Home 100 Năm Tin Lành VN Alexandre Yersin – Những Người Tin Lành Đầu Tiên Đến VN – P2

Alexandre Yersin – Những Người Tin Lành Đầu Tiên Đến VN – P2

by Ban Biên Tập
30 đọc

Alexandre Yersin (1863-1943)

AlexandreYersin_Senior

Ảnh Alexandre Yersin lúc đứng tuổi
(Photo credit: International des Instituts Pasteur)

3. Thời Gian Đầu Tại Việt Nam

Theo gương David Livingstone, vài tháng sau khi đến Nha Trang, Yersin bắt đầu chuyến thám hiểm đầu tiên.  Vì đã đi lại nhiều lần dọc bờ biển Việt Nam bằng đường thủy, Yersin tin rằng ông sẽ tìm được đường bộ từ Nha Trang vào Sài Gòn.  Từ Nha Trang, Yersin cỡi ngựa vào Phan Rí. Từ đây, ông thuê một người sắc tộc giúp ông vượt rừng lên cao nguyên Lâm Đồng.

Trong cuộc thám hiểm này, Yersin dự định tìm đường lên thượng nguồn sông Đồng Nai rồi từ đó xuôi dòng về Sài Gòn. Đoạn đường dài khỏang 500 cây số.   Sau hai ngày gian nan, người dẫn đường dẫn Yersin đến Djiring (Di Linh), nhưng người này từ chối không chịu đi tiếp vì nguy hiểm.  Yersin phải một mình quay lại Phan Thiết rồi từ đó trở ra Nha Trang.  Thất bại không làm Yersin nản lòng, ông đã chuẩn bị chuyến thám hiểm khác.

Năm 1891, Albert Calmette, một học trò của Emile Roux, được cử sang Đông Dương thành lập phòng thí nghiệm của Viện Pasteur tại Sài Gòn.  Biết được Alexandre Yersin là một nhân tài, Louis Pasteur và Emile Roux đã dặn Albert Calmette cố gắng mời Alexandre Yersin quay lại con đường nghiên cứu.  Trước lời khuyên của các đồng nghiệp, Alexandre Yersin nhận lời làm việc cho Sở Y Tế Thuộc Địa tại Sài Gòn.  Mối quan hệ giữa Albert Calmette và Alexandre Yersin được hình thành từ đó.  Luận án tiến sĩ của Yersin nghiên cứu về nguồn gốc bệnh lao. Về sau, Albert Calmette cùng với Camille Guérin đã nghiên cứu và chế ra thuốc chủng ngừa bệnh lao mang tênBacillus Calmette-Guérin (BCG).

4. Thám Hiểm Đông Dương

Động lực khiến Yersin đến Đông Dương không lọt khỏi tầm mắt của chính quyền Pháp. Biết được khả năng của Yersin, chính quyền Pháp tại Đông Dương đã khéo léo dùng ông cho mục đích của họ.  Toàn quyền Đông Dương Jean Marie Antoine de Lanessan đã nhờ Yersin lãnh đạo ba cuộc thám hiểm xuyên vùng cao nguyên Việt Nam, và về sau chính quyền Pháp yêu cầu Yersin làm những công việc cao quý khác, có lợi cho chính quyền Pháp, và để ông không còn nhiều thời giờ cho việc truyền giáo.

Ngày 29/3/1892, chính quyền Đông Dương yêu cầu Alexandre Yersin thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên.  Tại Phi Châu có sông Nile, tại Đông Dương có sông Cửu Long. Từ Nha Trang, Yersin ra Ninh Hòa rồi vượt vùng núi Pleiku, Kontum, theo hướng tây bắc tiếp tục đi đến sông Cửu Long tại Stung Treng thuộc miền bắc Campuchia.  Từ đó, Yersin thuê thuyền xuôi dòng xuống Phnom Penh vào ngày 15/5/1892.  Sau đó, Yersin đi tiếp ra Phú Quốc rồi từ đó về Sài Gòn.

