngân. Cậu vốn là một chàng trai lịch thiệp, và là một Cơ Đốc nhân sống đúng nghĩa…

Anh có còn nhớ em không? Bảo Ngân hỏi làm cắt giòng suy nghĩ của Triệu Vỹ, nhưng với sự phản ứng nhanh cậu trả lời “…Có, có…”. Làm sao mà quên em được, nhánh hoa hồng đó, anh đã ép khô vào nhật ký và vẫn còn cất giữ cẩn thận cho đến ngày nay.

Bảo Ngân trố mắt ngạc nhiên, như là một điều không tưởng. Cô tiếp:

Hình như tối nay anh hát trong chương trình Truyền Giảng phải không?

Em biết rồi còn hỏi làm gì? Triệu Vỹ lạnh lùng.

Vậy anh hát bài gì vậy?

Triệu Vỹ:

Bài “Đêm Thánh”  bài Thánh ca số 66.

Bảo Ngân nói bài đó của John S. Dwigh 1813-1892 giai điệu thật nhẹ nhàng sâu lắng, em rất thích bài Thánh ca đó lắm.

À! mà Bảo Ngân tối nay em có đi dự không vậy? Triệu Vỹ cậu thật vô tình…

Bảo Ngân nguýt một cái rõ dài đáng yêu…

Em không đi dự thì điện thoại cho anh làm gì? Anh nầy chán thật! Nói cho cho anh biết, là cả buổi chiều nay em đã đi mời các bạn trong lớp và đã gởi được hai mươi lăm vé mời rồi đó.

Anh liệu mà hát đó nha!

À! Cho anh xin lỗi: Công khó của em trong Chúa không phải là vô ích đâu. Hình như tối nay em có hát cùng ca đoàn Thanh niên phải không?

Bảo Ngân lườm Triệu Vỹ một cái:

Em mà hát được gì anh hỏi thế?.

Nè! Nè… đừng có giấu nghề đó nha! Triệu Vỹ mỉa mai…

Hai người đối đáp với nhau vội vàng, và rồi Bảo Ngân giục Triệu Vỹ uống vội cốc trà ấy, để còn có thời gian đi lo công việc nữa kia!

Hai người  đã vào nhà thờ nhưng hãy còn sớm lắm, họ vào phòng để ráp nhạc lại lần cuối. Cô đàn Piano của Hội Thánh khen ngợi và ra dấu hiệu ô kê! Tốt… tốt lắm… Cảm tạ Chúa.

Một lúc sau có tóp bạn gái đến kéo Bảo Ngân đi sắp xếp lại đội hình…

Triệu Vỹ ngồi nhớ lại một mối tình đã qua trong cuộc đời của cậu…

Đã bốn năm Sinh viên Văn khoa của Trường Đại Học Sư Phạm Đà Nẵng, ở cùng một dãy phòng trọ, nhưng cuối năm hai cậu mới yêu một cô gái bước vào năm đầu cùng khoa cùng trường. Lúc đầu mối quan hệ với nhau của họ cũng chỉ là anh em kết nghĩa, nhưng rồi tình cảm ấy đã không dừng lại ở biên giới đó. Tình yêu đến không ai ngờ được. Họ yêu nhau chân thành, trong sáng, vì Triệu Vỹ là một Cơ đốc nhân nghiêm túc.

Mỹ Duyên quê ở Vĩnh Linh, quê hương địa đầu tuyến lửa trong thời kỳ chiến tranh. Cô sinh ra và lớn lên khi đất nước đã thanh bình, bây giờ mọi sự đã đổi thay. Tất cả đều phát triển mới lạ, nên không còn một dấu tích gì còn lưu lại của một thời chiến tranh bom đạn ác liệt đã qua. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, cô đã vượt đèo Hải Vân vào tận Đà Nẵng để thi Đại học. Thế là cô bé đã đổ vào trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng khoa Văn…

Một cô bé có thân hình mảnh mai dịu dàng, thon thả, mềm mại, có đôi mắt đen huyền quyến rũ. Cô học giỏi từ hồi phổ thông cho đến bây giờ, đã bốn năm trôi qua, cô vẫn là một học viên ưu tú trong lớp, cô đã có học bổng suốt ngần ấy năm Đại học.

