Home Dưỡng Linh Ngày 07 – Giô-Sép Giải Nghĩa Giấc Mộng Của Pha-Ra-Ôn

Ngày 07 – Giô-Sép Giải Nghĩa Giấc Mộng Của Pha-Ra-Ôn

by Ban Biên Tập
30 đọc

Sáng Thế Ký 41:14-36

    14 Pha-ra-ôn truyền gọi Giô-sép. Người ta lập tức đưa chàng ra khỏi ngục, cạo mặt mày, thay áo xống, rồi vào chầu Pha-ra-ôn. 15 Pha-ra-ôn nói với Giô-sép: “Trẫm có một giấc mộng mà không ai có thể giải thích được. Trẫm nghe nói rằng ngươi chỉ cần nghe kể lại giấc mộng là có thể giải nghĩa được.” 16 Giô-sép thưa với vua: “Đó chẳng phải hạ thần mà là Đức Chúa Trời sẽ đem lời giải đáp an lành cho bệ hạ.” 17 Pha-ra-ôn nói với Giô-sép: “Nầy, trong giấc mộng trẫm thấy mình đang đứng trên bờ sông. 18 Từ dưới sông có bảy con bò đẹp đẽ, béo tốt đi lên và gặm cỏ trong đám sậy. 19 Rồi lại có bảy con bò khác xấu xí, gầy guộc lên theo. Thật, trẫm chưa từng thấy trong cả xứ Ai Cập nầy có con bò nào xấu xí gầy guộc như vậy bao giờ. 20 Bảy con bò xấu xí gầy guộc đó ăn thịt bảy con bò béo tốt, 21 nuốt chúng vào bụng mà trông như không nuốt, vì các con bò đó vẫn xấu xí gầy guộc như trước. Rồi trẫm tỉnh dậy. 22 Sau đó, trẫm lại thấy một giấc mộng khác, có bảy bông lúa chắc hạt, tốt tươi mọc chung trên một cọng lúa. 23 Rồi lại có bảy bông lúa lép hạt, khô héo, và cháy nám vì gió đông, mọc theo bảy bông lúa kia; 24 và bảy bông lúa lép đó lại nuốt chửng bảy bông lúa chắc hạt. Trẫm đã kể chiêm bao nầy cho các thuật sĩ, nhưng không ai có thể giải thích ý nghĩa cho trẫm được.” 25 Giô-sép tâu với Pha-ra-ôn: “Hai giấc mộng của bệ hạ có cùng một ý nghĩa. Đức Chúa Trời đã báo cho bệ hạ biết trước những việc Ngài sẽ làm. 26 Bảy con bò béo tốt đó là bảy năm, bảy bông lúa chắc hạt đó cũng là bảy năm; hai giấc mộng đó chỉ là một. 27 Bảy con bò xấu xí, gầy guộc đi lên sau bảy con bò kia tức là bảy năm; và bảy bông lúa lép bị héo úa vì gió đông cũng vậy, đó là bảy năm đói kém. 28 Như điều hạ thần đã tâu với bệ hạ: Đức Chúa Trời đã cho bệ hạ thấy những việc Ngài sẽ làm. 29 Khắp Ai Cập sẽ có bảy năm được mùa dư dật. 30 Nhưng tiếp theo bảy năm đó sẽ là bảy năm đói kém. Cả Ai Cập sẽ quên đi tất cả sự sung túc đã có, và nạn đói sẽ làm cho cả xứ kiệt quệ. 31 Vì nạn đói tiếp theo nầy quá nghiêm trọng nên trong xứ sẽ không còn ai biết đến thời kỳ sung túc là gì nữa. 32 Giấc mộng của bệ hạ được lặp lại hai lần có nghĩa là Đức Chúa Trời đã quyết định điều đó rồi, và Ngài sẽ nhanh chóng thực hiện. 33 Vậy bây giờ bệ hạ nên chọn một người thông minh sáng suốt, và lập người ấy cai quản đất nước Ai Cập. 34 Xin bệ hạ tiến hành bổ nhiệm các viên chức trên khắp nước và thu một phần năm sản lượng của xứ trong bảy năm mùa màng sung túc. 35 Xin bệ hạ truyền cho họ thu góp tất cả lương thực của những năm được mùa sắp đến, và cho họ được quyền tồn trữ lúa mì trong các thành để làm lương thực. Họ có nhiệm vụ canh giữ các kho lương thực ấy. 36 Số lương thực nầy là để dự trữ cho bảy năm đói kém sẽ đến trong xứ Ai Cập, nhờ đó xứ nầy không bị tiêu diệt vì nạn đói.”

