Home Giáo Lý Tin Lành Bài 26: Tội Lỗi

Bài 26: Tội Lỗi

by Ban Biên Tập
30 đọc

Trước đây vào khoảng một thế kỷ, một số chính khách nghĩ rằng con người phạm tội vì cớ đói rét, bệnh tật, thất học, nếu con người đủ ăn, đủ mặc, mạnh khoẻ, học hành đến nơi đến chốn, thì tội lỗi sẽ không còn trên thế giới này. Khoảng 100 năm qua, nhân loại đã tiến bộ, các nước đã trở nên giàu có, nhiều dân tộc đã sống đầy đủ tiện nghi, nhưng kết quả không phải như họ tưởng. Tội lỗi mỗi lúc một gia tăng, lan tràn khắp chốn, con người càng thêm bại hoại. Tội lỗi đã đầy dẫy mọi nơi, đầy dẫy trong lòng người. Nếu con người lên được cung trăng và ở đó, chẳng bao lâu người ta sẽ biến cung trăng trở thành bại hoại như Địa cầu nầy. Kinh thánh nói rất nhiều về tội lỗi, nào là nguyên nhân, nào là bản chất, nào là kết quả, để đưa chúng ta đến quyết định tin Chúa hầu được tha thứ.

I. NGUYÊN NHÂN CỦA TỘI LỖI :

1-Do Thiên sứ phạm tội.

Tội lỗi không bắt đầu ở dưới đất, mà bắt đầu ở trên trời, giữa các nhân vật quan trọng là Thiên sứ. Thiên sứ được dựng nên trọn vẹn, nghĩa là hoàn toàn vô tội, nhưng không phải là không thể phạm tội. Họ có thể không phạm tội, mà cũng có thể phạm tội. Một Thiên sứ đã lạm dụng quyền tự do của mình mà phạm tội và lôi cuốn một số Thiên sứ khác theo nó. Chúng đã trở thành ma quỷ và lôi cuốn nhân loại cùng xuống chốn trầm luân.

Êsai 14:12-15: “Hỡi sao mai, con trai của sáng sớm kia, sao ngươi từ trời sa xuống ! Hỡi kẻ giày đạp các nước kia, ngươi bị chặt xuống đất là thể nào ! Ngươi vẫn bụng bảo dạ rằng : Ta sẽ lên trời,sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương bắc. Ta sẽ lên trên cao các đám mây, làm ra mình bằng Đấng rất cao. Nhưng ngươi phải xuống nơi Âm phủ, sa vào nơi vực thẳm “. Một Thiên sứ bị cám dỗ, thảo một kế hoạch năm bước tiến :Ta sẽ, Ta sẽ, Ta sẽ …cho đến cuối cùng được ngang hàng với Đức Chúa Trời. Nhưng Ngài đã biết hết kế hoạch đó, nên đuổi nó xuống khỏi trời, và quăng nó vào vực thẳm (IIPhi 2:4,Giuđe 6).

2-Do tổ tông của loài người phạm tội.

Ađam và Êva đã được dựng nên vô tội, họ có thể phạm tội mà không cần phạm tội, họ có khả năng sống Thánh khiết, cũng có khả năng sống ô uế. Đáng tiếc Ađam và Êva đã nghe lời cám dỗ ăn trái cấm, liên minh với ma quỷ và gây tội ác trong thế gian nầy (Sáng 3:1-6): “Cho nên, bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian” (Rôma 5:12).

Vì vậy, Thiên sứ là tội nhân thứ nhất trong vũ trụ, còn Ađam là tội nhân thứ nhất trong Địa cầu. IGiăng 3:8: “Kẻ nào phạm tội thuộc về ma quỷ, vì ma quỷ phạm tội từ lúc ban đầu. Vả, con Đức Chúa Trời đã hiện ra để huỷ phá công việc của ma quỷ, vì ma quỷ phạm tội từ ban đầu”.

