Home Tin tức Thần Học Viện Nha Trang, Ngày Ấy – Bây Giờ…

Thần Học Viện Nha Trang, Ngày Ấy – Bây Giờ…

by Ban Biên Tập
30 đọc

Hàng chục năm qua, những thế hệ sinh viên của Trường Đại học Nha Trang đã đi qua đi lại trên mảnh đất của Thần học viện của Hội thánh Tin lành Việt Nam, nhưng câu chuyện ẩn sâu về nó thì vẫn còn ở trong im lặng…


Từ trường Kinh Thánh Đà Nẵng đến Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang

Bàn chân thứ nhất đem Tin Lành đến Việt Nam là những giáo sĩ thuộc Hội truyền giáo Tin Lành (The Christian and Missionary Alliance) đến Đà Nẵng vào mùa xuân năm 1911. Sau tám năm hoạt động, các giáo sĩ đều ý thức rằng không có gì dễ dàng cho bằng chính người Việt đem Tin Lành cho người Việt. Để thực hiện chủ trương này, năm 1919, một lớp Kinh thánh dạy vào buổi trưa đã được mở ra tại nhà của giáo sĩ ở Đà Nẵng. Lớp Kinh thánh tư gia này là chịếc nôi của trường kinh thánh Đà Nẵng, được khai sanh vào năm 1021, tại một nơi vốn là chuồng ngựa. Khi nhà thờ bằng gạch của Hội Thánh Đà Nẵng xây cất xong vào năm 1922 thì một phòng hậu của giáo đường này được dùng làm phòng học cho trường Thánh Kinh thế cho chuồng ngựa. Đến năm 1928, một trường ốc mới, hai dãy cư xá cho học sinh và tư thất cho giáo sư với đầy đủ tiện nghi được hoàn tất…Tháng 3 năm 1943 quân đội Nhật chiếm đóng Đông Dương đã bắt buộc tất cả kiều dân Anh, Mỹ, trong đó có các giáo sĩ nước ngoài phải tập trung tại Mỹ Tho. Các khóa học bị gián đoạn cho đến năm 1948, khi các giáo sĩ nước ngoài quay trở lại Đà Nẵng, các khóa họ mới tiếp tục. Khoảng năm 1957 -1958, các tôi tớ Chúa có ý định thiên di trường Kinh Thánh vào Nha Trang để tiện cho con cái Chúa hai miền bấy giờ đến học. Ý Chúa được nên, tháng 6 năm 1960, trường kinh thánh Đà Nẵng thiên di vào Nha Trang và đổi tên là Thánh Kinh Thần Học Viện.

Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang ngày ấy…

Công cuộc xây cất, khởi vỡ đá, phá núi từ mùa hè 1958 đến giữa năm 1961 mới hoàn tất. Lễ khánh thành được cử hành vào ngày 9 tháng 1 năm 1961. Thánh Kinh Thần Học Viện được xây dựng trên một khu đồi trông ra biển. Công trình kiến trúc gồm có: một trường học rộng lớn, một nhà ba tầng làm Lễ Bái Đường, hai nhà lưu trú có thể chứa được 200 người, tư thất viện trưởng với sáu tư thất mục sư, văn phòng thư ký, một nhà thờ đủ chỗ cho sáu trăm người, một nhà ăn và một nhà bếp, kho chứa và hai gara để xe… Đây là một sự thay đổi theo đà lớn lên của Hội Thánh về cả hai phương diện hình thức và giáo dục.

Về hình thức, Thần Học Viện là một khu đại học, tọa lạc tại một vị trí khá ngoạn mục, khí hậu điều hòa, mát mẻ, rất thích hợp cho sự học hỏi và nghiên cứu.

Về giáo dục, trong quá trình những môn học đều được nâng cao hơn so với trường Kinh Thánh, cùng với những môn mới như: Hy văn, Lịch sử truyền giáo… Muốn được tốt nghiệp thì học sinh phải học hai năm tại Viện, sau đó đi ra hai năm thực tập, trong thời gian thực tập phải liên lạc với Viện để nhận những chỉ thị về những môn phải học hàm phụ. Phải học đủ chương trinh hàm thụ hai năm mới được trở về học năm thứ năm. Sau năm thứ năm các môn học phải thi và đậu thì mới được Viện cấp cho văn bằng tốt nghiệp. Để đáp ứng cho sự đòi hỏi của Hội Thánh mỗi ngày mỗi lớn mạnh với trình độ hiểu biết thuộc linh ngày càng cao hơn, Thần Học Viện đã mở lớp cao đẳng thần đạo bắt đầu từ niên khóa 1968 – 1969… Con đường từ Đà Nẵng vào Nha Trang xa hàng trăm dặm đã đánh dấu một bước tiến khá xa của trường Thánh Kinh cả về nội dung và hình thức. Đối với Hội Thánh ngày càng phát triển về mọi mặt thì Thần Học Viện phải là một cơ quan đáp ứng cho mọi nhu cầu về hiểu biết thuộc linh và lực lượng hoạt động cần yếu… (Trích Trường Kinh Thánh và Thần Học viện 50 năm 1921 – 1971)