Có một điều đặc biệt ở Mỹ Duyên là sự gọn gàng sạch sẽ, ngăn nắp đã làm cho Mỹ Lan là mẹ Triệu Vỹ rất thích. Có một lần nào đó, mẹ Triệu Vỹ có việc gì cần kíp lắm nên phải đến phòng trọ tìm Mỹ Duyên ở lầu bốn của khu ký túc xá. Mỹ Lan vào tận trong phòng của Mỹ Duyên, thấy cô bé ăn ở rất là ngăn nắp, sạch sẽ. Dưới chân giường cô kê những viên gạch thật vuông vắn, cô còn bọc giấy lại thật là vệ sinh, gọn gàng… ngần ấy cũng đủ làm cho mẹ Triệu Vỹ ấn tượng từ đó. Nói tóm lại không có điều gì làm mẹ cậu không hài lòng cả. Duy có một điều là đức tin của Mỹ Duyên vào Chúa còn rất mơ hồ, mặc dầu cô đã cầu nguyện tin theo Chúa và đang theo học khóa giáo lý Báp têm và thường đi nhà thờ.

Xuân Hồ, ba của Triệu Vỹ rất là thương Mỹ Duyên. Ông đã nhiều lần từ ở quê ra thăm và luôn mang theo hoa quả trong vườn tiếp trợ cho chúng nó. Thỉnh thoảng ông cũng mang theo mấy con gà vườn ra, rồi làm mỳ Quảng cho chúng nó cùng ăn, và điều đó làm cho ông cảm thấy hạnh phúc…

Triệu Vỹ đã tốt nghiệp chương trình Cử nhân, cậu còn bước tiếp để thi chương trình Cao học. Cậu đã thi đổ và tiếp tục hai năm học của khóa ba mươi bốn năm 2010 Đào tạo sau Đại học. Vậy là cậu học chương trình Thạc sỹ văn, thế là gánh nặng lại tiếp tục chất chồng trên đôi vai của mẹ. Cậu biết vậy, thêm nữa… em cậu, bé Thu Sương cũng đã bốn năm Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, khoa Quản trị Kinh doanh. Ba cậu, suốt cuộc đời nầy cũng chỉ biết hầu việc Chúa mà thôi, nên không có thu nhập là bao. Từ đó, nên gia đình cậu chưa có điều kiện làm lại căn nhà cho vững vàng lên được.

Một căn nhà gỗ xinh xinh, gọn gàng sạch đẹp, trong sân có một cây vú sữa thật to, cành lá sum suê cân đối, rất là mát mẽ. Hằng năm đều cho quả thật nhiều và thật ngon, vì nó là giống vú sữa nếp trắng.

Cây vú sữa nầy ông ngoại Triệu Vỹ trồng từ sau ngày đất nước thống nhất cơ… cũng đã gần ba mươi  tám năm rồi.

Phải chăng! vì chưa làm được nhà, nên đã bốn năm trôi qua mà chưa một lần Triệu Vỹ đưa Mỹ Duyên về thăm nhà, mặc dầu nhà chỉ cách Đà Nẵng chỉ hơn bốn mươi cây số.

Mỹ Duyên thì rất tự hào… và cô luôn khoe với Triệu Vỹ bài thơ mà Xuân Hồ ba của cậu đã tặng cho cô qua một gmail:

“…Ta nghe trong gió đông về
Rét căm căm lạnh kéo lê mưa phùn
Bao giờ cho đến mùa xuân
Cho tia nắng ấm lộc vừng trổ hoa

Bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông
Vô tư khôn lớn thêm hồng má em
Tháng ngày lặng lẽ êm đềm
Tròn trăng lại khuyết cho em tuổi đời

Ngang vai tóc chấm đôi mươi
Khoa văn Sư phạm nụ cười trên môi
Tình yêu bên cạnh tình đời
Giả từ trường lớp một thời Sinh viên

Em về quê mẹ đoàn viên
Áo dài bục giảng… văn chuyên dạy người
Hải Vân đèo chắn rừng tươi
Sau lưng phố thị có người em thương

Ngày 08 tháng 01 năm 2013.

 

Xuân Hồ nhận tin nhắn qua điện thoại từ Mỹ Duyên:

“… Bài thơ hay quá, con đã share cho anh Triệu Vỹ cũng đọc rồi. Thank chú nhé! Con Mỹ Duyên”.

Triệu Vỹ biết mối quan hệ của gia đình mình với Mỹ Duyên là như vậy…!