Suy ngẫm và hiểu

Giô-sép chỉ muốn được ra tù, nhưng Đức Chúa Trời muốn Pha-ra-ôn cho gọi Giô-sép ra. Rồi sau đó, Giô-sép sẽ tôn cao Đức Chúa Trời và đưa ra cho Pha-ra-ôn lời giải nghĩa về các giấc mộng của vua. Cả hai giấc mộng mà Pha-ra-ôn mơ đều là một và giống nhau và chúng cho thấy rằng sẽ có bảy năm dư dật tiếp sau bảy năm đói kém khắp Ai Cập (c.14-32). Giô-sép đã không chỉ dừng lại ở việc chỉ giải nghĩa các giấc mộng, mà ông còn đề xuất một kế hoạch để kiểm soát tình hình. Lời đề xuất này là Pha-ra-ôn nên bổ nhiệm một người thông minh sáng suốt để chuẩn bị trước cho nạn đói trong suốt bảy năm dư dật (c.33-36).

Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?

C.25, 32 Chỉ có Đức Chúa Trời là Chúa của thế giới này. Các giấc mộng của Pha-ra-ôn là sự mặc khải của Ngài cho Ai Cập, và việc Đức Chúa Trời đã bày tỏ các kế hoạch của Ngài hai lần đã phản ánh sự quyết tâm của Ngài nhanh chóng thực hiện chúng. Chúa đã bày tỏ rõ ràng rằng, Ngài chứ không phải là Pha-ra-ôn, là Chủ tể của thế giới này.

Ngài ban cho tôi bài học gì?

C.33-36 Giô-sép không chỉ có khả năng đưa ra cho Pha-ra-ôn lời giải nghĩa về những giấc mộng, mà ông còn có khả năng đề xuất cho Pha-ra-ôn một kế hoạch để tránh thảm họa. Điều này là vì Đức Chúa Trời đã huấn luyện cho Giô-sép trong thời gian làm quản gia của chàng tại gia đình Phô-ti-pha và ở trong tù làm người phục vụ cho quan hầu rượu và quan hầu bánh. Cho nên sự khôn ngoan của Giô-sép có thể thấy được là kết quả lối sống trung tín của chàng để đáp lại lòng nhân từ của Đức Chúa Trời.

Tham khảo   

41:14 Sự ngắn gọn của câu này truyền gọi mô tả tốc độ, qua đó Giô-sép được đưa ra khỏi ngục để đến cung Pha-ra-ôn. Theo nghi thức, chàng phải cạo mặt mày, thay áo xống trước khi vào chầu Pha-ra-ôn. Cụm từ ra khỏi ngục minh họa sinh động điều giống như việc Giô-sép bị tống giam vào ngục.  

41:15–16 Giô-sép trả lời Pha-ra-ôn một cách rõ ràng, rằng: chính Đức Chúa Trời, chứ không phải Giô-sép là Đấng sẽ giải đáp cho vua (40:8). 41:17-21 Pha-ra-ôn kể lại những giấc mộng, gần như từng từ một, đúng như nội dung đã kể trong c.1-8. Việc lặp lại này nhấn mạnh tầm quan trọng của những giấc mộng đó.

Cầu nguyện: Đức Chúa Trời ôi, Ngài là Chúa thật sự của đời sống chúng con. Xin hãy giúp chúng con nương dựa vào chỉ một mình Ngài mà thôi.

Đọc Kinh Thánh trong năm: Công Vụ 1-4

Được Sự Cho Phép Của Liên Đoàn Đọc Kinh Thánh Su Việt Nam

 

Bình Luận:

You may also like