 

Thần Học Viện ngày ấy…

Nỗi buồn hôm nay…

Trải qua nhiều biến động của thời cuộc và những thay đổi của lịch sử, trường học vẫn còn đó, Nhà thờ vẫn còn đó, khu nội trú vẫn còn đó… Tất cả những công trình kiến trúc vẫn còn nhưng Thánh Kinh Thần Học Viện giờ chỉ còn là quá khứ. Trên nền đất của Thánh Kinh Thần Học Viện bây giờ là trường Đại học Tôn Đức Thắng – cơ sở Nha trang. Các dãy phòng học cho tôi tớ Chúa khi xưa giờ đã trở thành lớp học cho sinh viên của trường. Tư thất giành cho các mục sư, nhà ăn, văn phòng… tất cả đều đã nhường chỗ cho kí túc xá, phòng tin học, phòng đào tạo của trường. Điều đáng đau lòng hơn hết là nhà thờ của Thần Học Viện, nơi thờ phượng Đức Chúa Trời đã bị sử dụng làm phòng thí nghiệm của trường Đại Học Nha Trang. Bàn ghế của nhà thờ vẫn còn nhưng không phải để phục vụ cho con cái, tôi tớ Chúa trong việc nhóm lại thờ phượng mà dùng phục vụ cho những người chẳng có lòng kính sợ Chúa.

Ngày 27 tháng 4 năm 2009, báo Người Lao Động đăng tin: “UBND tỉnh Khánh Hòa vừa thực hiện việc cắm mốc thực địa để bàn giao 28.145,4 m2 đất tại TP Nha Trang cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng xây dựng thêm cơ sở tại đây. Dự kiến cuối tháng 5-2009, dự án xây dựng cơ sở Nha Trang sẽ được khởi công với tổng vốn đầu tư cho công trình khoảng 200 tỉ đồng. Công trình còn có 2 khu kí túc xá phục vụ cho gần 1.000 sinh viên ”.

Trước đây khu đất này là Khách sạn Hòn Chồng do Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa quản lý. Nhưng thực chất đây là khu đất của Thần Học Viện bị nhà nước thu giữ.

Một sự thay đổi mới đây đã làm cho tôi con Chúa sống tại khu vực này bức xúc và đau lòng. Cây thập tự giá trên đỉnh nhà thờ của Thần Học Viện đã bị che khuất bằng tấm bảng hình tròn có ngôi sao ở giữa – biểu tượng của trường Đại Học Nha Trang. Một con cái Chúa đã tâm sự: “Lúc trước, từ nhà tôi nhìn lên trường Đại Học còn thấy cây thập tự giá. Hôm nay tôi hết hồn và rất buồn khi nhìn lên, không thấy cây thập tự giá nữa mà thấy biểu tượng của trường ”…

 

 

 

 

Nhìn lại quá khứ – quay về với thực tại chắc hẳn những ai đã từng gắn bó và yêu mến Thánh Kinh Thần Học Viện Nha trang sẽ không tránh khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy cơ sở nhà Chúa bị sử dụng với mục đích không phải hầu việc Chúa, trong khi hàng trăm tôi tớ Chúa không có nơi để học lời Chúa. Mặc dù Tổng Liên Hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) đã nhiều lần đưa đơn đề nghị Nhà nước trả lại những cơ sở này nhưng thời gian bao lâu vẫn là điều bấy lâu ở trong yên lặng… Trước những diễn biến gần đây, Tổng Liên Hội đã gửi thư cho toàn thế các Hội thánh trong nước và kêu gọi con cái Chúa khắp nơi cầu nguyện để Chúa làm việc. Chúng ta tin chắc một điều Đức Chúa Trời không chịu khinh dễ đâu. Bằng sự cầu nguyện, tin cậy và kiên nhẫn chờ đợi nơi sự thành tín Chúa của con cái Ngài khắp nơi, một ngày nào đó trong thời điểm của Chúa, Ngài sẽ làm điều vượt quá mọi sự cầu xin và suy tưởng của chúng ta. Miễn là chúng ta giữ lòng tin cho đến cuối cùng. Amen!

Hoàng My

Bình Luận:

You may also like