Home Cho Người Việt Thập Tự Giá Và Tình Yêu Chúa

Thập Tự Giá Và Tình Yêu Chúa

by Hồ Galilê
30 đọc

KINH THÁNH: Tin Lành Ma-thi-ơ 27:32-50

Câu gốc: “Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều này: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài xuống thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống.” 1Giăng 4:9

Dẫn nhập:

Sau khi chứng kiến cảnh chiến trường đẫm máu, thương binh nằm la liệt tại chỗ trong tình trạng bị bỏ rơi vào ngày 24/6/1959, Henry Durant đã viết cuốn sách “Một ký ức Solferino”. Ông còn cùng bạn bè thành lập Uỷ ban Quốc Gia Chữ Thập đỏ. Mọi người vì cảm động trước nghĩa cử của ông nên lấy ngày sinh của ông 8/5 làm Quốc tế Chữ Thập đỏ.

Theo hiến chương Liên hiệp quốc, các tổ chức chuyên môn khác nhau được thành lập bằng các hiệp định Liên chính phủ và cũng theo điều lệ ấy, tổ chức này có trách nhiệm quốc tế rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế và các lĩnh vực liên quan khác. Đến nay đã có nhiều tổ chức chuyên môn hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. 2 trong số 14 tổ chức ấy là tổ chức Y tế thế giới viết tắt là WHO và tổ chức Chữ thập đỏ Quốc tế viết tắt là WRC (World Red Cross) Hai tổ chức này chuyên lo công tác thiện nguyện, chữa bệnh, nghiên cứu và chế ra dược thuốc để phòng và trị bệnh, cải thiện đời sống và mang lại rất nhiều lợi ích cho con người.

Thế nhưng vấn đề tội lỗi con người gây ra, thì họ không làm chi được. Chỉ có Chúa Giê-xu mới đem đến sự chữa lành trọn vẹn thể xác và tâm linh cho con người qua sự hy sinh trên Thập tự giá mà thôi. Mời bạn bước vào trang giãi bày chân lý ấy qua ánh sáng của Thánh Kinh:

I/ ĐỂ HOÀN TẤT Ý MUỐN CỦA THƯỢNG ĐẾ

Theo “Phật học Tinh hoa” của nhà xuất bản Vạn Hạnh năm 1961- tủ sách triết học:

Năm 29 tuổi lúc đang đêm, Thái tử Thích Ca cùng tên hầu cận Xa-Nặc với con ngựa kiền trắc Ka-tha-ka trung thành rong ruỗi lên đường đến bờ sông A-no-ma thì trời vừa hừng sáng, Thái tử dừng lại nơi đây đưa lưỡi kiếm lên đầu xén mớ tóc của mình, cởi áo long bào cẩm nhung vứt đi, khất lên vai mảnh y của người khất sỹ rồi quay trở lại bảo Xa-Nặc: “Chính vì đêm tối ta mới đi tìm ánh sáng, tìm chân lý.”

THẬP TỰ GIÁ VÀ TÌNH YÊU CHÚA

Thưa quý vị và các bạn thân mến!

Thích Ca mâu ni đã đi tìm chân lý, ông không phải là chân lý, nhưng Chúa Cứu Thế Giê-xu Ngài là chân lý và là nguồn ánh sáng cho nhân loại. Tin Lành Giăng 14:6 “Vậy Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.”

Nỗi đau khổ tột đỉnh ở cái chết của Ngài đã chịu đựng trên thập tự giá cùng sự giày vò cho tới khi trả xong món nợ của nhân loại. Chịu đựng mọi cực hình và sự chế nhạo, mắng nhiếc. Ngài đã cứu kẻ khác nhưng không tự cứu mình được, vì sao Ngài phải nhận chịu kết cuộc một sự thảm hại đến như vậy?

Ngài không xuống Thập tự giá ấy là để hoàn thành ý muốn của Thượng Đế. Trong sách Sáng thế ký 3:15 “Ta sẽ làm cho ngươi cùng người nữ, dòng dõi ngươi cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ cắn gót chân người. Chúa Giê-xu là con trai của người nữ, ấy là Ma-ri được sinh ra không do sự kết hiệp của người nam. Khi Ngài chịu chết trên Thập tự giá ấy là Ngài đã giày đạp đầu con rắn xưa tức là Sa-tan, là ma quỷ, là sự chết , là âm phủ”. Ê-sai 53:5-6 “Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.”

