Home Dưỡng Linh Ngày 26 – Tranh Chấp Giữa Giép-Thê Và Vua Am-Môn

Ngày 26 – Tranh Chấp Giữa Giép-Thê Và Vua Am-Môn

by SU Việt Nam
30 đọc

Trước khi trận chiến bắt đầu, Giép-thê đã là chủ mưu của một cuộc chiến ngoại giao với vua Am-môn và qua đây, ông đã thiết lập tính hợp pháp của sự tham gia chiến tranh của dân Y-sơ-ra-ên.

Các Quan Xét 11:12-28

12 Giép-thê sai sứ giả đến với vua dân Am-môn và nói: “Tôi với ông có chuyện gì mà ông kéo quân đến đánh đất nước tôi?” 13 Vua dân Am-môn trả lời với các sứ giả của Giép-thê rằng: “Vì khi ra khỏi Ai Cập, dân Y-sơ-ra-ên đã chiếm đất của ta từ rạch Ạt-nôn cho đến rạch Gia-bốc và sông Giô-đanh. Bây giờ hãy trả đất ấy lại cho ta cách êm thắm đi!”

14 Giép-thê lại sai sứ giả đến với vua dân Am-môn và nói: 15 “Giép-thê nói rằng: Y-sơ-ra-ên không xâm chiếm đất của dân Mô-áp hay của dân Am-môn. 16 Nhưng khi ra khỏi Ai Cập, Y-sơ-ra-ên có đi ngang qua hoang mạc để đến Biển Đỏ, rồi đến Ca-đe. 17 Lúc ấy, người Y-sơ-ra-ên sai sứ giả đến gặp vua Ê-đôm, nói rằng: ‘Xin cho chúng tôi đi ngang qua lãnh thổ của vua.’ Nhưng vua Ê-đôm không bằng lòng. Họ cũng sai sứ giả đến gặp vua Mô-áp, và vua nầy cũng từ chối, nên dân Y-sơ-ra-ên cứ ở tại Ca-đe. 18 Kế đến, họ lại đi qua hoang mạc, vòng quanh đất Ê-đôm và đất Mô-áp, rồi đến phía đông đất Mô-áp. Họ đóng trại ở bên kia rạch Ạt-nôn, chứ không vào địa phận Mô-áp, vì Ạt-nôn là biên giới của xứ Mô-áp. 19 Cuối cùng, dân Y-sơ-ra-ên sai sứ giả đến gặp Si-hôn, vua dân A-mô-rít, ở tại Hết-bôn, và nói: ‘Xin cho chúng tôi đi ngang qua lãnh thổ của vua để đến xứ chúng tôi.’ 20 Nhưng Si-hôn không tin dân Y-sơ-ra-ên, nên không cho đi ngang qua xứ mình. Si-hôn tập hợp toàn quân, kéo đến đóng trại tại Gia-hát và tiến đánh Y-sơ-ra-ên. 21 Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên phó Si-hôn và toàn quân của vua ấy vào tay Y-sơ-ra-ên. Họ đánh bại chúng và chiếm toàn bộ đất của A-mô-rít, là dân bản địa. 22 Dân Y-sơ-ra-ên chiếm toàn bộ đất của dân A-mô-rít, từ rạch Ạt-nôn cho đến rạch Gia-bốc, và từ hoang mạc cho đến sông Giô-đanh. 23 Vậy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã đuổi dân A-mô-rít khỏi dân Y-sơ-ra-ên của Ngài rồi, thế mà bây giờ ngươi lại muốn chiếm đất của họ sao? 24 Không phải ngươi nhận được đất mà Kê-mốt, là thần của ngươi, đã ban cho ngươi sao? Thế thì, chúng ta cũng nhận được đất của những kẻ nào mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đã đuổi khỏi chúng ta. 25 Hơn nữa, ngươi có trổi hơn Ba-lác, con trai Xếp-bô, vua Mô-áp chăng? Có khi nào ông ấy cãi vã hay là đánh với Y-sơ-ra-ên chăng? 26 Trong ba trăm năm, Y-sơ-ra-ên đã ở tại Hết-bôn và vùng phụ cận, A-rô-e và vùng phụ cận, cùng tất cả các thành dọc theo rạch Ạt-nôn. Tại sao ông không lấy lại các thành ấy trong thời gian đó? 27 Vậy, tôi không có phạm lỗi với ông, nhưng ông đã sai quấy mà gây chiến với tôi. Nguyện Đức Giê-hô-va, là Đấng phán xét, ngày nay phân xử giữa dân Y-sơ-ra-ên và dân Am-môn!” 28 Nhưng vua dân Am-môn không nghe lời sứ giả của Giép-thê.

Suy ngẫm và hiểu 

Giép-thê đã được đặt chỉ huy của quân đội Y-sơ-ra-ên chống lại dân Am-môn. Trước tiên, ông cố giải quyết vấn đề một cách hòa bình bằng cách sai sứ giả đến với vua Am-môn và hỏi vua lý do dân Am-môn tấn công là gì. Vua Am-môn trả lời bằng cách công bố rằng Ga-la-át là đất của dân Am-môn, từng bị dân Y-sơ-ra-ên chiếm khi họ ra khỏi Ai-cập, và bây giờ, dân Am-môn muốn đòi lại đất đó. Đáp lại, Giép-thê tranh luận rằng Ga-la-át là đất được Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên, vì thế dân Am-môn không thể lấy lại nó được (c.12-28).

Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?

C.27 Chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể quyết định công minh ai là người đúng giữa Y-sơ-ra-ên và Am-môn. Vì thế, sẽ là khôn ngoan khi cầu xin sự tham gia của Đức Chúa Trời trong tất cả mọi vấn đề và xung đột của chúng ta.

Ngài ban cho tôi bài học gì?

C.14-22 Lãnh thổ mà vua Am-môn tuyên bố là của ông ta thực ra là vùng đất mà dân Y-sơ-ra-ên đã chiếm từ dân Si-hôn, vua dân A-mô-rít. Cho nên, lời tuyên bố của vua Am-môn là ông phải đòi lại đất của mình là không đúng. Giép-thê biết sự thật này và vì thế cho biết rằng tuyên bố của dân Am-môn là dối trá. Tương tự như vậy, chúng ta cần sự khôn ngoan để vượt qua khó khăn trong cộng đồng của mình, qua việc biết về lịch sử của chúng ta và có những hiểu biết chính xác về nó.

Tham khảo

11:24 Kê-mốt là thần của dân Mô-áp (1 Các Vua 11:7, 33); ở chỗ khác, thần của dân Am-môn là Mô-lóc (1 Các Vua 11:7) hay Minh-côm (1 Các Vua 11:5, 33; 2 Các Vua 23:13). Tuy nhiên, dân Am-môn và Mô-áp đều liên minh chặt chẽ (Các Thẩm Phán 11:15; Phục Truyền Luật Lệ Ký 2:18-19; 23:3-5; Các Thẩm Phán 3: 12-13), vì cả hai dân này đều ra từ Lót (Sáng Thế Ký 19:37, 38). Hai nước này có khả năng chung các di sản về văn hóa và tôn giáo, và Kê-mốt có thể đã được xem là mạnh hơn Mô-lóc/ Minh-côm.

Cầu nguyện: Lạy Đức Chúa Trời, chúng con cầu nguyện rằng sự công chính của Ngài chảy tràn ra trong cộng đồng của chúng con và chúng con phó thác tất cả sự đoán xét cho Ngài.

Đọc Kinh Thánh trong năm: Giô-ên 1-3

Bình Luận:

You may also like