Home Dưỡng Linh Lời Xin Lỗi Muộn Màng

Lời Xin Lỗi Muộn Màng

by Ban Biên Tập
30 đọc


Hình ảnh của Mẹ và căn nhà nhỏ bé hơn 35 năm trước  chợt hiện rõ nét trong tâm trí con lúc bây giờ. Sau năm 1975, trong lúc mọi người đang khốn khó vì cái ăn chưa đủ no, Mẹ dắt tay con đến trường để xin nhập học, vì gia đình mới di tản từ Quy Nhơn vào Khánh Hòa, và lúc đó con học lớp 5. Xung quanh con ai cũng bảo Mẹ “Con gái nhà nghèo học chi nhiều”. Mẹ chỉ mỉm cười không nói gì (vì Mẹ rất ít nói mà).
Công việc nhà nông con không giúp được gì cho Mẹ nhưng được cái con rất chăm ngoan. Ở trường con học rất giỏi, ở nhà thờ cũng vậy. Ở đâu con cũng giành những phần thưởng cao nhất. Các thầy cô giáo khen. Cha, Thầy ở nhà thờ  cũng khen, những lúc như vậy con chỉ thấy Mẹ mỉm cười. Trước giờ ở Thành Phố, Mẹ đâu phải ở trong ngôi nhà Tole nóng nực, Mẹ đâu phải chân lấm tay bùn, gánh nặng vác nặng như thế này, nhưng Mẹ chưa bao giờ than van.

Năm nào con cũng được học sinh giỏi, năm cuối cấp II con lại được  đi thi giỏi Huyện, Mẹ lại mỉm cười. Nhưng rồi đến ngày con đi xem kết quả thi chuyển cấp về (đến bây giờ đã hơn 30 năm nhưng con vẫn không quên được hình ảnh ấy)… Mẹ đang giê lúa, nghe tiếng con chào “Thưa Mẹ, con mới về” rồi im lặng dắt xe vào nhà. Mẹ run lẩy bẩy, thúng lúa trên tay Mẹ rơi xuống, nhưng một mình Mẹ ráng dọn cho xong bao nhiêu lúa là lúa. Khuya hôm đó, bên nồi cám heo, lần đầu tiên trong đời con thấy Mẹ khóc. Lúc bấy giờ con không hiểu được Mẹ đau đớn buồn bã như thế nào. Con không biết tim Mẹ nhói đau ra sao ? Con không hiểu biết tâm trạng của một người Mẹ đặt bao nhiều kỳ vọng vào con, để cuối cùng nhận lấy một kết quả không như mình muốn. Con chỉ biết con là người đau khổ nhất trên trần gian này vì con đã thi rớt. Con chỉ thấy thương Mẹ thôi, chứ con không có lỗi gì cả, và con chưa nói lời xin lỗi Mẹ!

Chỉ bây giờ đây, khi con là người phụ nữ đã có hai con, sắp bước vào tuổi ngũ tuần, khi con của con có những lúc bỏ học, muốn bỏ thi, ba năm nay lại mê chơi, lười học… con mới thực sự hiểu được nỗi đau của Mẹ. Mẹ ơi, ước gì con được trở lại những ngày tháng bé bỏng bên Mẹ. ước gì bên cạnh con còn Mẹ, để con được nói lên lời… Mẹ ơi, con xin lỗi Mẹ… dù lời xin lỗi có muộn màng.

Nhưng vài ngày sau, nghe tin con được đậu vớt vì bài văn của con làm lạc đề chỉ có 1 điểm. Lần này Mẹ không chỉ mỉm cười mà bán luôn cả lứa heo để chuẩn bị cho con vào cấp III.

Cha thì già yếu, để có đủ cái ăn, cái mặc đã khó, còn lo cho hai chị em ăn học lại càng khó hơn. Đôi vai Mẹ gầy lại càng gầy thêm, lưng Mẹ đã còng lại càng còng thêm. Mắt Mẹ lại thâm quầng vì phải thức đêm thật khuya để lặt từng lá rau lang. Có hôm đến 2-3 giờ sáng trời mùa đông, gió thổi mưa phùn, con ngồi trong nhà êm ấm học bài… còn Mẹ, ni – lông nhựa thay áo mưa, nón lá đội đầu, hai giỏ rau lang ướt sũng nặng như chì đè nặng trên đôi vai gầy của Mẹ suốt từ nhà ra chợ, con đường dài hơn 5km, trong đêm khuya chỉ mỗi mình Mẹ.