Những sách khác trong Cựu ước cũng tiên tri Chúa phải chết theo chương trình của Đức Chúa Trời đã hoạch định từ trước. Khi quân lính và đầy tớ của thầy tế lễ cả thượng phẩm đến bắt Chúa Giê-xu, Ngài nói với Phi-e-rơ: “Ngươi tưởng ta không thể xin Cha ta lập tức cho ta hơn 12 đạo thiên sứ sao?” Ma-thi-ơ 26:53. Nếu vậy, thế nào cho ứng nghiệm lời Kinh thánh đã chép rằng việc này tất phải xảy đến. Ngài không cứu tính mạng mình ấy là Ngài chấp nhận phải chết để hoàn thành ý muốn của Cha Ngài đó sao?

Bài thánh ca 97 Vì tội nhân Giê-xu chết kia rồi của Isass Watts 1674-1748 do Daniel Reed dịch lời thật cảm động sâu sắc nhưng rất bi tráng như sau:

“…Vì tội nhân Jêsus chết kia rồi
Kìa bao người yêu khóc than bồi hồi
Trời đương ban trưa bỗng tối tăm bấy
Ô kia trái đất rung rinh lạ này…

Này tình yêu với khổ đau tuyệt vời
Là vua diệu vinh chết thay muôn người
Thình lình ta vui thấy cảnh siêu thoát
Giê-xu đã chết nhưng nay phục hoạt…

Tụng ngợi vua ta đắc thắng vinh hiển
Xích tay tử vương lâu nay độc quyền…
Kìa nọc ngươi đâu, hởi chết ta hỏi
Ôi âm phủ sức thắng ngươi đâu rồi…?

II/ ĐỂ CỨU CHÚNG TA

Mục sư Gary Ausbun kể lại câu chuyện của người gác cầu quay như sau: …Chiếc cầu quay dành cho người đi bộ và xe lửa, khi tàu đã đi qua, thì cầu được nâng lên cho người đi bộ, trong lúc hạ cầu xuống, xe cộ phía trên phải dừng lại, xe lửa được đi qua theo giờ quy định. Ngày nọ, cậu con trai của người điều khiển tàu theo cha ra để xem cha điều khiển, trong lúc ông đang hạ chiếc cầu xuống thì cậu bé tò mò và tinh nghịch đã trượt chân rơi xuống gầm cầu, người gác cầu hốt hoảng vội điều khiển nâng cầu lên để cứu con, nhưng ngay trong lúc ấy một chuyến tàu hỏa đầy hành khách hú còi từ xa, nếu cứu con trai thì cả đoàn tàu sẽ rơi xuống vực thẳm, nếu hạ gầm cầu xuống thì con ông sẽ kẹp chết trong gầm cầu, trong khoảnh khắc khủng khiếp ấy ông đã quyết định hạ chiếc cầu cho đoàn tàu đi qua an toàn như mọi ngày, các nhân viên hỏa xa trên tàu vẩy tay chào ông, ông vẩy tay chào lại họ mà trong lòng tan nát vì biết rằng sau khi tàu đi qua công việc của ông là tìm kiếm xác đứa con trai đem về an táng.

Tất cả những hy sinh đều xuất phát từ tình yêu, người lính xả thân vì Tổ quốc, cha mẹ cam chịu nhọc nhằn vì tình yêu con cái, sự hy sinh nào cũng đòi hỏi lòng can đảm và sự chấp nhận, can đảm để thực hiện một nghĩa cử cao đẹp cho người khác và chấp nhận là chịu lấy những thiệt thòi mất mát cho mình, sự sống của hành khách trên con tàu là yếu tố quan trọng nhất để cho người cha quyết định hy sinh đứa con của ông ta. Cũng vì không muốn cho loài người chết mất mà Đức Chúa Trời đã hy sinh Con một của Ngài là Chúa Giê-xu giáng sinh làm người chịu chết trên thập tự giá đền tội cho cả nhân loại.

THẬP TỰ GIÁ VÀ TÌNH YÊU CHÚA

Chúa đã chết như vậy là để cứu chúng ta, Ngài cầu nguyện ở vườn Ghết-sê-ma-nê rằng: “Cha ơi, nếu có thể được xin cất chén này khỏi con” Ma-thi-ơ 26:39. Chén mà Ngài sắp uống là một chất độc chết người , là tội phạm ghê gướm cùng sự trói buộc của tội lỗi mà đáng ra con người phải gánh chịu thì Chúa Giê-xu phải gánh thay, đến nỗi Đức Chúa Trời xây mặt khỏi Ngài mà Chúa Giê-xu phải kêu lên: “Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi” Ma-thi-ơ 27:46. Tại sao Đức Chúa Trời không nhìn Ngài chết một cách đau khổ như vậy? Bởi vì Đức Chúa Trời không nhìn nhận tội lỗi cho đến khi giá tội lỗi được trả xong, đó là khi Chúa Giê-xu tuyên bố “Mọi sự đã được trọn; rồi Ngài gục đầu và trút linh hồn.” Giăng 19:30.