II. BẢN CHẤT CỦA TỘI LỖI :

1-Tội lỗi là gì?

a Là vi phạm luật pháp. IGiăng 3:4: “Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp ; và tội lỗi tức là sự trái luật pháp”. Luật pháp là Thánh khiết, là tốt lành. Luật pháp đã được ghi trong lòng, trong trí của chúng ta, cũng như đã ghi trong Kinh thánh.

b Là điều bất công. IGiăng 5:17: “Mọi sự không công bình đều là tội, mà cũng có tội không đến nỗi chết”. Hễ bất cứ điều gì xấu, không ngay thẳng, không chân chính là tội.

c Là tự cao và kiêu ngạo. Châm ngôn 21:4: “Mặt tự cao, lòng kiêu ngạo, và ngọn đèn của kẻ ác, đều là tội lỗi”. Một trong các tội nặng là kiêu ngạo. Thiên sứ đã trở thành ma quỷ vì cớ kiêu ngạo, và khi nó cám dỗ người nào, thì nó cám dỗ người đó kiêu ngạo.

d Là ích kỷ. Êsai 53:6: “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy”. Là nếp sống ích kỷ. Muốn đi con đường của mình mà bất chấp con đường Chúa chỉ cho mình phải đi. Nói cách khác, tội lỗi là sống theo ý riêng của mình, mà không chấp nhận ý của Chúa đối với mình, nên hết thảy đều sai lạc.

e Là tư tưởng ngu dại. Châm ngôn 24:9: “Tư tưởng ngu dại là tội lỗi”, “Ngu dại” đây không có nghĩa là không đọc chữ được, hay không văn minh, nhưng ngu dại là không nhìn biết Đức Chúa Trời là Đấng tạo hoá của mình. Khi chúng ta hành động như vậy là phạm tội (Rôma 1:23).

f Là không làm điều lành. Gia cơ 4:17: “Cho nên kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội”. Không làm điều lành cũng phạm tội như làm điều ác. Biết Chúa mà không thờ phượng Ngài là phạm tội, biết lời của Chúa mà không làm theo là phạm tội, thấy anh em mình cần giúp đỡ mà không giúp đỡ là phạm tội, nhưng không làm điều lành cũng là tội.

g Là thiếu hụt tiêu chuẩn đạo đức. Rôma 3:23: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”. Có người hỏi tôi : ‘Khổng tử, Thích ca có được cứu hay không?”. Tôi đáp : “Kinh thánh chép, mọi người đều đã phạm tội, không ngoại trừ ai hết”. Hễ là người thảy đều phạm tội, tức là hụt mất tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời”. Nói cách dễ hiểu : Người đứng trên đỉnh núi nói với người dưới trũng rằng : “Anh thấp hơn tôi”. Người đứng dưới trũng nói rằng : “Anh cao hơn tôi nhưng cả hai chúng ta không ai đụng đến trời”. Như vậy, cả hai đều thiếu, mặc dầu người thiếu nhiều, người thiếu ít.

h Là vô tín. Giăng 16:9: “Về tội lỗi, vì họ không tin Ta”. Không tin Chúa là một trong các tội nặng, nên không được cứu rỗi, phải bị đoán phạt. Không tin là cho Đức Chúa Trời nói dối, là phản đối Chúa Giêxu, giày đạp Huyết của Ngài, thì không còn tế lễ nào chuộc tội nữa.

2-Tội lỗi được ví sánh.

a Như lửa, nó tiêu diệt.

b Như sét, nó làm cho hao mòn.

c Như thuốc mê, nó làm cho ngây dại.

d Như thuốc độc, nó giết chết.