Thành công của chuyến thám hiểm đầu tiên khiến Toàn quyền Jean Marie Antoine de Lanessan trao cho Yersin trách nhiệm khảo  cứu việc  mở một con đường từ Sài Gòn lên cao nguyên Trung Phần.  Trong chuyến thám hiểm thứ hai này, Yersin đi đường bộ từ Biên Hòa ra Đồng Nai, lên Di Linh rồi đi tiếp đến cao nguyên Lâm Viên.  Trong nhật ký ngày 21/6/1893 ghi lại hành trình chuyến đi, Yersin cho biết, có vài làng của người sắc tộc Lạt (D’Lat) nằm rải rác trong vùng này. “Từ trong rừng thông bước ra tôi sửng sờ khi đối diện một bình nguyên hoang vu giống như mặt biển tràn đầy những làn sóng màu xanh lá cây.  Sự hùng vĩ của rặng Lang Bian hòa lẫn vào đường chân trời tây bắc tạo nên bối cảnh tráng lệ, gia tăng vẻ đẹp của vùng đất này.”

Trước phong cảnh xinh đẹp, khí hậu mát dịu, có hồ, thác nước, rừng thông, Yersin nhớ lại quê hương tại Thụy Sĩ.   Yersin nghĩ rằng đây là một nơi rất tốt để xây dựng một thành phố nghỉ mát. Ông đề nghị chính quyền Pháp tại Đông Dương nên làm điều đó. Về sau Toàn quyền Paul Doumer trong nổ lực phát triển kinh tế Đông Dương đã thực hiện đề nghị của Yersin.  Vùng đất của người D’Lat đã ở là thành phố Đà Lạt ngày nay.  Cuối thập niên 1930, người Pháp dự định phát triển Đà Lạt thành thủ đô mới của Đông Dương. Sau đó Đệ Nhị Thế Chiến diễn ra và Pháp không còn kiểm soát Đông Dương nên dự án này bị hủy bỏ.

Nhiều người muốn biết tên Đà Lạt xuất phát từ đâu?  Có người cho rằng đó là chữ viết tắt củaDat Aliis Laetitiam Aliis Temperem – “Nơi mang lại niềm vui cho một số người và đem lại sức khỏe cho những người khác.”  Tuy nhiên, tên Đà Lạt xuất phát từ chữ D’Lat trong nhật ký của  Yersin. Theo Mục sư Phạm Xuân Tín, một nhà truyền giáo Tin Lành kỳ cựu tại cao nguyên miền Trung Việt Nam và cũng là một nhà ngôn ngữ học đã đặt chữ viết cho các sắc tộc thiểu số, Đa có nghĩa là xứ, Lạt là Lạch. Đa Lạt là xứ của người Lạch. Về sau, người Việt viết thành Đà Lạt. Thành ngữ La Tinh là do những người Âu Châu đặt ra từ tên Đà Lạt khi họ kinh nghiệm được những ích lợi của thành phố này.  Một tên khác cũng có cùng nguồn gốc tương tự. Dran hay Đơn Dương  là tên một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Tuyên Đức; và D’Ran hay Đà Rằn là tên một con sông nhỏ ở Di Linh.

Cuối năm 1893, Yersin thực hiện cuộc thám hiểm thứ ba dọc cao nguyên Trường Sơn.   Từ Biên Hòa đến Đà Lạt, Yersin đi tiếp đến cao nguyên Đắc Lắc, vào tỉnh Attopeu phía nam của nước Lào. Từ đó, ông đi về hướng đông ra biển.  Yersin đến Đà Nẵng vào ngày 17/5/1894.  Cuộc khảo sát lần thứ ba này thăm dò một vùng đất rộng lớn trải rộng từ vĩ tuyến 11 ở phía nam đến vĩ tuyến 16 ở phía bắc, và từ sông Mekong ở phía tây đến bờ biển Việt Nam ở phía đông.   