Có một câu chuyện về một cô gái đến xem phòng tranh triển lãm của một họa sỹ tài hoa, trong đó có một bức tranh vẽ hình Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá. Cô gái hỏi họa sỹ: “bức tranh ấy là gì vậy?” Họa sỹ trả lời: “Đó là bức tranh Chúa Giê-xu bị đóng đinh chết trên thập tự giá để đền tội cho nhân loại cô không biết sao?” Cô gái hỏi tiếp: “Thế, Ngài có chết đền tội cho ông không ạ?” Họa sỹ vô cùng sững sốt vì câu hỏi này vì đã từ lâu ông cứ nghĩ là Chúa Giê-xu chết đền tội chung cho mọi người, chứ ông đâu có nghĩ là Ngài chết đền tội cho chính ông. Hai tuần sau, ông tìm đến một nhà thờ và xin Mục sư cầu nguyện cho ông ăn năn tin nhận Ngài.

III/ VÌ YÊU THƯƠNG CHÚNG TA NÊN NGÀI CHỊU CHẾT

Khi một phạm nhân bị kết án tử hình thì y phải vác cây gỗ ngang từ pháp trường đến pháp trường, trước khi đi lãnh án, phạm nhân bị tra tấn một cách dã man. Hình phạt này xuất phát từ Ba Tư vì tại đây người ta cho rằng: Đất là nơi Thánh của Thần Ormazd nên tử tội phải được nâng lên khỏi đất không làm ô uế tài sản của Thần ấy. Hình phạt này sau được du nhập vào xứ Carthage thuộc về Bắc phi và rồi sau đó nữa thì chính quyền La mã đã áp dụng cho các nước bị họ chiếm đóng. Chết vì bị đóng đinh vào thập tự giá là việc rất khủng khiếp mà chính chính quyền La-mã cũng khiếp sợ hình phạt nầy. Cicio nói “Đây là cái chết tàn ác và khủng khiếp nhất”. Tacitus thì cho rằng: “Đó là cái chết đáng khinh bỉ nhất”. Nếu một phạm nhân sau bị luận tội và bị kết án tử thì ngay khi quan tòa tuyên bố “This ad Crotceih” án lệnh được thực hiện ngay tức khắc. Trước khi bị đóng đinh vào thập tự giá, phạm nhân bị đánh đòn sau đó được đặt giữa bốn tên lính La mã với cây thập tự mang trên vai, đi trước là một viên chức mang tấm bảng ghi tội ác của phạm nhân. Tội nhân được dẫn qua các đường phố với hai mục đích đó: răn đe những người khác và nếu có ai bênh vực cho phạm nhân thì bước ra trưng dẫn bằng chứng thì cuộc thi hành phải dừng lại để xét xử lại.

Theo luật La mã tử tội phải bị treo lên cho đến chết còn luật Do Thái thì tử tội phải được hạ xuống trước khi trời tối ngày mới bắt đầu. Theo luật La mã thì xác chết nầy không được chôn mà đem ném cho chim chóc hoặc chó đồng ăn, còn luật Do Thái thì trên đất không được để sọ người, chính vì vậy mà hai tên tướng cướp bị đánh gãy ống chân để máu ra nhanh mà chết sớm, nhưng quân lính đến thấy Đức Chúa Giê-xu đã chêt rồi nên chúng không đánh gãy xương chân nữa mà một tên lính lấy giáo đâm ngang sườn Ngài tức thì máu và huyết chảy ra.

THẬP TỰ GIÁ VÀ TÌNH YÊU CHÚA

Thưa quý vị cùng các bạn thân mến!