Bản chất của tội lỗi như lửa. Nếu chúng ta bốc, nhâm cục than lửa, hoặc nhỏ hay lớn, không thể nào giữa lại một giây, phải ném liền. Khi nào chúng ta đụng đến tội lỗi là đụng đến lửa, như tránh hỏa ngục. Tội lỗi như sét, nó ăn mòn đời sống. Nếu chúng ta phạm tội nhỏ, mà cứ giữ lại thì nó làm cho chúng ta suy giảm năng lực thuộc linh. Tội lỗi như thuốc mê. Khi một người phạm tội, thì trở thành mê muội, không còn nhận biết phải trái, trắng đen. Tội lỗi như thuốc độc. Tội lỗi còn nguy hiểm hơn thuốc độc, vì thuốc độc chỉ làm hại thân thể, nhưng tội lỗi làm hại cả thân thể lẫn linh hồn.

toi loi

III. KẾT QUẢ CỦA TỘI LỖI :

1-Trên Ađam và Êva.

a Ông bà bị loã lồ. Sáng thế ký 3:7: “Đoạn, mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình loã lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân”. Khi Ađam và Êva đưa tay hái trái cấm mà ăn là dám làm dám làm cái việc tày trời chớ không phải thường. Chúa đã ban lệnh :”Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn, nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến ; vì một mai người ăn chắc sẽ chết”. Thế mà Ađam và Êva đã hiệp nhau ăn trái cấm. Chúng ta hiểu rằng khi Ađam và Êva mới được dựng nên có vinh quang của Chúa bao phủ. Không cần mặc một thứ áo nào như chúng ta ngày nay, mà không thấy sự loã lồ. Nhưng khi phạm tội, ông bà bị mất vinh quang nên thấy mình trần truồng hổ thẹn. Không những trong thời Ađam mà thôi, ngày nay cũng vậy. Mỗi khi phạm tội, ai nấy cảm thấy mình xấu hổ quá, dầu chưa ai biết, chưa ai thấy, song ngó lên trời, ngó xuống đất, ngó con vật, ngó cây cỏ cũng đều thấy hổ thẹn. Chúng ta đã được cứu qua dòng Huyết của Chúa Giêxu để có một đời sống Thánh khiết, là vinh quang của chúng ta, nên đừng để mất vinh quang đó như Ađam và Êva.

b Ông bà sợ hãi. Sáng thế ký 3:8-10: “Lối chiều, nghe tiếng Giêhôva Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn, Ađam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giêhôva Đức Chúa Trời. Giêhôva Đức Chúa Trời kêu Ađam mà phán hỏi rằng : Ngươi ở đâu? Ađam thưa rằng : Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ, bởi vì tôi loã lồ nên đi ẩn mình”. Khi đã phạm tội, bị loã lồ, đồng thời sợ hãi. Chắc mỗi ngày Chúa thăm viếng Ađam và Êva, chuyện trò thân mật và vui vẻ với họ. Hôm nay cũng như thường lệ, Chúa đến, nhưng Ađam và Êva trở nên bất thường, thay vì chạy ra mừng rỡ đón tiếp Chúa, thì ông bà hoảng sợ chạy vào bụi cây để trốn. Ôi, vì tội lỗi làm cho chúng ta khốn nạn quá, mất sự tương giao mật thiết với Chúa, thay vì vui mừng, cảm tạ, ca ngợi Ngài thì sợ hãi chạy trốn.

c Ông tố cáo bà. Sáng thế ký 3:11-12: “Đức Chúa Trời phán hỏi : Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng mình loã lồ? Ngươi có ăn trái cây Ta đã dặn không nên ăn đó chăng? Thưa rằng: Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi ăn trái cây đó và tôi đã ăn rồi”. Ađam không dám nhận rằng mình đã phạm tội, nhưng đổ thừa cho người khác. Ông không nói là vợ tôi, nhưng nói người đàn bà mà Chúa đã để gần bên tôi. Không những đổ thừa cho bà mà ông còn muốn đổ thừa cho Chúa. Ôi, tội lỗi đã làm cho chúng ta khiếp nhược, không dám nhận lỗi lầm của mình, mà đỗ lỗi cho người khác. Chồng đổ lỗi cho vợ, vợ đổ lỗi cho chồng, người nầy đổ lỗi cho người kia, do đó, chúng ta khó ăn năn, cho đến chừng chúng ta thành thật nhìn nhận mình có tội.