Có những đêm cả gia đình đang ngon giấc, Mẹ lại nhẹ nhàng rón rén chất từng bó rau trên đôi giỏ sắt. Thương Mẹ quá, con năn nỉ Mẹ để cho con chở bớt để Mẹ khỏi phải nặng. Hai Mẹ con, trẻ dắt xe, già gánh nặng trong đêm khuya không một bóng  người. Có hôm đi đến Cầu Lùng, không biết mấy giờ, vì đồng hồ nhà bị hư, hai Mẹ con sợ quá tấp vào lò ấp vịt bên đường, ngồi chờ chuông nhà thờ đổ rồi mới dám đi, khi thì bán đắt, khi thì ít người mua. Có hôm ế lắm, nhưng vì con vội đi học, Mẹ vội đi làm, nên cả gánh rau, gánh công sức của Mẹ suốt đêm gần như biếu không cho người ta. Nhìn Mẹ đếm đi đếm lại từng đồng tiền lẻ, con xót xa từng khúc ruột. Con tự nhủ sẽ cố gắng học thật giỏi, kiếm thật nhiều tiền để Mẹ bớt khổ.

Năm cuối cấp III, mặc dù gia đình khó khăn, nhưng đêm nào Mẹ cũng có quà bồi dưỡng cho con học thi, khi thì trái bắp, trái chuối hoặc vài củ khoai, có hôm Mẹ còn pha nước chanh, hoặc mua cho con một ly sữa nóng ở tiệm café gần nhà, nhìn con thức khuya dậy sớm, học cả quên ăn quên ngủ, Mẹ vừa mừng vừa lo. Con biết Mẹ không nói ra, nhưng bao nhiêu hy vọng Mẹ đều đặt vào đứa con gái bé bỏng này.

Thế nhưng niềm hy vọng của Mẹ lại một lần nữa tiêu tan: Con đã không vào được Đại Học mà còn ốm một trận thập tử nhất sinh. Mẹ không có thời gian để buồn, để mà rơi nước mắt. Mẹ bận lo cho con vào TP để chữa bệnh thần kinh. Con khỏi bệnh, con không biết nói lời nào động viên an ủi Mẹ, nhưng ngược lại Mẹ lại an ủi con, nhưng con cũng chưa nói lời xin lỗi Mẹ!

Hết bệnh con chỉ biết chìm đắm trong nỗi buồn vì các bạn đều đã đi học xa. Thương con, có bao nhiêu vốn liếng Mẹ lại lo cho con vượt biên. Con lại xa gia đình để đi tìm tương lai của mình ở bên kia bờ đại dương.

Những hình ảnh Mẹ với đôi vai gáng nặng khi thì rau, khi thì cũi, chiếc quần đen lúc nào cũng xoắn đến gối, chiếc nón lá mỗi trưa nắng đi làm về với chiếc áo hai màu vải đẫm mồ hôi, và những cơn gió bấc làm Mẹ rét run  mỗi  chiều tối  mùa đông khi Mẹ đi cấy về. Và con nhớ đến tiếng chuông nhà thờ ngày hai lần, nhớ Ca – đoàn, nhất là các em thiếu nhi, khi mỗi tối thứ tư bên chiếc đàn harmonium con đàn cho các em trong buổi thánh lễ, chiều thứ 7, quét nhà thờ, ghi bảng, cắm hoa, sáng Chúa nhật học và dạy giáo lý… và rồi con đã chạy về… Vốn liếng của Mẹ đã không còn, dự định tương lai của con cũng không thành, nhưng Mẹ cũng không rầy la con, và con cũng chưa nói lời xin lỗi Mẹ!

