Home Cho Người Việt Chúa Là Chủ

Chúa Là Chủ

by Ban Biên Tập
30 đọc

Nói về đối tượng để tôn thờ có lẽ chúng ta cho rằng điều này không cần thiết, nhưng chính khi chúng ta nói không cần thiết là chúng ta đã chọn cho mình một đối tượng để tôn thờ. Đối tượng đó có thể là chính chúng ta. Thật ra, bất cứ điều gì ảnh hưởng và chi phối đời sống chúng ta nhiều nhất. Nói đúng hơn, chúng ta để cho điều gì ảnh hưởng và chi phối đời sống chúng ta nhiều nhất, thì đó chính là thần tượng, đó chính là chủ nhân ông của cuộc đời chúng ta.

Chúng ta đã từng nghe câu: “Tiền bạc là một tên đầy tớ tốt nhưng là một ông chủ xấu.” Nói như vậy nghĩa là khi chúng ta coi tiền bạc chỉ là phương tiện trong đời sống và chúng ta có thể làm chủ tiền bạc thì không sao. Nhưng nếu chúng ta để cho tiền bạc trở thành nguyên nhân thúc đẩy thì đó là điều tai hại vô cùng. Người ta cũng nói, Làm học trò người khôn còn hơn làm thầy kẻ dại. Vấn đề cũng tương tự như vậy trên những lĩnh vực khác. Khi chúng ta tùy thuộc hay để cho một ảnh hưởng nào đó chi phối đời sống của chúng ta thì chúng ta trở thành nô lệ cho điều đó. Vấn đề quan trọng vì vậy là chọn cho đúng người chủ của mình.

Lời Chúa dạy:

Anh em không biết sao? Khi đem thân làm nô lệ để vâng phục ai thì anh em là nô lệ của người mà anh em vâng phục: hoặc làm nô lệ tội lỗi thì sẽ phải chết, hoặc làm nô lệ phục vụ Thiên Chúa thì sẽ được nên công chính (Thư Rô-ma 6:16)

Ai đang là chủ của quý vị bây giờ? Điều gì có ảnh hưởng mạnh nhất trên đời sống của quý vị? Thật ra câu hỏi quan trọng hơn hai câu hỏi đó nữa là: Sống với người chủ đó, quý vị nhận được những gì? Thánh Kinh nói về trường hợp của những người sống làm nô lệ cho tội lỗi như sau:

Khi còn là nô lệ tội lỗi, anh em được tự do không phải làm điều công chính. Bấy giờ anh em thu được kết quả nào? Lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta là cái chết, còn ân huệ Thiên Chúa ban không là sự sống đời đời trong Đức Ki-tô Giê-xu, Chúa chúng ta (Thư Rô-ma 6:20-21a; 23)

Có lẽ quý vị nghĩ rằng mình không làm điều gì tội lỗi, cũng không phải là người làm nô lệ cho tội, tuy nhiên Lời Chúa minh định rõ ràng là: Mọi người đã phạm tội. Mọi người trên trần gian nầy đều có tội, không phân biệt ai cả và lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta là cái chết. Chúng ta đi làm được lãnh lương thế nào thì cũng vậy, khi phạm tội, đồng lương của chúng ta là cái chết. Cái chết nói đến sự phân cách với Đức Chúa Trời và từ đó đưa đến mọi khổ đau và bất hạnh ở đời.

Con đường để trở về với Đức Chúa Trời là cái chết của Chúa Giê-xu vì nếu hậu quả của tội lỗi là cái chết thì phải có một cái chết thay thế thì đức công chính của Thiên Chúa mới được giữ vẹn. Thiên Chúa không thể bỏ qua tội lỗi của con người nhưng phải hình phạt và Chúa Giê-xu đã mang hình phạt đó thế cho chúng ta bằng cái chết của Ngài. Cái chết của người vô tội, thay thế cho chúng ta là con người tội lỗi.

Con dân của Chúa ngày xưa khi xa lìa Thiên Chúa đã gặt hái bao nhiêu hậu quả đau đớn ê chề. Cuối cùng, họ đã quay trở lại với Chúa và thưa với Chúa những lời như sau: “Lạy Chúa, ngoài Ngài từng có chủ khác cai trị chúng tôi, nay chúng tôi chỉ cậy một mình Ngài mà kêu cầu danh Ngài.” Đây cũng là ý thức chúng ta cần có để quay trở lại với Thiên Chúa là chân thần, là Tạo Hóa của chúng ta và không có điều gì vui hơn cho Chúa khi có một người ăn năn tội, quay trở lại với Chúa.

