Home Cho Người Việt Đức Tin Của Thiên Tài Albert Einstein Vẫn Còn Là Một Dấu Hỏi

Đức Tin Của Thiên Tài Albert Einstein Vẫn Còn Là Một Dấu Hỏi

by Ban Biên Tập
30 đọc

Cuộc tranh cãi xoay quanh vấn đề niềm tin của Einstein không ngừng sôi sục trong suốt bao năm qua. Nhiều người vẫn luôn tự hỏi liệu nhà khoa học vũ trụ hàng đầu thế giới Albert Einstein có phải là người tin Chúa hay không.

Không chỉ mình Einstein, niềm tin của cha đẻ thuyết tiến hoá Charles Darwin cũng chính là điều gây nhiều hiểu lầm tương tự. Tuy nhiên, điều đầu tiên cần phải xác định rõ đó là nếu có được câu trả lời cho những tranh cãi này, liệu nó nó có giúp chúng ta mạnh mẽ hơn hay chỉ chứng minh rằng đức tin của chúng ta còn phụ thuộc vào góc nhìn của người khác.

Nhiều người bỏ cả đời ra chỉ để nghiên cứu về cuộc đời và niềm tin của Albert Einstein nhưng vẫn chưa có lời giải. Sau những nghiên cứu kỹ lưỡng của mình, nhà nghiên cứu Ray Comfort tuyên bố rằng Albert Einstein có tin vào một “loại hình” Chúa nào đó, mặc dù đó chỉ ở một dạng quyền năng cao siêu hơn đầu óc con người có thể tưởng tượng.

“Mặc dù rõ ràng rằng ông ấy không tin vào một vị Chúa cá nhân nào [như được nêu trong Kinh Thánh], Einstein từng viết rằng ông muốn biết được ý nghĩ của “Ngài”, ông gọi Chúa là “Ngài”, và ông thừa nhận rằng “Ngài” đã bày tỏ chính Ngài [cho ông]”, Ray Comfort nói.

Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa vô thần, như nhà sinh học tiến hoá Richard Dawkins thì lại một mực khẳng định điều ngược lại, tuyên bố rằng Einstein cũng mang tư tưởng vô thần.

Thậm chí, có người cũng có thể trích dẫn lần Einstein đề cập đến Phật giáo rằng: “Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng được yêu cầu của nền khoa học tân tiến, tôn giáo đó chính là Phật giáo”.

Việc trích dẫn thư từ hay những câu nói của nhà bác học đại tài này có thể đem người đọc đến nhiều hướng suy nghĩ vô cùng trái ngược. Thậm chí, có thể viết nên một kịch bản theo thiên hướng về tôn giáo nào đó của Einstein chỉ với những gì ông từng nói hay từng viết ra. Dễ dàng bắt gặp những từ “God” trong thư từ do ông để lại. Tuy nhiên, trong tiếng Anh thì “God” là để chỉ “các thần” nói chung chứ không chỉ riêng Đức Chúa Trời hay Chúa Giêxu.

Suy cho cùng, Albert Einstein chưa bao giờ khẳng định rằng mình có tin vào Chúa hay không, ông chỉ miêu tả sơ lướt qua cách mình tin như thế nào. Việc đem những câu nói đơn lẻ trong từng hoàn cảnh, từng bức thư do Einstein để lại trong từng khoảng thời gian khác nhau sẽ không thể nào đưa ra kết luận chính xác. Chưa ai đưa ra được kết luận rằng Albert Einstein có tin vào Đức Chúa Trời được nói đến trong Kinh Thánh hay không.

Einstein

Einstein từng nói rằng:

“Tôi không phải là một người vô thần. Tôi không nghĩ tôi có thể tự gọi bản thân là một người phiếm thần**. Vấn đề có liên quan là quá rộng lớn đối với tâm trí hữu hạn của chúng ta. Chúng ta đang ở vị trí của một đứa trẻ nhỏ đi vào thư viện khổng lồ tràn ngập những cuốn sách bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đứa trẻ biết rằng ai đó chắc hẳn đã viết nên các cuốn sách đó. Nhưng nó không biết làm cách nào. Nó không hiểu các thứ ngôn ngữ viết trong những cuốn sách đó.

Đứa trẻ nghi ngờ rằng hình như có một cái trật tự bí ẩn trong cách sắp xếp các cuốn sách, nhưng không biết nó là cái gì. Đối với tôi, đây thậm chí có lẽ là cách nhìn nhận về Chúa của người thông minh nhất”.

**Thuyết phiếm thần là quan niệm rằng tất cả mọi thứ đều thuộc về một “Thượng Đế” trừu tượng bao trùm tất cả

Có thể hiểu rằng Albert Einstein cũng có tấm lòng tìm kiếm “Thượng Đế” đích thực qua những lời nói đó. Tuy nhiên, sự thật là gì thì chỉ ông và Chúa biết. Cũng có thể Einstein chỉ tập trung vào những công trình khoa học tâm huyết cả đời của mình mà chẳng mảy may thực sự tìm kiếm Chúa. Sẽ chẳng ai dám khẳng định ông đã tìm thấy những gì.

Rảo bước trên mạng để tìm kiếm câu trả lời, tác giả bài viết tìm thấy câu nói rất hay của một người phụ nữ tên Charlotte Claypoole: “Tôi không chắc liệu ông ta có tin Chúa như tôi tin hay không. Có thể có lúc ông ấy tin, có lúc ông ấy không tin. Nhưng nó chẳng thay đổi được gì trong cá nhân tôi cả, bởi vì tôi tin vào Chúa và tôi không phải trả lời câu hỏi về niềm tin thay cho bất kì ai cả”.

Bình Luận:

You may also like