Không còn được đến trường sau 12 năm miệt mài đèn sách. Không biết làm gì để  phụ giúp Cha Mẹ trong việc đồng áng (vì con là đứa con yếu ớt nhất nhà).
Ngày mai mình sẽ làm gì để nuôi sống bản thân? Để phụ giúp gia đình như lời mình đã từng hứa với chính mình. Rồi Mẹ lại dẫn con đi học may, mặc cho Cha không đồng ý. Con lại thành nghề, có học trò, thu nhập cũng tạm ổn. Con nghĩ  như thế là quá tốt rồi.

Thế nhưng “đứng núi này, trông núi nọ”, các bạn cùng lớp lại ra trường, làm việc Nhà Nước, thỉnh thoảng lại ghé thăm con. Nhìn các bạn trong trang phục cán bộ, nhân viên… con cảm thấy mình thua kém bạn bè quá! Con cũng mượn sách vở tài liệu của bạn bè để học hỏi và giải buồn. Lúc bấy giờ chỉ có Cha mới hiểu được con muốn gì. Cha lại lo cho con vào được chân kế toán Đội của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Thế là con vừa may vừa làm kế toán thanh toán trong Ban Quản trị. Cả gia đình ai cũng vui, xóm làng ai cũng gọi đùa “Chào cán bộ ạ” mỗi khi gặp con.

Hai mươi tuổi đời, bước chân vào xã hội với biết bao là nhiệt huyết, ước mơ, tin tưởng của tuổi trẻ. Con đường trước mặt mình ngỡ là màu  hồng. Con người xung quanh mình ngỡ rằng bạn hữu. Nhưng con đã đầu hàng vì những mưu sâu kế độc của những người bên cạnh, những người mà trước mặt mình thì chị chị em em ngọt ngào, còn sau lưng thì “nó là ai mà một bước lên mây”, và rồi con lại trở về với cô thợ may ngày nào, mặc cho Cha khuyên can, rầy la. Con nhớ mãi câu nói của Cha “Tao cho mày ăn học  cầm cây viết chứ không phải cầm cây kéo”. Con biết khó khăn lắm Cha mới tìm cho con được một công việc như vậy. Nhưng con còn quá trẻ để đối phó với sự đời lúc bấy giờ. Con biết Cha rất đau lòng, nhưng con chưa nói lời xin lỗi Cha !

Thời gian cứ êm đềm trôi qua với công việc hằng ngày và những người bên cạnh thân yêu trong gia đình, trong Giáo – xứ và xóm làng. Và rồi con đã gặp được nửa phần còn lại của đời mình. Một nửa phần còn lại ấy gia đình mình ai ai cũng thương yêu quý mến nhưng không ai muốn chấp nhận vì không cùng Tôn – giáo. Con nhớ mãi lời nói chân chất, thật thà của Mẹ “Cha Mẹ nuôi con cực khổ mấy cũng chẳng màng, chỉ mong con đừng làm điều gì để Cha Mẹ phải xấu hổ với dòng họ, xóm làng, nhất là trong ngày thành hôn. Đó là điều con đã trả hiếu với Cha Mẹ rồi”.

Lần thứ 2 con cãi lời Cha Mẹ, con đã lén Cha Mẹ, học giáo ký và thọ Thánh lễ báp têm tại nhà thờ Tin Lành Diên Khánh, Cha Mẹ cuối cùng  cũng phải chấp nhận. Lễ hỏi được tổ chức vào ngày 01.01. 1993, và đó cũng là lúc gia đình mình nghe điều ra tiếng vào “Maasouer mà bỏ đạo, người dạy đạo mà lại bỏ đạo”.
Và rồi Ban Giáo xứ đến tận nhà để gặp Cha Mẹ, Cha Mẹ thì lúng túng, con thì lo sợ vội lẻn vào bên phòng Cha, nép sát phòng khách để nghe lén. Giọng nói của Cha thật từ tốn, nhẹ nhàng, nhưng cũng thật kiên quyết: “Ai dám nói con tôi bỏ đạo, bỏ Chúa. Mấy chú biết Tin lành tin vào điều gì ? vào ai không? Tuy con tôi không cùng gia đình đi chung một nhà thờ nữa, tôi rất đau lòng; Nhưng tôi tin con tôi, vì con tôi không bỏ Chúa.”