d Ông bà chịu đau khổ. Sáng thế ký 3:16-19: “Ngài phán cùng người nữ rằng : Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén ; ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sanh con ; sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi. Ngài lại phán cùng Ađam rằng : Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây Ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa sả vì ngươi ; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng ; ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra ; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi”. Ông bà phải đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, đất sanh chông gai, đá sỏi, ông phải cực nhọc nuôi bà, rồi bà phải cực nhọc sanh đẻ. Những khó khăn đó đều do tội lỗi mà ra.

e Ông bà bị đuổi ra khỏi vườn Êđen. Sáng thế ký 3:22-24: “Giêhôva Đức Chúa Trời phán rằng : Nầy, về sự phân biệt điều thiện và điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta, vậy, bây giờ hãy coi chừng, e loài người giơ tay lên cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng. Giêhôva Đức Chúa Trời bèn đuổi loài người ra khỏi vườn Êđen đặng cày cấy đất, là nơi có người ta. Vậy, Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn, rồi đặt tại phía đông vườn Êđen các thần chêrubin với gươm lưỡi chói lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống”. Ông bà ở trong vườn Êđen sung sướng biết bao, cả thân thể lẫn linh hồn, bây giờ bị đuổi khỏi đó. Chúa đặt trước cửa một vị Thiên sứ với gươm trần đứng đó, nghiêm cấm ông bà không được phép trở vào vườn Êđen? Tại sao? – Vì trong vườn Êđen có hai cây đặc biệt : Một là cây biết điều thiện và điều ác, hai là cây sự sống. Ông bà chọn ăn trái cấm, nên phải bị đuổi ra khỏi vườn Êđen, không được ăn trái cây sự sống. Thiết tưởng Đức Chúa Trời dựng nên loài người, Ngài muốn cho loài người sống muôn đời, sống lâu hơn quả địa cầu, sống lâu hơn vũ trụ, nhưng hết thảy loài người đã chọn cho mình cái số phận khốn nạn, thành ra mất phần sự sống, mà phải chết. Kết quả của tội lỗi là như thế.

2-Trên loài người.

a Tội lỗi làm cho đuôi mù. IICôrinhtô 4:4: “Cho những kẻ chẳng tin mà Chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin lành Đấng Chirst, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời”. Tin lành được gọi là Tin lành vinh hiển, Tin lành phước hạnh, Tin lành quyền năng, Tin lành đời đời, Tin lành ẩn hiện, Tin lành bình an, Tin lành mầu nhiệm, Tin lành hi vọng, Tin lành của Đức Chúa Trời. Nhưng than ôi, con người không thấy vẻ đẹp tuyệt vời của Tin lành. Tại sao? – Vì tội lỗi đã làm mù mắt thuộc linh của con người. Họ chỉ còn mắt xác thịt để thấy cảnh vật chung quanh, mà không có mắt thuộc linh để thấy cảnh vật vô hình còn đẹp ngàn lần hơn.

b Tội lỗi làm cho tối tăm. Êphêsô 4:18: “Bởi sự ngu muội ở trong họ, và vì lòng họ cứng cỏi nên trí không tối tăm, xa cách sự sống của Đức Chúa Trời”. Khi lòng người cứng cỏi mà chống lại mạng lệnh của Đức Chúa Trời, thì mỗi lúc lòng họ trở nên tối tăm hơn. Quay lưng với mặt trời là bước dần vào bóng tối. Càng xa mặt trời càng tối hơn. Loài người sanh ra trong tối tăm, sống trong tối tăm, chết trong tối tăm.

c Tội lỗi làm cho thù nghịch với Đức Chúa Trời. Côlôse 1:21: “Còn anh em ngày trước vốn xa cách Đức Chúa Trời, và là thù nghịch cùng Ngài bởi ý tưởng và việc ác mình”. Khi chúng ta phạm tội thì đương nhiên trở thành kẻ thù của Đức Chúa Trời rồi, vì Ngài là Đấng Thánh. Ai dám vỗ ngực xưng mình là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời? – Có, có những con người liều lĩnh, dám làm như vậy. Dầu chúng ta không dám nói như vậy, nhưng mà hành động của chúng ta thù nghịch với Ngài, nếu chúng ta phạm tội.