Chuông giáo đường đã đổ từng hồi…Thân hữu về dự đông lắm.

Giờ chương trình Truyền giảng cũng sắp bắt đầu… tiếng chuông đưa Triệu Vỹ về với thực tại. Cậu thầm nguyện, mọi sự gát qua một bên. Xin Chúa cho con hát thật tốt để con ca ngợi Ngài. Xin Chúa cứu nhiều đồng bào con trong đêm nay, và cậu không quên cầu nguyện cho Mỹ Duyên cũng được cứu, cô thực sự gặp được Chúa. Mặc dầu chuyện tình yêu của hai người đã chấm dứt đã hơn tám tháng qua.

Nhạc Thánh rộn ràng… bài Thánh ca 66 Đêm Thánh được cất lên. Triệu Vỹ hát cả tâm hồn mình, hát cho Chúa và cho tội nhân…

Bảo Ngân ngồi bên dưới không một chớp mắt. Cô cứ hướng về phía Triệu Vỹ mà sung sướng, mà tự hào, mặc dầu cô vẫn biết mình chưa là gì của nhau cả…

Triệu Vỹ vừa hát vừa nhìn xuống một cách tự tin, cậu tình cờ bắt gặp ánh mắt Bảo Ngân, tự dưng cậu thấy một thoáng cảm xúc, cậu lại hát tăng cường độ cho cảm xúc ấy được thăng hoa…

“Chúa sinh giờ đây, đêm Thánh vinh quang vui vẻ bấy/ Đêm phước hạnh đấy, đêm bình hòa, đêm an ninh/ Đêm Chúa từ ái, ấy đêm Thần tử giáng sinh…! dường như có giọt nước mắt nào đó đang lăn trên má cậu, cậu cảm thấy nóng ấm và cảm nhận được sự hạnh phúc từ Chúa đang dâng trào…

Triệu Vỹ và Mỹ Duyên đã chấm dứt mối tình đầu. Khi mà hai người không phá được hàng rào ngăn cản Tôn giáo, Tín ngưỡng của hai gia đình. Khi mà Mỹ Duyên vừa tốt nghiệp ra trường một thời gian ngắn. Mỹ Duyên trở về quê và cô được nhận vào dạy một trường Phổ thông Trung học ở huyện Gio Linh kế huyện Vĩnh Linh quê của cô. Triệu Vỹ đã nhận thấy mình thật sự yêu Mỹ Duyên với tình yêu chân chính, một tình yêu trong sáng… thế nhưng cậu không đủ sức thuyết phục cô ấy thực sự gặp được Chúa, mặc dầu Mỹ Duyên đã theo cậu đi nhà thờ đã bốn năm qua..

Triệu Vỹ biết đời sống tâm linh Mỹ Duyên như vậy làm Chúa không hài lòng, và ba mẹ cậu cũng nhiều đêm trăn trở…

Cậu đã dành thời gian cầu nguyện để tìm biết ý chỉ của Chúa. Triệu Vỹ được Chúa khải tượng con đường phải đi, và rồi cậu chủ động cùng bàn và thống nhất với Mỹ Duyên là mối tình của họ xin được trở lại tình anh em kết nghĩa như thuở ban đầu. Hay ít ra là tình cảm bạn bè yêu dấu, và đây là giải pháp tốt nhất cho cả hai người…

Tháng tư năm 2013 Xuân Hồ nhận được vài gmail rất là quan trọng từ Mỹ Duyên:

“…Con chỉ thấy có lỗi vì đã phụ tình cảm Cô, Chú dành cho con như con ruột trong nhà. Sau nầy dù thế nào đi nữa, con vẫn quý và trân trọng mãi mãi…”.

“…Con biết Chú rất khổ tâm vì con, anh Triệu Vỹ cũng nhận ra điều đó. Chính vì vậy nên con không thể dối lòng thêm nữa…”

“Chú ơi! Chuyện tình cảm không ai tính được điều gì Chú ạ! Chú đừng giận anh Vỹ! Con cũng buồn lắm…”

“…Con cảm ơn Cô, Chú và anh Triệu Vỹ nữa. Con dành cho Cô, Chú sự kính trọng và dành cho anh Triệu Vỹ sự trân trọng. Mong Cô, Chú thông cảm cho hoàn cảnh của con. Con cảm thấy may mắn vì đã được gặp và yêu anh Triệu Vỹ…”

“…Anh Triệu Vỹ, to cao, đẹp trai, học hành cao, thông minh, hát hay đàn giỏi, tốt bụng… rồi anh ấy sớm tìm được người tri âm và cùng đức tin… Cô, Chú yên tâm…?