Con người chúng ta thường nghĩ đến Chúa là vị cứu tinh, cứu rỗi chúng ta. Điều đó rất đúng. Nhưng hơn cả vị cứu tinh, Thiên Chúa cũng phải là chủ cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta chỉ tin vào Chúa như là Đấng cứu rỗi hay Đấng che chở, phù hộ thì còn thiếu sót quá nhiều, giống như người chỉ biết kêu cầu, nhờ vả người khác khi khó nguy còn bình thường thì chẳng nghĩ gì đến người đó. Thiên Chúa không bắt buộc chúng ta tôn thờ Ngài, nhưng Ngài muốn mỗi chúng ta ý thức mình là con người, là tạo vật, quay về tôn thờ Thiên Chúa và sống đúng với danh phận đó. Thiên Chúa chỉ ban cho con người có hai giới răn và chỉ cần sống theo hai giới răn đó, mọi việc trên đời sẽ diễn tiến êm đẹp.

Giới răn thứ nhất:

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.

Giới răn thứ hai:

Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình.

Khi yêu Chúa hết lòng, hết sức, ta sẽ tôn thờ Chúa, phục vụ Ngài, sống một đời trong sạch thánh khiết. Khi yêu người như chính bản thân, ta sẽ không làm gì hại người, trái lại yêu thương, bảo bọc, giúp đỡ, cư xử tốt đẹp. Nếu cá nhân nào cũng làm như vậy, gia đình nào cũng sống như vậy, chúng ta kinh nghiệm thiên đàng ngay trên trần gian nay. Điều khó là việc nầy vượt khả năng của chúng ta. Với bản tính tội lỗi di truyền trong chúng ta. Chúng ta không sống, không làm như vậy được. Bước đầu tiên vì vậy là bản tính tội lỗi phải được khai trừ, con người chúng ta cần được biến đổi. Sự biến đổi đó đến với chúng ta qua ơn cứu rỗi của Chúa Giê-xu.

Thánh Kinh gọi kinh nghiệm cứu rỗi đó là ơn tái sinh, tức là đời sống được tái tạo, đổi mới hoàn toàn. Lúc đó chúng ta mới có khả năng để yêu Chúa, yêu người. Danh hiệu Chúa, như chúng ta đã biết, chẳng những là danh hiệu của Chúa Giê-xu nhưng danh hiệu đó cũng bao gồm ý nghĩa chủ trị. Chúa Giê-xu là Đấng cứu rỗi nhưng cũng là Chủ của Đời sống. Nếu chúng ta chỉ tin Chúa là Đấng cứu rỗi mà không để cho Ngài làm chủ đời sống thì đức tin của chúng ta chỉ mới có phân nữa. Và đây là phân nữa nguy hiểm bởi vì chúng ta có thể mang danh là người tin Chúa mà thật sự chẳng tin gì cả. Chúng ta không thể gọi mình là người tin Chúa nếu chúng ta vẫn tiếp tục sống theo những gì mình ưa thích mến chuộng và chỉ tìm đến với Chúa lúc nguy nan.

Có người đã nói. Chúa sẽ không phải là Chúa gì cả cho đến khi Chúa là Chúa tất cả. Không ai muốn sống làm nô lệ nhưng nếu chúng ta không để cho Chúa làm chủ cuộc đời chúng ta thì thật sự chúng ta đang để cho những người chủ khác cai trị chúng ta. Người chủ đó có thể là cá nhân chúng ta, là dục vọng trong ta, là tính tự cao tự đại cho rằng mình không cần đến ai, không chịu khuất phục ai.

Con người chúng ta cần nhớ rằng mình chỉ là tạo vật của Thiên Chúa. Dĩ nhiên chúng ta có ý chí tự do để lựa chọn ai là chủ đời mình. Nhưng chúng ta chỉ có thể lựa chọn mà không thể quyết định kết quả. Một khi đã chọn người chủ, ta phải chịu phục dưới quyền người chủ đó.

Hoàng đế Phi-líp, cha của A-lịch-sơn đại đế có một tên lính hầu. Tên lính nầy chỉ có một nhiệm vụ là mỗi buổi sáng khi nhà vua thức dậy, tên lính đó chỉ vào mặt nhà vua và nói rằng: “Phi-líp, hãy nhớ rằng ngươi chỉ là một con người mà thôi!” Đây cũng phải là tâm niệm của mỗi chúng ta. Chúng ta chỉ là tạo vật trước mặt Thiên Chúa. Hãy tôn thờ Ngài, hãy hết lòng, hết ý yêu mến Ngài. Chỉ như vậy ta mới mong đem lại hạnh phúc cho bản thân và cho người quanh ta.

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

Theo Tinlanhbayarea.org
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like