Home Bài Viết Bạn Có Đang Thực Sự Thỏa Lòng?

Bạn Có Đang Thực Sự Thỏa Lòng?

by Ban Biên Tập
30 đọc

Trước hết, con ruồi than thân trách phận cho đời sống ngắn ngủi của mình như sau: “Nếu mà tôi có được nhiều thời gian, có lẽ mọi sự sẽ dễ dàng hơn. Các bạn cứ nghĩ xem, chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, tôi phải được sinh ra, phải lớn lên, phải học hỏi kinh nghiệm, phải hưởng thụ cuộc sống, phải đau khổ, phải già, rồi cuối cùng phải chết. Tất cả chỉ diển ra trong một ngày một đêm mà thôi”.

Con lừa quanh năm suốt tháng phải quần quật với những công việc nặng nhọc thì lại phàn nàn: “Giả như tôi chỉ có 24 tiếng đồng hồ để sống như chú ruồi thì có lẽ tôi sẽ hạnh phúc hơn, bởi vì thú vui nào tôi cũng nếm thử được một chút và cực nhọc nào tôi cũng chỉ chịu đựng trong một khoảnh khắc thôi.”

Đến lượt con rùa già, nó uể oải phát biểu rằng: “Tôi đã sống đựợc gần 300 tuổi nhưng tôi vẫn thấy không đủ thì giờ để kể hết nhưng kinh nghiệm tôi đã trải qua. Khi được 200 tuổi, tôi đã ao ước được chết cho rồi. Nhưng tôi vẫn phải kéo lê đời sống cho đến hôm nay. Tôi thấy tội nghiệp cho chú ruồi, nhưng tôi lại hơi ghen tị với ông bạn lừa”.

Qua sự chia sẻ này, dường như không có ai thỏa mãn đời sống của mình. Kẻ này thì than phiền sống quá ít, kẻ kia thì ngán ngẩm vì sống quá lâu. Thế rồi lừa, rùa và ruồi rủ nhau đến vấn kế con nhện, vì nhện được xem là con vật thông thái. Sau khi lắng nghe hết mọi lời kể lể, con nhện mới dõng dạc ban cho mỗi vị khách một lời khuyên. Với con rùa già, nhện nói như sau: ” Hỡi cụ rùa, đừng phàn nàn nữa. Thử hỏi có ai trên đời này được giàu kinh nghiệm bằng cụ chưa”?

Quay sang con ruồi, nhện ta ra càu nhàu: “Này chú ruồi, chú cũng đừng than thân trách phận nữa. Thử hỏi có ai hưởng được nhiều trò vui bằng chú không?”

Riêng với con lừa, thì lời cảnh cáo của con nhện có vẻ nặng nề hơn: “Còn ông bạn lừa, tôi không có lời khuyên nào cho ông bạn, vì ông bạn là kẻ bất mãn suốt đời. Ông bạn vừa muốn sống lâu như cụ rùa lại vừa muốn sống ngắn ngủi như chú ruồi. Trời nào có thể làm vừa lòng ông bạn được!”

Câu chuyện ngụ ngôn trên đây minh họa phần nào sự bất mãn thường xuyên trong tâm hồn con người đối với mọi tình huống của đời sống: nghèo hèn hay sang trọng, dốt nát hay thông minh, thành công hay thất bại, bệnh hoạn hay mạnh khỏe. Tâm lý chung của con người là không bao giờ cảm thấy hoàn toàn bằng lòng với chính mình, với tha nhân và với đời sống. Bởi vậy, tục ngữ Việt Nam có câu: “Đứng núi này, trông núi nọ”

Có lẽ sự bất mãn và không bằng lòng chính mình là biểu hiện một thiếu sót lớn lao trong tâm hồn con người: đó là thiếu sót Tình Yêu. Khi có tình yêu, người ta sẽ không còn bất mãn. Khi có tình yêu, dường như người ta không còn màng đến thời gian nữa. Một tác giả nào đó đã viết: “Thời gian quá chậm đối với những kẻ chờ đợi và sợ hãi. Thời gian lại quá dài đối với những kẻ than phiền. Nhưng đối với những người đang yêu, thì thời gian không còn nữa”.

Có chấp nhận chính mình, có yêu thương chính mình, chúng ta sẽ không còn than thân trách phận nữa. Có yêu thương tha nhân, chúng ta sẽ thấy được tha nhân là nguồn hạnh phúc của mình. Có yêu đời, chúng ta mới thấy đời đáng yêu hơn.

Sự thỏa lòng chính là điều mà mỗi Cơ Đốc Nhân nên theo đuổi. Con người hữu hạn, đời người đau khổ, niềm vui và hạnh phúc thật của chúng ta đến từ chỗ chúng ta biết nương dựa nơi Chúa, biết sử dụng đúng những năm tháng Đức Chúa Trời ban cho và cuối cùng là sống bằng lòng với những gì chúng ta nhận được qua tình yêu của Ngài.

Bạn có đang sống thỏa lòng không?!

Sưu tầm
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like