Home Bài Viết Tin Lành Về Nước Trời

Tin Lành Về Nước Trời

by Ban Biên Tập
30 đọc

Kính Thánh: Ma-thi-ơ 4:12-17
Câu gốc: “mà rằng: Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin đạo Tin Lành” Mác 1:15.

Dẫn nhập:
Nữ hoành Victoria của Anh quốc thỉnh thoảng vẫn đến thăm các khu phố tồi tàn của thành phố LonDon. Có lần bà vào một nhà nọ uống trà với một cụ già và khi cáo từ nữ hoàng hỏi: Thưa cụ! Tôi có thể giúp gì cho cụ được không? Bà cụ đáp: Vâng! Thưa nữ hoàng! Xin nữ hoàng gặp tôi ở Thiên đàng. Nữ hoàng quay sang bà cụ nhẹ nhàng nói: Vâng! Tôi sẽ có mặt ở đó, nhưng sở dĩ được như vậy là nhờ dòng huyết đổ ra trên Thập tự giá của Chúa Giê-xu vì cụ và vì tôi. Trong đời trị vì của nữ hoàng Victoria là người phụ nữ có uy quyền nhất trên thế giới, nhưng nữ hoàng vẫn nhờ đến huyết của Chúa Giê-xu để được cứu rỗi. Ngày nay nhiều người  không tin có Thiên đàng, Địa ngục, một số người thì ngược lại nhưng cũng có một số khác thì bất khả tri (không biết chi). Qua lời trình bày sau đây để quý độc giả thấy chân lý này được sáng tỏ trên nền tảng Thánh Kinh:

1/NƯỚC TRỜI ĐẾN GẦN – GIẢNG TIN LÀNH

“..Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó.
Trời đã ban cho ta cám ơn Trời dầu sống thương đau.
Mai kia chết rồi trở về cát bụi giàu khó như nhau..”

Đây là một đoạn trích trong ca khúc “Trở về cát bụi” của Lê Minh Bằng mà có thể bạn đã từng nghe. Lê Minh Bằng  đã ý thức thân phận phù du của con người, tuy ông chưa phải là Cơ đốc nhân nhưng ông vẫn nhận thức được rằng con người dù hoàn cảnh nào đi nữa cũng phải cám ơn Trời, bởi lẽ mai kia về bên kia thế giới giàu khó cũng như nhau, cũng chỉ là cát bụi mà thôi, cho nên khi đang sống trên đời luôn có sự tể trị của ông Trời.

Là con của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-xu Ngài cũng là Đức Chúa Trời (Giăng 1:1) mọi nơi mọi lúc Ngài ở với chúng ta, thì nước Thiên đàng cũng ở đó. Bởi vậy, ở bất cứ nơi đâu và khi nào có con Đức Chúa Trời ngự trị giữa kẻ theo Ngài thì ở đó là nước Đức Chúa Trời.

Thánh ca 274 diệu vinh thay bình an do W.S.Warshall dịch lời của Marie Payne Fergusan có những lời như sau:

Từ ngày Thần linh xuống nơi trần đây
Vui mừng đầy dường dòng sông dẫy
Ai mời Ngài nay. Chúa vô lòng ngay
Tâm hồn này nên đền Chúa xây..

Kìa thật Thần linh giáng lâm lòng tôi
Như mưa dồi từ trời tuôn xối
Như mặt trời soi sáng không hề thôi
Ôi trọn đời vui thật quá vui..

Dường ruộng phì nhiêu lắm hoa đẹp xinh
Cây công bình mọc chồi đâm nhánh
Như dòng trường sinh tưới hoa màu xanh
Sa mạc thành phong điền Thánh linh.