Con thương Cha quá, Cha tuy ít gần gũi con gái nhưng Cha rất tâm lý và hiểu con gái, con muốn chạy ra ôm chầm lấy Cha và nói rằng “con xin lỗi Cha” nhưng con vẫn chưa nói lời xin lỗi Cha !

Và việc gì đến cũng phải đến, con nhớ mãi trước hôm cưới 10 ngày, khi nói chuyện với bên nhà trai, Cha có nói  rằng: “Tôi nuôi dạy con tôi từ nhỏ đến giờ chưa làm điều tiếng gì khiến chúng tôi phải xấu hổ.  Là bậc Cha Mẹ ai cũng muốn dắt tay con đến nhà thờ trong ngày cưới, nhưng chúng tôi không được phép  làm như vậy, nếu làm như vậy chúng tôi sẽ bị dứt phép thông công. Cho nên, tôi chỉ có một yêu cầu, khi nào con gái tôi bước chân vào nhà thờ làm lễ, xin họ đàng trai đến báo cho vợ chồng chúng tôi biết là đủ rồi”.

Ngày cưới, đại diện nhà gái chỉ có hai ông Cậu, ông anh rễ và đứa em trai, nhưng thật là cảm động vì trong xóm đạo, bạn bè và thầy cô giáo từ cấp I đến cấp III ai cũng tham dự mặc cho những lời răn đe từ Cha xứ. Quỳ trong Ngôi Thánh Đường, con cố gắng kiềm chế nuốt nước mắt vào tận trong lòng vì hình ảnh người Cha già nua, người Mẹ bệnh tật lại hiện ra, những lời nói của Cha Mẹ cứ văng vẳng bên tai con. Con thì thầm cùng Chúa “Lạy Chúa, con có phải là đứa con bất hiếu không? Chúa ôi! xin Ngài tiếp sức và an ủi  cho Cha Mẹ con có nhiều sức khỏe, con cám ơn Ngài.” A-men. Con vẫn chưa nói lời xin lỗi Cha Mẹ!

Cưới xong, vì công việc, con và chồng con được sống chung cùng Cha Mẹ. Con tưởng sẽ được cùng chị em mình phụng dưỡng Cha Mẹ trong tuổi già yếu. Nhưng ba tháng sau ngày cưới, Cha bị đau bụng trong một đêm và một buổi sáng. Con nhớ mãi gần 12 giờ trưa sau khi Cha ăn cháo và uống thuốc Cha nắm tay con và nói: “Con ở lại đây Cha nói cái này chứ một giờ chiều Cha đi rồi”. Con nắm tay Cha và nói: “Cha mệt rồi, nghỉ đi, thuốc thấm là hết bệnh, chiều đi chơi được rồi, chớ đi đâu mà đi.”

Rồi con đi ngủ lúc nào không hay. 13 giờ 15 phút con giật mình chạy lên phòng Cha. Cánh tay mà con đã nắm lấy đặt trên giường như đang tư thế muốn níu kéo, kêu gọi ai đó… đôi mắt Cha đã nhắm nghiền, con không tin đó là sự thật, nhưng sự thật thì tim Cha đã ngừng đập. Cha ôi, con ôm chặt lấy Cha, muốn gào thét, nhưng con không làm được. Con không được nghe lời cuối cùng của Cha mặc dù Cha đã năn nỉ con nghe, con hối hận vô cùng nhưng con vẫn chưa nói lời xin lỗi Cha!

Nỗi thương xót ân hận cứ dày vò tâm can con, những lời khuyên bảo dạy dỗ không còn nữa, ruột gan con như có ai cấu xé, con muốn còn Cha, …
Giờ chỉ còn mỗi Mẹ, con tự hứa sẽ chăm sóc Mẹ, sẽ đem đến thật nhiều niềm vui cho Mẹ, để Mẹ quên đi phần nào nỗi đau bệnh tật, nhưng nói thì dễ làm thật không dễ chút nào.