d Tội lỗi làm cho trở nên nô lệ. Giăng 8:34: “Đức Chúa Giêxu đáp rằng : Quả thật, quả thật Ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội lỗi là tôi mọi của tội lỗi”. Bất cứ tội lỗi nào mà minh đã phạm, thì chính mình trở thành nô lệ cho tội lỗi đó. Nói cách dễ hiểu : Người ghiền rượu thì nô lệ cho rượu, người ghiền á phiện thì là nô lệ cho á phiện. Người ghiền thuốc lá cũng nô lệ cho nó. Các bác sĩ cảnh cáo : “Hút thuốc lá ung thư phổi”. Nhưng khi con người đã trở thành nô lệ, dầu muốn dầu không cũng phải hút cho đến chừng hạ mình xuống mà thưa với Chúa rằng : “Xin cứu lấy con”. Con cái của Chúa được giải phóng thì đừng đặt mình làm nô lệ cho một tội nào, mà phải sống cuộc đời tự do, thánh khiết.

e Tội lỗi làm cho đau đớn. Thi thiên 38:3: “Tại cớ tội lỗi tôi, xương cốt tôi chẳng được an nghỉ”. Khi một người phạm tội thì cảm xúc đau đớn ngày đêm, không lúc nào được an nghỉ. Đavít nói rằng : “Tội lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi”. Ma quỷ và chính ta tố cáo mình, và làm cho chúng ta không thể bình an, cho đến chừng giải quyết nó.

f Tội lỗi làm cho mất phước. Giêrêmi 5:25: “Sự gian ác các ngươi đã làm cho những sự ấy xa các ngươi , tội lỗi các ngươi ngăn trở các ngươi được phước”. Chúng ta muốn được phước thì phải bỏ tội, vì nếu giữ tội thì chính nó ngăn trở chúng ta được phước. Đức Chúa Trời không thể nào ban phước cho kẻ cố giữ tội trong lòng mình. “Nếu lòng tôi có chú về tội ác, chắc Chúa chẳng nghe tôi”. Nếu có lỗi lầm nào, hãy sẵn sàng bỏ ngay phước Chúa tràn vào liền.

g Tội lỗi làm cho hoang vu. Michê 6:13: “Vậy nên Ta đánh ngươi, làm cho ngươi bị thương nặng, và khiến ngươi hoang vu, vì cớ tội lỗi ngươi”. Vì cớ tội lỗi ngươi, Ta làm cho ngươi hoang vu. Xứ Ysơraên là thánh địa, một xứ đượm sữa và mật, nhưng xứ đó 70 năm bị hoang vu, vì cớ tội lỗi. Đời sống của chúng ta đáng được phước, tất có hạnh phước Chúa dành cho chúng ta. Nhưng nếu chúng ta phạm tội, Chúa làm cho đời sống chúng ta hoang vu, là khô cằn, buồn thảm, đau đớn, chết chóc.

h Tội lỗi phá hoại đời sống. Châm ngôn 13:6: “Sự công bình bảo hộ người ăn ở ngay thẳng. Nhưng sự gian ác đánh đổ kẻ phạm tội”. Tội lỗi mình đã phạm đánh đổ hay phá hoại đời sống của mình. Tội lỗi như ten rét làm cho hao mòn đời sống chúng ta.

i Tội lỗi không xóa được bằng sức của người. Giêrêmi 17:1: “Tội lỗi Giuđa đã chép bằng bút sắt, bằng dùi kim cương ; đã chạm trên bảng trong lòng chúng nó”. Tội lỗi đã ghi vào đời sống của con người, không xoá được, không quên được, vì nó lưu thông trong Huyết quản chúng ta. Vì vậy, nếu Chúa không cứu chúng ta, thì chúng ta không thể nào bôi xoá được tội lỗi trong đời sống chúng ta.

j Không làm sao trốn được tội lỗi. Dân số ký 32:23: “Còn nếu không làm như vậy, nầy các ngươi sẽ phạm tội cùng Đức Giêhôva, và phải biết rằng tội chắc sẽ đổ lại trên các ngươi”. Tội mà chúng ta đã phạm đổ lại trên chúng ta. Ađam đổ thừa cho Êva, Êva đổ thừa cho con rắn. Con rắn không biết đổ thừa cho ai. Tuy nhiên, không ai tránh khỏi. “Đổ lại” còn có nghĩa là theo đuổi. Tội lỗi của chúng ta theo đuổi chúng ta. Nó đi song song với câu nầy của Đavít : “Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi”. Tội lỗi và sự hình phạt sẽ theo tôi.

