Home Tin tức Lớp Học Phim Tài Liệu – Sức Mạnh Công Cụ Media

Lớp Học Phim Tài Liệu – Sức Mạnh Công Cụ Media

by Ban Biên Tập
30 đọc

“Một quốc gia không có phim tài liệu giống như một gia đình không có cuốn Album”.

Nhận xét đó thêm phần cuốn hút tôi tham gia khóa học làm phim tài liệu lần này. Trước đó tôi đã nghe về viện Goethe với phòng phim tài liệu DocLab và rất muốn tham dự. Chỉ qua vài tuần học, tôi tạ ơn Chúa vô cùng vì mình đã được đến đúng chỗ.

Từ buổi học đầu tiên chúng tôi đã được làm quen với rất nhiều bộ phim tài liệu. Càng xem càng thấy phim tài liệu hay thật. Bộ phim “Mẹ và con” của ‘đạo diễn nhí’ Phan Huyền My, một học viên của trung tâm TPD do thầy Chuyên phụ trách, như đưa người xem vào chính gia đình của nhân vật, với những khác biệt về quan niệm sống của hai thế hệ. Mẹ dầu rất mực yêu thương, chăm chút các con hết lòng nhưng hay quát mắng, khắt khe, cấm đoán; trong khi cô con gái tuổi thiếu niên lại đầy những ước ao bay bổng như ép tóc, dùng di động, chơi sinh nhật bạn buổi tối…


Một cảnh quay trong phim “Mẹ và con”.

Phim tài liệu không chỉ cho người xem nhìn thấy hiện thực cuộc sống, nhưng còn đưa bất kỳ người nào ngồi trước màn ảnh bước vào hiện thực ấy. Đó chính là cốt lõi của giá trị hiện thực, giá trị nhận thức mang đến sự chia sẻ và đối thoại cho khán giả.

Xem phim “Trong hay ngoài tay em” (With or without me) của đạo diễn Trần Phương Thảo, tôi không thể nào thôi khắc khoải với những vật lộn của các nhân vật nghiện ma túy. Phim cho tôi thấy những giằng xé của cuộc chiến nội tâm vô cùng khốc liệt của những người nghiện thật sự, với những mũi tiêm, những liều chích, và bên cạnh họ là gia đình, người thân, là mẹ, là vợ, với biết bao nỗ lực giúp đỡ… Nhưng cuộc chiến vẫn chưa thể kết thúc. Đến tận cuối phim, khán giả vẫn phải trăn trở với số phận của từng nhân vật và mang theo hình ảnh họ vào tâm tưởng của mình.


Thi, một trong hai nhân vật chính trong phim

Thầy giáo của chúng tôi ví phim tài liệu như những ô cửa sổ mở ra cho người xem những thế giới hiện thực sống động nhất, dưới mỗi góc nhìn của người đạo diễn. Điều mà phim tài liệu ấn tượng nhất đối với tôi là phim tôn trọng sự thật như nó vốn có. Trong ấy không có diễn viên chuyên nghiệp, không có những cảnh quay và lời phỏng vấn được dàn dựng, không có tác động của những “nhà tuyên truyền” thi thoảng bẻ cong sự thật… tất cả đều là hiện thực như chính lương tâm của người cầm máy.

Những buổi học phim tài liệu, chúng tôi được hướng dẫn từ căn bản tới nâng cao. Từ đôi chút về lịch sử điện ảnh, sự chuyển động và tính chuyển động của phim, góc nhìn và cái nhìn điện ảnh, cho tới cách lấy được hình ảnh, âm thanh tốt nhất. Đúng là phải học mới biết. Hầu như các lỗi về tạp âm tôi gặp phải trước đây khi quay clip đều được đề cập trong bài “âm thanh và phỏng vấn” để khắc phục và lấy được âm thanh mong muốn. Những kinh nghiệm trên lớp cũng giúp tôi có được góc quay và những cỡ ảnh tinh tế hơn.

Lớp học làm phim cũng cho tôi làm quen với những người bạn tốt, những anh chị em trong Chúa với niềm đam mê tôn vinh Chúa qua ống kính máy quay. Cám ơn các bạn, cám ơn thầy giáo, cám ơn ban tổ chức lớp học, cám ơn Đức Chúa Trời tốt lành đã cho tôi tham dự “Lớp học phim tài liệu”.

Fap
Theo Loisusong

Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com 

Bình Luận:

You may also like