Home Dưỡng Linh Ngày 16 – Đức Chúa Jêsus Trước Mặt Phi-Lát

Ngày 16 – Đức Chúa Jêsus Trước Mặt Phi-Lát

by Ban Biên Tập
30 đọc

Ma-thi-ơ 27:11-26

11 Lúc ấy, Đức Chúa Jêsus đứng trước mặt tổng đốc; viên tổng đốc hỏi: “Ngươi có phải là vua dân Do Thái không?” Đức Chúa Jêsus đáp: “Chính ngươi đã nói thế.”

12 Nhưng khi các thầy tế lễ cả và các trưởng lão tố cáo Ngài, Ngài  không  trả lời. 13 Phi-lát hỏi Ngài: “Ngươi không nghe biết bao điều họ làm chứng chống lại ngươi sao?” 14 Nhưng Đức Chúa Jêsus không đáp một lời nào khiến viên tổng đốc rất đỗi kinh ngạc.

15  Theo thông lệ, cứ vào dịp lễ, tổng đốc ân xá cho một tù nhân theo ý dân muốn.16 Lúc ấy, họ đang giữ một tù nhân khét tiếng tên là Ba-ra-ba. 17 Vì vậy, khi họ tụ họp lại, thì Phi-lát hỏi: “Các ngươi muốn ta tha người nào, Ba-ra-ba hay Jêsus gọi là Christ?” 18 Vì ông biết, bởi lòng đố kỵ nên họ đã nộp Ngài. 19 Ngoài ra, trong lúc ông ngồi xử án, vợ ông cho người đến thưa rằng: “Xin đừng đụng đến người công chính ấy, chính vì người mà hôm nay tôi bị dằn vặt nhiều trong chiêm bao.” 20 Nhưng các thầy tế lễ cả và các trưởng lão xúi giục dân chúng xin tha Ba-ra-ba và giết Đức Chúa Jêsus. 21 Tổng đốc lại hỏi: “Trong hai người nầy các ngươi muốn ta tha ai?” Họ trả lời: “Ba-ra-ba.” 22 Phi-lát nói: “Vậy ta phải xử thế nào với Jêsus gọi là Christ?” Họ đồng loạt trả lời: “Đóng đinh nó trên cây thập tự!” 23 Tổng đốc hỏi: “Người nầy đã làm điều ác gì?” Nhưng họ lại la lớn hơn: “Đóng đinh nó trên cây thập tự!”

24 Vì vậy, khi Phi-lát thấy mình chẳng làm được gì, lại còn có thể nẩy sinh bạo động, nên lấy nước và rửa tay trước dân chúng, rồi nói: “Ta vô tội về huyết của người nầy; đó là việc của các ngươi.” 25 Cả dân chúng đều trả lời: “Xin huyết của nó đổ trên chúng tôi và con cháu chúng tôi!” 26 Vậy Phi-lát tha Ba-ra-ba cho họ, và đánh đòn Đức Chúa Jêsus, rồi giao Ngài để đóng đinh vào thập tự giá.

Suy ngẫm và hiểu

Tổng đốc La-mã Phi-lát đã hỏi Đức Chúa Jêsus có phải Ngài là Vua dân Do- thái không. Đức Chúa Jêsus trả lời: ‘Chính ngươi đã nói thế’. Còn những câu hỏi khác mà Phi-lát hỏi, Ngài đã không trả lời. Trong im lặng, Đức Chúa Jêsus đang bước về phía thập tự giá là con đường mà Ngài phải đi (c.11-14).

Khi Phi-lát không thể tìm thấy tội của Đức Chúa Jêsus, ông đã cố gắng thả Ngài ra, nhưng những nhà lãnh đạo tôn giáo và đám đông đã la ó đòi đóng đinh Đức Chúa Jêsus. Sợ bạo động xảy ra, Phi-lát đã quyết định giao Đức Chúa Jêsus để xử tử trên thập tự giá. Dù Phi-lát đã rửa tay mình để công bố sự vô tội của ông về huyết của Đức Chúa Jêsus, thì tội lỗi ông vẫn không rửa sạch được (c.15-26).

Đức Chúa Jêsus là Đấng như thế nào?

C.11 Đức Chúa Jêsus là vị Quan Tòa của toàn vũ trụ này, nhưng Ngài đã đứng như một tù nhân trước một quan tòa loài người. Chúa, Đấng không phạm tội đã đứng như một tội nhân vì tội lỗi của chúng ta. Điều này là để khiến cho chúng ta được công chính trước mặt Đức Chúa Trời (2 Cô-rinh-tô 5:21). Chúng ta hãy suy nghĩ về Chúa, Đấng đã nhận sự đoán xét lên chính mình Ngài thế chỗ cho chúng ta.

C.19 Đức Chúa Trời đã cho thấy sự vô tội của Đức Chúa Jêsus qua môi miệng của một phụ nữ người ngoại (vợ của Phi-lát). Các môn đồ là những người lẽ ra phải làm chứng về sự vô tội của Đức Chúa Jêsus, nhưng tất cả đều chạy trốn, Bất chấp tất cả những bằng chứng Ngài là công chính, những lãnh đạo tôn giáo vẫn xử tử Đức Chúa Jêsus. Khi đời sống của chúng ta không bày tỏ được sự công chính của Chúa, thì Đức Chúa Trời sẽ tìm một người khác để làm điều đó.

Tham khảo

27:11 tổng đốc Bôn-xơ Phi-lát. Vua dân Do Thái. Theo luật La-mã, vì sự phạm thượng không đủ để viết lệnh tử hình, nên những nhà lãnh đạo Do Thái công bố lại lời buộc tội khi họ giao Đức Chúa Jêsus cho Phi-lát (xem Lu-ca 23:2). Một lời công bố về vương quyền như thế sẽ là một sự thách thức trực tiếp với Sê-sa. Chính ngươi đã nói thế.

27:18 lòng đố kỵ. Phi-lát biết thầy tế lễ thượng phẩm và Tòa Công Luận không bận tâm đến sự đe dọa của luật La-mã, thật ra, họ đang ganh tị với tình trạng được yêu mến của Đức Chúa Jêsus và cảm thấy bị chức vụ đầy thẩm quyền của Ngài đe dọa. 27:19 chiêm bao. Người La-mã thường xem chiêm bao như là những điềm báo. Có lẽ giấc chiêm bao Đức Chúa Trời đã ban là một dấu hiệu về sự vô tội của Đức Chúa Jêsus.

Cầu nguyện: Xin hãy giúp chúng con đứng lên vì sự công chính khi cần thiết.

Đọc Kinh Thánh Trong Năm: I Sử ký 5 – 8

 

Bình Luận:

You may also like