5.  Cống Hiến Cho Y Khoa Thế Giới

Yersin chuẩn bị cho cuộc thám hiểm thứ tư. Ông dự định khảo cứu các vùng núi cao tại Cao Bằng, Lạng Sơn qua các tỉnh Quảng Đông, Vân Nam tại Trung Hoa tìm đến thượng nguồn sông Cửu Long. Tuy nhiên, chuyến khảo cứu thứ tư này phải bỏ dỡ vì trong năm 1894, dịch hạch bộc phát tại Quảng Đông giết chết khoảng 60.000 người.  Sau đó, dịch hạch lan tràn tại Hong Kong và có nguy cơ lây sang Đông Dương. Tỷ lệ tử vong của trận dịch năm 1894 rất cao: 95% người nhiễm bệnh chết.  Trước tình hình đó, chính quyền Pháp cử Yersin đến Hong Kong để nghiên cứu và tìm cách giúp đỡ.

Yersin rời Sài Gòn đi Hải Phòng ngày 2/6/1894.  Từ đó, ông đón tàu đi Hong Kong.  Khi Yersin đến nơi, gần phân nửa dân số Hong Kong đã di tản.  Yersin lập một phòng thí nghiệm dã chiến tại Hong Kong và tập trung nghiên cứu nguồn gốc dịch hạch.  Với khả năng chuyên môn về vi trùng học, chỉ trong một tuần lễ, ngày 20/6/1894, Yersin đã phát hiện ra mầm bệnh hạch.  Về sau các khoa học gia đặt tên trực khuẩn đó là yersina pestis, theo tên của Yersin.  Yersin là người đầu tiên chứng minh trực khuẩn này sống trong chuột và có thể lây sang người.  Nguồn gốc dịch hạch đã giết hàng trăm triệu người trên thế giới suốt mấy ngàn năm qua đã được Yersin khám phá.

Việc khám phá ra vi trùng bệnh dịch hạch làm Yersin nổi tiếng; tuy nhiên, điều quan trọng đối với ông không phải là việc tìm ra mầm bệnh mà là làm thế nào để tìm thuốc chữa bệnh.  Là một người nhạy cảm và đầy lòng yêu thương, trước việc chứng kiến hàng chục ngàn người phải chết vì dịch hạch vào năm đó, năm 1895 Alexandre Yersin gạt bỏ những dự tính khác qua một bên, ông trở lại Viện Pasteur Paris cộng tác với  Émile Roux, Albert Calmette và Amédée Borrel tìm cách chế huyết thanh chữa bệnh dịch hạch.

Sau khi việc nghiên cứu hoàn tất, vài tháng sau, Yersin quay lại Nha Trang thành lập một phòng thí nghiệm để chế tạo huyết thanh tại Đông Dương. Yersin tin rằng  nếu Đông Dương có khả năng sản xuất đủ huyết thanh với lượng lớn thì giúp ích rất nhiều cho việc chữa trị khi dịch bệnh xảy ra tại Trung Hoa, bởi vì chỉ trong vài ngày thuốc có thể đến tay người bệnh, trong khi đó, nếu chở thuốc từ Pháp gởi sang thì phải mất hằng tháng và người nhiễm bệnh sẽ không sống sót trong khoảng thời gian đó.  Cùng với phòng thí nghiệm của Albert Calmette ở Sài Gòn, cơ sở nghiên cứu tại Nha Trang là tiền thân của Viện Pasteur Đông Dương.

Để có huyết thanh chế tạo thuốc, cần phải có nhiều máu.  Với uy tín sẵn có, Yersin xin chính quyền Đông Dương cấp đất để ông lập một trại nuôi ngựa cho mục đích này.  Năm 1896, chính quyền Đông Dương cấp cho Yersin trại Suối Dầu.  Ba năm sau (1899), Thường Trú Sứ của Pháp tại Trung Kỳ cấp cho Yersin thêm 500 mẫu đất tại Khánh Hiệp gần Diên Khánh.   Huyết thanh sản xuất từ những trại nuôi ngựa này đã giúp cứu sống hằng trăm người mắc bệnh dịch hạch tại Ấn Độ và Trung Hoa trong những năm về sau.

 

Theo thuvientinlanh.org 

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com 

Bình Luận:

You may also like