Một người trong cơn nóng giận đã giết bạn mình. Khi xác chết nằm đó, tên sát nhân sợ hãi, liền bắt một con ngựa tốt, nhảy lên lưng ngựa và đánh nó chạy thật mau vô rừng sâu, vì anh ta muốn chạy xa chừng nào tốt chừng nấy. Ngựa chạy suốt đêm, mồ hôi ướt đẫm. Sáng hôm sau, khi ngựa dừng lại, anh mở mắt ra thì thấy nó dừng lại tại chỗ xác chết đang nằm. Tại sao vậy? -Vì con ngựa chạy suốt đêm, đến lúc anh không cầm cương thì nó quay về lúc nào anh không ngờ. Anh muốn chạy trốn, nhưng không khỏi. “Đức Chúa Trời không chịu khinh dễ đâu, vì ai gieo giống chi lại gặt giống ấy”

k Tội lỗi mỗi ngày thêm lên. Êsai 30:1: “Đức Giêhôva phán : Khốn thay cho con cái bội nghịch, lập mưu chẳng bởi ý Ta, kết ước chẳng cậy Thần Ta, hầu cho thêm tội trên tội”. Khi một người đã phạm một tội thì không dừng lại đó được đâu, mà phải phạm tội thứ hai, nêu không ăn năn thì sẽ pham tội thứ ba, và cứ tiếp tục mãi mãi trên con đường khốn nạn đó. Đavít đã phạm tội gian dâm với vợ Uri, ông muốn dừng lại nhưng không được, phải thêm tội sát nhân là giết Uri để đoạt vợ. Nếu không ăn năn, thiết tưởng mỗi ngày ông sẽ thêm tội nữa.

l Tội lỗi làm cho luông tuồng. Êphêsô5:18: “Đừng say rượu vì rượu xui cho luông tuồng ; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh”. “Chúng nó như con ngựa mập chạy lung tung, mỗi một người theo sau vợ kẻ lân cận mình mà hí” (Giê 5:8). “Thảy đều dong ruổi như ngựa xống vào trận” (Giê 8:6).

3-Tội nhân được ví sánh.

Kinh Thánh ví sánh tội nhân như :

a Ôuế như con chó. Châm ngôn 26:11; IIPhierơ 2:22: “Kẻ ngu muội làm lại việc ngu dại mình. Khác nào con chó đã mửa ra, rồi liếm lại”. Phierơ trưng dẫn câu nầy và khai triển: “Đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ : “Cho liếm lại đồ đã mứa, heo đã rửa sạch rồi lại lăn lóc trong vũng bùn”. Mỗi chúng ta đã một lần chứng kiến con chó mửa ra, rồi liếm lại. Thực sự đó được Salômôn ghi chép ; Phierơ khai triển và ứng dụng : Tội nhân đã được tha thứ, nghĩa là bỏ tội rồi lại tiếp tục phạm tội là ô uế quá. Chúa nhìn vào chúng ta như chúng ta nhìn vào một con chó. Thiên sứ ngoảnh mặt đi, không thể nào nhìn được một con cái của Chúa đã được tha thứ mà lại tái phạm.

b Xảo quyệt như con rắn. Mathiơ 23:33: “Hỡi loài rắn, dòng dõi rắn lục kia, thế nào mà tránh khỏi sự đoán phạt nơi địa ngục được?”. Con rắn xảo quyệt đã trở thành công cụ cám dỗ Ađam và Ê va phạm tội, và con rắn đó cũng được ma quỷ tiếp tục dùng, tức là những tội nhân ở trong tay của nó. Mỗi lúc, tội nhân càng xảo quyệt hơn, dối trá hơn, xấu xa hơn.

c Hung dữ như sư tử. Thi thiên 22:13: “Chúng nó hả miệng ra cùng tôi, khác nào sư tử hay cắn xé và gầm hét”. Kẻ ác được ví sánh như sư tử, nghĩa là hung dữ quá.