Lý do Chúa chết trên thập tự giá là vì Ngài yêu chúng ta vô cùng, ngay cả những lúc khổ sở nhất mà Ngài vẫn chịu đựng không xuống khỏi thập tự giá, bóng tối tối tăm của sự chia cách với Thượng Đế, nếu Ngài xuống khỏi thập tự giá thì chúng ta sẽ phải chết trong tội lỗi mình. Sức mạnh lớn lao nhất trong tình yêu là tình nguyện hy sinh cho dù có bị mọi người chế giễu chỉ trích, phỉ nhổ. Một tình yêu đến nỗi kẻ thuộc về Ngài cũng phải tra xét tấm lòng của mình để biết rõ mức độ tình yêu của Ngài. Nỗi đau đớn thật quá sự hiểu biết của mỗi một chúng ta, Chúa đã chết để vâng lời Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn. Ngài yêu chúng ta nên không kết án tội chúng ta. Ngài vẫn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta đến với Ngài, chúng ta nên hiểu rằng Ngài chết là vì cớ tội lỗi chúng ta và chúng ta phải cảm ơn về sự hy sinh của Ngài đã cất đi buồn rầu bệnh hoạn của mỗi người, ban cho chúng ta sự cứu rỗi trọn vẹn.

Trong lịch sử loài người chưa hề có ai có cái chết như vậy bao giờ, Ngài đến với con người, đi giữa vòng, cung ứng mọi nhu cầu nhưng rồi Ngài phải chết, thế có phải Ngài yêu chúng ta không nào?

Khi Ngài bị đóng đinh từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín tức 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều thì khắp đất đều tối tăm mù mịt, chỗ Ngài đóng đinh: Đồi Gô-gô-tha là một ngọn đồi không một bóng cây, có hình giống cái sọ người, mà các nhà họa đồ cho là đồi Sọ. Trời nắng chang chang không một gợn mây, thế mà lại tối tăm, không phải nhật thực cũng không phải bão táp sa mạc kéo về, vì nhật thực chỉ kéo dài khoảng 7 phút mà thôi. Hơn nữa ngày lễ Vượt qua của dân Do Thái cử hành lúc trăng tròn thì không thể xảy ra nhật thực được.

Trước thảm cảnh con Đức Chúa Trời chịu chết vì tội nhân loại muôn vật phủ một màu tang trong lặng lẽ u buồn, thiết tưởng suốt hơn ba tiếng đồng hồ tối tăm đó là thời gian thê lương và ảm đạm nhất. Dân Do Thái và chính quyền La mã đã làm một việc mà cả trời đất đều tối tăm và u buồn cho muôn vật. Không phải Ngài chết cho dân Do Thái và chính quyền La mã mà Ngài đã chết cho toàn thể nhân loại, trong đó có cả bạn và tôi đã đóng đinh Ngài.

Thập tự giá đau thương mà Chúa đã chết đã trở thành nguồn sức mạnh lớn lao, từ hình cụ nhục nhã, dã man đã trở thành biểu tượng của sự vinh hiển và tình yêu tuyệt vời. Ngày nay chúng ta đều chứng kiến trên các cơ quan từ thiện, bệnh viện, nhà thờ, hội Chữ thập đỏ, trong nhà các Cơ đốc nhân, ngay trong cả nghĩa trang cũng có sự hiện diện của nó. Vậy, Thập tự giá không được lạm dụng vào những bổng lộc riêng tư. Không nên trang sức vào người bằng những báu vật đắt tiền làm quý giá, để mà phô trương giàu sang quý phái, mà chúng ta phải kinh nghiệm một cách riêng tư, để chúng ta chứng quyết tình yêu Chúa, chúng ta chiêm nghiệm tình yêu của Ngài.

Thập tự giá nơi đó Ngài bị treo lên, Ngài đã chết để chúng ta được hạ xuống, chúng ta được sống. Chúng ta nên cảm ơn Chúa vô cùng… Nhà thơ Tường Lưu là môt người rất yêu mến Chúa, ông có hàng ngàn bài thơ ca ngợi Chúa qua rất nhiều thi tập, nhân đây tôi xin trích một đoạn thơ của ông với nhan đề “Diệu kỳ quá đỗi”:

“…Nhưng trên hết con là người tội lỗi
Đường thế gian con đi đã bấy lâu
Chúa cứu con, đem con khỏi vực sâu
Cảm ơn Chúa, thật diệu kỳ quá đỗi!

Con là ai…Chúa thương con đến thế!
Một tội nhân đáng hư mất mà thôi!
Chúa đặt tay, Chúa bao phủ suốt đời
Cảm ơn Chúa, thật diêu kỳ quá đỗi…”

Tâm Linh thi tập 13 – 2008.

Ước mong qua sự giãi bày lời Kinh Thánh trên đây, quý vị và các bạn nhận được sự kinh nghiệm tình yêu Chúa và mở lòng mình ra tiếp nhận hồng ân Ngài. Muốn thật hết lòng!

Hồ Galilê – Mùa Thương Khó 2015.
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like