Hai đứa cháu ngoại của mẹ lần lượt ra đời trong ba năm, con lại phải xa Mẹ vào sống tạm trong công ty nơi chồng con đang làm. Bệnh thận và thoái hóa cột sống một ngày một nặng, con không thể tiếp tục nghề may, con đành phải xin vào công ty của chồng để làm công nhân. Mỗi ngày các con của con khôn lớn khỏe mạnh thì mỗi ngày sức khỏe của con giảm dần, suy kiệt, và thời gian dành cho Mẹ cũng không còn nhiều, cứ mỗi chiều 3 giờ sau khi tan ca con mới chạy vội về cùng Mẹ. Nghe tiếng thò tay vào cửa sổ phòng Mẹ, Mẹ lại hỏi: “Con H phải không? Làm về rồi àh?”

Con vội lấy tô, múc cháo vịt ra cho Mẹ, nhìn Mẹ ăn, lòng con thật vui, thật xót vì Mẹ rất thích ăn cháo vịt nhưng con mua rất ít thịt. Con thầm nghĩ lần sau lãnh lương mình  sẽ mua nữa con vịt để Mẹ ăn, nhưng niềm mơ ước của con chưa và sẽ không bao giờ thực hiện được vì sáng hôm mùng 5.5, con ghé Mẹ chơi vì cơ quan cúp điện, nấu cho Mẹ nồi cháo rồi chạy về vội vàng lo cơm nước cho chồng con, mặc cho Mẹ năn nỉ ở lại chơi với Mẹ, con hứa chiều con sẽ ra nhưng đến khi con ra thì không còn nghe tiếng Mẹ dồn dập hỏi “con H phải không?”, không còn có có hội lấy tô, lấy muỗng cho Mẹ ăn cháo, không còn cơ hội để mua cho Mẹ tô phở, vài cái trứng vịt lộn hay cái đùi vịt… không còn cơ hội để chọc ghẹo mỗi khi tắm cho Mẹ… không còn….. không còn nữa Mẹ ơi…!

Chỉ còn đây thân xác gầy gò, khô quắp sau gần 10 năm với chứng viêm đa khớp. Mẹ ơi, con muốn nói lời xin lỗi Mẹ nhưng không bao giờ được nói nữa vì Mẹ ơi đã quá muộn màng!

Cha ơi, đã hơn 18 năm con không còn Cha bên cạnh. Mẹ ơi, đã hơn 11 năm rồi, con không còn Mẹ bên cạnh, con nhớ Cha Mẹ nhiều nhất là mỗi khi xuân về. Còn nhớ ngày nào, trước tết chạy ra chạy vô nhà Cha Mẹ mua cái này cái kia. Sáng mồng Một thật là vui vẻ trong ngôi nhà của Cha Mẹ với những lời mừng tuổi, chúc tết và những đồng tiền mừng tuổi cho Cha Mẹ.

Bây giờ ngôi nhà của Cha Mẹ là hai nấm mồ thật đơn sơ nhỏ bé trong nghĩa trang. Con chỉ biết tìm đến nơi đó khi nhớ Cha Mẹ thật nhiều…

Hỡi các bạn, tất cả mọi tình cảm trên thế gian này đều có thể thay thế được nhưng hai đấng sinh thành dưỡng dục chúng ta thì không ai và cái gì có thể thay thế được, vậy nên:
“Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, như Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi có  phán dặn, hầu cho ngươi được sống lâu và có phước trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho”. (Phục truyền 5: 16)

Và mỗi khi dù cố tình hay vô ý làm cho Cha Mẹ đau lòng, chúng ta hãy biết hối cải và thành tâm xin Cha Mẹ tha thứ. Hãy biết xin lỗi, đừng để mọi việc trở nên muộn màng.

                             Tác giả: Hồ Thị Kim Hoa, Chi hội Tin Lành H. Diên Khánh, Khánh Hòa.
Nhân dịp ngày hiếu kính cha mẹ 16-5-2012, được sự đồng ý  của cô Hoa, tôi xin đăng lại lời tâm sự trước Hội Thánh trong ngày hiếu kính cha mẹ năm 2011.
Thanh Dinh
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com
Bình Luận:

You may also like