đ Khờ dại như con chiên. Êsai 53:6: “Chúng ta thảy đều như chiên lạc”. Con chiên đi lạc không biết đường về, phải có người chăn đến tận nơi đem nó về, vì nó khờ dại quá. Khi con người đã phạm tội. Thì dầu tri thức đến đâu cũng thành ngu dại, không biết việc phải làm, không biết lời phải nói và mù mờ như đi đêm.

e Gian ác như chồn. Luca 13:32: “Ngài đáp rằng : Hãy đi nói với con chồn cáo ấy rằng : Ngày nay, ngày mai, Ta đuổi quỷ chữa bệnh, đến ngày thứ ba thì đời Ta đã xong rồi”. Tức là với Hêrốt. Ông muốn giết Chúa Giêxu, Ngài ví ông ấy với con chồn cáo. Lúc nào cũng sẵn sàng làm hại người khác.

f Cắn xé như con sói. Mathiơ 7:15: “Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muôn sói hay cắn xé”. Có những người giả dối mang lốt chiên hiền lành, song lòng là sói. Thà họ là con sói thì người ta biết mà tránh xa, nhưng họ mang lốt chiên, làm cho người ta lầm thì gian ác càng thêm gian ác.

g Ngu si như con lừa. Gióp 11:12; Êsai 1:2-4: “Nhưng chừng nào lừa con rừng sanh ra làm người. Thì chừng nấy người hư không mới trở nên thông sáng!”. Người hư không là người tội lỗi, không trở nên thông sáng được. Dân La mã rất văn minh và cường thịnh, nhưng họ sấp mình thờ lạy diều, thú, côn trùng thay cho Đấng Tạo hoá . Theo các nhà sinh vật học, không có con vật nào ngu bằng con lừa. Chúa nói rằng dân Ysơraên còn ngu hơn con lừa : “Hỡi các từng trời, hãy nghe ! Hỡi đất, hãy lắng tai ! Vì Đức Giêhôva đã phán rằng : Ta đã nuôi nấng con cái, trưởng dưỡng chúng nó, song chúng nó dấy loạn nghịch cùng ta. Bò biết chủ mình, lừa biết máng của chủ, song dân Ysơraên chẳng hiểu biết, dân Ta chẳng suy nghĩ”. Dân Ysơraên có tiếng là khôn ngoan, hiện nay trong thế giới có những người thông minh lỗi lạc, trong đó có người Ysơraên. Nhưng khi họ phạm tội, thì Chúa bảo rằng : “Họ ngu hơn con lừa, con bò”.

4-Kết quả cuối cùng của tội lỗi : CHẾT

“Tiền công của tội lỗi là sự chết …Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết …Một mai người ăn chắc sẽ chết”. Sự chết đó có ba thứ :

a Chết linh hồn. Êphêsô 2:1: “Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình”. Linh hồn bị phân rẽ với Đức Chúa Trời, mất sự Sống, mất sự Sáng, mất Phước hạnh.

b Chết thân thể. Truyền đạo 12:7: “Và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó”. Thân thể bị phân rẽ với linh hồn khi con người qua đời.

c Chết đời đời. Khải huyền 20:14-15: “Đoạn, sự chết và Âm phủ, bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Kẻ nào không được biên vào sách Sự sống đều bị ném xuống hồ lửa”. Linh hồn và thân thể bị phân rẽ với Đức Chúa Trời đời đời mà rơi vào hoả ngục (Khải huyền 21:8).

Mục sư Đoàn Văn Miêng

Giải Pháp Nào Cho Tội Lỗi?

Bình Luận:

You may also like