Nơi đâu có sự hiện diện của Đức Chúa Trời thì nơi đó là Thiên đàng. Bởi vậy, người Pha-ri-si đã hỏi Chúa (các nhà lãnh đạo Tôn giáo Do Thái chủ trương giữ luật pháp Môi-se nhưng cố tình làm trái ngược luật pháp ấy): Khi nào nước Đức Chúa Trời sẽ đến? Chúa Giê-xu trả lời rằng: Nước Đức Chúa Trời đến một cách không rõ ràng, vì này nước Đức Chúa Trời ở trong lòng các ngươi”, do đó chúng ta nhận biết Chúa và tiếp nhận Ngài vào lòng để Ngài sống và ngự trị  trên đời sống chúng ta thì chúng ta kinh nghiệm Thiên đàng. Khi Giăng Bap-tit gởi môn đệ của ông đến hỏi Chúa Giê-xu rằng: Thầy có phải là Đấng phải đến hay là chúng tôi phải đợi đến Đấng khác? Chúa Giê-xu đã trả lời với môn đồ Giăng như sau: Cứ về thuật lại những việc mà anh em đã chứng kiến tại đây: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, người điếc được nghe, người nghèo được nghe Phúc âm, người chết được sống lại và Ngài nhắn thêm: “Phúc cho người nào không nghi ngờ ta” Ma-thi-ơ 11:4-5. Ai đi bộ trên mặt nước, ai ra lệnh cho bão tố vô tri dừng lại, ai hóa bánh cho đến bảy ngàn người ăn no khi đoàn dân đang đói? Đang khi Giăng hỏi nước Đức Chúa Trời đến chưa Thì Chúa Giê-xu xác nhận rằng Nước Thiên đàng đang hiện diện nơi đây và đưa chứng cớ cho Găng Báp-tít thấy. Những phép lạ đầy dẫy trong Kinh Thánh và đang thể hiện ngày hôm nay. Chúng ta khó bề chấp nhận nhất là những ai quen suy nghĩ logic khoa học. Nhưng câu hỏi được đặt ra: Sức mạnh nào đã khiến hàng tỷ người trên thế giới trong đó có hầu hết các nhà khoa học vĩ đại tin vào Kinh Thánh và biết bao nhiêu con người đã được biến đổi cuộc đời khi họ tìm kiếm và gặp được Chúa, gặp được Thiên đàng trong lòng họ.

Bài giảng trên núi của Chúa Giê-xu được xem là tuyên ngôn của nước Trời gồm có 8 phước lành, phước đầu tiên Chúa Giê-xu dạy “Phước cho ai biết tâm linh mình nghèo khó vì sẽ hưởng nước trời” Ma-thi-ơ 5:3(bản diến ý). Tâm linh nghèo khó là gì? Là cuộc đời sống của một người không có Chúa, người ấy đang tuyệt vọng, người ấy đang là nô lệ cho tội lỗi, cuộc đời bị trói buộc trong dục vọng, bất an, người ấy cần được giải thoát, tự do, người ấy đang bị buồn chán, cô đơn, người ấy thiếu tình yêu thật, đang đau khổ, đang bị bệnh tật, cần sự giải cứu sẻ chia, cần đến ánh sáng cho cuộc đời vì phía trước là cả một tương lai tối tăm, cuộc đời đang trống rỗng, người ấy đang thiếu hạnh phúc, tâm hồn là một khoảng trống vắng và buồn tênh. Bạn đang đi tìm hạnh phúc nhưng sẽ thất vọng mặc dù đang có học thức, kỷ luật, đạo đức, tự bỏ mình hy sinh cho cá nhân, sống trong sạch, biến cải xã hội tất cả điều đó dĩ nhiên là tốt vì cần thiết nhưng những điều đó không đáp ứng cho tâm linh đang nghèo khó của bạn. Tại sao lại thế? Tâm linh bạn đang thiếu nước Trời, bạn sẽ được lời Chúa phán ngọt ngào: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và nặng gánh ưu phiền, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” Ma-thi-ơ 11:28-30. Và “Kẻ trộm chỉ đến cướp giết và hủy diệt, còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống , và được sự sống dư dật” Găng 10:10.

Vậy, muốn hưởng được nước Trời bạn phải làm gì?

