Home Dưỡng Linh Ngày 20 – Việc Giải Quyết Nạn Đói Của Giô-Sép

Ngày 20 – Việc Giải Quyết Nạn Đói Của Giô-Sép

by Ban Biên Tập
30 đọc

Sáng Thế Ký 47:13-26

13 Trong khắp xứ không còn thức ăn nữa, vì nạn đói trở nên nghiêm trọng. Cả Ai Cập và Ca-na-an đều bị kiệt quệ vì nạn đói. 14 Giô-sép thu tất cả số tiền bạc trong xứ Ai Cập và Ca-na-an, tức là tiền người ta mua lúa, rồi đưa vào kho Pha-ra-ôn. 15 Khi tiền bạc trong xứ Ai Cập và Ca-na-an đã hết thì mọi người Ai Cập đều kéo đến với Giô-sép và yêu cầu: “Xin cấp lương thực cho chúng tôi. Chẳng lẽ vì hết tiền mà chúng tôi phải chết trước mặt ngài sao?” 16 Giô-sép đáp: “Nếu hết tiền bạc thì đem súc vật các ngươi đến, ta sẽ đổi lương thực lấy súc vật.” 17 Dân chúng dẫn súc vật đến cho Giô-sép. Giô-sép đổi lương thực lấy ngựa, bầy chiên, bầy bò, và lừa. Năm đó, ông cung cấp lương thực cho họ và đổi lấy tất cả các bầy súc vật của họ. 18 Hết năm đó, qua năm sau dân chúng lại đến với ông và nói: “Chúng tôi không giấu gì ngài, tiền bạc của chúng tôi đã hết sạch, bầy súc vật đã giao cho ngài. Bây giờ, như ngài thấy đó, chúng tôi chẳng còn gì ngoài bản thân và đất ruộng. 19 Chẳng lẽ chúng tôi phải chết và ruộng đất chúng tôi phải hoang vu trước mặt ngài sao? Xin ngài lấy lương thực mà mua chúng tôi và đất đai chúng tôi. Chúng tôi và đất đai chúng tôi sẽ làm nô lệ cho Pha-ra-ôn. Xin cho chúng tôi hạt giống để chúng tôi sống chứ không phải chết, và đất đai không bị bỏ hoang.” 20 Giô-sép mua tất cả ruộng đất trong Ai Cập về cho Pha-ra-ôn. Vì nạn đói thúc bách nên mọi người Ai Cập đem bán đồng ruộng mình; vậy đất đai đều thuộc về Pha-ra-ôn. 21 Còn dân chúng thì ông biến họ thành nô lệ từ đầu nầy đến đầu kia của lãnh thổ Ai Cập. 22 Tuy nhiên, Giô-sép không mua ruộng đất của những thầy tế lễ, vì các thầy tế lễ được một phần trợ cấp nhất định của Pha-ra-ôn. Họ sống nhờ phần lương thực Pha-ra-ôn trợ cấp nên không phải bán đất của mình. 23 Giô-sép nói với dân chúng: “Hôm nay ta đã mua các ngươi và đất đai của các ngươi cho Pha-ra-ôn. Đây là hạt giống để các ngươi gieo xuống đất đó. 24 Đến mùa gặt, các ngươi phải nộp cho Pha-ra-ôn một phần năm, còn bốn phần kia là phần của các ngươi để làm giống và làm lương thực cho bản thân, cho người nhà và nuôi con cái.” 25 Dân chúng nói: “Ngài đã cứu mạng chúng tôi! Chúng tôi mong được vừa lòng ngài, và sẽ làm nô lệ cho Pha-ra-ôn.” 26 Vậy Giô-sép lập thành một luật về đất đai tại Ai Cập, đến nay vẫn còn giá trị, tức là phải nộp cho Pha-ra-ôn một phần năm hoa lợi mình có. Chỉ có đất ruộng của các thầy tế lễ là không thuộc về Pha-ra-ôn.

Suy ngẫm và hiểu

Do nạn đói kéo dài, dân chúng đã dùng tất cả tiền bạc của họ để mua lúa mì. Vì nạn đói vẫn còn tiếp tục, họ đã phải bán bầy gia súc của mình, và cuối cùng đã bán chính mình và đất ruộng của họ cho Pha-ra-ôn. Họ đã trở thành nô lệ của Pha-ra-ôn (c.13-19). Tuy nhiên, Giô-sép đã ra chỉ thị cho dân chúng chỉ nộp một phần năm hoa lợi của họ cho Pha-ra-ôn và giữ phần còn lại để làm lương thực. Đáp lại, người Ai Cập công bố “Ngài đã cứu mạng chúng tôi”. Vì thế, Giô-sép, người của Đức Chúa Trời, đã cứu dân Ai Cập, cũng như chính gia đình chàng (c.20-26).

Ngài ban cho tôi bài học gì?

C.20-26 Mặc dù dân chúng đã trở thành nô lệ của Pha-ra-ôn, nhưng Giô-sép đã cho phép họ cày cấy trên đất ruộng mà họ đã bán cho Pha-ra-ôn. Chàng yêu cầu họ nộp thuế một phần năm hoa lợi của họ mà thôi, và để họ giữ phần còn lại. Ngoài ra, nếu cần thiết, Giô-sép giúp người dân di chuyển để họ có thể trồng lúa của riêng mình. Trong con mắt của chúng ta, có vẻ như chính quyền Ai Cập đã thay đổi hệ thống chủ đất canh tác và củng cố quyền lực của họ, nhưng trong những ngày ấy, đó là điều tốt nhất mà Giô-sép có thể làm để cứu thoát dân chúng và đất đai. Tất nhiên, kiểu hệ thống và chính sách này không thể và không được áp dụng và minh chứng là đúng trong mọi hoàn cảnh. Nhưng sự cai trị của Giô-sép, điều đặt việc kính sợ Chúa và sự an toàn của người dân lên trên hết, đã trở thành một con đường đem đến phước hạnh cho mọi dân tộc, như Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham.

Tham khảo   

47:13–26 Giô-sép giám sát việc đối phó với nạn đói xảy ra ở Ai Cập. Sự miêu tả chi tiết này về cách xử lý của Giô-sép đối phó với nạn đói ở Ai Cập thu hút sự chú ý đến việc dân chúng được cứu sống như thế nào, và họ tự nguyện phục vụ Pha-ra-ôn ra sao. 

47:13–14 Nạn đói diễn ra quá khắc nghiệt và lâu dài đến nỗi cuối cùng, người dân Ai Cập không còn tiền bạc để mua lúa mì nữa. 47:15-17 Khi tất cả tiền bạc đã hết, người Ai Cập nài xin Giô-sép giúp đỡ (c.15). Ông đáp lại bằng việc đề nghị mua gia súc của họ (c.16). Điều này khiến dân Ai Cập cầm cự được thêm được một năm nữa (c.17).

Cầu nguyện: Đức Chúa Trời ôi, xin hãy chăm xem cộng đồng của chúng con, và xin hãy giúp chúng con ngày hôm nay sống phụ thuộc vào chỉ mình Ngài mà thôi.

Đọc Kinh Thánh trong năm: Rô-ma 12-13

Được Sự Cho Phép Của Liên Đoàn Đọc Kinh Thánh Su Việt Nam

 

Bình Luận:

You may also like