Những dòng thư trên đã làm cho Xuân Hồ ba của Triệu Vỹ cũng phải mủi lòng cảm xúc nhưng biết làm sao hơn. Xuân Hồ chỉ biết thầm nguyện với Đức Chúa Trời là Đấng toàn tri, Ngài biết mọi sự. Xin Ngài thương xót con trai mình, sẽ gặp nhiều điều tốt lành trong những ngày sắp đến…

Sau khi hát xong, Triệu Vỹ nghe lòng mình nhẹ nhàng, vui vẻ và hạnh phúc. Gần đây Mỹ Duyên cho cậu biết là cô ta đã yêu một người khác và chắc chắn sẽ tiến hành đi đến hôn nhân. Anh nhớ ngày làm Luận văn bảo vệ tốt nghiệp Chương trình Cao học Thạc sỹ Văn: “Cảm hứng đời tư thế sự trong Thơ của Chế Lan Viên sau năm 1975”. Anh có đề cập đến Đại thi hào Nga Puskin đã để lại mấy vần thơ nỗi tiếng:

“…Tôi yêu em  âm thầm không  hy vọng
Lúc ruột rè khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu  em, yêu chân thành đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em…”

Triệu Vỹ đã viết như sau:

 “Khi đọc câu cuối của bài thơ tôi mới biết được cái gì khiến Puskin trở thành bất tử. Đó là một tình yêu vị tha. Tôi tin chắc rằng Puskin vẫn có thể cười  mãn nguyện khi mà người mình yêu hạnh phúc, dù là hạnh phúc với ai kia! Nghĩa là Puskin đã biết chấp nhận điều mình không muốn, Puskin đã chấp nhận nỗi đau của mình. Nếu như đọc hai câu trên nghe như có gì cay đắng  thì qua câu cuối:

“Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em”.

 Ta thấy như có vẻ thi sỹ của chúng ta đã yên bình đôi chút sau những hồi dằng co, đau khổ với giông tố của những nỗi hậm hực, những nỗi ghen tuông… Phải chăng đó là giá trị của sự biết chấp nhận của một nhà tư tưởng lớn”.

… Người hướng dẫn chương trình Truyền giảng kêu gọi những ai bằng lòng tiếp nhận Chúa, xin  mời hãy rời ghế ngồi tiến lên về phía trước tòa giảng, để Mục sư chúng tôi cầu nguyện dâng linh hồn của Qúy vị lên cho Chúa. Thế là hàng loạt người đứng lên từ chỗ ghế ngồi của mình, được các Nhân sự và tín hữu đưa họ lên trên để cầu nguyện.

Triệu Vỹ và Bảo Ngân tuy chưa nói với nhau lời nào về câu chuyện tình yêu sắp đến của họ. Nhưng tình yêu mùa Giáng Sinh chắc chắn sẽ mang đến cho họ thật tuyệt vời, vì họ chung một dòng tư tưởng chung một điểm linh hồn, chung một niềm tin…

Về đến nhà Triệu Vỹ mở Laptop ra thì có một gmail mới:

Cầu xin Thượng Đế cho tất cả những mối tình trên thế gian nầy đừng bao giờ đổ vỡ. Để những người yêu nhau được trọn vẹn hoài mong. Để vườn hoa tình yêu ngọt ngào hương kỷ niệm…”

Triệu Vỹ biết chắc đây là thư của Bảo Ngân, cậu trả lời:

“Anh cảm ơn em, chúc em ngủ ngon, Chúa ở cùng em.”

Cậu đóng máy, rồi về ngả người trên chiếc giường quen thuộc. Trăng trung tuần tháng mười hai về khuya sáng rỡ rỡ, ánh trăng huyền ảo mơ màng chiếu qua khung cửa sổ thật đẹp. Lòng thầm cảm tạ ơn Chúa và chìm vào giấc ngủ bình yên. Bên ngoài không khí Mùa Giáng Sinh vẫn đang đến dần…

Hồ Galilê

Bình Luận:

You may also like