2/HÃY THAY ĐỎI TẤM LÒNG VÀ TIN ĐẠO TIN LÀNH

Từ đó Chúa Giê-xu bắt đầu giảng dạy: Hãy ăn năn tội lỗi và quay về với Thượng Đế vì nước Trời đến gần. Tin Lành hay Phúc âm trong tiếng Hy Lạp là Evangelion. Vậy, Tin Lành là gì? Tin Lành là một Tôn giáo? Đúng, Tin Lành là một Tôn giáo mà nhà nước Việt Nam đã công nhận tư cách pháp nhân 2001, mà hiến pháp đã hiến định và người dân đang tự do theo tín ngưỡng của mình. Khổng Tử  có câu “Tiêu nghe đạo tịch tử khả hỷ” nôm na là: Buổi sáng nghe được đạo thì buổi tối có chết cũng thỏa lòng. Chắc quý vị đã nghe nói về Tôn giáo, về đạo nhiều rồi, đúng như vậy, mọi người Việt Nam đều biết phân biệt điều lành, điều dữ, ai cũng biết ở hiền gặp lành, ai cũng muốn ăn ngay ở lành, chịu ảnh hưởng của Nho giáo, Khổng giáo. Người Việt Nam cần quý trọng đạo làm người, biết ơn Quân – Sư – Phụ, biết giữ trung, hiếu, tiết, nghĩa. Còn trong ngũ thường người Việt trân trọng giữ gìn nhân, nghĩa, lễ, trí, tín:

“Làm trai học đạo thánh hiền
Năm hằng chẳng trễ, ba giềng chớ sai”

Chữ hiếu được người Việt đặt lên hàng đầu:

“Nhân sinh bách hạnh Hiếu vi tiên
Chữ rằng mộc bổn thủy nguyên
Làm người phải biết tổ tiên ông bà”

Bổn phận hiếu để được minh giải thêm:

“Thờ cha mẹ ở hết lòng
Ấy là chữ Hiếu ở trong luân thường
Chữ Đễ có nghĩa là nhường
Nhường Anh, nhường Chị, lại nhường người trên
Ghi lòng tạc dạ chớ quên
Con em phải giữ lấy nền con em”

Người Việt biết phân biệt chân giả, đúng sai trong từng tín ngưởng thực hành:

“Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”

Hoặc ai nấy đều đồng ý:

“Dẫu xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phước cứu cho một người”.

Đa số người Việt chúng ta sùng đạo, không theo Tôn giáo này thì cũng theo tín ngưởng kia, từ đó người Việt Nam cứ quan niệm đạo nào cũng tốt cả, đạo nào cũng dạy người ta làm lành lánh dữ, vậy đạo Tin Lành là đạo dạy người ta tin để làm lành, thì không cần theo vì mình đã có đạo rồi, thậm chí đạo mình đang theo còn đông hơn đạo Tin Lành nữa.

Thưa quý vị cùng các bạn thân mến!
Nếu truyền cho người Việt Nam một Tôn giáo dạy người ta làm lành thì chỉ bằng thừa mà thôi, vì từ nhỏ đến lớn ai ai cũng biết làm lành lánh dữ kia mà. Vấn đề ở đây là con người cần ý thức là làm lành nhưng không đủ khả năng làm cho trọn vì có câu:

“Chung thân hành thiện, thiện dư bất túc
Nhất nhật hành ác, ác tự hữu dư”.

Tạm hiểu là: Trọn đời làm lành, lành vẫn không đủ, một ngày làm ác, ác tự dư thừa.

Nói tóm lại, Tin Lành là tin tức tốt lành nhất cho nhân loại, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Con người đã và đang khao khát tìm kiếm tin tức tốt lành, đó là tin tức con người được tha tội và con người được phục hòa lại với Đức Chúa Trời. Thế giới hôm nay đang chiến tranh từng ngày, từng giờ xảy ra, chúng ta đều thấy chết chóc, đói khổ, bệnh tật, nhưng cuộc chiến quan trọng nhất  là cuộc chiến tranh giữa con người với Thượng Đế. Nếu ai biết đến Giê-xu là Chúa Cứu Thế của đời mình và chưa đầu phục Ngài, tôn Ngài làm Chúa thì người ấy kể như là đang tranh chiến với Ngài.

Kinh Thánh chép: “Mọi người đều đã phạm tội hụt mất dự vinh hiển của Đức Chúa Trời” Rô-ma3:23. Con người đã đánh mất người thân, đánh mất chính con người thật của mình, họ không biết họ đến từ đâu? Tại sao họ sống trên đất này? và sau khi chết họ sẽ về đâu?…

Tin Lành của Đức Chúa Trời đến cho nhân loại đó là:
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con  không bị hư mất mà được sự sống đời đời” Găng 3:16. Tin Lành đó chính là Đức Chúa Jêsus-Christ. Nơi nào Tin Lành này được giảng ra, đó là những nơi Chúa Giê-xu vận hành những điều tốt lành xảy ra, kẻ mù được thấy được chữa lành, kẻ nghèo, kẻ lưu lạc được tôn trọng, những kẻ bại hoại xấu xa như người Sa-ma-ri, kẻ thâu thuế như Xa-chê được nếm trải sự vui mừng, vì thế Chúa Giê-xu phán: “Hãy tin đạo Tin Lành” có ý Ngài nói rằng: “Hãy tin ta là Jêsus-Christ”. Ngài đồng hóa chính Ngài với Tin Lành của Ngài bởi Ngài nói rằng: “Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn hễ ai vì cớ Tin Lành mà mất mạng sống mình thì sẽ cứu được” Mác 8:35. Hãy ăn năn và tin đạo Tin Lành. Vậy ăn năn là gì?

Trong cuốn đại tự điển của Nguyễn Lâm có giải thích: “Ăn năn là hối hận vì đã lầm lỗi”, nếu chúng ta tra xem một vài cuốn sách khác thì ý nghĩa cũng tương tự “cảm thấy buồn rầu và hối tiếc” nhưng Chúa Giê-xu dùng từ này ý nghĩa sâu sắc hơn. Theo nguyên văn trong tiếng Hy Lạp và Do Thái cổ thì ăn năn có nghĩa là “thay đổi hay quay trở lại”, đó là từ hàm ý một sự thay đổi diễn ra bên trong con người. Kinh Thánh kêu gọi chúng ta ăn năn về tội lỗi và đó có nghĩa là chúng ta phải xây bỏ tội lỗi và tất cả những gì thuộc về tội lỗi. Ăn năn chỉ có nghĩa khi nó đươc thể hiện qua hành động cụ thể của mỗi chúng ta. Chúa Giê-xu giảng Tin Lành của Đức Chúa Trời kêu gọi:
“Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần, các ngươi hãy ăn năn và tin đạo Tin Lành” Mác 1:15.

Thi sĩ Tường Lưu là một cây đại thụ của nền thi ca Cơ đốc với hàng nghìn tác phẩm qua nhiều thi tập rất cảm động và sâu sắc, ông cảm tác câu chuyện ngụ ngôn trong Kinh Thánh trong Tin Lành Lu-ca 15 về người con trai hoang đàng, ăn chơi trác táng, lêu lổng nhưng rồi đến lúc sức cùng lực kiệt phải ăn năn và quay về nhà cha của mình với mấy câu thơ sau đây:

“..Thử đường mình, anh biết rồi! Hư hỏng
Những năm dài sống bệ rạc, bê tha
Anh trở về. Anh nhận tội cùng cha
Con không đáng làm con của cha nữa..”
(Trích Tâm Linh thi tập 13)

Ca Thương 3:40 có chép “..Chúng ta hãy xét và thử đường mình, trở về cùng Đức Giê-hô-va”. Cũng chính nhà thơ đã soi rọi lòng mình bằng những câu của đoạn kết bài thơ “Xét lại đường mình”:

“..Tôi xét lại..đường tôi đi! Biết rõ
Là con đường tội lỗi, đường diệt vong
Tôi trở về với tất cả tấm lòng
Cha Từ Ái dang đôi tay chào đón”.
(Tâm Linh thi tập 13)

Chúa đang chờ đón quý vị và các bạn quay về để hưởng được nước Trời, vì nước Trời đang ở trong lòng quý vị và các bạn ngay hôm nay.

Muốn thật hết lòng.

Hồ GaliLê – 2013
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com 

Bình Luận:

You may also like